Người Kim Sơn chống dịch

Đức Sơn - Phạm Sỹ 13/05/2021 08:00

Với dân số lên tới 14.000 người nhưng những ngày này, tại vùng dịch Kim Sơn (huyện Gia Lâm, Hà Nội) trở nên vắng vẻ. Người dân bảo nhau đóng cửa ở nhà phòng dịch, còn cán bộ gồng mình làm việc, thậm chí ăn, ngủ, nghỉ luôn tại các chốt, tại trụ sở UBND xã để sẵn sàng chiến đấu với dịch bệnh.     

Trước chốt kiểm soát tại thôn Linh Quy Bắc, xã Kim Sơn. Ảnh: Quang Vinh.

Là “tâm dịch” của xã Kim Sơn với 6 trường hợp mắc bệnh Covid-19, những ngày này thôn Linh Quy Bắc được phong tỏa, cách ly hoàn toàn. Tất cả các ngõ ra vào thôn đều được lập chốt kiểm soát nghiêm ngặt với phương châm “nội bất xuất, ngoại bất nhập”. Hơn hai nghìn hộ dân trong thôn đóng cửa kín mít, đường làng, ngõ xóm vắng hoe.

Nội bất xuất, ngoại bất nhập

Chia sẻ với phóng viên, bà Xuất, một người dân thôn Linh Quy Bắc cho biết, những gia đình thuộc diện nghèo ở thôn đều được cung cấp nhu yếu phẩm như mì tôm, gạo, rau củ. Cuộc sống trong thôn hiện tại vẫn diễn ra bình thường. “Nhà nào ở yên nhà đó, hạn chế đi ra ngoài. Hàng quán trong thôn bây giờ đã đóng cửa hết. Nhiều khi muốn mua đồ phục vụ cho cuộc sống sinh hoạt cũng không được, đành phải gọi cứu trợ từ người thân bên ngoài gửi vào”.

Bà Xuất mong muốn phía chính quyền có hướng tháo gỡ để người dân có thể tiêu thụ những nông sản đang đến kỳ thu hoạch. “Hoa quả đã đến kỳ thu hoạch thì phải làm sao cho người dân tiêu thụ. Cả năm trời chăm sóc được buồng chuối nhưng bây giờ không bán được, để thì chuột bọ phá hoại. Nhà tôi trồng 6 sào chuối, cũng may vừa rồi người ta mua non cho được một ít. Nhưng còn lại vẫn chưa thu hoạch được”, bà Xuất lo lắng.

Cùng chung tâm trạng, ông Lưu Hoàng Thắng chia sẻ, cuộc sống của người dân trong thôn Linh Quy Bắc cũng như thôn Linh Quy Đông vẫn diễn ra bình thường. Mọi người vẫn được cơ quan chính quyền quan tâm và nhắc nhở trong việc phòng chống dịch bệnh. Bên cạnh đó là sự giúp đỡ, ủng hộ người dân như phát rau, phát khẩu trang đến từng nhà.

Trước tình hình dịch bệnh trên địa bàn có nguy cơ kéo dài trong thời gian tới, ông Thắng cũng bày tỏ lo ngại cho cuộc sống của gia đình cũng như người dân trong thôn: “Nhà tôi có mấy ông anh trồng chuối nhưng không thể thu hoạch và không thể bán được cho ai. Mong rằng các cấp chính quyền tạo điều kiện cho các gia đình thu hoạch nông sản và hỗ trợ cho người dân có thể tiêu thụ được. Bên cạnh đó, những gia đình chăn nuôi gia súc, gia cầm… cũng gặp khó khăn về nguồn thức ăn cho vật nuôi. Mong chính quyền có cách nào đó tạo điều kiện hỗ trợ”, ông Thắng chia sẻ thêm.

Đang mang bầu 6 tháng, sắp đến đợt khám định kỳ chị Nguyễn Thị Thu Hằng có chút lo ngại: “Cuộc sống của gia đình tôi vẫn bình thường. Nhưng riêng tôi lo ngại nhất là giờ mà có đi khám, kiểm tra thai người ta cũng chẳng tiếp nhận. Đặc biệt với những gia đình có trẻ nhỏ cũng sẽ khó khăn hơn vì trẻ con ăn uống hơi khác một chút. Nhiều khi không có điều kiện đi mua những đồ phù hợp với các con”.

Ông Nguyễn Chu Anh, Trạm trưởng Trạm Y tế xã Kim Sơn cho biết, tất cả các cấp chính quyền tập trung vào cuộc, nhân dân đồng lòng ủng hộ về cả tinh thần và vật chất. Đối với Trạm Y tế xã Kim Sơn thì chỉ có 6 người, 100% túc trực ở trạm 24/24h, mọi người mang quần áo đến ăn ở tại đây để tập trung cho công tác phòng chống dịch trên địa bàn.

Theo ông Anh, về cơ bản vật tư, thuốc men đầy đủ. Nhưng nhân lực cũng mỏng nên khi làm công tác vừa chống dịch, vừa truy vết và khám chữa bệnh bảo hiểm cho những người bệnh mãn tính không thể cấp thuốc ở trạm y tế. Ở những thôn bị phong tỏa mà có người ốm đau thì sẽ cử người đến nhà để khám.

Tiếp tế cho người dân trong khu vực cách ly ở xã Kim Sơn. Ảnh: Quang Vinh.

Trụ sở xã cũng là nhà

Ông Nguyễn Viết Thắng, Chủ tịch UBND xã Kim Sơn cho biết, hiện, xã Kim Sơn có 9 ca F0, 113 trường hợp liên quan đến F1 cách ly tập trung trên thị xã Sơn Tây. 256 trường hợp liên quan đến F2 và F3 dự kiến 360 trường hợp.

Sau khi xuất hiện trường hợp F0, ban đầu cả chính quyền xã và nhân dân đều rất lo lắng. Trước đây xã đã xây dựng phương án chống dịch nhưng chỉ là trên lý thuyết thôi. Khi thực tế dịch xảy ra đôi khi xử lý còn lúng túng nhưng tất cả nay đã được khắc phục.

Ngay sau khi có dịch, xã đã kích hoạt toàn bộ hệ thống tổ Covid cộng đồng. Hiện nay Kim Sơn có 9 tổ Covid và 50 nhóm Covid cộng đồng. Ông Thắng cho biết, xã ban hành quyết định cách ly cả 4 thôn có trường hợp F0 gồm Linh Quy Bắc, Linh Quy Đông, thôn Cây Đề và thôn Ngổ Ba; trong đó riêng thôn Linh Quy Bắc có hơn 2.000 dân, có 6 ca F0. Còn các thôn khác không có ca F0, xã lập các chốt mở, không cho người từ vùng dịch đi vào. Người lạ từ nơi khác vào phải khai báo y tế hoặc là không cho vào. Chỉ người dân ở thôn đấy đi làm, hay đi ra ngoài cũng phải khai báo y tế.

Hiện tại, xã lập 16 chốt kiểm soát, chốt 24/24 gồm công an, quân sự, y tế, dân quân tự vệ kiểm soát nghiêm ngặt. Ông Thắng cũng cho biết, về việc cung cấp nhu yếu phẩm cho người dân vùng cách ly, xã đã có phương án báo cáo với UBND huyện thống nhất phương án khảo sát nhu cầu của các hộ thông qua các tổ giám sát cộng đồng. Xã đã trang bị cho các thôn một hòm thư. Mỗi tổ Covid cộng đồng ở các thôn sẽ quản lý từ 30-50 hộ. Các hộ dân sẽ liệt kê nhu yếu phẩm cần thiết trong những ngày tới để ra hộp thư. Nhóm Covid cộng đồng sẽ tổng hợp lại qua trưởng thôn. Các trưởng thôn sẽ báo cáo xã và xã sẽ liên hệ với huyện để các đơn vị cung cấp. Cho tới giờ, người dân chưa phải bỏ tiền ra mua nhu yếu phẩm. Xã cũng nhận được hỗ trợ nhu yếu phẩm từ nơi khác.

“Cán bộ y tế, cán bộ xã làm việc rất vất vả và quá tải, ban đêm vẫn phải ra kiểm tra tại các chốt. Riêng tôi suốt từ ngày 8/5 đến giờ dường như làm việc, ăn ngủ tại trụ sở UBND xã luôn chứ không về nhà. Những lúc rảnh, chúng tôi chỉ tranh thủ về nhà tắm rửa hoặc làm việc cần thiết rồi ra xã để ứng trực và xử lý công việc ngay. Cán bộ xã mà nhà ở vùng cách ly phải ở xã để làm việc. Việc cán bộ xã ăn ngủ ở trụ sở diễn ra ít nhất phải 21 ngày… Tình hình dịch bệnh trong thời gian tới là rất phức tạp nên chúng tôi không thể lơ là, chủ quan chút nào cả”, ông Thắng chia sẻ.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Người Kim Sơn chống dịch

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO