Người lao động chờ hỗ trợ

Điền Bắc 20/09/2021 06:35

Nghị quyết 68 (NQ68) và Quyết định 23 về một số chính sách hỗ trợ người lao động, người sử dụng lao động gặp khó khăn do dịch Covid-19 được người dân rất mong chờ. Tuy nhiên, tại tỉnh Nghệ An, việc triển khai chính sách này khá chậm chạp.

Làm hồ sơ 2 tháng vẫn… chờ

Ngay sau khi Chính phủ bàn hành Nghị quyết 68 (NQ68) và Quyết định 23 về một số chính sách hỗ trợ người lao động (NLĐ), người sử dụng lao động (NSDLĐ) gặp khó khăn do dịch Covid-19, tỉnh Nghệ An đã ngay lập tức ban hành Quyết định 22 quy định hỗ trợ NLĐ không có giao kết hợp đồng lao động (HĐLĐ) và một số đối tượng đặc thù khác gặp khó khăn do dịch Covid-19 trên địa bàn.

Người dân ngóng chờ chính sách hỗ trợ nhanh chóng đi vào thực tiễn. Tuy nhiên, việc triển khai chính sách này tại nhiều địa phương trên địa bàn tỉnh Nghệ An vẫn còn chậm.

Mưu sinh bằng nghề cắt tóc hơn 10 năm, song từ tháng 6/2021 đến nay, anh Nguyễn Văn Thục (trú tại xóm 5, xã Hưng Lộc, TP Vinh, Nghệ An) đã phải nghỉ do dịch Covid-19. Theo quy định, anh Thục nằm trong diện được hỗ trợ theo NQ68. “Sau khi được thông báo, tháng 6/2021 tôi đã làm hồ sơ gửi cán bộ xóm. Chờ mãi không thấy được gọi nhận chế độ hỗ trợ, thì mới đây, xã lại gọi lên để bổ sung thêm một số giấy tờ. Và chưa biết khi nào sẽ được nhận”- anh Thục chia sẻ.

Đồng cảnh ngộ, vợ chồng anh Nguyễn Anh Tuấn (trú ở xóm Mỹ Trung, xã Hưng Lộc, TP Vinh) thuê ki ốt mở quán cắt tóc ở khối Tân Phúc, phường Hưng Dũng đã 14 năm. Chỉ tính riêng từ đầu năm 2021 đến nay, vợ chồng anh Tuấn phải đóng cửa quán khoảng 3 - 4 đợt. Đến thời điểm hiện tại, đã hơn 1 tháng trời vợ chồng anh Tuấn không có việc làm, cuộc sống ngày càng khó khăn vì thất nghiệp. Anh Tuấn cho biết, cách đây khoảng gần 2 tháng, anh đã làm hồ sơ để nhận hỗ trợ bởi ảnh hưởng của dịch Covid-19 theo hướng dẫn của chính quyền phường. Tuy nhiên, đến nay cả 2 vợ chồng anh vẫn chưa nhận được một đồng hỗ trợ nào.

Nhiều huyện triển khai chậm

Được biết, đến nay việc thực hiện hỗ trợ NLĐ và NSDLĐ gặp khó khăn do dịch Covid-19 theo NQ68 ở Nghệ An đạt kết quả rất thấp. Ông Vũ Xuân Long - Phó Chánh Văn phòng Sở LĐTB&XH cho biết: Đến ngày 16/9, toàn tỉnh có 14 địa phương trình hồ sơ để Sở LĐTB&XH duyệt, còn 7 địa phương vẫn chưa trình 1 hồ sơ nào. Khi được hỏi, 7 địa phương “chậm” triển khai là những huyện nào, ông Long từ chối cung cấp. Cũng theo ông Long, tính đến sáng ngày 16/9, Sở LĐTB&XH tỉnh Nghệ An đã phối hợp với Sở Tài chính trình UBND tỉnh Nghệ An cấp kinh phí hỗ trợ 9 đợt cho hơn 6.500 đối tượng với số tiền hơn 10 tỷ đồng.

Để rõ hơn, chúng tôi đã tới một số địa phương để tìm hiểu. Theo bà Nguyễn Thị Lộc, Phó phòng LĐTB&XH, UBND huyện Nghi Lộc, tính đến nay, toàn huyện Nghi Lộc đã có 237 đối tượng được hỗ trợ với số tiền hơn 307 triệu đồng. Trong đó, nhóm ngừng việc đã có 4 doanh nghiệp với 54 lao động được hỗ trợ; nhóm F1 đã có 127 trường hợp được hỗ trợ 169 triệu đồng; nhóm lao động tự do 56 trường hợp với 84 triệu đồng.

Tại huyện Hưng Nguyên, qua số liệu từ Phòng LĐTB&XH huyện cung cấp, tính đến sáng ngày 15/9, chỉ mới duy nhất 1 công ty đóng trên địa bàn với 72 lao động đã được hưởng hỗ trợ với tổng số tiền 130 triệu đồng. Riêng các nhóm còn lại, đến nay chưa có đối tượng nào được nhận. Bà Dương Thị Thanh Nhàn - Phó Trưởng phòng LĐTB&XH, UBND huyện Hưng Nguyên cho biết: Nguyên nhân do thời gian vừa qua địa phương thực hiện giãn cách toàn xã hội theo Chỉ thị 16 của Chính phủ nên người dân không làm hồ sơ sớm được. Ngoài ra, đối với một số nhóm đối tượng, cần có thời gian niêm yết công khai để người dân giám sát nên đến nay số lượng người được hỗ trợ vẫn còn thấp.

Nói là vậy, nhưng theo Quyết định 22, đặc biệt là công văn 6051 ngày 6/9/2021 của UBND tỉnh Nghệ An nêu rõ: Tập trung triển khai tốt việc tiếp nhận, giải quyết hồ sơ trực tuyến, qua bưu điện, qua dịch vụ công trực tuyến; đơn giản hóa thủ tục, đảm bảo quy định, phù hợp với tình hình, diễn biến dịch Covid-19 trên địa bàn. Kịp thời tháo gỡ khó khăn, vướng mắc ngay tại cơ sở; thông tin để người dân, doanh nghiệp biết. Ông Vũ Xuân Long - Phó Chánh văn phòng Sở LĐTB&XH tỉnh Nghệ An khẳng định: “Đối với những địa phương áp dụng công nghệ thì việc triển khai rất nhanh. Tuy nhiên, việc giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16 cũng là một nguyên nhân khiến việc triển khai chính sách hỗ trợ bị chậm”.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Người lao động chờ hỗ trợ

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO