Người lao động trong bão dịch Covid-19

Tuệ Phương 24/08/2020 07:25

“Cơn bão” mang tên Covid-19 quay trở lại đã kéo theo rất nhiều hệ luỵ cho công nhân, người lao động. Trong 6 tháng đầu năm, cả nước xảy ra 91 cuộc ngừng việc tập thể, trong đó, có 11 cuộc ngừng việc do công nhân lo sợ nguy cơ nhiễm bệnh.

Theo thống kê từ Tổng LĐLĐ Việt Nam, cả nước có khoảng 5 triệu lao động bị ảnh hưởng trực tiếp bởi dịch Covid-19. Trong đó bao gồm: Mất việc, giãn việc, nghỉ việc luân phiên, ngừng việc, tạm hoãn hợp đồng lao động, nghỉ việc không lương. Những lao động này tập trung ở các ngành: Hàng không, du lịch, dịch vụ lưu trú, ăn uống, may mặc, da giày, bán buôn, bán lẻ, chế biến, chế tạo…

Khảo sát tại nhiều doanh nghiệp, những tháng tới người lao động và doanh nghiệp bị ảnh hưởng bởi Covid-19 có thể tăng thêm. Hiện nhiều doanh nghiệp đang lên kế hoạch giảm số lượng lao động; có doanh nghiệp dự kiến giảm khoảng 50% - 60%.

Anh Ngô Mạnh Hùng, làm việc tại Công ty TNHH Nissei Electric, Khu công nghiệp Bắc Thăng Long (Hà Nội) khá buồn khi đồng nghiệp của anh nhiều người phải nghỉ việc, giờ công ty khá vắng vẻ. Do ảnh hưởng của dịch bệnh, Công ty chưa xuất hàng đi được cho nên đành giảm nhân sự bằng cách người nào đến hạn hợp đồng thì báo trước rồi cho nghỉ. Còn một số khác, tạm ngừng hợp đồng lao động luân phiên.

Anh Hùng cho biết, trước đây công nhân làm không hết việc, thường xuyên tăng ca và thỉnh thoảng còn làm cả chủ nhật. Do ảnh hưởng của dịch nên đơn hàng giảm, việc ít đi, mức thu nhập của anh đã giảm 50% so với trước.

“Tôi rất buồn vì dịch bệnh khiến công nhân như chúng tôi lại càng khó khăn hơn. Giờ đi làm công ty vắng hoe. Người bị nghỉ hay tạm hoãn hợp đồng thì lại càng buồn hơn. Chúng tôi mong dịch bệnh mau qua để mọi người còn có công ăn việc làm”- anh Hùng chia sẻ.

Sau khi mất việc, nhiều công nhân lại loay hoay đi tìm việc mới nhưng không dễ. Hơn nửa tháng nay anh Trịnh Thanh Tường khá chán nản vì mãi chưa tìm được công việc phù hợp. Trước đây, anh Tường cũng làm việc trong KCN Bắc Thăng Long nhưng vì quá khó khăn do dịch bệnh nên Công ty cho công nhân nghỉ việc.

Thất nghiệp hơn một tháng, vừa buồn vì không có việc gì để làm mà thu nhập lại không có nên anh Tường muốn tìm công việc khác. Nhưng nộp hồ sơ nhiều nơi mà chưa được gọi, có công ty gọi làm thì công việc nặng quá, trả lương lại bèo nên anh đã không thể làm nổi.

Anh Tường cũng cho biết thêm, nếu không tìm được việc anh sẽ phải tìm việc làm bên ngoài, vì quan trọng là có tiền để vượt qua giai đoạn khó khăn này, rồi sau đó tính tiếp.

Trước những khó khăn của người lao động, Tổng LĐLĐ Việt Nam đã tham gia rất sớm trong công tác phòng, chống dịch Covid-19 và cũng đã có những hỗ trợ kịp thời cho người lao động.

Ông Nguyễn Đình Khang, Chủ tịch Tổng LĐLĐ Việt Nam cho biết, dịch Covid-19 đã ảnh hưởng trên nhiều lĩnh vực kinh tế - xã hội, trong đó có việc làm, đời sống của người lao động và hoạt động công đoàn. Trong 6 tháng đầu năm, cùng với hệ thống chính trị cả nước, các cấp công đoàn đã tập trung cho công tác phòng, chống dịch và tổ chức các hoạt động hỗ trợ đoàn viên, người lao động bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh. Đây cũng là lần đầu tiên, tổ chức công đoàn quyết định cho phép sử dụng nguồn tài chính tích lũy tại công đoàn ngành, địa phương và cấp trên trực tiếp cơ sở để hỗ trợ đoàn viên, người lao động bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh Covid-19.

Theo ông Khang, với tinh thần “chống dịch như chống giặc”, cán bộ công đoàn các cấp cần trực tiếp đi cơ sở nắm bắt ý kiến, tư tưởng của đoàn viên, người lao động. Bên cạnh đó, cần chủ động xuống cơ sở, làm việc với chủ doanh nghiệp để ổn định tình hình, tâm lý, đồng thời thương lượng các giải pháp đảm bảo việc làm, thu nhập, hỗ trợ cho người lao động.

Các cấp công đoàn tại các địa bàn có dịch phải đẩy mạnh tuyên truyền cho đoàn viên, người lao động thực hiện đầy đủ chỉ đạo của Trung ương và địa phương về công tác phòng chống dịch. Trong đó, phải tuyên truyền để người lao động không hoang mang, hoảng sợ, thực hiện nghiêm chỉnh các biện pháp phòng chống dịch.

“Hơn lúc nào hết, trong lúc này, cần sự đoàn kết, chia sẻ giữa người sử dụng lao động và người lao động để cùng nhau vượt qua khó khăn”- ông Khang nhấn mạnh.

Để phòng chống dịch Covid-19 hiệu quả, Tổng LĐLĐ Việt Nam cũng đã có văn bản số 850/TLĐ vận động đoàn viên, công nhân viên chức lao động cài đặt ứng dụng Bluezone. Tổng LĐLĐ Việt Nam đề nghị các cấp Công đoàn vận động, hướng dẫn đoàn viên, công nhân viên chức lao động cài đặt ứng dụng Bluezone trên điện thoại thông minh, nhằm giảm thiểu lây lan dịch Covid-19 trong cộng đồng.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Người lao động trong bão dịch Covid-19

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO