Người lưu giữ nét văn hóa 54 dân tộc Việt

Hoàng Vân 19/11/2021 08:47

Dưới bàn tay tài hoa, tỉ mỉ, họa sĩ Nguyễn Hoàng Anh (47 tuổi, Hoàng Mai, Hà Nội) đã tạo nên những cô búp bê thủ công biểu tượng cho 54 dân tộc anh em, thu hút sự quan tâm không chỉ của người dân trong nước mà còn nhận về sự chú ý đặc biệt từ du khách nước ngoài.

Trong căn phòng trang trọng, nghệ nhân Nguyễn Hoàng Anh dành những vị trí thu hút và bắt mắt nhất để trưng bày sản phẩm búp bê dân tộc, do chính tay anh tự làm ra.

Anh Nguyễn Hoàng Anh dành nhiều thời gian cho việc chăm chút những sản phẩm búp bê.

Từ ý thích ban đầu, anh Hoàng Anh đã mày mò, tìm cách chế tạo búp bê khởi đầu bằng việc đi khảo sát, nghiên cứu văn hóa, trang phục của đồng bào 54 dân tộc Việt như: Mông, Dao, Hà Nhì, Lô Lô… và sáng tạo nên bộ sưu tập búp bê dân tộc Việt “độc nhất vô nhị”.

Những sản phẩm búp bê mang hơi thở, nét văn hóa của dân tộc Việt Nam.

Nhìn vào những cô búp bê nằm trên kệ, anh Hoàng Anh chia sẻ xuất phát từ tình yêu đất nước và dòng máu nghệ thuật âm ỉ chảy trong tim, anh nghĩ cách “thổi hồn” vào những cô búp bê vô tri vô giác làm chúng trở nên có hồn người. Nhận thấy thị trường làm búp bê tại Việt Nam chưa đa dạng, anh nảy ra ý tưởng mang văn hóa người dân vùng cao khoác lên mình những cô búp bê.

Nhớ lại quãng thời gian loay hoay tìm kiếm chất liệu riêng cho sản phẩm của mình, anh Hoàng Anh kể, anh đã dành ra 2 năm để đi đến những bản làng, sinh hoạt cùng bà con vùng cao. “Có hiểu hết đời sống của người dân vùng cao, tôi mới thấy nếp sống của bà con nơi đây vô cùng phong phú. Không cần đi đâu xa, chất liệu tại đây đã khơi nguồn cảm hứng sáng tạo vô tận cho tôi, giúp tôi tạo nên những sản phẩm độc đáo, mới lạ”, anh Hoàng Anh tâm sự.

Trang phục của búp bê được anh Hoàng Anh chăm chút tỉ mỉ.

Sau khi trở về nhà, anh bắt tay vào thực hiện, anh vừa làm vừa cố gắng hồi tưởng lại những câu chuyện mà bản thân đã được trải nghiệm cùng với bà con vùng cao để lấy chất liệu sáng tác. “Mỗi một dân tộc sẽ có một nét đặc trưng riêng điều này được thể hiện rõ trên bộ trang phục của những cô búp bê”, anh Hoàng Anh nói.

Búp bê vùng cao mang hồn cốt của dân tộc Việt Nam.

Dưới bàn tay khéo léo, tỉ mẩn của người họa sĩ, hình ảnh 54 dân tộc sống động được anh Hoàng Anh khắc họa rõ nét qua những cô búp bê bằng gương mặt, cử chỉ và đặc biệt là những trang phục mang hơi thở đặc trưng của từng dân tộc. Mỗi cô búp bê đều được trau chuốt từ chất liệu, đường nét, chi tiết đến cả vật dụng mang theo như gùi, chiêng, trống, đôi dép, khăn, mũ, đồ trang sức…

Thành phẩm búp bê dân tộc đẹp mắt sau khi trải qua nhiều công đoạn.

Những bộ váy khoác lên mình của búp bê cũng được anh Hoàng Anh chú trọng, chọn lựa kỹ lưỡng từ chất liệu vải, hoạ tiết trên miếng vải cho đến những họa tiết, phụ kiện đi kèm. Hình ảnh búp bê của dân tộc Kinh sẽ khác với hình ảnh búp bê người Dao, người Kinh thông thường sẽ có hoạ tiết rồng phượng thì miếng vải phải được chọn sao cho hình ảnh rồng bay lên và vừa vặn với kích thước của búp bê…

Mỗi sản phẩm búp bê dân tộc được làm ra, gửi gắm trong đó là tâm tư, tình cảm của người nghệ nhân.

Nghệ nhân Hoàng Anh cho biết, bước đầu tiên trong việc chế tạo búp bê là tìm tòi cách thể hiện mới, thật có hồn cho những cô búp bê xinh xắn. Trước tiên, anh sẽ tiến hành tạo phôi bằng chất liệu composte. Loại chất liệu này vừa bền đẹp lại vừa dễ tạo dáng, chất liệu không như sáp nhưng giúp diễn tả da thịt giống với người nhất. Sau đấy, anh tiến hành tạo hình và vẽ nét mặt cho giống với đặc trưng của mỗi dân tộc. Nét chung nhất trong dáng hình và khuôn mặt của phụ nữ các dân tộc, theo anh là khuôn mặt tròn trịa vừa hồn hậu vừa mộc mạc, vóc dáng khoẻ khoắn mà cân đối. Nhưng dù gì, trang phục của họ mới thực sự khiến anh dành nhiều tâm sức để thể hiện.

Bộ sưu tập búp bê 54 dân tộc Việt Nam đã được Quốc hội lựa chọn vào danh mục quà tặng Chính phủ, đã và đang tạo tiếng vang trong cộng đồng trong nước và quốc tế.

“Mỗi một bộ trang phục sẽ thể hiện một nét đặc trưng riêng của mỗi dân tộc. Trang phục của dân tộc người Dao sẽ khác với trang phục của dân tộc Mường. Trang phục người Mường thường là áo cõn, mở cúc ngực khoe mảnh thổ cẩm trong áo yếm. Còn người Dao đa phần là áo vạt dài, thêu đính cầu kỳ hơn”, nghệ nhân Hoàng Anh cho hay.

Trải qua 10 năm miệt mài sáng tạo, đến nay anh Hoàng Anh đã sở hữu cho riêng mình bộ sưu tập gồm 45/54 búp bê dân tộc khác nhau. Thế nhưng, số mẫu lên tới 60 bộ do cùng là một dân tộc, nên sẽ chia thành các nhánh khác nhau.

Bộ sưu tập búp bê vùng cao hút mắt người xem bởi tính mới lạ, độc đáo.

Búp bê với kích cỡ 33 - 35 cm mang tâm hồn Việt, xúng xính trong những bộ áo dài, váy thổ cẩm… sang trọng và bắt mắt không thua kém các loại búp bê cao cấp của nước ngoài.

Bộ sưu tập búp bê 54 dân tộc đang được bày bán tại các cảng hàng không, sân bay, với giá thành giao động từ 3- 3,5 triệu.

Thời gian tới, anh Hoàng Anh dự định hoàn chỉnh bộ búp bê 54 dân tộc Việt Nam và một số bộ khắc họa người dân vùng cao phục vụ thị hiếu và nhu cầu của du khách. Ngoài ra, thông qua bộ sưu tập búp bê của mình, anh Hoàng Anh muốn đưa văn hóa dân tộc đến gần hơn với bạn bè quốc tế, chứng minh sản phẩm búp bê của người Việt cũng đặc sắc không kém búp bê của người Hàn Quốc và Nhật Bản...Từ đó, góp phần đưa nét sinh hoạt của người dân vùng cao vươn tầm thế giới.

“Tôi muốn tạo ra nhiều hơn nữa những sản phẩm mới mang đậm bản sắc dân tộc, để có thể quảng bá sâu rộng hình ảnh truyền thống của đất nước, con người Việt Nam đến bạn bè quốc tế”, anh Hoàng Anh nói về mong muốn của mình.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Người lưu giữ nét văn hóa 54 dân tộc Việt

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO