Người Mặt trận trên mặt trận chống Covid - Bài 2: Những ‘lá chắn’ bảo vệ người dân

Nguyễn Phượng - Nguyễn Quốc 10/09/2020 09:09

Khi Covid-19 quay trở lại, ở địa bàn dân cư các Tổ giám sát chống dịch được kích hoạt, đội ngũ cán bộ công tác Mặt trận ở cơ sở lại tiếp tục đóng vai trò nòng cốt. Người Mặt trận cùng lúc đóng nhiều vai, từ tuyên truyền vận động nhân dân bình tĩnh, không hoang mang, thực hiện nghiêm các biện pháp phòng chống dịch bệnh cho đến tham gia truy vết, tham gia chốt kiểm dịch; vận động người dân đoàn kết, giúp đỡ lẫn nhau vượt khó. Những Tổ giám sát này đã trở thành “lá chắn” bảo vệ người dân từ xa trong sự bủa vây của dịch Covid-19.

Chốt kiểm soát của Tổ công tác Covid-19 tại phường Nại Hiên Đông, quận Sơn Trà (Đà Nẵng), một trong những nơi nhiều cán bộ Mặt trận cùng các cán bộ chính quyền, đoàn thể tham gia đứng chốt chống dịch cả ngày lẫn đêm  Ảnh: Thanh Tùng
Chốt kiểm soát của Tổ công tác Covid-19 tại phường Nại Hiên Đông, quận Sơn Trà (Đà Nẵng), một trong những nơi nhiều cán bộ Mặt trận cùng các cán bộ chính quyền, đoàn thể tham gia đứng chốt chống dịch cả ngày lẫn đêm. Ảnh: Thanh Tùng.

Đêm trắng nơi tuyến đầu

Đến bây giờ, người dân Đà Nẵng vẫn chưa thể nào quên những ngày cuối tháng 7, tin thành phố xuất hiện bệnh nhân 416 làm choáng váng tất cả mọi người. Việc xuất hiện ca bệnh 416 cho thấy, dịch bệnh Covid-19 đã âm thầm lây lan trong cộng đồng từ trước đó mà không ai hay. Chỉ ít ngày sau đó, những tin không vui liên tiếp được công bố làm cho không khí ngày càng nóng bỏng.

Vì vậy, đối với người Mặt trận mà nói, nhiệm vụ của tuyến đầu là ổn định tâm lý, để người dân không hoang mang, vững vàng chống dịch. Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam TP Đà Nẵng Đặng Thị Kim Liên cho rằng, việc Trung ương, thành phố đưa ra những chỉ đạo chính xác, kịp thời làm nhân dân yên tâm hơn. Vấn đề của Mặt trận và các cơ quan khác khi ấy là phải nhanh chóng vận động làm nhân dân hiểu rõ khó khăn, để phòng tránh, nhưng cũng hiểu rõ khả năng, quyết tâm của thành phố trong chống dịch.

Theo bà Liên, muốn chống dịch, thì bản thân mỗi người dân chính là một chiến sĩ. Thành phố tập trung tuyên truyền nên đại bộ phận người dân thành phố đã thể hiện được sự bình tĩnh, đoàn kết, tự có ý thức bảo vệ và phòng, chống dịch Covid-19.

Đặc biệt, các Ban Công tác Mặt trận ở khu dân cư đã “áp sát” từng nhà tuyên truyền, vận động người dân thực hiện phòng, chống dịch Covid-19 và thực hiện việc giãn cách xã hội theo tinh thần Chỉ thị số 16/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ.

Chặn nguồn lây, phải bắt đầu từ cộng đồng. Ở các tổ dân phố, thôn, làng, mỗi khi xuất hiện ca bệnh, cả hệ thống chính trị vào cuộc với quyết tâm cao nhất. Từ khai báo y tế, danh sách F1, F2 được liệt kê. Ngay trong đêm, các bác sĩ, cán bộ tổ dân phố, Ban Công tác Mặt trận phải xung kích đến tận nhà những trường hợp tiếp xúc với ca bệnh để thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch bệnh.

Từ ngày 7/8, khi các Tổ giám sát được kích hoạt trở lại, cán bộ Mặt trận ở cơ sở tiếp tục đóng vai trò nòng cốt. Điển hình như quận Hải Châu, toàn quận có 365 cán bộ Mặt trận tham gia các Tổ kiểm soát dịch, trong đó có 43 người làm tổ trưởng. Còn tại huyện Hoà Vang, nhiều cán bộ Mặt trận cùng các cán bộ chính quyền, đoàn thể khác đứng tại các chốt chống dịch cả ngày lẫn đêm.

Chủ tịch Ủy ban MTTQ xã Hòa Ninh (huyện Hoà Vang) Lê Thị Chinh chia sẻ, dù trải qua những ngày căng thẳng, mệt mỏi, nhưng mỗi khi có người đi qua, cán bộ chốt kiểm soát luôn tiếp xúc với thái độ niềm nở, mềm mỏng nếu gặp người không hợp tác. Nhờ thế những người khó tính nhất cũng phải xem lại bản thân và thực hiện các biện pháp kiểm tra, khai báo cần thiết.

Chủ động chặn nguồn bệnh từ xa

Chúng tôi theo chân Phó Chủ tịch UBND xã Tứ Hiệp, huyện Thanh Trì, TP Hà Nội Nguyễn Trung Kiên cùng các thành viên trong Tổ giám sát và tuyên truyền phòng, chống Covid-19 tại cộng đồng trên địa bàn xuống cơ sở.

Ngay khi địa bàn xã Tứ Hiệp, phát hiện bệnh nhân số 867 mắc Covid-19, Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch Covid-19 lập tức “kích hoạt” hoạt động của 5 Tổ giám sát cộng đồng. Mỗi Tổ giám sát gồm có Trưởng thôn, Trưởng ban Công tác Mặt trận, một số đại diện đoàn thể địa phương.

Ông Nguyễn Trung Kiên cùng Tổ giám sát ở xã Tứ Hiệp trong một buổi tuyên truyền vận động tại cơ sở. Ảnh: Nguyễn Phượng.

Ở những địa bàn xung yếu, thành phần Tổ giám sát còn có đại diện của Trung tâm Y tế xã. Cùng với các thành viên Tổ giám sát thôn Cổ Điển B, ông Kiên đến thăm hỏi một số gia đình thuộc diện cách ly F2. Khi xuống địa bàn, mọi gia đình diện F2 đều đã nắm đầy đủ thông tin về cách phòng, chống dịch bệnh, cách để ngăn chặn nguồn lây. Các gia đình đều yên tâm “ở yên tại chỗ” khi Tổ giám sát đã phân công, hỗ trợ các gia đình có nhu cầu về lương thực, thực phẩm, hàng hóa thiết yếu để giúp đỡ các gia đình khi họ không thể đi ra ngoài mua bán.

Ông Kiên cho biết: “Nòng cốt các Tổ giám sát cộng đồng phòng chống dịch bệnh Covid-19 là cán bộ, người uy tín ở cơ sở. Đó cũng là những người nắm rõ tình hình của bà con trên địa bàn nhất. Mỗi Tổ giám sát phụ trách từ 30-40 hộ gia đình. Trong thời gian cách ly mỗi ngày chúng tôi tổ chức đi đôn đốc, nhắc nhở, giám sát hai lần. Đến nay, khi các ca F1 qua 14 ngày chưa phát hiện dấu hiệu mắc bệnh thì chúng tôi rút gọn xuống mỗi ngày kiểm tra, giám sát một lần”.

Cứ khoảng một tiếng một lần, hệ thống loa phát thanh của xã Tứ Hiệp lại phát bản tin đôn đốc, nhắc nhở người dân đề phòng; thông báo, cập nhật tình hình dịch bệnh trên địa bàn.

Bà Trương Thị Lập, người dân ở thôn Cổ Điển B, xã Tứ Hiệp chia sẻ: “Tổ giám sát ở đây hoạt động nghiêm túc lắm. Ngay gần nhà tôi có một gia đình bị cách ly tại nhà. Tổ giám sát không chỉ theo dõi các hoạt động của gia đình người cách ly, rồi đến rồi nhắc nhở các gia đình xung quanh để mọi người nâng cao trách nhiệm. Có hôm tôi phát hiện cái anh thuộc diện F2 ấy ra ngoài tôi có hỏi anh đã hết thời gian cách ly chưa thì anh ấy đưa giấy chứng nhận của Trung tâm Y tế xã. Chúng tôi ở đây đều cùng nhau giám sát”.

Tính trên toàn địa bàn huyện Thanh Trì, mặc dù mới chỉ có một ca nhiễm, 24 trường hợp nghi ngờ. Huyện đã thành lập 30 Tổ giám sát cộng đồng tại 10/16 xã, thị trấn. Do đó, tất cả các ca nghi nhiễm, các trường hợp F2 đều được khoanh vùng, xác minh trong khoảng thời gian “giờ vàng”, hạn chế tối đa nguy cơ lây nhiễm ra cộng đồng nếu chẳng may có người mắc bệnh.

Bà Nguyễn Thị Nhung (phải) hướng dẫn người dân cài đặt ứng dụng Bluezone. Ảnh: Nguyễn Quốc.

Cùng với Hà Nội, tỉnh Quảng Trị cũng là địa bàn xuất hiện ca bệnh Covid-19. “Điểm nóng” của Quảng Trị chính là thành phố Đông Hà. Đúng 8 giờ sáng, tại khu phố 9 (thuộc phường 5, thành phố Đông Hà) như mọi ngày khác, Tổ giám sát do bà Nguyễn Thị Nhung làm tổ trưởng lại bắt đầu hành trình tuyên truyền về việc phòng, chống dịch Covid-19.

Cầm trên tay là những tờ khai báo y tế, tài liệu về dịch Covid-19… bà Nhung cùng các thành viên Tổ giám sát đã đi đến từng gia đình tận tình hướng dẫn người dân khai báo y tế, tuyên truyền về cách phòng bệnh. Các thông điệp được Tổ giám sát truyền tải được xây dựng trên cơ sở biến những Chỉ thị của Thủ tướng Chính phủ, các quy định của địa phương thành những nội dung rút gọn đơn giản, dễ nhớ, dễ hiểu.

Bà Nhung đồng thời cũng là thành viên Ban Công tác Mặt trận khu phố 9, bà cho biết, lúc đầu khi mới đi vào hoạt động một số người dân còn nghi ngại, không chịu hợp tác, thậm chí nhiều hộ dân họ không cho vào nhà vì sợ bị lây nhiễm dịch bệnh. Tuy nhiên, qua những lần tuyên truyền, vận động cũng như giải thích rõ về hoạt động của Tổ giám sát nên mọi người đã tích cực hưởng ứng và thực hiện.

“Tổ đã đến từng nhà để rà soát, kiểm tra thông tin khai báo y tế, bảo đảm không có trường hợp nghi nhiễm bị bỏ sót trong cộng đồng. Đến nay, mọi người dân trong khu phố đều và cài đặt ứng dụng Bluezone để theo dõi”- bà Nhung chia sẻ.

Không những tuyên truyền, vận động người dân phòng chống dịch, các thành viên của Tổ giám sát còn vận động các nhà hảo tâm giúp đỡ những nơi bị phong tỏa tạm thời để người dân vượt qua khó khăn trước mắt.

Tính trên toàn địa bàn TP Đông Hà, tất cả có 620 Tổ giám sát với 1.616 thành viên. Ngày nào các thành viên cũng thực hiện hành trình đi từng ngõ, gõ từng nhà, rà từng đối tượng. Tuỳ thuộc từng địa bàn mà Bí thư chi bộ hay Trưởng ban Công tác Mặt trận khu phố làm Tổ trưởng.

Tuy nhiên, tại phường 5, một sự kiện đặc biệt đã xảy ra khi toàn bộ cán bộ chủ chốt của 11 khu phố trên địa bàn phường đều có liên quan đến trường hợp F1. Trong tình huống này, Trưởng ban Công tác Mặt trận hay Trưởng khu phố có liên quan đến diện F1 thì sẽ giao nhiệm vụ lại cho Phó ban và các thành viên khác và họ là người phụ trách chung. Mọi công việc được các thành viên của Tổ giám sát thực hiện và điều hành thông qua điện thoại, hoặc thông qua mạng xã hội như Facebook, Zalo…

Trách nhiệm và sáng tạo vì cộng đồng

Trong giai đoạn đầu của dịch bệnh Covid-19, chính hoạt động đồng bộ của hệ thống chính trị ở cơ sở: Cấp uỷ, chính quyền, Mặt trận và các đoàn thể nhân dân đã biến những Tổ dân phố, thôn, làng thành những “pháo đài” chống dịch. Hoạt động này được củng cố ở giai đoạn 2 bằng việc thành lập, kiện toàn các Tổ giám sát và tuyên truyền phòng, chống Covid-19 tại cộng đồng.

Hoạt động của các Tổ giám sát thể hiện sự sáng tạo của cấp uỷ, chính quyền và Mặt trận trong việc tạo những “lá chắn” giúp dân chống dịch. Cán bộ Mặt trận không chỉ là những người đi vận động chung, mà trở thành những người trực tiếp xông pha ở tuyến đầu.

Khi dịch bệnh tái bùng phát, Hà Nội là địa bàn dịch bệnh có nguy cơ lây lan rộng. Nhưng đến nay, Hà Nội nhanh chóng khống chế số lượng ca mắc ở mức thấp nhất có thể. Thành công đó có đóng góp không nhỏ của những Tổ giám sát cộng đồng.

Theo Phó Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam TP Hà Nội Nguyễn Sỹ Trường, toàn thành phố đã có 5.330 Tổ giám sát ở các khu dân cư. Các Tổ giám sát vào cuộc một cách quyết liệt ngay từ khi được kích hoạt. Bởi thế, một trong những vấn đề nan giải nhất của Hà Nội trước đây là các trường hợp đi từ Đà Nẵng về (khoảng hơn 100 nghìn trường hợp), nhưng tất cả đều được khai báo y tế, khai báo lịch trình di chuyển và thực hiện xét nghiệm.

Mặc dù bản thân gia đình cũng bận bịu công việc nói chung, công tác phòng dịch nói riêng, nhưng những thành viên Tổ giám sát không nề hà việc “làm thêm giờ”, dù là tối muộn hay sáng sớm.

Chúng tôi đến nhà ông Trần Đình Lưu, là Tổ trưởng tổ dân cư số 4, phường Khương Mai (quận Thanh Xuân) vào hơn bảy giờ tối. Ông Lưu vừa cơm nước xong đã tất tả lên đường. Sở dĩ ông phải làm việc buổi tối vì ban ngày nhiều người vắng nhà, không gặp được nên ông cùng bảy thành viên khác của Tổ giám sát tỏa đi các ngõ ngách tuyên truyền, vận động.

“Có những gia đình đi Đà Nẵng về, sợ bị cách ly ảnh hưởng đến công việc nên né tránh, không khai báo. Tổ giám sát phải mất tới 2 – 3 buổi mới thuyết phục thành công khai báo và sau đó thực hiện cách ly. Khó khăn nhất là hoạt động của các quán xá. Tuy nhiên, Tổ giám sát cũng không nề hà, không ngại va chạm”- ông Lưu chia sẻ.

Phát hiện quán trà đá mở cửa, hay các quán ăn vi phạm giãn cách là các thành viên lập tức nhắc nhở. Nhờ hoạt động này, nhiều nhà hàng, quán ăn đã tự giác lắp các vách ngăn để hạn chế tương tác.

Đến thời điểm này, sau khi phát hiện các ca nhiễm bệnh, toàn bộ hệ thống chính trị của thành phố đã vào cuộc đồng bộ, khẩn trương cách ly các trường hợp F1, F2; vận động người dân thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch bệnh. Do đó, Hà Nội bước đầu ngăn chặn việc lây nhiễm dịch bệnh trong giai đoạn 2.

Các địa bàn “trọng điểm” về Covid-19 như Đà Nẵng, Quảng Nam, Hải Dương, Thanh Hoá, Quảng Trị… hoạt động của các Tổ giám sát cộng đồng cũng đều trở thành “cánh tay nối dài” của địa phương trong công tác phòng, chống dịch Covid-19.

Tại TP Đông Hà (tỉnh Quảng Trị), dự kiến sau khi dịch Covid-19 được kiểm soát, những Tổ giám sát này sẽ chuyển qua trạng thái mới. Trong đó, các tổ giám sát sẽ tuyên truyền các thông tin về các loại bệnh truyền nhiễm như sốt xuất huyết, bệnh bạch hầu…, tuyên truyền các cuộc vận động do Mặt trận phát động, các hoạt động của chính quyền địa phương đến toàn thể người dân trong phường. Tùy vào hoàn cảnh thực tế, các tổ này sẽ thay đổi trạng thái một cách linh hoạt phù hợp với tình hình mới.

Đây cũng là kinh nghiệm để các địa phương tham khảo để triển khai cho phù hợp với thực tế tại địa phương mình.

Theo bà Đặng Thị Kim Liên, Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam TP Đà Nẵng, vào thời điểm toàn thành phố thực hiện giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16 của Thủ tướng Chính phủ, mọi hoạt động trên địa bàn tạm thời ngừng hoạt động vì thế nhiều người dân đã rơi vào hoàn cảnh khó khăn, thiếu thốn. Trước tình cảnh ấy, Mặt trận các phường, xã trên địa bàn thành phố đã tổ chức trao hỗ trợ hơn 50.000 suất quà cho các trường hợp là hộ nghèo, hộ cận nghèo và các đối tượng bảo trợ xã hội, trao hỗ trợ đột xuất cho các trường hợp khó khăn do ảnh hưởng bởi đại dịch Covid-19.

Mặt trận thành phố cũng đang triển khai hỗ trợ cho hơn 200.000 người dân là hộ gia đình chính sách, hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ mới thoát nghèo,người bán hàng rong, bán vé số, xe thồ, người khuyết tật, công nhân, sinh viên ở trọ khó khăn, các hộ có hoàn cảnh khó khăn khác...với mức hỗ trợ 10kg gạo/01 khẩu với kinh phí dự kiến hơn 30 tỷ đồng từ Quỹ phòng, chống dịch Covid-19 và Quỹ Cứu trợ thành phố.

(Còn nữa)

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Người Mặt trận trên mặt trận chống Covid - Bài 2: Những ‘lá chắn’ bảo vệ người dân

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO