Người Mặt trận trên mặt trận chống dịch

Nguyễn Chung (thực hiện) 22/08/2020 09:10

Có thể thấy, Thanh Hoá đang làm tốt công tác phòng chống cũng như kiểm soát sự lây lan của dịch bệnh Covid-19. Tuy nhiên, làm thế nào để có thể vừa chống dịch hiệu quả, vừa ổn định và phát triển kinh tế đang là bài toán hết sức nan giải. Đại Đoàn Kết đã có cuộc trao đổi với bà Phạm Thị Thanh Thủy, Trưởng ban Dân vận Tỉnh uỷ, Chủ tịch Uỷ ban MTTQ Việt Nam tỉnh Thanh Hóa.

Bà Phạm Thị Thanh Thủy- Trưởng ban Dân vận Tỉnh ủy, Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh Thanh Hóa vận động người dân vừa chống dịch, vừa phát triển kinh tế.
Bà Phạm Thị Thanh Thủy, Trưởng ban Dân vận Tỉnh ủy, Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh Thanh Hóa vận động người dân vừa chống dịch, vừa phát triển kinh tế.

PV: Có được thành công ban đầu trong việc phòng chống dịch là nhờ sự vào cuộc của toàn bộ hệ thống chính trị, trong đó không thể nói tới vai trò của MTTQ các cấp. Vậy, Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh Thanh Hóa đã triển khai những biện pháp nào để tuyên truyền cũng như hỗ trợ người dân phòng chống dịch Covid-19, thưa bà?

Bà Phạm Thị Thanh Thủy: Có thể nói, trong thời gian qua, trước diễn biến phức tạp của tình hình dịch bệnh Covid-19, tỉnh Thanh Hóa đã làm tốt công tác phòng, chống dịch bệnh. Trong đó, công tác tuyên truyền và hỗ trợ người dân phòng chống dịch đóng góp tích cực, góp phần ngăn chặn sự lây lan của dịch bệnh trên địa bàn tỉnh.

Với phương châm “đi từng ngõ, gõ từng nhà, rà từng đối tượng”, MTTQ các cấp tại Thanh Hóa đã tập trung tuyên truyền sâu rộng trong các tầng lớp nhân dân chủ động, tích cực thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch, bảo vệ sức khỏe cá nhân và cộng đồng, với phương châm “phòng bệnh hơn chữa bệnh”.

Phối hợp với các cơ quan chức năng tăng cường công tác rà soát, thống kê, quản lý chặt chẽ số công dân từ vùng dịch về địa phương; tuyên truyền, vận động những người trở về từ các vùng có dịch phải thực hiện tự giác khai báo y tế, tự theo dõi sức khỏe tại nhà và thực hiện các biện pháp phòng chống dịch theo quy định của cơ quan y tế.

MTTQ các cấp và các tổ chức thành viên trong tỉnh đã tổ chức 33.544 cuộc tuyên truyền, cấp phát gần 900.000 tờ rơi, treo trên 7.000 pano, khẩu hiệu tuyên truyền. Vận động, hướng dẫn mọi người dân sử dụng điện thoại cài đặt phần mềm Bluezone để nhằm phát hiện những người tiếp xúc gần với người nhiễm qua điện thoại thông minh một cách nhanh chóng, chính xác. Đến ngày 17/8/2020, toàn tỉnh đã có 413.120 thuê bao cài đặt ứng dụng.

Đồng thời, MTTQ phối hợp thành lập các tổ giám sát công tác phòng, chống dịch bệnh. Toàn tỉnh thành lập 27 tổ giám sát cấp huyện, 559 tổ giám sát cấp xã và gần 4.500 tổ giám sát tại các thôn, bản, tổ dân phố; hàng chục điểm chốt kiểm soát dịch bệnh tại khu vực đường mòn, lối mở khu vực biên giới. Đã có 5.019 cán bộ MTTQ các cấp tham gia Tổ giám sát cấp huyện, cấp xã, Tổ giám sát thôn, bản, khu phố để tăng cường tổ chức thực hiện tuần tra, kiểm soát người và phương tiện ra, vào địa bàn và đôn đốc thực hiện việc cách ly xã hội và phòng, chống dịch.

Bên cạnh đó, MTTQ các cấp trong tỉnh cũng đã tích cực tuyên truyền, vận động các tầng lớp nhân dân tham gia phong trào toàn dân đoàn kết phòng, chống chống dịch bệnh Covid-19 và tham gia ủng hộ “Quỹ phòng, chống Covid-19”, với tổng trị giá lên đến 79,4 tỷ đồng, là nguồn vận động ủng hộ lớn nhất từ trước đến nay.

Bài toán khó đặt ra ở đây là làm sao để song hành nhiệm vụ vừa chống dịch hiệu quả, vừa có thể phát triển kinh tế. Uỷ ban MTTQ Việt Nam tỉnh Thanh Hóa đã làm những gì để hỗ trợ chính quyền, doanh nghiệp và người dân, thưa bà?

- Để song hành nhiệm vụ vừa chống dịch hiệu quả, vừa có thể phát triển kinh tế, Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh Thanh Hóa đã tổ chức hội nghị triển khai và đẩy mạnh tuyên truyền sâu rộng trong các tầng lớp nhân dân về Nghị quyết 06 của Đoàn Chủ tịch UBTƯ MTTQ Việt Nam về đẩy mạnh vận động toàn dân phát triển kinh tế - xã hội và tiếp tục phòng, chống, khắc phục tác động của dịch bệnh Covid-19; Kết luận số 77 của Bộ Chính trị về Chủ trương khắc phục tác động của đại dịch Covid-19 để phục hồi và phát triển nền kinh tế đất nước; Nghị quyết số 84/NQ- CP của Chính phủ và Kế hoạch của UBND tỉnh về các nhiệm vụ, giải pháp tiếp tục tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh, thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư công và đảm bảo trật tự an toàn xã hội trong bối cảnh đại dịch Covid-19...

Đối với nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội: Thông qua thực hiện cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh”, MTTQ các cấp tại Thanh Hóa đã vận động toàn dân tích cực lao động sản xuất, giúp đỡ nhau phát triển kinh tế, huy động nhiều nguồn lực để phát triển sản xuất, nâng cao thu nhập, giảm nghèo bền vững.

Đồng thời tiếp tục đẩy mạnh và nâng cao chất lượng cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” trong điều kiện mới, phát huy nội lực phát triển sản xuất trong tỉnh, trong nước; tập trung tuyên truyền vận động các tầng lớp nhân dân thực hành tiết kiệm; đẩy mạnh phong trào “Đoàn kết, sáng tạo, nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả, hội nhập quốc tế”, tăng cường hoạt động giám sát, phản biện xã hội của MTTQ và các tổ chức chính trị - xã hội về kinh tế, an sinh xã hội.

Bên cạnh đó, MTTQ cũng đề xuất để tỉnh ban hành các cơ chế, chính sách hỗ trợ các doanh nghiệp khôi phục phát triển sản xuất sau đợt giãn cách xã hội như: Hỗ trợ về thuế, tiếp cận nguồn vốn vay ưu đãi; cải cách thủ tục hành chính; vận động nhân dân các địa phương đồng thuận trong thực hiện chủ trương giải phóng mặt bằng, giải ngân vốn đầu tư công.

Được biết, vừa qua Thanh Hóa không chỉ làm tốt công tác phòng, chống dịch bệnh mà còn hỗ trợ, chung tay giúp các địa phương khác như TP Hà Nội, TP Hồ Chí Minh, Quảng Nam chống dịch. Bà có thể chia sẻ thêm về việc này?

- Trước tình hình dịch Covid-19 diễn biến rất phức tạp, khó lường, ảnh hưởng đến phát triển kinh tế - xã hội, tác động nhiều mặt đến đời sống nhân dân trong tỉnh và đồng bào cả nước, đặc biệt là Hà Nội, TP Hồ Chí Minh và tỉnh Quảng Nam. Phát huy truyền thống đoàn kết, tinh thần “tương thân, tương ái”; chia sẻ khó khăn, Thanh Hóa đã quyết định trích từ Quỹ phòng chống Covid-19 hỗ trợ công tác phòng, chống dịch Covid-19 cho Hà Nội, TP Hồ Chí Minh mỗi đơn vị 500 triệu đồng và tỉnh Quảng Nam là 1 tỷ đồng, để góp phần cùng các địa phương nói trên sớm ngăn chặn và đẩy lùi dịch bệnh Covid-19.

Hiện nay, dịch Covid-19 đang có diễn biến hết sức phức tạp và có thể bùng lên ở bất cứ thời điểm nào, bất cứ địa phương nào. Để kiềm chế, kiểm soát và ngăn chặn sự lây lan của dịch bệnh, ngoài nỗ lực của ngành y tế, theo bà, MTTQ các cấp cần làm những gì để chung tay phòng chống dịch hiệu quả hơn trong thời gian tới?

- Theo tôi, trước diễn biến phức tạp hiện nay của dịch bệnh và để kiềm chế, kiểm soát và ngăn chặn sự lây lan của dịch bệnh một cách hiệu quả, ngoài sự vào cuộc của toàn hệ thống chính trị, MTTQ các cấp tiếp tục thực hiện tốt vai trò tập hợp khối đại đoàn kết toàn dân tộc, phát huy quyền làm chủ của nhân dân và sức mạnh, sức sáng tạo, ý chí tự lực, tự cường của mỗi người dân trong tỉnh và ngoài tỉnh để vượt qua khó khăn, thách thức.

Đồng thời, Mặt trận nỗ lực thực hiện nhiệm vụ tăng cường khối đoàn kết, thống nhất, củng cố vững chắc niềm tin của người dân, doanh nghiệp và toàn xã hội vào sự lãnh đạo, chỉ đạo của Trung ương, của tỉnh và cấp ủy Đảng, chính quyền các cấp, tạo nền tảng vững chắc cho phục hồi và phát triển đất nước trong thời gian tới.

Trân trọng cảm ơn bà!

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Người Mặt trận trên mặt trận chống dịch

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO