Người Mông thoát nghèo

Phương Nguyên 17/10/2021 14:10

Bằng nỗ lực vươn lên, cùng sự hỗ trợ của chính quyền, MTTQ và các tổ chức đoàn thể trên địa bàn tỉnh Hà Giang, đồng bào các dân tộc nơi đây, đặc biệt là bà con dân tộc Mông, đang từng bước bỏ lại cái đói, cái nghèo sau lưng…

Có lẽ, không nơi nào xóa nghèo khó như Hà Giang. Có những đoàn từ thiện đến tặng quà, từ lương thực, thực phẩm đến đồ dùng. Khi đoàn ra về, người dân đem gạo ra… nấu rượu. Nhận thức hạn chế của một bộ phận bà con khiến cán bộ chính quyền, MTTQ và các tổ chức đoàn thể đi đến… mòn dép mới thay đổi được nếp nghĩ, cách làm.

Đã vậy, nhiều bản cheo veo trên sườn núi, hay những hộ gia đình đơn lẻ lưng chừng núi, muốn vận động bà con thực hiện các phong trào, các Cuộc vận động do Mặt trận phát động chưa bao giờ là điều dễ dàng.

Nhưng bây giờ cao nguyên đá đang chuyển mình. Những con đường bê-tông “leo” qua những triền đá về bản. Những giống cây mới được đưa về, khiến cao nguyên đá “đổi màu”… Xóa nghèo trong bối cảnh ấy, vừa phải tiếp cận đa chiều, vừa phải “cầm tay chỉ việc”, sáng tạo để phù hợp hoàn cảnh.

Một trong những câu chuyện mà bà con thường kể đó là hỗ trợ giống bò sinh sản cho những hộ nghèo đặc biệt khó khăn ở 4 huyện: Mèo Vạc, Đồng Văn, Quản Bạ, Mèo Vạc mới được Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh Hà Giang triển khai chưa lâu, nhưng giờ đã được nhiều người truyền miệng nhau là “bò Mặt trận”, hay “bò luân chuyển”. Nguồn vốn mua bò được huy động từ Quỹ Vì người nghèo của tỉnh.

Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh phối hợp với MTTQ các huyện rà soát những hộ khó khăn nhất, ưu tiên cho “mượn” bò sinh sản. Đến khi bò sinh ra bê, sau khi con bê được nuôi cứng cáp, con bò được chuyển cho hộ gia đình khác.

Theo ông Nguyễn Ngọc Tuấn, Ủy viên Ban Thường vụ, Trưởng ban Tuyên giáo - Phong trào, Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh Hà Giang, mô hình hỗ trợ bò sinh sản luân chuyển có điều kiện, thực sự có ý nghĩa với những hộ đặc biệt khó khăn, bởi con bò là một tài sản lớn đối với bà con. Vì thế, các hộ chăn nuôi đều cố gắng chăm sóc để con bò có sức khỏe và sinh trưởng tốt nhất. Hiện tại, hàng chục hộ gia đình ở các huyện Xín Mần, Hoàng Su Phì tiếp tục được hỗ trợ bò theo mô hình này.

Thời gian qua, tỉnh Hà Giang được đầu tư 151,771 tỷ đồng để thực hiện hoạt động hỗ trợ phát triển sản xuất, giống, phân bón, hỗ trợ chuyển đổi cây trồng; hỗ trợ làm chuồng trại chăn nuôi, tạo diện tích nuôi trồng thủy sản, mua giống trồng cỏ để chăn nuôi gia súc; tập huấn khuyến nông… cho gần 112 nghìn lượt hộ nghèo.

Xác định “tấn công” vào đói nghèo bằng nhiều biện pháp tổng hợp, đầu năm 2021 UBND tỉnh Hà Giang ban hành Đề án cải tạo vườn tạp, phát triển kinh tế vườn hộ, tạo sinh kế cho người dân, giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021 - 2025. Đây chính là một trong những mũi nhọn để giảm nghèo của Hà Giang trong thời gian tới.

Cả hệ thống chính trị đã vào cuộc, trong đó, Mặt trận và các đoàn thể vừa vận động nhân dân, vừa trực tiếp hỗ trợ người dân cải tạo vườn tạp. Đến thời điểm này tổng số hộ thực hiện cải tạo vườn tạp, phát triển kinh tế vườn hộ đến thời điểm hiện nay là 571 hộ (gồm 244 hộ nghèo và 327 hộ cận nghèo).

Tổng diện tích vườn tạp đã được cải tạo là 544 nghìn m2, chủ yếu trồng các loại cây: bưởi, táo, xoài, ổi, đào, thanh long, lê, mận, rau, đậu...; xây dựng chuồng, trại chăn nuôi lợn, dê, trâu, bò và các loại gia cầm gà, ngan, vịt... Qua đó, góp phần tăng thu nhập cho hộ nghèo, cận nghèo nhất là những hộ là người dân tộc thiểu số.

Trong 2 năm trở lại đây, dịch Covid-19 có những diễn biến phức tạp nhưng Hà Giang vẫn là “vùng an toàn” trong phần lớn thời gian. Do đó, bà con nhân dân có điều kiện làm ăn, có điều kiện vươn lên phát triển, góp phần xóa đói, giảm nghèo bền vững.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Người Mông thoát nghèo

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO