Người nghệ nhân khiến tằm tự dệt lụa

Phạm Sỹ 13/05/2021 07:00

Nghệ nhân ưu tú (NNƯT) Phan Thị Thuận ở xã Phùng Xá (huyện Mỹ Đức, thành phố Hà Nội) được biết đến là người sáng tạo ra dòng lụa làm từ tơ sen và sản phẩm lụa do chính những con tằm tự dệt. Bà là người đã dành cả cuộc đời để tìm hướng đi mới, giữ sự trường tồn và nâng tầm tinh hoa cho nghề dệt.

Nghệ nhân ưu tú Phan Thị Thuận.

Cách trung tâm thành phố Hà Nội chừng 40km về phía Nam, nghề dệt ở xã Phùng Xá (Mỹ Ðức, Hà Nội) hình thành từ năm 1929, được gìn giữ, duy trì và phát triển cho đến ngày nay. Nghề dệt lụa cổ truyền ở đây không nổi tiếng như ở làng Vạn Phúc nhưng cũng đã có lịch sử hàng trăm năm tồn tại.

Trò chuyện với chúng tôi, NNƯT Phan Thị Thuận, người cả đời tâm huyết với những sợi tơ, con tằm nơi mảnh đất Phùng Xá không còn nhớ đã bén duyên với nghề này từ khi nào. Bà chỉ nhớ năm lên 6 tuổi đã quen với nỗi nhọc nhằn của cái nghề “nuôi lợn ăn cơm nằm, nuôi tằm ăn cơm đứng”.

Bà Thuận kể: Những năm 70 của thế kỷ trước ở nơi đây có hàng chục nghìn héc ta ruộng dâu trải dài qua nhiều làng xã ven sông Đáy. Ngày ấy, hầu hết các xã trong huyện Mỹ Đức đều làm nghề trồng dâu, nuôi tằm. Nhưng khoảng thời gian những năm đầu 1980, dâu tằm không được ưa chuộng, dẫn đến việc hợp tác xã chặt phá toàn bộ diện tích trồng dâu chuyển sang trồng lúa, hàng loạt thợ bỏ nghề.

Cũng không tránh khỏi xu thế của sự thay đổi thị trường, nghề dệt lụa tơ tằm ở Phùng Xá những năm 80 của thế kỷ trước có nguy cơ dần mai một, gần như không thể cạnh tranh trên thị trường.

Chứng kiến cảnh nghề canh cửi của quê hương và cũng là cái nghề cha ông truyền lại đứng trước nguy cơ bị mai một, những đau đáu với nghề luôn thường trực trong tâm trí của Bà Thuận. Vượt qua mọi khó khăn, bà đã tự gây dựng lại từng nong kén.

Những năm gây dựng lại, có thời điểm khởi sắc, hàng xóm bắt đầu quay lại với nghề. Nhưng rồi sau vài năm, con tằm lại một lần nữa đứng trước nguy cơ bị biến mất nơi vùng đất quê lụa. Ở thời điểm tưởng chừng như khó khăn nhất, cái khó đã ló cái khôn, bà Thuận nảy ra ý tưởng huấn luyện hàng vạn con tằm tự dệt chăng tơ. Trong bà luôn luôn có suy nghĩ là làm thế nào để cho ra sản phẩm đẹp nhất.

Là người gắn bó với nghề nuôi tằm, dệt vải của gia đình từ bé nên bà hiểu cặn kẽ về đặc tính của con tằm và nỗi vất vả của người trồng dâu nuôi tằm. Chính từ những khó khăn của nghề này mà bà Thuận đã mất nhiều ngày đêm để con tằm tự làm với người thợ dệt. Từ học hỏi, nghiên cứu cộng với kinh nghiệm nhiều năm theo nghề, bà Thuận đã quyết định xây dựng nên một quy trình sản xuất khép kín, để tằm tự dệt tơ thành các thành phẩm rồi đưa ra thị trường tiêu thụ.

Ngày đêm, bà quên ăn quên ngủ trông coi, quan sát lứa tằm rút ruột nhả tơ: “Tằm không có tổ nên không thể kéo kén tròn theo lẽ thường. Nhưng do chức năng phải nhả tơ khi đến kỳ nên chúng buộc nhả tơ vào không gian. Tôi đem đặt chúng cạnh nhau trên một mặt phẳng. Kết quả là tơ của nhiều con tằm quấn vào nhau, đan thành tấm thảm bông phẳng, mịn, gắn kết bền chắc tự nhiên không kỹ thuật dệt nào của con người có thể sánh kịp. Cách làm này lại tiết kiệm được chi phí nhờ giảm bớt nhiều công đoạn phức tạp” - bà Thuận chia sẻ.

Nong tằm đang trong thời kỳ ăn dâu.

Những con tằm với kỹ năng dệt kén vốn có, kết hợp với cách làm của bà Thuận đã tạo ra những tấm kén phẳng chất lượng tốt. Ngay sau khi tằm dệt thành tấm, những tấm lụa thô tiếp tục trải qua các công đoạn xử lý và cuối cùng tạo ra những tấm bông tơ tơi xốp có độ liên kết bền chắc một cách tự nhiên không máy móc hay con người nào sánh nổi.

Kể từ khi thành công với việc huấn luyện những con tằm tự dệt, máy móc được dùng để chăng tơ kéo sợi đã gần như nằm im một chỗ. Bởi con tằm đã làm hết mọi công đoạn cho đến khi ra sản phẩm. Từ sản phẩm này, bà đã cho ra đời nhiều tấm mền chăn, các loại gối chất lượng cao. Đặc biệt, sản phẩm chăn bông, vải lụa tơ tằm của bà đã có mặt ở những thị trường trong và ngoài nước.

Không chỉ sáng tạo trong nghề dệt lụa tơ tằm truyền thống mà bà Thuận còn được biết đến là một nghệ nhân đầu tiên dệt lụa từ tơ sen. Tơ sen mong manh, se được sợi rồi nhưng khi đưa vào khung dệt đứt liên lục, bởi sợi thuần từ thực vật không có cái dai dẻo như tơ tằm.

Bà Thuận cho biết, để dệt chiếc khăn dài 1,7 m rộng 0,25 m cần tới 4.800 cuống sen. Trong khi đó, một người thợ chăm chỉ, thạo việc một ngày cũng chỉ làm được từ 200-250 cuống sen. Tính ra để hoàn thiện một chiếc khăn cũng phải mất khoảng 1 tháng. Sợi tơ sen mảnh, dễ đứt nên phải rất khéo léo, tỉ mẩn mới có thể rút được sợi tơ. Đặc biệt, tất cả các cuống sen đều phải xử lý trong vòng 24 tiếng đồng hồ nếu không cuống sẽ bị khô, tơ bị rút sợi hỏng hoàn toàn.

Với những nỗ lực không mệt mỏi, nghệ nhân Phan Thị Thuận đã nâng tầm nghề dệt lụa truyền thống của quê hương. Từ những sản phẩm độc đáo của bà, thương hiệu dệt Phùng Xá, huyện Mỹ Đức ngày càng được nhiều người biết đến.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Người nghệ nhân khiến tằm tự dệt lụa

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO