Người nghèo ít bệnh?

Thiện Dân 19/12/2020 10:00

Thanh tra TP Hồ Chí Minh vừa có thông báo kết luận thanh tra về việc quản lý, sử dụng quỹ bảo hiểm y tế (BHYT), mua sắm trang thiết bị, vật tư y tế và đấu thầu thuốc chữa bệnh trên địa bàn TP HCM. Điều làm người dân băn khoăn là kết quả thanh tra trong nhiều năm, quỹ khám chữa bệnh cho người nghèo đều thừa. Năm 2015 thừa trên 24 tỉ đồng, năm 2016 trên 43 tỉ đồng, năm 2017 trên 14 tỉ đồng…

Vấn đề có vẻ hơi nghịch lý, rằng cứ tưởng quỹ khám chữa bệnh cho người nghèo thì luôn luôn thiếu. Bởi đã là người nghèo, nếu có bệnh phải đi viện, điều lo nhất là…tiền. Cũng không ít người nghèo, bệnh trọng, phải cứu chữa tốn tiền. Lại cũng vì nghèo, thiếu thốn mà hay sinh bệnh. Và người nghèo thì rất mong được hỗ trợ, giúp đỡ, biết bao nhiêu cho đủ.

Từ 15/10/2002, Chính phủ đã có Quyết định 139/2002/QĐ-Ttg về việc khám chữa bệnh cho người nghèo. Đối tượng ở thành phố thì là người nghèo theo quy chuẩn hộ nghèo. Tiêu chuẩn được quỹ mua cho thẻ bảo hiểm, hỗ trợ một phần viện phí cho các trường hợp khó khăn đột xuất…

Mười năm sau, tại Quyết định 14/2012/QĐ/TTg đã sửa đổi, bổ sung đối tượng như người thuộc diện hưởng trợ cấp xã hội hàng tháng, người đang được nuôi dưỡng tại các cơ sở bảo trợ xã hội của nhà nước; người mắc bệnh ung thư, chạy thận nhân tạo, mổ tim hoặc các bệnh khác gặp khó khăn do chi phí cao mà không đủ khả năng chi trả viện phí. Chế độ hỗ trợ cũng được mở rộng như hỗ trợ một phần tiền ăn, tiền đi lại, chi phí khám, chữa bệnh BHYT…

Và như vậy nếu như quỹ chữa bệnh sau này có lớn hơn gấp nhiều lần so với cái mức tối thiểu khoảng 70.000 đồng/ người/ năm theo Quyết định 139 thì cùng với việc bổ sung đối tượng, tiêu chuẩn hỗ trợ, thì cũng khó mà đủ cho người nghèo.

Vậy nhưng vì sao nhiều năm quỹ này ở TP HCM vẫn dư, mà dư lớn? Với kết quả thanh tra làm người ta vừa mừng, vừa băn khoăn. Mừng vì số người nghèo ở thành phố lớn nhất nước này có thể ít đi, ít bệnh, ít người khó khăn, ít dùng đến quỹ (Cũng theo báo cáo thì Chương trình giảm nghèo bền vững của TPHCM giai đoạn 2016-2020 bình quân 1%/năm, phấn đấu cuối năm 2020, tỉ lệ hộ nghèo thành phố còn dưới 0,3%). Còn băn khoăn thì liệu những người nghèo, người khó khăn thực sự có được hưởng đầy đủ chế độ?

Chính sách ban hành, nhưng đi vào cuộc sống là do người thực thi, đòi hỏi trách nhiệm của các tổ chức, cá nhân liên quan. Từ một nội dung của kết quả thanh tra nói trên, người dân cũng mong muốn cần có sự kiểm tra, rà soát vấn đề cụ thể, để chính sách tốt đẹp của Đảng, Nhà nước thực sự đến với người dân, nhất là dân nghèo.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Người nghèo ít bệnh?

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO