Người nuôi lợn ở Nghệ An điêu đứng vì dịch

Điền Bắc 09/04/2021 07:30

Hơn 2 tháng nay, người chăn nuôi lợn tại tỉnh Nghệ An đứng ngồi không yên vì dịch tả lợn châu Phi hoành hành. Hàng trăm tấn lợn phải tiêu hủy, chuồng trại trống không, cả làng xã chỉ là một màu vôi trắng xóa. Thậm chí khi dịch bệnh vẫn chưa có dấu hiệu “hạ nhiệt” thì tình trạng vứt lợn chết ra môi trường càng làm nguy cơ dịch bệnh trầm trọng hơn.

Tính đến ngày 7/4, toàn tỉnh Nghệ An đã có hơn 1,7 ngàn hộ chăn nuôi bị dịch tả lợn châu Phi tấn công.

Tâm dịch Thanh Chương

Tính đến đầu tháng 4/2021, toàn huyện Thanh Chương (Nghệ An) có 35/38 xã xảy ra dịch tả lợn châu Phi.

Theo thống kê tính đến ngày 6/4, địa phương này đã có gần 3.700 con tương đương gần 270 tấn lợn bị tiêu hủy. Số lợn bị dịch chủ yếu bùng tại các chăn nuôi nhỏ lẻ, khó áp dụng các biện phòng chống.

Tại xã Thanh Lĩnh, nơi được xem là ảnh hưởng nặng nề từ dịch tả lợn châu Phi, ông Nguyễn Trường Tam - Chủ tịch UBND xã Thanh Lĩnh cho biết, dịch tả lợn Châu Phi bùng phát đã hơn 2 tháng, tính đến ngày 7/4 vừa qua, toàn xã có 6/6 xóm đã bị dịch “bủa vây”, số hộ bị ảnh hưởng dịch tả lợn hoành hành lên tới 80 hộ, đồng nghĩa với việc hơn 13 tấn lợn đã phải tiêu hủy.

“Theo thống kê, dịch chủ yếu xảy ra tại các hộ gia đình chăn nuôi nhỏ lẻ, nên việc phòng chống dịch khó khăn. Hiện chúng tôi đang tích cực phối hợp với cơ quan chức năng khẩn trương rà soát và tích cực các biện pháp phòng chống, ngăn chặn dịch bệnh. Hàng ngày, giao cho dân quân xã thống kê, phát hiện lợn dịch, chết để lập tức tiêu hủy” - ông Tam nói.

Ghé chuồng trại gia đình bà Nguyễn Thị Lý trú tại thôn Thủy Hồng (xã Thanh Lĩnh), hiện chỉ là một chuồng không, trống trải. Từ khi 2 con lợn nái 1 con lợn thịt trọng lượng hơn 4,5 tạ của gia đình bị tiêu hủy, đến nay bà vẫn chưa thể tái đàn vì dịch tả lợn Châu Phi trong khu vực vẫn chưa được khống chế.

Theo bà Lý, khi chưa có dịch, chăn nuôi lợn là kinh tế chính của gia đình, khi thông tin các xã lân cận bị dịch gia đình cũng chủ động phòng tránh như rắc vôi bột, hạn chế người lạ. Tuy nhiên, sau khi dịch “tràn” về xóm thì hơn 4 tạ lợn phải tiêu hủy. Dù xót của nhưng cũng phải tiêu hủy.

Cũng giống gia đình bà Lý, gia đình bà Lưu Thị Mùi (thôn Thủy Hồng), anh Nguyễn Chí Dương thôn Trung Long, hàng chụ hộ dân thôn Sơn Hạ cùng điêu đứng vì dịch tả lợn. Từ khi ra Tết đến nay, dịch bùng phát, lần lượt các hộ gia đình phải chịu cảnh lợn chết, lợn ốm và đành phải tiêu hủy. “Không biết đợt dịch lần này khi nào mới kết thúc, chứ nó đang bùng phát như thế này thì người dân chúng tôi không thể tái đàn, ảnh hưởng đến phát triển kinh tế của gia đình” - anh Dương cho biết.

Tại xã Thanh Tùng, bệnh dịch tả lợn Châu Phi cũng tái phát trong những ngày cuối tháng 3. Ông Phan Văn Dũng - Chủ tịch UBND xã cho biết, xã đã bố trí lực lượng và nguồn lực để phục vụ công tác phòng chống dịch một cách khẩn trương nhất.

“Với người nông dân, chăn nuôi lợn là một trong những nguồn thu nhập chính. Do vậy, nếu không bảo vệ được đàn lợn, nhiều gia đình sẽ phải tiêu hủy cả đàn lợn, thiệt hại hàng chục triệu đồng; tình hình kinh tế - xã hội của địa phương cũng ảnh hưởng”, ông Dũng lo lắng.

Theo báo cáo của UBND huyện Thanh Chương, từ ngày 1/1/2021, dịch tả lợn Châu Phi tái bùng phát trên địa bàn huyện, nhưng lây lan mạnh nhất kể từ tháng 2 lại nay. Tính đến ngày 6/4, bệnh dịch tả lợn châu Phi đã xảy ra tại 1.326 hộ, thuộc 126 thôn, bản của 35/38 xã, số lượng lợn bị chết tiêu hủy gần 270 tấn.

Vứt lợn chết trôi sông

Dù dịch tả lợn châu Phi tại Nghệ An hiện đang diễn biến phức tạp, người dân, chính quyền đang khẩn trương phòng chống, xử lý. Tuy nhiên, tình trạng vứt lợn chết ra môi trường xuất hiện nhiều nơi tại địa phương này, khiến tình hình dịch bệnh càng khó kiểm soát.

Đơn cử như tại xã Lục Dạ, huyện Con Cuông trong ngày 7/4 vừa qua, người dân phát hiện tại mương nước Phai Mèn lợn chết, có con nặng gần 100kg đang trong giai đoạn phân hủy, bốc mùi hôi thối trôi trên mương nước tưới tiêu gần khu vực đông dân cư và một số trường học. Ngay sau đó, chính quyền địa phương đã phải huy động lực lượng mang đi tiêu hủy.

Hay như tại xã Thanh Yên (huyện Thanh Chương) dọc tuyến đường ra bến đò Phuống người dân cũng phát hiện nhiều xác lợn chết vứt dưới chân cầu, nhiều con đang trong quá trình phân hủy, nổi trên mặt nước, bốc mùi hôi thối.

Ông Bùi Hữu Chương, Chủ tịch UBND xã Thanh Yên xác nhận, có hiện tượng người dân lén lút vứt xác heo chết do dịch tả heo Châu Phi ra môi trường. “Khi phát hiện sự việc, chủ yếu chúng tôi đã huy động lực lượng ra vớt, tiêu hủy theo quy trình. Đồng thời, thông báo cho người dân hiểu về việc vứt lợn ra môi trường là vi phạm phát luật trong phòng chống dịch bệnh và luật bảo vệ môi trường sẽ xử lý nghiêm” - ông Chương cho biết thêm.

Tình trạng trên cũng xảy ra tại xã Thanh Lĩnh. Theo ông Nguyễn Trường Tam, Chủ tịch UBND xã, thời gian gần đây xã phát hiện nhiều lợn chết trôi dạt vào địa phận của xã. Xã phải huy động dân quân trục vớt và tiêu hủy. “Trong tháng 3 vừa qua, xã cũng đã xử phạt một tiểu thương từ nơi khác đến mua lợn của bà con trong xã vận chuyển ra ngoài, số tiền phạt là 3,5 triệu đồng” - ông Tâm cho biết.

Được biết, tính đến 30/3/2021 đến nay, 19/21 huyện trên toàn tỉnh Nghệ An đã bùng phát bệnh dịch tả lợn châu Phi với 1.762 hộ, 386 xóm, 145 xã bị ảnh hưởng. Tổng số lợn đã tiêu hủy là 4.794 con, tổng trọng lượng hơn 300 tấn.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Người nuôi lợn ở Nghệ An điêu đứng vì dịch

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO