Người nuôi thủy sản lao đao

Đoàn Xá 12/03/2016 02:25

Những ngày gần đây, hàng trăm người dân làm nghề nuôi trồng thủy sản ở cửa sông ven bờ biển Bến Tre đang vô cùng lo lắng vì hàu chết hàng loạt không rõ nguyên nhân. 

Người nuôi thủy sản lao đao

Hàu chết hàng loạt ở Bến Tre.

Tại khu vực sông Cửa Đại (nhánh của sông Tiền), nơi tập trung hàng trăm người nuôi hàu trên bè, ven bờ cũng là khu vực ảnh hưởng nặng nề nhất của đợt hàu chết lần này. Khắp các con đường ven biển, xác hàu chết chất đầy đường, cao như núi. Nhiều nông dân dù không khai thác được gì vẫn phải gỡ hàu khỏi các khung, lồng để có thể tiếp tục sinh kế của mình.

Bác Nguyễn Văn Tiến, một nông dân ở ấp 1 (xã Thừa Đức) cho biết. “Nhà tôi có 1,5ha hàu. Nếu bình thường, khoảng tháng 4, tháng 5 tới là bắt đầu thu hoạch nhưng cách đây hơn 1 tuần, tôi bắt đầu thấy hiện tượng hàu chết. Tính đến hôm nay, khoảng hơn 80% số lượng hàu đã chết”.

Cũng theo bác Tiến, mặc dù nghề nuôi hàu khá đơn giản nhưng chi phí cũng cao. Đầu tư chi phí cho một héc ta hàu cũng ngót ngét 35-40 triệu đồng. “Thế nhưng sau hơn 1 năm chăm sóc, đến nay thì gần như cả vốn lẫn lời và công sức chăm sóc đều tiêu tan cả”, bác thở dài ngao ngán.

Dời khu vực nuôi hàu của bác Tiến, chúng tôi tìm tới khu nuôi hàu của một nông dân khác. Anh Vỹ, cùng ấp bảo. “Nghề nuôi hàu xuất hiện ở đây chưa lâu và đem lại lợi nhuận khá. Mấy năm trước, 1 héc ta hàu cũng cho lãi xấp xỉ 50 triệu, là nguồn thu lớn của nhiều gia đình. Thế nhưng, tình trạng hàu chết hàng loạt chắc chắn sẽ khiến nhiều nhà lao đao.

Về nguyên nhân của tình trạng này, theo nhiều người dân, là do mặn hóa xâm nhập sâu mà nước ngọt phía thượng nguồn lại không có. Đặc tính của hàu là sinh sống trong môi trường nước lợ ven cửa sông-biển nên chỉ cần môi trường nước thay đổi là ảnh hưởng đến quá trình sinh trưởng của hàu ngay lập tức.

“Bình thường, độ mặn của nước khoảng 15-20% là phù hợp với hàu. Tuy nhiên vừa qua, khảo sát thì độ mặn ở khu vực nuôi hàu của người dân ở Bình Đại là 35-37%. Có thể độ mặn quá cao chính là nguyên nhân khiến hàu chết hàng loạt trong thời gian qua”, ông Huỳnh Văn Cung, Chi cục trưởng Chi cục Thủy sản Bến Tre cho biết.

Trong khi đó, theo tìm hiểu của chúng tôi, ở các địa phương như huyện Bình Đại, Ba Tri, Giồng Trôm… do điều kiện tự nhiên nên nghề nuôi thủy sản của nông dân rất phát triển. Ngoài hàu, nghê, tôm và các loại cá tra, cá điêu hồng, cá tai tượng… cũng được thả nuôi trên sông rất nhiều. Tính đến thời điểm hiện tại, ngoài con nghêu chưa bị ảnh hưởng gì của đợt thiên tai này thì hầu hết các vật nuôi còn lại đều đang chịu ảnh hưởng ở các mức độ khác nhau. Ngoài hàu, nghề nuôi cá tra trên lồng bè ven sông cũng ghi nhận tình trạng bị chết.

Về phương án giải quyết, hỗ trợ cho bà con nông dân, một lãnh đạo tỉnh Bến Tre cho biết sắp tới sẽ thống kê thiệt hại của dân để tìm cách giải quyết.

Trao đổi với chúng tôi, ông Đoàn Văn Đảnh, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Bến Tre cho biết, trong đợt hạn hán nghiêm trọng này, ngoài hơn 15ha lúa của tỉnh bị thiệt hại nặng nề thì nhiều héc-ta hàu của ngư dân cũng bị chết. Bên cạnh đó, người dân nuôi cá tra ở khu vực các cửa sông cũng bắt đầu xuất hiện tình trạng cá chết mà nguyên nhân cũng được cho là nước nhiễm mặn.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Người nuôi thủy sản lao đao

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO