Người Raglai

BẮC PHONG (tổng hợp) 28/09/2015 10:24

Đồng bào Raglai là một cộng đồng ít người sinh sống tập trung tại một số huyện thuộc các tỉnh Nam Trung Bộ và Tây Nguyên. Tuy không đông, nhưng bản sắc văn hóa của người  Raglai rất đặc sắc, tạo được dấu ấn riêng với ấn tượng đậm đà.

Lễ hội của đồng bào Raglai

Trong một lễ hội mang tên “Huyền thoại thác Yang Bay” tổ chức tại xã Khánh Phú, huyện Khánh Vĩnh, tỉnh Khánh Hòa, du khách đã được chứng kiến nhiều tiết mục đặc sắc trong văn hóa Raglai. Có thể kể đến: Ngày hội ông Đồ tại cây Mộc Thần, vũ điệu với cá sấu, lễ mừng lúa mới, vũ điệu cồng chiêng, uống rượu cần và thưởng thức nghệ thuật ẩm thực đậm đà hương sắc núi rừng. Nhìn chung, lễ hội của người Raglai gắn với điều kiện sống và làm việc của cư dân nông nghiệp, với truyền thống làm nương rẫy.
Đồng bào Raglai thường chọn vị trí trong thung lũng sâu có núi cao bao bọc xung quanh để lập làng. Đó là nơi thuận tiện cho việc trồng tỉa cũng như chăn nuôi gia súc, gia cầm. Đây cũng là nơi bà con dễ dàng kiếm được mây tre để đan lát những đồ đựng, đồ sàng gạo, gùi. Nhưng, đáng chú ý, nghề thủ công chủ yếu do đàn ông đảm nhiệm.
Tuy rằng sống chung trong một thung lũng nhưng nhà của bà con thường làm cách nhau. Một gia đình thường dựng một nhà dài (theo lối nhà sàn) để ba, bốn thế hệ cùng chung sống. Chủ nhà là người cao tuổi nhất trong gia đình, trong dòng họ. Nhà của người Raglai được dựng vững chắc, xung quanh có hàng rào và luôn có máng nước bằng tre nứa dẫn từ suối về. Đó là ngôi nhà chính, ngoài ra, trên nương rẫy, bà con còn dựng một “nhà rẫy” để nghỉ ngơi khi đi làm. Tại đây, bà con còn dựng kho để chứa hoa màu trước khi mang về nhà.
Cũng như một số dân tộc sinh sống trên cao nguyên, người Raglai trước kia theo chế độ mẫu hệ. Đến tuổi xây dựng gia đình, con gái thường “bắt chồng” theo quan niệm “chặt cây rừng về làm nhà, bắt người ta về làm người nhà mình”. Người chồng là trụ cột trong gia đình nhưng khi phải ra quyết định những việc lớn thì quyền lại thuộc về vợ và người cậu (em mẹ vợ). Theo tập tục, con gái mang họ mẹ và luôn giữ mối quan hệ huyết thống theo dòng họ mẹ suốt 7 đời. Trong những trường hợp phải bàn về quyền thừa kế thì bao giờ tài sản cũng thuộc về con gái, đặc biệt là người con gái út.

Kiến trúc nhà truyền thống của người Raglai

Đồng bào Raglai tin rằng vạn vật đều có linh hồn, vật nào cũng có thần. Với người thân qua đời, người ta cũng tin rằng người đó vẫn vấn vít với người sống, cho nên quanh mộ bao giờ bà con cũng trồng nhiều loại cây, như chuối, mía, dứa, khoai môn. Tại khu nhà mồ, người ta cũng “chia của” cho người chết bằng cách đập vỡ những vật dụng hàng ngày. Người Raglai cũng làm lễ bỏ mả, tuy nhiên không theo thời gian hạn định, mà khi có điều kiện. Khi đó, người sống sẽ không tế lễ người chết nữa.
Đồng bào Raglai có nền âm nhạc dân gian phong phú, trong đó có cả hệ thống truyện thần thoại kể về các vị thần của muôn loài. Về dân nhạc, có thể kể đến những làn điệu như alâu (hát đối đáp), hát than thân, hát tỏ tình. Nhạc cụ cũng rất phong phú với bộ chiêng, khèn bầu (sara ken), khèn môi, đàn ống tre (chapi)... Bộ đàn đá của người Raglai được coi là nhạc cụ cổ xưa bậc nhất.
Tại Lâm Đồng, người Raglai cư trú chủ yếu tại hai huyện Đơn Dương và Di Linh. Bằng kinh nghiệm nhiều đời, bà con rất giỏi dự cảm được thời tiết để bước vào mùa vụ. Khi thời tiết oi bức, gió đổi chiều, cây pô-ô đơm hoa là trời sắp đổ mưa. Khi đó người ta bắt đầu dọn rẫy, gieo hạt giống vì mùa mưa sắp bắt đầu.

Theo PGS.TS Thành Phần (Trung tâm Nghiên cứu Việt Nam và Đông Nam Á, Trường ĐH Khoa học Xã hội và Nhân văn - ĐHQG TP.HCM), tộc người Raglai được biết vào đầu thế kỷ XIX. Từ năm 1945 đã bắt đầu xuất hiện một số công trình nghiên cứu bằng tiếng Việt về người Raglai. Sau năm 1975 đến nay, các công trình nghiên cứu về văn hóa Raglai xuất bản nhiều hơn, trong đó một số công trình nghiên cứu đề cập đến thể loại hát ngâm (hari). Đây là một loại hình diễn xướng kể chuyện theo hình thức sử thi, nội dung phản ánh nguồn gốc của người Raglai, các biến cố trong quá trình chuyển cư, lập làng, mối quan hệ ứng xử của con đối với thiên nhiên, giữa người với người, sinh hoạt cộng đồng, cuộc sống gia đình, tình yêu đôi lứa… Tuy nhiên, tới nay, hình thức hát ngâm này hầu như không còn xuất hiện.

Về lễ bỏ mả, ngày nay cũng ít người thực hiện. Với người Raglai, có hai thế giới song song tồn tại là thế giới của người sống và thế giới của những người đã khuất. Người mới chết cho dù đã chôn cất thì vẫn còn mối quan hệ với người đang sống. Vì thế, lễ bỏ mả nhằm chia tay vĩnh viễn với người chết để họ về sống trong một thế giới khác - thế giới vĩnh hằng. Trong lễ bỏ mả, người ta phải dựng sạp lễ, làm nhà mồ, trang trí nhà mồ và đặc biệt là làm Kagor - một con thuyền gỗ để làm phương tiện cho linh hồn người chết ra đi. Lễ bỏ mả thường được tiến hành trong ba ngày, trong đó phần cúng Kagor là nghi thức rất quan trọng: người chủ tế sẽ cầm “vật thiêng dẫn hồn” cùng mọi người đi 6 vòng ngược chiều kim đồng hồ quanh Kagor để dẫn hồn người chết ra đi. Tới ngày thứ ba, mọi người sẽ ngồi bên nhà mồ suốt đêm để tiễn biệt người quá cố. Lúc đó, người sống sẽ dặn nhau không buồn nữa để người chết ra đi thanh thản.
Tuy nhiên, tới nay, lễ bỏ mả cũng ít nơi thực hiện, mà đã theo cách thức mới, tuy rằng tình cảm của người sống dành cho người thân đã mất thì không thay đổi.
Theo thời gian, nhiều tập tục không còn là để phù hợp với điều kiện sống mới, nhưng với người Raglai cây đàn Chapi vẫn rất được mến mộ, tuy nó là loại nhạc cụ tương đối đơn giản, nhưng lại nói lên được tình cảm của con người.

Đồng bào Raglai tin rằng vạn vật đều có linh hồn, vật nào cũng có thần. Với người thân qua đời, người ta cũng tin rằng người đó vẫn vấn vít với người sống, cho nên quanh mộ bao giờ bà con cũng trồng nhiều loại cây, như chuối, mía, dứa, khoai môn. Tại khu nhà mồ, người ta cũng “chia của” cho người chết…

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Người Raglai

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO