Người ‘thắp lửa’ ở Mùa Xuân

Nguyễn Chung 10/07/2021 06:30

“Chỉ có xóa bỏ những tư duy cổ hủ, lạc hậu, không còn di canh, di cư tự do thì người Mông ở Mùa Xuân mới có thể góp phần tô đẹp thêm giá trị văn hoá của dân tộc mình. Chỉ có làm nông nghiệp ổn định, bà con dân bản mới no cái bụng và không còn phải chịu cảnh chờ Nhà nước cứu đói mỗi khi mùa giáp hạt về”. Đó là chia sẻ của anh Thao Văn Dia, Trưởng bản Mùa Xuân (xã Sơn Thủy, huyện Quan Sơn, Thanh Hóa).

Trưởng bản Mùa Xuân Thao Văn Dia (thứ 2 từ trái qua).

Luẩn quẩn trong đói nghèo, hủ tục

Tôi đến bản Mùa Xuân khi mặt trời đã đứng bóng. Từ trên cao nhìn xuống, bản nằm nép mình giữa một thung lũng nhỏ hẹp được bao bọc bởi tứ bề là rừng núi. Theo thông tin hành chính thì nơi đây có 113 hộ với 541 nhân khẩu đang sinh sống. Do bị chia cắt bởi địa hình, đường sá đi lại khó khăn nên cuộc sống của bà con vẫn còn rất vất vả và khó khăn. Đặc biệt là các phương tiện thông tin chưa được phổ biến nên cái vòng luẩn quẩn đói nghèo cứ đeo bám người dân vùng biên.

Sáng nay, Trưởng bản Thao Văn Dia không lên nương như thường lệ vì anh phải cùng đám trai tráng trong bản đi kiểm tra, gia cố lại vị trí cho mấy cái tua bin đặt dọc suối. “Nhiều dây cố định bị sờn đứt, bờ ngăn bị sạt nên phải gia cố lại trước khi mùa lũ về. Nó là nguồn sáng, là văn minh của bản đấy!”, Dia vừa nói, vừa hồ hởi mời chúng tôi vào nhà.

Sau nhiều cố gắng, nhà của Dia và nhiều bà còn khác đã có cả ti vi xem qua đầu thu vệ tinh, xe máy, tủ lạnh và quan trọng nhất là họ đã không còn thiếu đói mỗi khi mùa giáp hạt về. Dia bảo: Thành quả có được này là nhờ cả vào cuộc “cách mạng” trong tư duy của bà con dân bản. Không di canh di cư, không đốt, phá rừng, xóa bỏ nhiều hủ tục. Người Mông ở Mùa Xuân đã biết trồng lúa nước, chăn nuôi để thoát nghèo.

Vừa uống cạn bát nước chè xanh đặc quánh, Dia vừa kể cho tôi nghe về cuộc “cách mạng” của cả anh và người dân trong bản. Sinh ra và lớn lên dưới tán rừng, không biết qua bao mùa vầu nở hoa, Dia phải chứng kiến cái đói, cái nghèo, lạc hậu bủa vây bản làng.

Không nói đâu xa, chỉ khoảng 10 năm về trước, một cái chết của người đầu họ cũng khiến cả gia đình, dòng tộc khánh kiệt vì hủ tục ma chay kéo dài hàng tuần trời. Đám hỉ thì khỏi nói! Rượu được rót tràn như nước suối mùa lũ. Nhà có bao nhiêu lợn gà, trâu bò đều được ngả ra để thết quan viên hai họ triền miên trong nhiều ngày mừng cho đôi trẻ. Cứ thế, cái nợ đời trước quàng sang cổ đời sau, sợi dây đói nghèo cứ thế dài ra mãi.

Khi đói nghèo được đẩy lùi, trẻ em ở Mùa Xuân đã được cắp sách tới trường.

“Cách mạng” trong tư duy

Khi được tin tưởng bầu làm Bí thư Chi bộ kiêm Trưởng bản, câu hỏi làm gì để cả bản thoát nghèo cứ bám riết lấy suy nghĩ của anh. Dia xác định, chỉ có xóa bỏ những tư duy cổ hủ, lạc hậu, không còn di canh, di cư tự do thì người Mông ở Mùa Xuân mới có thể góp phần tô đẹp thêm giá trị văn hoá của dân tộc.

Chỉ có làm nông nghiệp ổn định, bà con dân bản no cái bụng và không còn phải chịu cảnh chờ Nhà nước cứu đói mỗi mùa giáp hạt. Nghĩ là làm! Dia đã đến từng nhà, tuyên truyền vận động cộng đồng dân tộc Mông không phát rừng làm rẫy, du canh, du cư nữa, ổn định đời sống ở một nơi.

Không những thế, anh còn mạnh dạn mua sách, báo hướng dẫn về kỹ thuật trồng cây ngắn ngày, chăn gia súc, gia cầm về tự học rồi hướng dẫn lại cho người dân… Song song, anh xin các cấp đưa giống cây phù hợp vào sản xuất như dự án trồng vầu, trồng mận ở Mùa Xuân.

Ban đầu người dân còn e dè, nghi ngờ về tính thực tế trong các việc Dia làm nhưng chỉ sau vài vụ thu hoạch, nhà Dia đã có của ăn, của để, đồng bào đã nghe và làm theo. Trong năm 2020 người dân trong bản đã trồng được 82,9ha các loại cây ăn quả. Đặc biệt, năm 2021 bản Mùa Xuân đã trồng lúa 2 vụ trên diện tích 4,7ha. Việc chăn nuôi gà, lợn có chuyển biến, không chỉ phục vụ cho gia đình mà còn mang xuống trung tâm huyện bán lấy tiền.

Năng nổ trong các hoạt động sản xuất, Thao Văn Dia còn tuyên truyền bà con thực hiện nếp sống mới ở khu dân cư, duy trì và phát huy bản sắc văn hóa dân tộc như giữ gìn trang phục dân tộc, múa khèn, múa ô, các trò chơi, trò diễn như chọi cù, ném còn… Từng bước xóa bỏ thói quen sinh hoạt và phong tục tập quán lạc hậu trong cộng đồng.

Đặc biệt là trong ma chay, cưới hỏi, người chết phải khâm liệm vào quan tài, tổ chức tang lễ gọn nhẹ, không để dài ngày, không giết trâu bò lãng phí như trước đây. Thực hiện nếp sống mới, từng bước cởi bỏ sợi dây đói nghèo ghì siết người Mông bao đời.

“Hôn nhân cận huyết thống và tảo hôn từng bước được xóa bỏ. Trẻ em khi đến tuổi được chính quyền địa phương tuyên truyền vận động để đến trường đi học. Mưa dần thấm lâu, từ đó những ánh sáng văn minh dần được phổ cập trên vùng đất phên dậu này”, Thao Văn Dia chia sẻ.

Sớm đưa dân bản vượt qua đói nghèo

Với những việc làm của mình, anh Dia được bà con quý mến, nghe và làm theo. Anh cũng là cá nhân tiêu biểu được huyện Quan Sơn đề nghị Chủ tịch UBND tỉnh tặng Bằng khen vì có thành tích xuất sắc trong “Học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh” giai đoạn 2016-2020. Anh Dia cũng là một trong những người dân tộc thiểu số có uy tín trong cộng đồng.

Nói về vai trò của những người có uy tín trong cộng đồng các dân tộc thiểu số tại Quan Sơn, Bí thư Huyện ủy Quan Sơn Vũ Văn Đạt cho hay: Quan Sơn là một trong những huyện miền núi còn nhiều khó khăn không chỉ của Thanh Hóa mà cả nước. Những năm qua, bằng sự vào cuộc của cấp ủy, chính quyền địa phương, đặc biệt là vai trò của các già làng, trưởng bản, những người có uy tín trong cộng đồng đã tuyên truyền sâu, rộng đến bà con với nhiều cách làm hay, thiết thực, hiệu quả đã tạo được sự chuyển biến trong cộng đồng dân tộc nơi đây.

Từ những thay đổi trong tư duy, nhận thức, đồng bào đã tích cực đấu tranh bài trừ tư tưởng, tập quán canh tác, thói quen sinh hoạt lạc hậu trong nhân dân, phát huy bản sắc văn hóa tốt đẹp của đồng bào, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội. Không ít cá nhân, điển hình trong phát triển kinh tế của hộ gia đình và là động lực để cả một bản, một xã học tập, làm theo.

Hiện nay, một số nơi còn khó khăn về cơ sở hạ tầng, giao thông chia cắt nhưng cộng đồng dân tộc Quan Sơn không thể nghèo về ý chí, quyết tâm. Với khí thế này, cái đói, cái nghèo sẽ được xóa bỏ, trẻ em sẽ được cắp sách tới trường, được trang bị đầy đủ kiến thức trở lại khai phá quê hương trở nên giàu mạnh.

Từ những cá nhân tiêu biểu như Thao Văn Dia, phong trào xây dựng nông thôn mới được đẩy mạnh, việc tái cơ cấu ngành nông nghiệp thực hiện có hiệu quả, đã xuất hiện nhiều mô hình tiêu biểu trên địa bàn huyện vùng khó Quan Sơn.

Cho đến nay, Quan Sơn đã có 55 bản được công nhận nông thôn mới, 7 bản đạt nông thôn mới kiểu mẫu, 3 xã đạt chuẩn nông thôn mới, góp phần giảm tỷ lệ hộ nghèo trên địa bàn huyện từ 41,87% (năm 2015) xuống còn 3,24% (năm 2020).

“Khi tư duy về sản xuất, nếp sống đã được thay đổi căn bản, người dân sẽ nghe và làm theo những chủ trương chính sách đúng đắn của Đảng và Nhà nước. Mình tin, con đường để đưa bà con dân bản vượt qua đói nghèo, lạc hậu đến làm giàu sẽ không còn xa, dẫu nó còn dài và nhiều gian nan thử thách như con đường đến Mùa Xuân!”, mắt Dia ánh lên niềm tin.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Người ‘thắp lửa’ ở Mùa Xuân

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO