Người thầy nặng lòng với ngôn ngữ, chữ viết dân tộc mình

20/11/2020 08:32

Là giáo viên trẻ, nhưng thầy Thạch Huỳnh luôn hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ. Ngoài đứng lớp giảng dạy tại trường Trung cấp Pali – Khmer Trà Vinh, thầy Huỳnh còn giảng dạy miễn phí tại một số chùa Khmer, truyền cảm hứng học ngôn ngữ, chữ viết dân tộc cho hàng trăm con em trên địa bàn.

Sinh ra và lớn lên tại vùng ven Thị xã Trà Vinh, (nay thuộc Khóm 9, Phường 9, TP Trà Vinh) trong một gia đình nông dân nghèo. Do đời sống quá khó khăn, học đến lớp 6 Thạch Huỳnh phải nghỉ học. Nhớ thầy, nhớ bạn, nhớ sách vở, nghỉ học không bao lâu, Thạch Huỳnh lấy hết can đảm xin gia đình vào chùa tu để tiếp tục con đường học vấn. Năm 2007, Học viện Phật giáo Nam tông Khmer khai giảng khóa đầu tiên, đã mở ra cơ hội lớn cho Thạch Huỳnh sau gần 12 năm đèn sách nơi cửa Phật.

Với bằng tốt nghiệp loại giỏi, năm 2015, Thạch Huỳnh trúng tuyển vào Trường trung cấp Pali-Khmer Trà Vinh và được giao nhiệm vụ phụ trách môn dịch thuật Pali-Khmer. Kể từ đó, ngoài đứng lớp giảng dạy tại trường, thầy Huỳnh còn thu xếp thời gian đến dạy miễn phí tại một số chùa, từ môn Dịch thuật Pali-Khmer, môn Ngữ văn Khmer, tiếng Anh… đến môn Tin học.

“Hầu hết các bạn nam nữ chỉ đến với lớp học của chùa vào dịp hè, thời gian khác rất ít bạn có điều kiện. Vì vậy tôi cố gắng hết sức có thể để truyền đạt cho các bạn những gì mà mình học được khi còn là một nhà sư”, thầy Thạch Huỳnh nói.

Thầy giáo Thạch Huỳnh - Trường trung cấp Pali-Khmer Trà Vinh.

Tại Trường trung cấp Pali-Khmer Trà Vinh, thầy Huỳnh được giao nhiệm vụ phụ trách môn Dịch thuật Pali-Khmer, là môn học khó và rất ít giáo viên đảm nhận tốt môn học này. Tuy nhiên, nhờ có gần 20 năm tu luyện nơi cửa Phật, nghiên cứu nhiều về Phật giáo, đọc nhiều bộ kinh, sách cổ cùng với kiến thức sư phạm đã giúp thầy Huỳnh hoàn thành tốt nhiệm vụ truyền dạy môn dịch thuật Pali-Khmer – một môn học trước đây chỉ có các vị sư cao niên mới dám đảm trách.

Tăng sinh Kim Sa Rết, năm cuối lớp Trung cấp Pali-Khmer đến từ huyện Trà Cú cho biết: “Không chỉ riêng sư mà các phần lớn tăng sinh đều nhận thấy, thầy Huỳnh có kiến thức sâu về môn dịch thuật Pali-Khmer. Ngoài ra, thầy có nghệ thuật truyền đạt rất bài bản, dễ hiểu, dễ nhớ; từ ngữ pháp đến nghệ thuật dùng từ. Nếu không kịp hiểu, thầy sẵn sàng hướng dẫn lại rất tận tâm”.

Bên cạnh việc giảng dạy theo chương trình, thầy Thạch Huỳnh còn luôn truyền cảm hứng đến học sinh, tăng sinh yêu mến văn hóa dân tộc mình và khắc phục mọi khó khăn để học được “nhiều chữ Khmer”. Vì ngôn ngữ, chữ viết Khmer vốn học đã khó, ít ngành nghề liên quan nên rất ít bạn trẻ chịu khó học đến nơi đến chốn.

Thầy Thạch Huỳnh cho biết, để giúp việc học chữ Khmer gần gũi với cuộc sống hơn, thầy cố gắng củng cố kiến thức đã học và yêu cầu các lớp học tại chùa đưa vào môn tiếng Anh, Tin học cơ bản để giảng dạy. Cũng từ việc khởi xướng này mà phong trào học tiếng Anh, Tin học tại các trường trong chùa hiện nay khá phát triển, nhất là tại các chùa trong nội ô thành phố Trà Vinh.

“Tôi sinh ra từ một gia đình nghề nông thiếu thốn nhưng nhờ làm theo những lời chỉ bảo của người đi trước và cố gắng hết mình mới có được kiến thức cũng như kinh nghiệm sống như hiện nay. Vì vậy, bên cạnh việc dạy chữ, tôi luôn tranh thủ truyền đạt những kinh nghiệm của một người đi trước để những bạn có hoàn cảnh khó khăn có thể khắc phục, tiếp tục đến lớp”.

Lớp học của Trường trung cấp Pali-Khmer Trà Vinh.

Vừa dạy bổ túc văn hóa, vừa dạy trường chùa, thầy Huỳnh còn nhận thêm nhiệm vụ chủ tịch công đoàn trường. Thầy Lâm Sa Ron, Phó hiệu trưởng Trường trung cấp Pali-Khmer cho biết, với tính năng nổ, không ngại khó nên nhiều năm nay thầy Huỳnh làm rất tốt nhiệm vụ này.

Công đoàn của một ngôi trường đặc thù như Trường trung cấp Pali-Khmer rất cần người hiểu giáo lý, hiểu biết những sinh hoạt đặc thù, tâm lý, tình cảm của tăng sinh. Qua đó làm cầu nối, trao đổi với giáo viên phụ trách các môn tự nhiên, xã hội được Sở GD-ĐT Trà Vinh đưa về giảng dạy để hoàn thành tốt nhiệm vụ. Với chuyên môn, nghiệp vụ vững vàng, có uy tín, thầy Huỳnh được đề cử là giáo viên cốt cán của trường:

“Thầy Huỳnh là một giáo viên có chuyên môn tốt, nhất là môn Dịch thuật Pali-Khmer. Ngoài ra thầy là người hòa đồng, không ngại khó, sẵn sàng hỗ trợ các giáo viên khác khi cần. Thầy là giáo viên gương mẫu của trường, nhiều năm liền hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ và được trường đề cử là giáo viên cốt cán”, thầy Lâm Sa Ron cho biết.

Việc dạy và học Khmer ngữ cho con em đồng bào luôn được cấp ủy, chính quyền Trà Vinh quan tâm. Riêng đối với thầy Thạch Huỳnh, lúc nào cũng tận tâm với công tác giảng dạy đáp ứng yêu cầu của Ban giám hiệu nhà trường, đặc biệt, với niềm tin tưởng của đồng bào, của nhà chùa mà bản thân đã từng nương tựa, học hành.

Cho dù cuộc sống gia đình còn nhiều khó khăn, thầy vẫn luôn nhiệt huyết với nghề “trồng người”, mong muốn ngày càng có nhiều con em đồng Khmer thông thạo ngôn ngữ, chữ viết, cùng nhau giữ gìn, bảo tồn và phát triển bản sắc văn hóa dân tộc mình.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Người thầy nặng lòng với ngôn ngữ, chữ viết dân tộc mình

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO