Người thổi sáo mang tên Thiều

Hoàng Thu Phố 14/01/2021 19:00

Xin mượn tên một bức tranh mới nhất của nhà thơ - họa sĩ Nguyễn Quang Thiều để làm tựa đề cho bài viết này. Bức tranh ấy sẽ xuất hiện trong triển lãm “Người thổi sáo” của ông, khai mạc ngày 7/1/2021.

Nhà thơ Nguyễn Quang Thiều.

Một hôm, tôi thấy nhà thơ Nguyễn Quang Thiều đưa lên facebook dòng trạng thái, đại ý là tuổi già đến, buổi trưa ông thường phải nằm nghỉ một chút. Không hoài nghi nhưng tôi bật cười vì nhớ một lần, cũng gần đây thôi, ông nói với tôi, chỉ mong một ngày có 48 tiếng, hoặc hơn. Để làm gì? Để viết, để vẽ, để thực hiện cho bằng được những ý tưởng cứ dồn dập đến trong đầu.

Nhà thơ Nguyễn Quang Thiều có tập thơ “Sự mất ngủ của lửa” nổi tiếng. Nhưng không hiểu sao, tôi luôn nghĩ, ông thường mất ngủ vì ý tưởng. Trò chuyện với ông lần nào cũng thấy những dự định dang dở, những bản thảo đang viết, những bức tranh đang vẽ...

Nguyễn Quang Thiều không thích rượu bia. Ông thường từ chối những cuộc nhậu buổi trưa để có chút thời gian cho mình. Thường những lúc ấy, ông bước vào một căn phòng nhỏ để vẽ. Ông cũng thường từ chối những cuộc nhậu buổi chiều, để kịp về đón cháu nội trước giờ tan học. Đó là hai niềm vui lớn của Nguyễn Quang Thiều, mà ông không bao giờ từ chối.

Chuyện nhà văn, nhà thơ bị bảng màu hội họa “thôi miên”, rạt rẽ qua, vẽ rồi cất, vẽ rồi tặng, vẽ rồi bày triển lãm tưng bừng vui nhộn, trong thời gian qua không còn lạ. Chính Nguyễn Quang Thiều, trong đoạn đầu đầy phấn khích, đã từng tham gia triển lãm chung với mấy bạn vẽ “tay ngang”. Nhưng ngay sau đó ông đã dừng vẽ một thời gian, rồi tìm thấy một con đường riêng, để tự tin ký tên mình trên những bức tranh mình đã vẽ.

Nhà thơ Nguyễn Quang Thiều là người quảng giao, biết nhiều, chơi rộng. Quanh ông luôn có những họa sĩ nổi tiếng, hàng đầu của thị trường mỹ thuật Việt Nam. Thế nhưng, khi bước chân vào hội họa, ông chưa một lần hỏi họ về cách vẽ, dù với hội họa, ông chưa từng được học một ngày. Và hội họa, với ông là số O tròn trĩnh. Nhưng ông cứ vẽ như một nhu cầu cần được bộc lộ, bày tỏ. Ông cứ vẽ theo cách ông suy nghĩ và cảm nhận. Ông cứ vẽ và ông cứ lặng lẽ vứt bỏ. Cho đến khi vẽ được những bức tranh cảm thấy ưng ý, ông chụp ảnh đưa lên trang cá nhân, như là trang trí, như là minh họa cho một bài viết nào đó của chính ông. Những bức tranh đó nhanh chóng đến được với nhiều người, nhiều bình luận bày tỏ sự đồng cảm. Thậm chí có người xin ông để làm bìa sách, có người còn nhờ ông vẽ tranh minh họa cho một tập thơ…

Tôi đã xem và thích nhiều bức tranh của Nguyễn Quang Thiều, trong đó có cả những bức tranh hồi đầu ông vẽ mực nho trên giấy dó. Rồi sau này ông vẽ sơn dầu, vẽ màu nước… Tôi đã bước vào phòng vẽ của ông. Những bức tranh xếp dồn lại một góc. Vài bức đang vẽ dở. Tôi nhận ra sức lao động bền bỉ của một người đàn ông sinh ra ở làng Chùa. Nhưng có lúc, tôi nghĩ, Chúa đã mượn tay Nguyễn Quang Thiều để vẽ. Khi nói với ông điều ấy, Nguyễn Quang Thiều chỉ cười. Ông thừa nhận không một ngày được học mỹ thuật, và trước mỗi bức tranh, ông không vẽ bất cứ phác thảo nào. Ông cứ đứng trước tấm toan và vẽ theo cảm xúc của ông, hình dung của ông, mong muốn của ông… Nhiều bức tranh ông vẽ rất nhanh, chỉ trong một ngày, hay vài ba ngày là xong. Nhưng lại có những bức tranh ông phải bỏ dở, mấy tháng sau mới quay lại vẽ tiếp.

Tôi sẽ không mô tả Nguyễn Quang Thiều vẽ gì, hình tượng nào được ông dùng nhiều lần, với những sắc thái khác nhau, như muốn lan truyền một thông điệp, một tình yêu, một sự mỉm cười. Vì tôi cảm thấy đó là một điều không cần thiết. Trước tác phẩm hội họa mỗi người sẽ có những cảm nhận khác nhau, thậm chí đi xa hơn cả những gì chính tác giả nói về bức tranh mình. Nhưng tôi cũng muốn đưa ra cảm nhận cá nhân: Nguyễn Quang Thiều đã vẽ tranh bằng tâm hồn của một thi nhân. Thi nhân của làng Chùa, thi nhân của vùng sông Đáy, thi nhân của những câu chuyện vừa rất thật nhưng cũng đầy mơ hồ, xao động. Xem tranh Nguyễn Quang Thiều vẽ trong năm 2020 đầy biến động, tôi thấy ông như đang kể lại những bài thơ, những truyện ngắn mà ông đã viết trong những ngày tháng cũ. Ông không minh họa lại tác phẩm văn học của mình mà đã đưa ra một phiên bản khác, đó là phiên bản bằng hội họa.

Tôi biết gần đây có rất nhiều người thích tranh Nguyễn Quang Thiều. Doanh nhân có. Nhà sưu tập có. Bạn văn có. Và cả những người bình thường khác cũng muốn có một bức tranh của ông để treo trong ngôi nhà của họ. Họ nhận ra những câu chuyện trong bức tranh của Nguyễn Quang Thiều. Họ thấy lại một ký ức nào đó đã tuột trôi. Nhưng ông đều khéo léo từ chối hầu hết những ai ngỏ ý mua tranh. Tôi hỏi lý do, Nguyễn Quang Thiều nói ông muốn giữ lại để làm một cuộc triển lãm cá nhân. Triển lãm ấy lúc đầu định tổ chức vào tháng 10, nhưng rồi vì Covid, vì địa điểm, khiến ông phải dời sang đầu năm 2021.

Nguyễn Quang Thiều từng nhiều lần nói rằng, ông mong có một phép màu nào đó để không phải bán những bức tranh đi. Nhưng ông cũng không muốn đối xử với những bức tranh của mình bằng cách xếp gọn trong góc phòng. Ông muốn tất cả những bức tranh mình vẽ được đóng khung, được treo lên, được cất lên tiếng nói trong một không gian có hơi thở con người cùng những giá nến…

Và triển lãm “Người thổi sáo” sắp diễn ra, là một ứng xử như thế, của nhà thơ - họa sĩ Nguyễn Quang Thiều.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Người thổi sáo mang tên Thiều

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO