Tinh thần đoàn kết, tương thân, tương ái của người Việt ở đâu cũng tỏa sáng và ấm áp. Trong đại dịch vừa qua nhiều người Việt đã quyên góp tiền may khẩu trang, hay tặng những suất ăn cho các y bác sĩ nơi tuyến đầu chống dịch
Liên bang Nga là một trong những quốc gia có số người nhiễm bệnh Covid-19 cao trên thế giới. Dịch bệnh khiến cuộc sống của cộng đồng người Việt bị ảnh hưởng khá nặng nề, nhất là khi chính quyền Nga triển khai hạn chế tiếp xúc xã hội, đóng cửa các trung tâm thương mại… Tuy nhiên với sự hỗ trợ của đội ngũ y tế người Nga, với sự đoàn kết, gắn bó, cộng đồng người Việt đang nỗ lực vượt qua khó khăn. Đó là chia sẻ của ông Đỗ Xuân Hoàng, Chủ tịch Hội người Việt Nam tại LB Nga.
PV:LB Nga bị ảnh hưởng khá nặng nề bởi dịch bệnh. Là người trực tiếp quan sát, ông có thể đánh giá về tình hình dịch Covid-19 tại Nga trong những ngày này như thế nào?
Ông Đỗ Xuân Hoàng: LB Nga là một trong các nước bị ảnh hưởng dịch khá mạnh. Khi dịch bệnh mới bắt đầu, cũng như tại nhiều nước khác, do bất ngờ trước quy mô và tính chất của nó, hệ thống y tế không tránh được sự quá tải và lúng túng nhất định.
Nhưng Nga là nước có nền y tế phát triển, lại thừa hưởng một mạng lưới y tế cộng đồng sâu rộng từ Liên xô (cũ) nên chính quyền các cấp đã rất nhanh chóng tổ chức hiệu quả các biện pháp ứng phó . Đến nay, tình hình có thể nói là đã trong tầm kiểm soát, các ca nhiễm mới giảm đều, cách ly xã hội được nới lỏng một cách thận trọng, cuộc sống dần dần quay lại nhịp độ trước dịch. Tuy trước mắt còn nhiều sự khó lường, nhưng rõ ràng là hệ thống y tế đã có chuẩn bị và đã có các phương án đối phó tương đối hiệu quả.
Thưa ông, trong thời gian dịch Covid-19 hoành hành, cuộc sống của bà con người Việt mình tại Nga ra sao?
-Cộng đồng ta là một phần của xã hội Nga. Do đó mà có cùng trải nghiệm với cả xã hội. Chúng ta cũng có người mắc, người ốm, và một số ít không may. Trong bối cảnh chung, không tránh được sự lo lắng. Nhưng người Việt ta đã vượt qua nhiều khó khăn thì lúc này cũng sẽ tìm được phương pháp để khắc phục. Có thể thấy rằng tự bản thân dịch bệnh không phải là vấn đề chính. Vấn đề chính của tương lai cộng đồng lại là các hệ quả của dịch bệnh. Việc hạn chế tiếp xúc xã hội và đóng của các TTTM, sức mua tụt giảm, con cái phải học ở nhà, kế hoạch đi lại giao dịch dở dang …. đã giáng một đòn rất mạnh vào xương sống kinh tế của cộng đồng ta. “Miệng ăn núi lở”, công việc kinh doanh đột ngột dừng lại, cuộc sống đảo lộn… đó sẽ là các vấn đề hiển hiện trước nhiều gia đình, nhiều doanh nghiệp.
Tinh thần đoàn kết, tương thân, tương ái của người Việt ở đâu cũng tỏa sáng và ấm áp. Trong đại dịch vừa qua được biết nhiều người Việt đã quyên góp tiền may khẩu trang, hay tặng những suất ăn cho các y bác sĩ nơi tuyến đầu chống dịch, được bạn bè Nga đánh giá cao?
-Trước khi nói đến tình cảm của bà con ta, tôi muốn dành những lời cảm ơn chân thành nhất tới đội ngũ y bác sĩ và chính quyền LB Nga. Nhiều bà con ta mắc bệnh, ngôn ngữ không thông, thủ tục hành chính bất cập, bản thân bạn cũng ngổn ngang trăm sự, vậy mà chúng ta nhận được sự trợ giúp và chăm sóc như người bản địa, tuyệt nhiên không có phân biệt đối xử, không có phàn nàn, đòi hỏi…
Từ phía cộng đồng ta cũng gần như ngay lập tức xuất hiện các hoạt động rất ý nghĩa và nhân văn. Nhiều nhà hàng Việt ủng hộ gần chục ngàn suất ăn cho các y bác sĩ. Trong lúc vật tư thiếu thốn, nhu cầu lại tăng vọt, một số xưởng may của người Việt nhanh chóng chuyển sang may khẩu trang, ủng hộ nhiều đợt cho các bệnh viện tại chỗ, tổng số lên đến 80.000 khẩu trang y tế. Riêng khu vực Moscow có hơn 1.500 gia đình được các nhóm hỗ trợ mua thuốc, thử test. Hàng trăm gia đình được hỗ trợ thực phẩm, tiền mặt… Những ví dụ như vậy có rất nhiều, minh chứng sống động của truyền thống Việt nam “Nhiễu điều phủ lấy giá gương” và “ăn quả nhớ kẻ trồng cây”.
Trong thời điểm diễn ra dịch bệnh, chắc chắn không ít người rất hoang mang lo lắng. Vậy vai trò của Hội Người Việt Nam tại LB Nga được thể hiện như thế nào, thưa ông?
-Các trường hợp đầu tiên trong cộng đồng được ghi nhận từ cuối tháng 3. Vấn đề quá mới và quá quy mô nên tâm lý chung của cả xã hội khi đó là lo lắng, những người Việt xa nhà lại càng bất an. Những lúc như thế này, sự cố kết trong cộng đồng và lòng tin vào tổ chức Hội là chỗ dựa tinh thần quý giá cho mọi người. Không ai cảm thấy đơn độc. Mọi người đều biết rằng luôn có một tập thể, một tổ chức gắn bó, thấu hiểu và sẵn sàng hỗ trợ, sẵn sàng giúp đỡ và giúp đỡ có hiệu quả. Tập thể các cán bộ Hội đã thể hiện xứng đáng với lòng tin đó.
Trọng tình nghĩa và đề cao các giá trị cộng đồng là những đặc điểm dễ nhận thấy của bà con ta tại Nga. Ngay khi vấn đề dịch bệnh trở nên nghiêm trọng, tại các khu vực có tập trung đông người Việt đều đã xuất hiện các nhóm vận động đứng ra để tổ chức và kết nối các hoạt động tương trợ nhau. Ở nhiều nơi, tuy là tự quản và có tính chất ứng phó nhưng có thể thấy mọi người đã tập hợp xung quanh các cá nhân tiêu biểu, có uy tín, có tấm lòng và có năng lực tổ chức.
Đấy là chưa kể đến một số lượng lớn các tình nguyện viên, phiên dịch viên… gần như sẵn sàng 24/7. Các tổ chức hỗ trợ này đã xử lý hàng ngàn cuộc gọi và trực tiếp phiên dịch, tư vấn, phổ biến các thông tin có ích. Bà con ta đa số là bỡ ngỡ với ngôn ngữ, tập quán, cách thức vận hành xã hội của bạn, nay nhiều người đột ngột rơi vào cảnh cách ly, cấp cứu. Người bản địa đã vất vả, người nước ngoài lại càng khó khăn gấp bội. Trong hoàn cảnh đó có được sự trợ giúp dù nhỏ của các tổ chức cộng đồng thực là vô giá.
Hội Người Việt không đơn giản là một bên tham gia mà cùng với cơ quan đại diện ngoại giao là một tác nhân chính với vai trò tổ chức, phối hợp các hoạt động chung. Nhờ đó mà phân bổ nguồn lực hiệu quả hơn, giúp đỡ đúng người, đúng việc hơn.
Sau dịch Covid-19, nước Nga có các chính sách hỗ trợ gì cho người nước ngoài nói chung, người Việt nói riêng trong đợt dịch vừa qua?
-Thời điểm này có thể là hơi sớm để nói đến hai chữ “sau dịch”, phía trước còn tiềm ẩn nhiều rủi ro. Nhà nước Nga có một loạt biện pháp để giảm nhẹ phần nào gánh nặng của dịch bệnh cho người dân. Đối với các doanh nghiệp thì có các chương trình giãn thời gian nộp thuế, hỗ trợ cụ thể cho các cơ sở công nghiệp then chốt tại các địa phương. Nhưng chính sách chủ yếu vẫn là nhằm khôi phục hoạt động bình thường của xã hội và tăng sức mua kích thích nền kinh tế .
Hiện tại, hoạt động kinh doanh, buôn bán, lao động và học tập của người Việt tại Nga đã trở lại bình thường chưa?
-Như tôi đã nói ở trên, hoạt động kinh doanh gắn với thương mại, dịch vụ là trụ cột chính của kinh tế cộng đồng. Chúng ta cùng chung nhịp thở với nền kinh tế của bạn. Hiện nay các biện pháp hạn chế đã dần dần được nới lỏng, đời sống xã hội và cả nền kinh tế Nga đang quay lại trạng thái thực.
Tốc độ hồi phục khó có thể nhanh được như mong đợi song xu hướng là tích cực. Người Việt nhanh nhậy, chịu khó và rất bền bỉ, kiên trì, vì vậy mà các doanh nghiệp ta bắt kịp xu hướng này và tôi tin tưởng rằng chúng ta sẽ sớm lấy lại được vị trí của mình, bù đắp các thiệt hại mà dịch bệnh gây ra.
Trân trọng cảm ơn ông!