Chung nhịp đập trái tim đoàn kết

Tuệ Phương (ghi) 17/09/2019 10:00

Kiều bào từ lâu đã là cộng đồng không tách rời của khối đại đoàn kết dân tộc Việt Nam. Từ khi Chủ tịch Hồ Chí Minh mời những kiều bào tiêu biểu về nước cống hiến trong thời kỳ kháng chiến chống Pháp đến nay, đã có biết bao tấm gương người Việt ở nước ngoài đóng góp, cống hiến cho quê hương.

Cộng đồng người Việt ở nước ngoài công tác trong nhiều lĩnh vực, nhưng thế mạnh lớn nhất là có nhiều trí thức, doanh nhân. Từ những phương trời xa, nhưng bà con luôn chung một tấm lòng, chung một chí hướng dựng xây đất nước. Vấn đề là phải làm sao để bà con phát huy hơn nữa nguồn lực to lớn ấy. Xin trân trọng giới thiệu những ý kiến tâm huyết của các vị Ủy viên UBTƯ MTTQ Việt Nam khóa VIII, là kiều bào.

Chung nhịp đập trái tim đoàn kết

Bà Phan Bích Thiện.

BÀ PHAN BÍCH THIỆN, VIỆT KIỀU HUNGARY:

Xây dựng cơ chế để kiều bào đóng góp ý kiến

Trong 5 năm vừa qua, công tác đối ngoại và kiều bào của Mặt trận đã có nhiều chuyển biến tích cực và có sự thay đổi về chất. Trong các hội nghị cũng như trong tất cả các cuộc hội họp, bao giờ những ý kiến, kiến nghị của kiều bào cũng được quan tâm và coi trọng, công tác đối ngoại nhân dân cũng được đẩy mạnh, tăng cường, trở thành một trong những hoạt động chính của Mặt trận.

Trong những năm gần đây, Mặt trận cũng thường xuyên tổ chức các đoàn cán bộ cấp cao sang thăm, lắng nghe ý kiến đóng góp, tìm hiểu đời sống bà con kiều bào ở các nước khác nhau. Ngay như ở Hungary nơi tôi sinh sống, năm 2018 vừa qua cũng được đón tiếp phái đoàn của UBTƯ MTTQ Việt Nam do Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Chủ tịch-Tổng Thư ký Hầu A Lềnh làm trưởng đoàn sang thăm và làm việc. Trong chuyến đi đó ngoài công việc là những chương trình nghị sự, làm việc với phía Quốc hội của nước bạn, Đoàn cũng đến thăm các trung tâm thương mại, các chợ có đông người Việt sinh sống. Điều đó chứng tỏ bà còn kiều bào đã được quan tâm bằng những việc làm và hành động cụ thể.

Đối với những vấn đề quan trọng của đất nước bà con Việt kiều ở Hungary cũng nhận thấy sự đổi mới. Tới đây, tại Đại hội đại biểu toàn quốc MTTQ Việt Nam lần thứ IX, ngoài việc về nước tham dự và đóng góp ý kiến, các thành viên Ủy ban MTTQ Việt Nam là kiều bào có thêm phần báo cáo của cộng đồng người Việt tại nước sở tại. Đây có thể xem là điểm mới mà các nhiệm kỳ Đại hội trước chưa có. Việc làm này nếu trở thành thông lệ thì sẽ phát huy hết được vai trò của từng thành viên Ủy ban. Thực tế, có những Ủy viên hoạt động tích cực nhưng cũng có Ủy viên cũng chưa phát huy hết vai trò của mình. Mong rằng trong nhiệm kỳ tới các Ủy viên sẽ có trách nhiệm hơn trước nhân dân. Làm tốt được việc này, Mặt trận cũng nắm bắt được tâm tư của bà con kiều bào, hiểu rõ hơn tình hình kinh tế - văn hóa - xã hội ở nước bạn… để Mặt trận đưa ra các hoạt động đối ngoại nhân dân cho phù hợp.

Nhìn lại hoạt động của nhiệm kỳ vừa qua để gửi gắm mong muốn của mình trong nhiệm kỳ mới, bà con kiều bào ở Hungary mong rằng, vị trí, vai trò của MTTQ Việt Nam sẽ ngày càng được khắc sâu hơn trong lòng nhân dân cũng như trong đời sống chính trị của đất nước. Không chỉ đối với kiều bào mà ngay cả đối với công cuộc xây dựng đất nước, công cuộc phòng chống tham nhũng, lãng phí, phát triển kinh tế hay trước mỗi chính sách, dự án lớn mang tầm quốc gia… MTTQ Việt Nam sẽ xây dựng được cơ chế, thống nhất với Chính phủ để làm sao tập hợp được nhiều nhất ý kiến góp ý của nhân dân.

Bà con kiều bào mong được đóng góp ý kiến nhiều hơn nữa thông qua kênh MTTQ. Đơn cử như trước một Bộ luật nào đó nếu có sự thay đổi, chỉnh sửa, bổ sung; hoặc khi đất nước chuẩn bị có một dự án lớn liên quan đến đại cục quốc gia, bà con kiều bào cũng được đóng góp ý kiến của mình trong đó. Việc này có hai mặt lợi. Thứ nhất, kiều bào có thể chia sẻ kinh nghiệm học hỏi được ở nước sở tại mà họ đang sinh sống. Thứ hai, có thể tận dụng được tiềm năng sẵn có của bà con kiều bào để cống hiến cho đất nước. Hiện nay, rất nhiều kiều bào là những chuyên gia, trí thức giỏi ở nhiều lĩnh vực khác nhau. Nếu chính sách đó, dự án đó liên quan đến các lĩnh vực mà họ đang theo đuổi thì có thể tận dụng được nguồn chất xám khổng lồ, lượng kiến thức dồi dào để phục vụ đất nước. Khi tổ chức lấy ý kiến đóng góp của kiều bào không nhất thiết phải thông qua các hội nghị, hay các kỳ hội họp, kiều bào cũng không cần phải bay về nước mới có thể đóng góp được ý kiến của mình mà cần có cơ chế, để kiều bào có thể thông qua kênh MTTQ, có thể thông qua mạng lưới Ủy viên Ủy ban ở nước ngoài để gửi gắm ý kiến đóng góp của mình trong xây dựng cơ chế về luật pháp cũng như trong phát triển kinh tế đất nước.

Chung nhịp đập trái tim đoàn kết - 1

Ông Trần Hải Linh.

ÔNG TRẦN HẢI LINH, VIỆT KIỀU HÀN QUỐC:

Dành sự quan tâm đặc biệt đến kiều bào

Với việc thực hiện chủ trương, đường lối đối ngoại của Đảng, Nhà nước công tác đối ngoại và ngoại giao nhân dân của MTTQ Việt Nam đã đạt được nhiều kết quả tích cực. Trong công tác đối ngoại, UBTƯ MTTQ Việt Nam đã nỗ lực củng cố mối quan hệ đoàn kết hữu nghị, phát triển chiều sâu, ổn định với các nước làng giềng, các đối tác truyền thống và mở rộng đối tác của MTTQ Việt Nam.

Hoạt động đối ngoại nhân dân của MTTQ Việt Nam cũng đã nhận được sự hưởng ứng tích cực của các tổ chức, cá nhân người Việt Nam ở nước ngoài thông qua các phong trào, các cuộc vận động do Mặt trận phát động. Đặc biệt trong nhiệm kỳ vừa qua, MTTQ Việt Nam đã tập hợp được đông đảo đại diện kiều bào tiêu biểu ở khắp các châu lục tham gia Ủy viên Ủy ban MTTQ Việt Nam. Điều này đã giúp cho công tác đối ngoại nhân dân của MTTQ Việt Nam ngày càng được lan tỏa rộng rãi hơn. Tuy nhiên yêu cầu hội nhập quốc tế của đất nước đang ngày càng sâu rộng trên nhiều lĩnh vực, đòi hỏi UBTƯ MTTQ Việt Nam cần có thêm nhiều chương trình, hoạt động mang tính định hướng để tham mưu cụ thể hơn nữa cho công tác đối ngoại và ngoại giao nhân dân.

Những năm gần đây, xu hướng trở về quê hương lập nghiệp của các thế hệ kiều bào, đặc biệt là các kiều bào trẻ ngày càng tăng. Nhiều bà con kiều bào cũng đã thành lập các mạng lưới kết nối cộng đồng doanh nhân, trí thức trong và ngoài nước để tổ chức những hoạt động hướng về Tổ quốc. Trong nhiều năm gần đây, vai trò, vị thế và kinh tế đất nước đi lên, Đảng, Nhà nước, Chính phủ, UBTƯ MTTQ Việt Nam đều dành sự quan tâm đặc biệt đối với người Việt Nam ở nước ngoài. Điều này được thể hiện ở việc, Chính phủ thường xuyên tổ chức gặp mặt, đối thoại để lắng nghe tiếng nói của kiều bào, tạo điều kiện thuận lợi nhất để những người xa quê có điều kiện trở về, đóng góp công sức dựng xây đất nước. Tuy nhiên, Đảng, Chính phủ vẫn cần phải quan tâm, rà soát, bổ sung, hoàn thiện cơ chế, chính sách và pháp luật, tạo hành lang pháp lý thuận lợi để kiều bào yên tâm quay trở về đầu tư, sản xuất, kinh doanh, cống hiến tri thức, đáp ứng yêu cầu của sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Đặc biệt, cần chú ý tháo gỡ những vướng mắc liên quan đến việc nhập, trở lại quốc tịch Việt Nam.

Với vai trò là tổ chức đại diện cho khối đại đoàn kết toàn dân tộc, công tác về người Việt Nam ở nước ngoài cần được Mặt trận tiếp tục đẩy mạnh; tăng cường, phát huy vai trò, thế mạnh của mỗi Ủy viên Ủy ban là kiều bào ở nước ngoài trong từng chương trình hành động của Mặt trận và coi đó là việc làm cần thiết để kết nối Mặt trận với kiều bào. Bên cạnh đó, Mặt trận cũng nên huy động người Việt Nam ở nước ngoài tham gia Hội đồng tư vấn, Đoàn Chủ tịch để những ý kiến của kiều bào được chia sẻ, đóng góp nhiều hơn. Mong rằng, Đại hội đại biểu toàn quốc MTTQ Việt Nam lần thứ IX sẽ tập trung được sức mạnh, tinh hoa của khối đại đoàn kết dân tộc cũng như nâng cao nhận thức của cán bộ, đảng viên và nhân dân về vị trí, vai trò, chức năng, nhiệm vụ của MTTQ Việt Nam.

Chung nhịp đập trái tim đoàn kết - 2

Ông Trần Đình Thắng.

ÔNG TRẦN ĐÌNH THẮNG, VIỆT KIỀU MỸ:

Huy động những người giỏi tham gia giám sát

Hiện nay, người Việt ở Mỹ, nhất là giới trẻ cũng đã tiếp cận nhiều thông tin hơn cho nên sự cảm thông giữa bà con bên Mỹ với bà con ta ở trong nước dễ dàng hơn. Giới trẻ Việt kiều Mỹ cũng tham gia nhiều trong Chính phủ Mỹ. Họ cũng hỗ trợ để thúc đẩy quan hệ Việt - Mỹ. Đây là thuận lợi lớn để thúc đẩy mối quan hệ Việt Nam và Mỹ tốt đẹp hơn. Tôi nghĩ rằng, trong 5 năm hay nhiều năm tới thì mối quan hệ này sẽ ngày càng tích cực hơn.

Về hoạt động giám sát và phản biện, tôi cho rằng Mặt trận nên thành lập Ủy ban giám sát, phản biện và huy động những người có chuyên môn tham gia giống như Quốc hội thì giám sát, phản biện sẽ có kết quả cụ thể hơn. Ví dụ, tôi có chuyên ngành về kỹ thuật và giáo dục. Nếu giám sát về lĩnh vực này, tôi hoàn toàn đủ khả năng, đủ năng lực để tham gia giám sát, phản biện nhưng lại không có cơ hội. Mặt trận cần chứng tỏ vai trò, đưa hình ảnh của mình ra xã hội bằng việc chọn những vấn đề trọng tâm, trọng điểm để giám sát. Hy vọng trong khóa tới Mặt trận sẽ bù đắp được việc này.

Hiện nay, Việt kiều Mỹ có gần 2 triệu người và không phải ai cũng có điều kiện về nước, không phải ai cũng có điều kiện liên lạc, chúng ta phải tiếp thu ý kiến của họ bằng nhiều hình thức có thể qua email, qua thư điện tử, mở rộng hướng online, mạng xã hội... Tôi cho rằng, đây là kênh hiệu quả để tiếp thu ý kiến gửi tới Mặt trận. Khi Mặt trận đã dấn thân để bảo vệ quyền lợi cho người dân thì chắc chắn bà con sẽ tin tưởng và sẵn sàng chia sẻ tâm tư, tình cảm, nguyện vọng của mình. Ngay như đối với cuộc đấu tranh phòng chống tham nhũng, lãng phí hiện nay, bước đầu Mặt trận đã tham gia nhưng nếu dấn thân mạnh mẽ hơn nữa, quyết liệt hơn nữa thì hiệu quả đấu tranh, phòng chống tham nhũng rất lớn. Nếu làm tốt được việc đó thì vai trò, vị trí và hình ảnh của Mặt trận sẽ được tô thắm trong lòng người dân.

Để bà con kiều bào Mỹ quan tâm hơn đến các hoạt động của Mặt trận, có thể hàng năm Mặt trận tổ chức các đoàn đi thăm các tổ chức, đoàn thể như về Công giáo, trường học, những tổ chức phi lợi nhuận, phi Chính phủ… đó là cách đối ngoại nhân dân mà lâu nay Bộ Ngoại giao đều làm nhưng Mặt trận lại rất ít hoạt động như thế này. Bản thân tôi cũng thường xuyên tiếp xúc với các đoàn của Quốc hội tới New York và Washington, D.C nhưng lại chưa bao giờ đi với đoàn của Mặt trận. Thời gian tới Mặt trận nên thiết kế những chuyến đi như thế này để thúc đẩy đối ngoại nhân dân trong vận động quốc tế.

Hiện nay, bà con xa Tổ quốc luôn một lòng hướng về quê hương. Việc này được thể hiện bằng những việc làm cụ thể. Mỗi khi đất nước gặp thiên tai bão lũ hay giúp đỡ trẻ em mồ côi, những hoạt động từ thiện nhân đạo... bà con Việt kiều đã đóng góp rất mạnh mẽ. Họ có thể không thông qua truyền thông nhưng từ thiện với tư cách cá nhân, từ thiện theo nhóm khá nhiều. Hầu hết giới trẻ gốc Việt bên Mỹ đều được đào tạo bài bản, có lượng chất xám cao, có thể đóng góp nhiều cho nền kinh tế đất nước nhưng chúng ta lại chưa kết nối được nhiều. Kiều bào là vệ tinh, là đòn bẩy quan trọng cho sự phát triển kinh tế của đất nước. Việc kết nối trí thức và doanh nghiệp kiều bào để cùng đóng góp tài chính, trí lực, kinh nghiệm vào các ngành kinh tế mũi nhọn cũng là một kênh hiệu quả giúp đất nước phát triển.

Là người Mỹ gốc Việt nhiều năm sưu tầm bản đồ cổ Hoàng Sa, Trường Sa của Việt Nam trên khắp thế giới, nhiều tấm bản đồ đã được tôi gửi về Việt Nam, một lần nữa khẳng định Trường Sa, Hoàng Sa là của Việt Nam. Sắp tới tôi sẽ tập hợp các tấm bản đồ này lại để cho ra cuốn sách về Hoàng Sa, Trường Sa dưới sự hỗ trợ của Học viện Ngoại giao tại Hà Nội và huyện đảo Trường Sa. Cuốn sách này sẽ được dịch sang tiếng Anh, để các trường đại học lớn ở Mỹ và thế giới, các học giả, các nhà nghiên cứu về biển đông có thể hiểu thêm về biển đảo của Việt Nam.

Chung nhịp đập trái tim đoàn kết - 3

Ông Trần Bá Phúc.

ÔNG TRẦN BÁ PHÚC, VIỆT KIỀU Australia:

Gắn bó với Tổ quốc bằng những hành động thiết thực

Trong những năm qua công tác giám sát và phản biện của Mặt trận được làm rất tốt. Vai trò của Mặt trận được nâng tầm, niềm tin của nhân dân, của bà con Việt kiều đối với Đảng, Nhà nước được củng cố, tăng cường. Trong Nghị quyết 36 của Bộ Chính trị cũng khẳng định người Việt Nam ở nước ngoài là một bộ phận không thể tách rời của cộng đồng dân tộc Việt Nam cho nên gần 5 triệu bà con Việt kiều sống xa quê hương cũng rất quan tâm đến các hoạt động giám sát và phản biện của Mặt trận. Mong rằng, trong các hoạt động giám sát và phản biện sắp tới, người Việt Nam ở nước ngoài tiếp tục được tham gia, đóng góp ý kiến. Làm như vậy sẽ đưa cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài gần hơn với nhân dân; chứng tỏ cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài là bộ phận không tách rời của khối đại đoàn kết toàn dân tộc.

Trong các lần sửa đổi Hiến pháp trước đây, bà con kiều bào khắp năm châu cũng được tham gia đóng góp ý kiến. Rất nhiều ý kiến tâm huyết, thể hiện sự xúc động của kiều bào được gửi tới Đảng, Chính phủ và Quốc hội. Những hành động đó khiến bà con kiều bào thấy mình gần hơn, gắn bó hơn với quê hương.

Trong giai đoạn mới, Việt Nam có những bước phát triển, với vai trò là Ủy viên Ủy ban MTTQ Việt Nam, Chủ tịch Hội Doanh nhân người Việt Nam ở Australia, ngoài làm cầu nối giữa các cộng đồng doanh nghiệp trong và ngoài nước, Hội Doanh nhân người Việt Nam ở Australia còn có rất nhiều hoạt động thiết thực giúp cộng đồng người Việt Nam tại Australia gắn bó với nguồn cội. Hội từng phối hợp với Cơ quan đại diện Bộ Công thương tại Australia thực hiện chương trình quảng bá CVĐ “Người Việt Nam ưu tiên hàng Việt Nam” tại các khu vực đông người Việt sinh sống; vận động cộng đồng người Việt Nam đóng góp xây dựng trường học cho học sinh ở Trường Sa; ủng hộ Quỹ học bổng Vừ A Dính.

Hiện nay, cộng đồng người Việt tại Australia có trên 320.000 người đang sinh sống, làm việc và học tập. Cộng đồng người Việt Nam là cộng đồng lớn tại Australia, được đánh giá là cộng đồng hội nhập và có nhiều đóng góp cho sự phát triển của Australia. Trẻ em Việt Nam tại đây học rất giỏi. Ở các trường đại học của Australia, rất nhiều giáo sư, giảng viên là người gốc Việt; thậm chí còn có người Việt Nam giữ chức toàn quyền của một tiểu bang. Nếu chúng ta tập hợp được lực lượng này để góp sức xây dựng quê hương thì sẽ tạo thành một nguồn sức mạnh to lớn. Hơn nữa, cộng đồng người Việt Nam ở Australia đều là những người Việt Nam yêu nước. Họ sẵn sàng đóng góp xây dựng quê hương dưới bất kỳ hình thức nào, không nhất thiết phải về nước đầu tư. Cộng đồng người Việt Nam ở Australia cũng chính là đại sứ hình ảnh, giới thiệu một đất nước Việt Nam thân thiện, sẵn sàng làm bạn với tất cả các quốc gia trên thế giới. Đó chính là một sự đóng góp to lớn, thiết thực nhất trong vận động ngoại giao nhân dân.

Không chỉ đóng góp nguồn lực, trí lực để phát triển kinh tế, kiều bào ở Australia cũng thể hiện tình cảm, sự lo lắng mỗi khi đất nước đứng trước khó khăn, thách thức lớn. Đã không ít lần, bà con kiều bào Australia đã thể hiện thái độ, để bảo vệ toàn vẹn chủ quyền lãnh thổ bằng những việc làm thiết thực như xây dựng lớp học, trang bị thêm các thiết bị học tập cho trẻ em nơi đảo xa. Việc ủng hộ học sinh, người dân và các chiến sĩ đang làm việc ở Trường Sa đã giúp người Việt Nam ở Australia được chia sẻ phần nào trách nhiệm với Tổ quốc và cảm thấy mình gắn bó với đất nước hơn. Trong nhiệm kỳ tới đây, Mặt trận cần tận dụng nguồn lực này để thúc đẩy mở rộng đối ngoại quốc tế.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Chung nhịp đập trái tim đoàn kết

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO