Làm bản tin đặc biệt trên tàu KN 490

Mai Loan 20/06/2019 08:00

Trong hơn 25 năm cầm bút, đi nhiều, viết nhiều nhưng có lẽ một trong những chuyến đi để lại ấn tượng nhất trong tôi đó là chuyến đi thăm quần đảo Trường Sa và Nhà giàn DK1/20 hồi tháng 4/2019.

Làm bản tin đặc biệt trên tàu KN 490

Kiều bào Thái Lan Nguyễn Thị Kim Liên hát trong bản tin đầu tiên phát sóng ngày 15/4 trên tàu KN 490. Ảnh: Hoàng Trường.

1. Ấn tượng là bởi, lần đầu tiên được đặt chân đến nơi “đầu sóng ngọn gió”. Ấn tượng là bởi, ở nơi gian khổ là vậy mà các cán bộ, chiến sỹ Hải quân Nhân dân Việt Nam vẫn bám trụ ngày đêm, giữ vững chủ quyền của Tổ quốc nơi chỉ có sóng biển làm bạn quanh năm. Ấn tượng là bởi, trong chuyến đi ấy, lần đầu tiên tôi được làm những bản tin đặc biệt.

Ngày 14/4, chúng tôi bước chân lên con tàu KN 490- chuyến tàu đưa 209 người, trong đó có 55 kiều bào từ 19 quốc gia và vùng lãnh thổ đi thăm quân và dân Trường Sa. Trước khi lên tàu, hầu hết trong chúng tôi không ai biết ai kể cả nhiều phóng viên báo chí đi theo đoàn. Còn với chúng tôi, những người khởi hành cùng Ủy ban Nhà nước về người Việt Nam ở nước ngoài, thì được Đại sứ Lương Thanh Nghị - Phó Chủ nhiệm Ủy ban “cảnh báo” từ ở nhà: Không chỉ viết bài về chuyến đi, chúng tôi còn có nhiệm vụ làm bản tin trên tàu KN 490 trong suốt hành trình đến với Trường Sa và nhà giàn DK1.

Lên đường đi Trường Sa chiều ngày 14/4, chúng tôi mới gặp được các bạn đồng nghiệp đến từ VTV4, VTC10, VOV, Truyền hình Công an Nhân dân, Báo Quân đội Nhân dân, Tiền Phong... và đặc biệt là 2 Phó Giám đốc Trung tâm văn hóa nghệ thuật của hai tỉnh Yên Bái và Vĩnh Long. Trong cuộc gặp chớp nhoáng vào sáng 15/4, Đại sứ Lương Thanh Nghị chính thức giao nhiệm vụ cho đoàn báo chí làm bản tin trên tàu KN 490. “Bản tin chiều sẽ bắt đầu phát sóng từ chiều nay, 15/4, mỗi bản tin chỉ khoảng 15 phút” - Đại sứ nói ngắn gọn. Nhưng để có 15 phút mỗi ngày, chúng tôi đã phải ngồi lại với nhau lâu hơn, cùng nhau chia 2 kíp thay nhau làm bản tin. Quan trọng hơn cả là bàn bạc việc tổ chức sản xuất.

2. Ngày 15/4 là ngày trước khi chúng tôi đặt chân đến những điểm đảo đầu tiên của quần đảo Trường Sa như Sơn Ca, Sinh Tồn Đông. Ngay trước ngày ấy, chúng tôi phải ra một bản “tin đón” trên sóng phát thanh của tàu KN 490 để kiều bào và các thành viên Đoàn công tác có thể “làm quen” nhau qua sóng phát thanh và nắm được sơ bộ lịch trình, thời tiết, cảnh quan những hòn đảo mà Đoàn sẽ tới thăm vào ngày hôm sau.

Buổi đầu khá bỡ ngỡ, chúng tôi- những người “mở hàng” làm bản tin đầu tiên phát lúc 15 giờ chiều - đã gọi nhau trên hệ thống loa phóng thanh để tập hợp lực lượng của kíp 1 trên Đài chỉ huy của KN 490.

Đại sứ Lương Thanh Nghị có vẻ rất lo lắng cho buổi phát thanh. Anh là một trong những người có mặt sớm nhất. Điều bất ngờ là Đại sứ đã chuẩn bị từ ở nhà một đoạn nhạc dạo bài hát “Nơi đảo xa”, ở cuối đoạn nhạc dạo ấy là giọng của phát thanh viên, vốn là một phóng viên VOV đã từng đến Trường Sa - nhà giàn hơn một lần: “Đây là bản tin chiều của tàu KN 490”.

Những người nhận trách nhiệm “nổ phát súng đầu tiên” hôm ấy gồm nhà báo Thúy Ngân- VTC10, nhà báo Dương Ngọc- báo Người lao động, nhà báo Trường Phong- báo Tiền Phong, Phó Giám đốc Trung tâm văn hóa nghệ thuật tỉnh Vĩnh Long Hoài Nam và tôi. Tuy mỗi người mỗi việc, nhưng là buổi đầu, chúng tôi cùng nhau bàn bạc kịch bản khung; đi tìm trao đổi nội dung với khách mời; viết kịch bản... và dẫn chương trình.

Có lẽ làm bản tin trên tàu đến Trường Sa là “đặc sản” của các đoàn công tác đưa kiều bào ra đảo, ra nhà giàn nhưng với Đoàn công tác số 5 của chúng tôi, có lẽ có thêm điều đặc biệt hơn, đó là: Mỗi bản tin do 2 kíp thực hiện có 2 giọng đọc, một nam, một nữ; một Bắc, một Nam. Phát thanh viên nữ nói giọng Bắc do Thúy Ngân, Thục Linh, Thu Hiền đảm nhận. Phát thanh viên nam nói giọng Nam do Hoài Nam, Liêu Lãm lãnh trách nhiệm. Nhà báo Đăng Khang - tổ trưởng tổ phóng viên -nhận trách nhiệm phụ trách khâu kỹ thuật phát thanh cho tất cả các bản tin.

3.Trở lại với bản tin đầu tiên trên tàu KN 490 chiều 15/4, do vừa trải qua ngày đầu tiên của hành trình, chưa có hoạt động gì mà vẫn phải đủ cả 3 phần: Tổng kết ngày làm việc đầu tiên của đoàn hành trình, khách mời phòng thu và phần về chương trình của ngày làm việc tiếp theo, nên kíp làm tin của chúng tôi lúc đầu cũng khá lo lắng. Nhưng rồi, sau phút trấn tĩnh, chúng tôi cũng hoàn thành nội dung của phần thứ nhất và phần thứ ba của bản tin; còn phần thứ hai thì không khỏi băn khoăn; vì vừa lên tàu chưa có dịp gặp gỡ, trao đổi với nhiều kiều bào. Cuối cùng, nhờ sự bật mí của các anh chị ở Ủy ban, chúng tôi cũng mời được khách mời là chị Nguyễn Thị Kim Liên, kiều bào Thái Lan. Chị Liên sinh ra và lớn lên tại Thái Lan, học tiếng Việt qua cha mẹ và thế hệ cha anh đi trước, chị nói tiếng Việt tuy chưa tròn vành rõ chữ như những người bà con ở quê hương, nhưng điều đặc biệt là chị có giọng hát rất truyền cảm.

Chúng tôi vững tin bước vào giây phút chuẩn bị phát sóng. Phòng thu là khu vực phía sau của Đài chỉ huy tàu KN 490, micro của chúng tôi chính là điện thoại hay có thể gọi là bộ đàm nội bộ được phát vào hệ thống loa phát thanh vào từng phòng; nhưng cũng chỉ có điện thoại mà thôi. Hai phát thanh viên và khách mời chia nhau một micro đặc biệt ấy trong suốt bản tin 15 phút. Cứ như vậy, bản tin đầu tiên đã hoàn thành tốt đẹp dù một vài giây đầu hơi trục trặc, chúng tôi thở phào nhẹ nhõm khi nghe tiếng vỗ tay vang lên ngay trong Đài chỉ huy- tiếng vỗ tay của những kiều bào nghe tin có buổi phát thanh thì tìm lên Đài chỉ huy để trực tiếp nghe.

4. Chín ngày lênh đênh trên biển với 7 bản tin do 2 kíp thay phiên nhau làm, chúng tôi cũng có những điều chỉnh cho phù hợp với tình hình thời sự trong ngày. Đó là nhờ sự phát huy sáng kiến của các nhà báo. Ngày thứ tư của hải trình Trường Sa- nhà giàn DK1 cũng là lần thứ hai kíp của chúng tôi được giao nhiệm vụ làm bản tin. Nhà báo Trường Phong có sáng kiến mở thêm chuyên mục “Quà tặng âm nhạc” và chuyên mục ấy đã nhận được sự tán thưởng của hơn 200 thính giả trên tàu KN 490. Và đến bản tin thứ 5 trên tàu, chúng tôi nhận được khá nhiều yêu cầu gửi quà tặng cho các thành viên của Đoàn. Không chỉ có âm nhạc mà đó có khi chỉ là một lời chúc mừng sinh nhật, chúc ai đó trên tàu mạnh khỏe suốt cuộc hành trình. Thượng tá Lương Quốc Anh - Tham mưu phó lữ đoàn 146 là một người đồng hành cởi mở mà chúng tôi vẫn gọi là “chúa Đảo Trường Sa”. Anh vừa rời vị trí Chủ tịch UBND thị trấn Trường Sa và Chỉ huy trưởng Đảo Trường Sa lớn chưa đầy một năm, là người có nhiều lời đề nghị chúc mừng sinh nhật, người gửi nhiều đề nghị quà tặng âm nhạc nhất Đoàn công tác. Cũng nhờ sự tham gia nhiệt tình của Thượng tá Lương Quốc Anh, những bản tin trên tàu có thêm nhiều tình tiết hết sức thú vị.

Trong bản tin đặc biệt, cũng là bản tin cuối cùng trên tàu KN 490, bản tin được phát thanh dài hơn lệ thường, chúng tôi đã mời tới 3 khách mời để làm talk show và trong bản tin ấy, anh Etcetera Nguyễn- kiều bào Mỹ, chỉ trong vài ba phút đã qua bản tin gửi tặng ký họa cảnh làm việc của thủy thủ trên tàu như một kỷ niệm của 209 thành viên Đoàn công tác gửi tới những người “bắc cầu” đưa chúng tôi đến với Trường Sa và nhà giàn.

Những kỷ niệm thật không dễ gì quên trong đời làm báo!

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Làm bản tin đặc biệt trên tàu KN 490

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO