Nguồn cội văn chương

Đinh Quang Tốn 02/04/2018 12:09

Văn học nghệ thuật cũng như cuộc sống, phong phú kỳ lạ và còn nhiều ẩn số. Nó gắn bó cuộc sống giống như cánh diều phải gắn với mặt đất bằng sợi dây. Cánh diều càng bay cao thì sợi dây càng mờ đi, đến nỗi nhiều khi người ta chỉ còn nhìn thấy cánh diều thôi. Nhưng nếu cắt đứt sợi dây thì cánh diều bị lật nhào.

Nguồn cội văn chương

1. Cánh diều và mặt đất

Có lẽ từ quan niệm văn học là tấm gương phản ánh hiện thực một cách đơn thuần, mà trước đây ở nước ta việc đi thực tế của văn nghệ sĩ rất được đề cao. Phải khẳng định rằng thực tế cuộc sống rất cần cho các văn nghệ sĩ. Như cây cần hút dinh dưỡng vậy. Nhưng thực tế cuộc sống có ở mọi nơi, có ngay ở thành thị, ngay ở cơ quan, ở cuộc sống riêng của nhà văn... Thực ra, vốn thực tế không đồng nghĩa với vốn sống. Vốn sống là bề sâu của nhà văn, còn vốn thực tế chỉ là bề nổi. Vốn thực tế cần nhiều hay ít còn tùy thuộc vào phong cách sáng tác của từng người. Nhà văn phải biết biến vốn thực tế thành vốn sống. Từ góc sân nhà em thôi, đã cho Trần Đăng Khoa những bài thơ hay. Lớn lên anh đi khắp trong và ngoài nước, nhưng thơ không hay hơn khi chưa ra khỏi làng. Nguyễn Khuyến thời còn trẻ đi nhiều nơi, nhưng vườn Bùi, ao nhà cuối đời mới cho ông những vần thơ bất hủ. Ngoài vốn sống, tài năng, nhà văn còn cần cái duyên tri ngộ.

Văn nghệ sĩ là những người sáng tạo. Điều quan trọng nhất với họ là làm ra những cái mới lạ từ những chất liệu bình thường. Người phải dựa vào những chất liệu đặc biệt để sáng tác không phải là người giỏi. Đa số các bình hoa đẹp không phải nhờ những bông hoa lạ, mà nhờ nghệ thuật sáng tạo của người cắm hoa. Những mâm cỗ ngon cũng thường từ các chất liệu bình thường: gạo, thịt, rau. Những công trình kiến trúc nổi tiếng thế giới cũng làm từ đá sỏi và vôi, cát... Những bình cắm hoàn toàn những bông hoa lạ chắc gì mọi người đã muốn ngắm. Những mâm cỗ làm bằng những chất liệu hoàn toàn xa lạ chắc gì mọi người đã dám ăn. Những ngôi nhà làm bằng những vật liệu kỳ lạ chắc gì mọi người đã dám ở... Truyện Kiều của Nguyễn Du có gì lạ đâu, đều là hiện thực bình thường, thậm chí từ một câu chuyện đã có sẵn của Trung Quốc. Sáng tạo ra Tây du ký say lòng cả hành tinh, người nghệ sĩ đâu phải đi thực tế xuống đáy biển, bay lên chín tầng mây, hay chui xuống âm phủ? Hình tượng con rồng, kỳ lân, phượng hoàng đâu phải đi thực tế mà có được?

Văn học nghệ thuật cũng như cuộc sống, phong phú kỳ lạ và còn nhiều ẩn số. Nó gắn bó cuộc sống giống như cánh diều phải gắn với mặt đất bằng sợi dây. Cánh diều càng bay cao thì sợi dây càng mờ đi, đến nỗi nhiều khi người ta chỉ còn nhìn thấy cánh diều thôi. Nhưng nếu cắt đứt sợi dây thì cánh diều bị lật nhào.

2. Quê hương văn chương

Mỗi nhà văn đều có một quê hương văn chương của mình. Đó là nơi nhà văn gắn bó, am hiểu và có tình cảm sâu nặng. Vì thế, con người và mảnh đất nơi ấy thường đi vào tác phẩm của nhà văn một cách tự nhiên, làm nên sự thành công của tác phẩm. Quê hương văn chương cũng phần nào chi phối trang viết của nhà văn, bởi nó đã thấm vào máu thịt nhà văn, nên nó thường thấp thoáng ẩn hiện phía sau những trang viết, dù nhà văn viết về một lĩnh vực mới, một đề tài khác. Quê hương văn chương có thể trùng với quê hương của nhà văn, nhưng cũng có khi là một nơi khác mà tác giả gắn bó.
Nhà văn Nguyên Ngọc quê ở tỉnh Quảng Nam, trong hai cuộc kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ, nhà văn lại gắn bó nhiều với Tây Nguyên, đã cho nhà văn hai tác phẩm nổi tiếng Đất nước đứng lên và Rừng xà nu.

Một trong những nguyên nhân làm cho hồn thơ của Trần Đăng Khoa từ năm 1975 đến nay không còn được như trước có phần nào do anh rời xa quê hương văn chương của mình chăng? Những bài thơ anh viết về người chiến sĩ biên giới và hải đảo, về nước Nga tuy có những thành công nhất định nhưng vẫn không giấu được dấu ấn của người sáng tác thơ, khác hẳn với thơ từ hồn anh phát ra giai đoạn trước đó: Cây cau nó bức quá - phành phạch quạt liên hồi – một tiếng gì không rõ – xôn xao cả đất trời… Nhắc đến Trần Đăng Khoa, tôi lại nhớ, trong tác phẩm Đaghextan của tôi nhà thơ Raxun Gamdatốp có kể một câu chuyện: Một người thợ săn lúc trẻ mơ săn được con cáo đen (theo truyền thuyết là loài thú rất quý hiếm). Anh đã mang cung đi khắp rừng sâu núi xa lùng sục mà không thấy. Khi về già không còn sức đi nữa, không còn lực giương cung nữa. Một hôm anh ngồi ở trước hiên nhà nhìn ra bụi cây ở đầu hồi, bỗng thấy con cáo đen tung tăng chơi ở đấy. Anh thợ săn bèn hỏi: "Mày trốn ở đâu mà cả đời tao đi tìm không thấy?" Cáo đen cười trả lời: "Tôi vẫn sống ở đây từ khi anh mới lẫm chẫm tập đi!" Nói vui vậy, chứ Trần Đăng Khoa đã bắt được con cáo đen ngay từ khi anh còn ở tuổi quàng khăn đỏ. Thậm chí, anh đã thuần dưỡng được nó và thả ngay ở vườn nhà mình để cho mọi người kéo nhau đến ngắm suốt mấy chục năm nay.

3. Trường học của nhà văn

Mọi người đều phải học. Điều này tưởng là đương nhiên, thế mà vẫn có người phủ nhận. Học là để trang bị kiến thức của loài người đã có từ trước khi mình sinh ra và trong khi mình đang sống. Đi học ở trường lớp là cách ngắn nhất để có được những tri thức ấy. Đây là quá trình nạp năng lượng cho bất kỳ ai muốn bay cao bay xa. Muốn sáng tác gì thì cũng phải biết nhân loại đã có gì và đang cần gì. Thế thì nhà văn cũng phải học.

Tất nhiên là học có nhiều cách. Học theo trường lớp là học những kiến thức cơ bản mà loài người đã đúc kết được một cách có hệ thống. Học ở trường đời là những kiến thức mà tự mình rút ra khi được trải nghiệm. Khó có thể coi trọng trường học nào hơn. Chúng ta kính trọng những nhà văn lịch lãm được học hành quy củ bài bản. Chúng ta yêu quý các nhà văn năng động trải nghiệm qua trường đời cuộc sống. Nếu được kết hợp cả hai yếu tố này sẽ nhân lên sức mạnh. Trong thực tế thì không mấy nhà văn có được sự cân bằng cả hai yếu tố ấy. Qua Thời thơ ấu M.Gorki đã phải Kiếm sống suốt cả những quãng thời trai trẻ của mình mà ông gọi là Những trường đại học của tôi. Trong truyện Người bạn đường ông kể về việc mình bị người bạn đường lừa rất hay, rất sinh động và ông kết luận là anh ta đã dạy cho ông một bài học sâu sắc hơn rất nhiều điều mà mình học được từ những pho sách dày cộp do các nhà thông thái viết ra. Nhà thơ đương đại Nga Eptusencô thì chỉ học dở Học viện văn học M.Gorki nhưng ông vẫn trở thành nhà thơ nổi tiếng và được rất nhiều trường đại học danh tiếng của thế giới mời giảng. Ở Việt Nam ta, nhà phê bình kiệt xuất Hoài Thanh cũng chỉ học xong tú tài phần thứ nhất. Nhà thơ chân quê Nguyễn Bính và nhà văn phố thị Nguyên Hồng cũng không thấy ai nhắc đến việc học hành của các ông… Chắc tất cả đều trưởng thành từ cuộc sống.

Có thể từ những nhà văn trên mà một số người cho rằng các nhà thơ nhà văn không cần phải học chăng? Đúng là không ai có thể dạy các nhà thơ nhà văn làm thơ và viết văn được. Bài học kinh nghiệm của mọi người chỉ là những gợi ý tham khảo để mỗi người tìm ra một cách đi riêng phù hợp cho mình. Thì ở lĩnh vực nào mà chả thế! Sự giáo điều, máy móc rập khuôn những kinh nghiệm trong chiến tranh, trong mô hình tổ chức xã hội và phát triển kinh tế cũng đều dẫn đến thất bại, chứ nói gì đến trong sáng tạo văn chương nghệ thuật. Nhưng không phải vì thế mà không học.

Tôi rất tiếc cho một số tác giả thơ, người viết văn ở một số địa phương. Lúc đầu đến với văn chương họ viết theo bản năng với những tác phẩm hồn nhiên tươi rói và được khen ngợi. Rồi họ không có điều kiện học thêm, không có điều kiện tự nạp năng lượng, đến sách báo cũng chả có mà đọc do cơm áo không đùa với khách thơ. Dần dần các anh các chị ấy cứ cùn mòn, tụt hậu và hồn văn hồn thơ cũng cỗi cằn dần. Đúng là mầm năng khiếu được phát triển trong môi trường mầu mỡ sẽ khác được gieo ở mảnh đất khô cằn. Chỉ có những tài năng lớn mới có thể tự thích ứng, tự vượt lên một cách phi thường, với bản lĩnh anh hùng tạo thời thế. Nhưng những tài năng như thế rất hiếm, mà đa số chỉ là do thời thế tạo anh hùng mà thôi.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Nguồn cội văn chương

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO