Nguồn lực công nghệ

Nguyên Khánh 17/05/2019 08:00

Thực tiễn đã cho thấy nhiều nước giàu tài nguyên, nhưng không thể tăng trưởng nhanh và bền vững, ngược lại có nước có rất ít tài nguyên nhưng vẫn đạt được tăng trưởng kinh tế cao. Vậy bí quyết là cái gì?  Yếu tố quan trọng tạo nên sự khác biệt đó chính là con người và công nghệ.

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã chia sẻ như vậy tại Hội nghị về khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo vừa diễn ra. Sự khẳng định của Thủ tướng cho thấy nguồn lực, tiềm lực khoa học công nghệ (KHCN) có vai trò rất lớn, nó quyết định vị trí và thứ bậc phát triển của các quốc gia trên toàn cầu.

Như chúng ta đã biết, trên thế giới, không phải những nước chiếm giữ nhiều tài nguyên và tiền bạc mà chính những nước chiếm giữ tri thức và công nghệ mới trở thành các quốc gia phát triển hàng đầu. Nói một cách ngắn gọn, trên toàn cầu, quyền lực công nghệ bao giờ cũng quyết định vị trí và thứ bậc phát triển của các quốc gia. Thực tế lịch sử đã chứng minh, người nào làm chủ công nghệ, tri thức thì người đó sẽ là người chiến thắng.

Cụ thể, từ thế kỷ VII đến thế kỷ XVII, Trung Hoa thực sự là trung tâm và làm thay đổi thế giới nhờ 4 phát minh công nghệ là thuốc súng, kỹ thuật in, giấy và la bàn nam châm, thì từ thế kỷ XVIII, vị trí này không còn nữa do châu Âu đã vượt qua nước này về công nghệ bằng cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ nhất với phát minh ra máy hơi nước. Hơn một trăm năm sau, cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ hai trong các lĩnh vực: Điện, hóa chất, dược phẩm, ô tô, hóa dầu... đã khởi phát và tới lượt các nước Đức và Mỹ chiếm ưu thế, còn nước Anh bị tụt hậu vì không bắt kịp sự phát triển các ngành công nghiệp mới. Và rồi 100 năm nữa, trong cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ ba, tri thức và việc ứng dụng tri thức vào sản xuất đã đóng vai trò quyết định cho sự giàu có của một đất nước. Và hiện nay cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4 đã và đang tràn vào từng lĩnh vực, vào tất cả các quốc gia làm thay đổi thứ bậc, trật tự của nhiều cường quốc trên thế giới. Như vậy, khoa học - tri thức và công nghệ - ứng dụng tri thức vào sản xuất chính là những yếu tố quyết định sự phồn vinh của một dân tộc, một đất nước.

Nhận rõ vai trò quan trọng đặc biệt của KHCN với sự phát triển của kinh tế đất nước, trong 10 năm trở lại đây, Đảng và Nhà nước đã đặc biệt chú trọng sửa đổi, bổ sung và kiện toàn cơ sở pháp lý hỗ trợ KHCN và thị trường KHCN phát triển. Điển hình như ngày 1/6/2013, Quốc hội đã thông qua Luật KHCN số 29/2013/QH13 thay thế cho Luật KHCN số 21/2000/QH10. Thủ tướng Chính phủ cũng đã ban hành Quyết định 2075/QĐ-TTg phê duyệt Chương trình phát triển thị trường KHCN đến năm 2020… nhờ đó KHCN ở Việt Nam đã có những bước phát triển vượt bậc. Tuy nhiên, nói như Bộ trưởng Bộ KHCN Chu Ngọc Anh thì “để KHCN trở thành động lực và nền tảng cho phát triển kinh tế-xã hội thì đó quả là câu chuyện dài, phải tháo gỡ rất nhiều khó khăn, vướng mắc”.

Vướng mắc đầu tiên được kể đến có lẽ chính là tổng chi ngân sách cho KHCN-ngành được coi là quốc sách hàng đầu mà mỗi năm chi ngân sách chỉ chiếm 2%, thậm chí có năm không đạt được con số đó, năm cao thì đạt 1,8%, năm thấp chỉ 1,4% và có xu hướng giảm dần. Ngân sách chi cho KHCN rất ít, trong khi chính sách thu chi trong hoạt động KHCN rất lắm thủ tục, nhiều khâu, nhiều bước.

Vậy làm gì và làm thế nào để dành những sự ưu tiên đặc biệt cho KHCN qua đó tạo sức bật, sự bứt phá trong tăng trưởng của kinh tế Việt Nam? GS Nguyễn Thị Lan - Giám đốc Học viện Nông nghiệp Việt Nam cho rằng: Nhà nước cần dành phần ngân sách thích đáng cho KHCN đồng thời có chính sách cụ thể, đi sâu vào đào tạo cán bộ khoa học gắn với thực hành, thực nghiệm. Còn PGS Tạ Hải Tùng - Viện trưởng Viện Công nghệ thông tin và Truyền thông (Đại học Bách khoa Hà Nội) đề xuất, việc đào tạo và nghiên cứu trong các trường đại học cần được đầu tư để có nguồn nhân lực chất lượng cao. Theo ông Tùng, nguồn nhân lực được đào tạo bài bản sẽ thích ứng, theo kịp với sự phát triển công nghệ để sáng tạo ra sản phẩm trong xu hướng chuyển đổi số. Phải có chính sách thiết thực đãi ngộ, trọng dụng và trả công xứng đáng để thu hút học sinh giỏi ở trường THPT cho các ngành KHCN.

Khẳng định Đảng, Nhà nước ta sẽ dành sự quan tâm đặc biệt với lĩnh vực KHCN, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cho biết: Việt Nam xác định KHCN và đổi mới sáng tạo phải là nền tảng thúc đẩy phát triển nhanh và bền vững đất nước, là lực lượng sản xuất trực tiếp, là động lực chính của mô hình phát triển kinh tế-xã hội. Do đó,Thủ tướng Chính phủ yêu cầu các ngành, các địa phương cần nâng cao nhận thức, trách nhiệm trong chỉ đạo phát triển KHCN, tiếp tục hoàn thiện khung pháp lý và cơ chế chính sách. Tập trung hoàn thiện hệ thống đổi mới sáng tạo quốc gia với doanh nghiệp là trung tâm, gắn kết chặt chẽ giữa viện nghiên cứu, trường đại học với doanh nghiệp nhằm kiến tạo và tích lũy tài sản trí tuệ, tạo ra nguồn nhiên liệu mới cho tăng trưởng kinh tế nhanh, bao trùm và bền vững.

Thủ tướng yêu cầu Bộ KHCN làm đầu mối phối hợp các bộ, ngành, tổ chức liên quan tham mưu cho Chính phủ một số vấn đề lớn như đề xuất chính sách khuyến khích và thúc đẩy đổi mới sáng tạo trong khu vực doanh nghiệp, coi doanh nghiệp là trung tâm của hệ thống đổi mới sáng tạo. Thúc đẩy liên kết các mạng lưới đổi mới sáng tạo trong và ngoài nước. Xây dựng chính sách nhằm thu hút và cộng tác với các chuyên gia giỏi ở trong và ngoài nước, đặc biệt là cộng đồng các nhà khoa học Việt Nam ở nước ngoài. Đặc biệt chú ý đề xuất những giải pháp không theo khuôn mẫu. Chúng ta muốn thúc đẩy đổi mới sáng tạo thì bản thân chính sách, cơ chế cũng phải thoáng, mở và sáng tạo. Có như vậy mới tạo ra được những lực đẩy mạnh mẽ cho phát triển kinh tế đất nước.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Nguồn lực công nghệ

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO