Nguồn tạng ghép: Vẫn đang khan hiếm

Đức Trân 07/06/2022 10:07

Việt Nam hiện đã làm chủ được kỹ thuật ghép tạng, với khoảng 6.550 ca ghép thành công. Thời gian và chất lượng sống của bệnh nhân sau ghép ngày càng tăng lên. Tuy nhiên, vấn đề nan giải hiện nay là khan hiếm nguồn tạng, trong khi nhu cầu của người chờ được ghép rất lớn.

Ảnh minh họa.

Những bước tiến đáng kể

Thông tin do bệnh viện Phổi Trung ương cung cấp, năm 2020, bệnh nhân N.X.T (Bỉm Sơn, Thanh Hoá) đã trải qua ca đại phẫu ghép một lúc 2 lá phổi. Đến nay, tròn 1 năm kể từ khi được phẫu thuật ghép phổi, người bệnh đã hoàn toàn khoẻ mạnh, chất lượng cuộc sống đã khác xưa rất nhiều, người bệnh không chỉ hạnh phúc trong từng hơi thở mà còn có thể tự tin trong những hoạt động hàng ngày.

Hiện nay, lá phổi của người bệnh đã trở lại 80-90% như bình thường, không có tình trạng khó thở, không ho, sốt. Theo các bác sĩ, hiện nay người bệnh SpO2 dao động từ 95-97%, ổn định, sinh hoạt bình thường, không có hạn chế hoạt động thể lực, các xét nghiệm đều trong giới hạn bình thường.

Được biết, kết quả này tương đương với kết quả của một bệnh nhân được thực hiện tại Mỹ.

PGS.TS Nguyễn Viết Nhung - Giám đốc BV Phổi Trung ương khẳng định, ghép phổi là một trong những kỹ thuật khó nhất của ghép tạng, thành công của ca ghép phổi này cho thấy Việt Nam đã tiếp cận được những kỹ thuật đỉnh cao trong lĩnh vực này.

Không chỉ ghép phổi, trong hàng nghìn ca ghép tạng đã được thực hiện, có nhiều thành tựu phải kể đến như Bệnh viện Trung ương Quân đội 108 thực hiện thành công 5 ca ghép gan chỉ trong vòng 1 tuần để cứu sống những bệnh nhân xơ gan mất bù, suy gan cấp. Hay những ca ghép tạng thành công tại các Bệnh viện Việt Đức, Bệnh viện Quân y 103, Bệnh viện Chợ Rẫy…

GS.TS Trịnh Hồng Sơn - Giám đốc Trung tâm Điều phối tạng quốc gia về ghép bộ phận cơ thể người cho biết, tính đến ngày 30/9/2021, cả nước có 6.113 ca ghép tạng. Dù lĩnh vực ghép tạng ở nước ta có xuất phát điểm chậm hơn các quốc gia khác, nhưng chúng ta đã đạt được những thành tựu nhất định.

Cùng với những thành tựu trong y học ở lĩnh vực ghép tạng, càng ngày nhiều những câu chuyện đẹp về nghĩa cử hiến tạng xuất hiện. Chị Phạm Thị H. (Tam Điệp, Ninh Bình), người phụ nữ 50 tuổi làm nghề buôn bán chia sẻ khi nhận được thẻ đăng ký hiến mô/ tạng: “Đọc được nhiều thông tin qua báo chí, tôi mới biết một người khi chết vẫn còn có thể cứu được nhiều người khác. Đời tôi đã nhận được rất nhiều sự giúp đỡ từ những người khác mà chưa giúp được gì cho ai. Tôi nghĩ, nếu mình chết mà vẫn còn cống hiến được cho đời thì tại sao không làm”.

Còn nhiều rào cản

Theo số liệu thống kê từ Bệnh viện Quân y 108, nước ta hiện có hơn 10.000 người suy tạng cần ghép, khoảng 300.000 người bị bệnh lý giác mạc mà không có giác mạc thay thế.

Trong khi tại một số bệnh viện lớn, trung bình một ngày có từ 2 đến 4 người bệnh bị chết não, thậm chí có ngày nhiều hơn vì chấn thương sọ não và đột quỵ, nhưng rất ít trường hợp tự nguyện hiến mô, tạng.

Còn theo thống kê của Ủy ban An toàn giao thông Quốc gia, mỗi năm có khoảng 10.000 người chết vì tai nạn giao thông. Chỉ cần 1% trong số người chết đó đăng ký hiến tạng thì có thể cứu sống được hàng ngàn người khác. Bởi 1 người chết não có thể hiến được toàn bộ nội tạng và có thể cứu được 8 người khác.

Lý giải rõ hơn về nghịch lý này, GS.TS Trịnh Hồng Sơn - Giám đốc Trung tâm Điều phối quốc gia về ghép bộ phận cơ thể người cho biết, để thực hiện thành công ca ghép tạng cần có 4 yếu tố: Chuẩn bị người cho, chuẩn bị người nhận, chuẩn bị nhân lực kỹ thuật, theo dõi và chăm sóc sau ghép.

Tuy nhiên thực tế, khâu người hiến tặng mô, tạng đang là vấn đề lớn của ngành ghép tạng.

“Việc người cho chết não hiến tạng quá ít có nhiều nguyên nhân, tuy nhiên không ít rào cản đến từ quy định của pháp luật. Đơn cử như luật quy định người cho chết não vừa phải có thẻ hiến tạng lại vừa phải có sự đồng ý của gia đình. Rất nhiều trường hợp dù người chết não có thẻ hiến tạng nhưng gia đình không đồng ý, các bác sĩ đành bất lực. Từ năm 2010 đến nay, Việt Nam ghép được hơn 5.220 ca, trong đó 318 ca là từ người cho chết não. Mỗi năm chúng ta chỉ vận động được khoảng 10 ca chết não hiến tạng. Năm 2019 cao nhất cũng chỉ có 20 người cho chết não. Con số này so với các nước châu Âu là quá nhỏ” – GS.TS Trịnh Hồng Sơn chia sẻ.

Còn ông Nguyễn Hoàng Phúc - Phó giám đốc Trung tâm Điều phối quốc gia về ghép bộ phận cơ thể người cho rằng, nên bỏ độ tuổi tối đa được phép hiến tạng mà thay vào đó là quy định nếu bệnh nhân có mong muốn và người nhà đồng ý thì chúng ta được phép tiến hành ghép tạng.

GS.TS. Trịnh Hồng Sơn - Giám đốc Trung tâm Điều phối tạng quốc gia về ghép bộ phận cơ thể người cho biết, tính đến ngày 30/9/2021, cả nước có 6.113 ca ghép tạng. Dù lĩnh vực ghép tạng ở nước ta có xuất phát điểm chậm hơn các quốc gia khác, nhưng chúng ta đã đạt được những thành tựu nhất định.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Nguồn tạng ghép: Vẫn đang khan hiếm

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO