Thủ tướng Chính phủ vừa phê duyệt quy hoạch mạng lưới đường bộ giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn 2050, trong đó, đặt mục tiêu đến năm 2030 hoàn thành khoảng 5.000 km đường bộ cao tốc. Tuy nhiên, một trong những vấn đề đang được đặt ra là nguồn vốn nào để thực hiện?
Nhiều dự án đang gặp khó về vốn
Ông Trương Việt Đông, Chủ tịch Hội đồng thành viên Tổng công ty Đầu tư phát triển đường cao tốc Việt Nam (VEC) chỉ ra một thực tế rằng vốn đầu tư đường cao tốc rất lớn, thời gian thu hồi vốn chậm. Trong khi đó, vốn của các ngân hàng thương mại chủ yếu là huy động ngắn hạn. Đây cũng là điểm nghẽn trong quá trình thực hiện dự án khi gặp khó khăn trong huy động nguồn lực.
Thực tế, trong khi nhu cầu vốn để triển khai các dự án BOT rất lớn thì doanh nghiệp BOT hầu như không có vốn, đều trông cậy vào vốn ngân hàng. Song, như ông Trần Chủng, Chủ tịch Hiệp hội các nhà đầu tư công trình giao thông đường bộ Việt Nam phân tích, các ngân hàng đều tuyên bố vượt trần cho vay và “đóng cửa” đối với các nhà đầu tư.
Trong 8 dự án cao tốc Bắc Nam kêu gọi đầu tư theo phương thức PPP trong năm 2020 thì 5 dự án không có nhà đầu tư tham gia vì không có ngân hàng nào nhận cung cấp tín dụng. 3 dự án đã chọn được nhà đầu tư và đã ký hợp đồng dự án nhưng hiện nay 2/3 dự án vẫn chưa đàm phán xong hợp đồng tín dụng và có nguy cơ hủy hợp đồng nếu không tìm được thỏa thuận trong những thời gian tới.
Tính đến 30/6/2021, lượng tín dụng của các tổ chức tín dụng đối với các dự án BOT giao thông là 105.000 tỷ đồng, trong đó tập trung lớn nhất chỉ có hai ngân hàng gồm BIDV và VietinBank. Trước đây, các ngân hàng rất tích cực tham gia vào dự án BOT giao thông, nhưng sau một thời gian phát sinh nợ xấu lớn dẫn tới tâm lý e ngại cho vay lĩnh vực này.
Vì vậy, ông Nguyễn Xuân Bắc, Phó Vụ trưởng Vụ Tín dụng các ngành kinh tế (Ngân hàng Nhà nước) cho biết, muốn ngân hàng mở lại hầu bao với các dự án BOT, cần thay đổi cơ chế chính sách. Phải thu hút được các nhà đầu tư lớn. Vừa qua, hầu hết các dự án giao thông khi đấu thầu ít khi kêu gọi được nhà đầu tư có tiềm lực, chứng tỏ chưa hấp dẫn với khu vực tư nhân. Ngoài ra, phải có cơ chế để đảm bảo nguồn thu (minh bạch và kiểm soát được nguồn thu).
Tuy nhiên vẫn phải thừa nhận thực tế là các ngân hàng không muốn mở hầu bao với dự án BOT vì rủi ro quá lớn, đầu tư vốn nhiều nhưng thu hồi nợ lâu.
Giải bài toán cấp bách về hạ tầng
Ngày 1/9/2021, Thủ tướng Chính phủ ký Quyết định số 1454/QĐ-TTg phê duyệt Quy hoạch mạng lưới đường bộ thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050. Theo quy hoạch này, từ nay đến năm 2030, dự kiến hoàn thành đầu tư trên 5.000 km đường cao tốc, với số vốn ước tính trên 29 tỷ USD. Quy hoạch cũng xác định huy động mọi nguồn lực tham gia đầu tư, chủ yếu theo phương thức đối tác công tư (PPP), ngân sách nhà nước tham gia vào dự án đóng vai trò vốn mồi.
Có thể thấy, để đầu tư làm các tuyến đường cao tốc, việc huy động vốn rất quan trọng, Bộ Giao thông vận tải tính toán và thấy rằng, giai đoạn 2021-2025 sẽ huy động được khoảng 30 - 40% nguồn vốn từ ngân sách Nhà nước. Và giai đoạn 2026 - 2030 sẽ cần huy động nguồn vốn lớn hơn nhiều.
Để giải bài toán vốn cấp bách cho đầu tư hạ tầng, TS. Hoàng Văn Cường, Ủy viên Ủy ban Tài chính - Ngân sách Quốc hội cho rằng, phải huy động các nguồn từ xã hội, đa dạng hoá, huy động tư nhân thông qua phương thức PPP. Theo ông Cường, muốn đẩy mạnh đầu tư PPP tại các dự án đường cao tốc, Nhà nước cần phải có các cam kết rõ ràng với nhà đầu tư, kèm theo đó là các chính sách hấp dẫn, cơ chế chia sẻ rủi ro giữa Nhà nước và tư nhân.
“Đồng thời, khi đầu tư theo hình thức PPP cần phải đa dạng hóa nguồn vốn huy động chứ không thể chỉ trông chờ vào vốn vay tín dụng từ các ngân hàng thương mại như hiện nay” – ông Cường nói và cho biết, nên nghiên cứu cho doanh nghiệp tham gia vào các dự án PPP được phát hành trái phiếu, có giải pháp huy động vốn từ các quỹ đầu tư tài chính với lãi suất 6-7%/năm và kéo dài trong 10-20 năm thì hoàn toàn có thể huy động được.
Ở góc độ ngân hàng, ông Nguyễn Quốc Hưng, Giám đốc Ban Tài trợ dự án, Ngân hàng Thương mại cổ phần Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV) cho rằng, nhu cầu vốn phát triển các dự án cao tốc BOT khá lớn, lên tới hàng trăm nghìn tỷ đồng nên nếu chỉ tập trung vào nguồn vốn vay ngân hàng thì rất khó khăn. Vì vậy, các nguồn vốn bên ngoài và nguồn vốn trái phiếu doanh nghiệp có thể huy động.
Trong 8 dự án cao tốc Bắc Nam kêu gọi đầu tư theo phương thức PPP trong năm 2020 thì 5 dự án không có nhà đầu tư tham gia vì không có ngân hàng nào nhận cung cấp tín dụng. 3 dự án đã chọn được nhà đầu tư và đã ký hợp đồng dự án nhưng hiện nay 2/3 dự án vẫn chưa đàm phán xong hợp đồng tín dụng.