Sau Tết, nhiều hoạt động lễ hội, du xuân khiến mọi người gia tăng đi lại, tập họp chỗ đông người. Cùng với đó là điều kiện thời tiết chuyển mùa, thay đổi bất thường dẫn tới nguy cơ dịch cúm vào mùa, đồng thời dẫn tới tình trạng bùng phát dịch bệnh mùa đông xuân.
Không chủ quan với Covid-19
Thông tin từ Bộ Y tế cho biết, ngày 30/1 vừa qua cả nước ghi nhận 53 ca mắc Covid-19, tăng đột biến (hơn 4 lần) so với ngày trước đó. Đây cũng là ngày có số ca mắc mới cao nhất trong 16 ngày qua.
Bộ Y tế dự báo, tình hình dịch Covid-19 vẫn diễn biến phức tạp, tiềm ẩn nguy cơ bùng phát các làn sóng dịch bệnh do biến thể mới, đặc biệt là nguy cơ dịch chồng dịch. Thực tế, nước ta đã ghi nhận sự xuất hiện của biến thể XBB tại tỉnh Tây Ninh và TPHCM. Đây là loại biến thể có khả năng tránh miễn dịch và lây lan nhanh đã xuất hiện ở 70 quốc gia. Trong khi đó, các biến chủng, biến thể phụ của virus SARS-CoV-2 liên tục biến đổi; miễn dịch do tiêm vaccine giảm dần theo thời gian; cùng với việc mở cửa, nới lỏng các chính sách phòng, chống dịch của một số nước trong khu vực sẽ dẫn đến nguy cơ số trường hợp mắc Covid-19 gia tăng.
Trao đổi xung quanh nguy cơ bùng phát của dịch Covid-19 trong mùa lễ hội, PGS.TS Trần Đắc Phu - cố vấn cao cấp Trung tâm Đáp ứng khẩn cấp sự kiện y tế công cộng Việt Nam cho rằng, đây cũng là lúc thời tiết chuyển mùa, thay đổi bất thường, tạo điều kiện thuận lợi cho các loại dịch bệnh truyền nhiễm lây lan, trong đó có Covid-19 khiến nguy cơ gia tăng số ca mắc, ca nặng, nhất là với nhóm trẻ em sức đề kháng yếu và người cao tuổi có bệnh lý nền. Đồng thời, mùa đông xuân với đặc trưng tiết trời nồm ẩm, là môi trường lý tưởng cho nhiều loại dịch bệnh theo mùa sinh sôi, phát triển, nhất là ở những nơi tập trung đông người, địa điểm đền, chùa tổ chức lễ hội, trường học, bệnh viện… Đáng nói, trong những tháng tới, việc giao lưu, đi lại, thương mại qua biên giới sẽ gia tăng.
“Do vậy, nguy cơ các dịch bệnh truyền nhiễm có thể xâm nhập vào nước ta là rất lớn. Trong giai đoạn này, Việt Nam cần tiếp tục triển khai các biện pháp phòng bệnh linh hoạt, đẩy mạnh giám sát để đánh giá nguy cơ, làm việc sát sao với WHO và các nước trong khu vực để kịp thời ứng phó. Bên cạnh đó, việc đẩy mạnh tiêm chủng vaccine vẫn là biện pháp quan trọng trong phòng, chống dịch Covid-19. Mỗi người dân vẫn cần phải chủ động phòng bệnh cho bản thân và cộng đồng bằng cách đeo khẩu trang, rửa tay thường xuyên...” - ông Phu nhấn mạnh
Ngăn ngừa nguy cơ dịch chồng dịch
Theo bác sĩ Trần Quốc Tuấn - Bệnh viện đa khoa Vinmec, hàng loạt các loại vi khuẩn, virus có thể phát triển nhanh, làm tăng nguy cơ gây bệnh cho người ở thời điểm này bởi đặc trưng thời tiết có nhiệt độ lạnh, mưa nhiều, thời tiết nồm và ẩm của mùa đông xuân. Một vài dịch bệnh đặc trưng thường gặp có thể kể tới như: Sởi, rubella, thủy đậu, tay chân miệng, ho gà, não mô cầu, tiêu chảy, liên cầu lợn và các loại cúm.
Các chuyên gia khuyến cáo, để chủ động phòng, chống dịch bệnh mùa đông xuân mọi người dân cần chủ động tiêm vaccine phòng bệnh đầy đủ và đúng lịch. Nếu không quan trọng và cần thiết thì mọi người chủ động hạn chế tụ tập và đến các điểm đông người. Nếu phải đi đến những nơi đông người thì cần đeo khẩu trang khi tiếp xúc với những người có các triệu chứng về đường hô hấp như: Khó thở, ho, hắt xì, sốt, chảy nước mũi,...
Tránh tiếp xúc trực tiếp và gián tiếp với những người đang có dấu hiệu bị các bệnh truyền nhiễm như: Sởi, rubella, ho gà, não mô cầu, thủy đậu, cúm… Khi có các dấu hiệu nghi ngờ bị bệnh truyền nhiễm thì cần thông báo ngay cho cơ sở y tế gần nhất để được tư vấn, khám và điều trị một cách kịp thời, tránh lây lan sang cho người khác và hạn chế biến chứng nguy hiểm cho cá nhân.
Nguy cơ bùng phát dịch bệnh không chỉ tại riêng Việt Nam, gần đây nhất, Tổ chức Y tế thế giới (WHO) tiếp tục đưa ra cảnh báo đại dịch Covid-19 là tình trạng khẩn cấp toàn cầu đối với sức khỏe cộng đồng - mức cảnh báo cao nhất của WHO. WHO đánh giá đại dịch Covid-19 có thể đang trong thời điểm chuyển tiếp, cần được theo dõi cẩn thận để giảm thiểu những hậu quả tiêu cực có thể xảy ra.