Nguy cơ đột quỵ tăng cao trong mùa lạnh: Cách nào phòng tránh?

Hoàng Chiến 07/11/2022 16:50

Thời điểm giao mùa nóng lạnh thất thường khi mùa lạnh sắp đến cũng là lúc số ca đột quỵ tăng mạnh. Nguy cơ đột quỵ có thể xảy ra với bất cứ ai, tại bất cứ thời điểm nào với những biến chứng vô cùng nguy hiểm.

Theo số liệu thống kê, hàng năm có khoảng 200.000 ca đột quỵ tại Việt Nam. Đáng nói, tình trạng này ngày càng có xu hướng gia tăng, đặc biệt ở những người trẻ tuổi.

Ảnh minh hoạ.

Trên thế giới, con số những người mắc đột quỵ khoảng hơn 12,2 triệu ca đột quỵ não mới, trong đó hơn 16% xảy ra ở người trẻ 15-49 tuổi; 6,5 triệu ca tử vong với hơn 6% trong số đó là người trẻ.

Mới đây nhất, theo nghiên cứu đa trung tâm về tình hình đột quỵ tại Việt Nam trong thời gian qua tại 10 Trung tâm đột quỵ trên toàn quốc, độ tuổi trung bình bị đột quỵ tại Việt Nam khoảng 65 tuổi; độ tuổi dưới 45 chiếm 7,2%. Trong đó, tỷ lệ nam giới mắc chứng đột quỵ nhiều hơn gấp 1,5 lần so với nữ giới.

Theo các chuyên gia, thời điểm giao mùa với đặc điểm nóng lạnh thất thường và mùa lạnh là thời kì cần hết sức cảnh giác với đột quỵ. Cũng trong thời điểm này, số ca đột quỵ cũng tăng lên đột biến, đặc biệt là người già, người cao tuổi.

Trao đổi với Đại Đoàn Kết Online, Bác sĩ Lê Văn Thiệu (Khoa Cấp cứu, Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương) cho biết, đột quỵ có thể xảy ra với bất cứ ai, vào bất kì thời điểm và địa điểm nào và không có các dấu hiệu báo trước. Các triệu chứng ban đầu của đột quỵ có thể xác định thông qua hàng loạt các biểu hiện như tê, yếu cơ, thường xảy ra ở một bên của cơ thể; thị lực ở một hoặc cả 2 mắt có sự thay đổi; chóng mặt, xây xẩm mặt mày; đi lại không vững; méo miệng, nói khó, nuốt nghẹn, uống sặc, mắt mờ…

“Do vậy, nếu người thân bắt đầu phát hiện những dấu hiệu bất thường trên cần nhanh chóng đưa bệnh nhân đến các cơ sở y tế hay bệnh viện gần nhất để có các biện pháp sơ cứu kịp thời. Thời điểm vàng để tiến hành các biện pháp cấp cứu, hồi phục, hạn chế tối đa khả năng biến chứng và tử vong cho bệnh nhân”, bác sĩ nhấn mạnh.

Nếu không phát hiện và tiến hành các biện pháp cấp cứu kịp thời, bệnh nhân có thể tử vong hoặc để lại những di chứng rất nặng nề, khiến người bệnh tàn phế, liệt nửa người/toàn thân, nằm trên giường bệnh suốt đời.

Theo các chuyên gia y tế, để phòng ngừa nguy cơ đột quỵ trong mùa lạnh, trước hết cần phòng ngừa các yếu tố nguy cơ liên quan như bệnh tim mạch, huyết áp, đái tháo đường…

Trong thời điểm mùa lạnh, cần đặc biệt quan tâm đến vấn đề giữ ấm cho cơ thể. Theo các nghiên cứu, khi cơ thể bị nhiễm lạnh có thể gây tăng huyết áp, tăng áp lực khiến mạch máu bị vỡ. Đây cũng là một trong những nguyên nhân gia tăng số lượng ca đột quỵ trong mùa lạnh. Do vậy, cần mặc ấm, mặc nhiều lớp quần áo, che kín vùng đầu và bàn tay, đi tất và mang giày ấm, không ra lạnh đột ngột. Đặc biệt quan tâm đến vấn đề này với người già, người cao tuổi.

Trong thời điểm mùa lạnh, cũng không nên vận động quá sức. Tuy nhiên, việc tập thể dục đều đặn vẫn rất cần thiết trong mùa lạnh nhằm giúp tăng cường tuần hoàn máu trong cơ thể, nâng cao sức khỏe tim mạch, hạn chế nguy cơ đột quỵ.

Bên cạnh đó, cần duy trì các thói quen tốt ăn uống lành mạnh, hạn chế việc hút thuốc lá, uống rượu bia hay ăn nhiều đồ ăn chưa lượng lớn dầu mỡ…

Việc thường xuyên khám sức khoẻ định kì cũng rất cần thiết để sớm phát hiện những nguy cơ đột quỵ để chủ động điều trị và phòng tránh.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Nguy cơ đột quỵ tăng cao trong mùa lạnh: Cách nào phòng tránh?

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO