Nguy cơ mắc bệnh lao ở trẻ nhỏ

Đức Trân 10/01/2023 07:24

Lao ở trẻ em không phải là một bệnh hiếm gặp trên lâm sàng. Số trẻ mắc bệnh lao mỗi năm chiếm khoảng 15% tổng số các ca mới. Ước tính từ Chương trình Chống lao quốc gia, mỗi năm nước ta có khoảng 13.000 trẻ em mắc lao các thể cần điều trị. Tuy nhiên, trên thực tế những con số này chỉ chiếm rất ít.

Trẻ em nên tiêm vaccine phòng lao càng sớm càng tốt. Ảnh: VNVC.

Tại báo cáo của Tổ chức Y tế thế giới (WHO) về tình hình bệnh lao trên toàn thế giới, cơ quan này đã đưa ra cảnh báo số người mắc bệnh lao phổi trên toàn cầu đã tăng lần đầu tiên sau gần 2 thập niên. Báo cáo của WHO nêu rõ trong tổng cộng 10,6 triệu người được chẩn đoán mắc bệnh lao phổi vào năm 2021, có 1,6 triệu người đã tử vong.

Tại nước ta, hàng năm ghi nhận hơn 172.000 người đã mắc bệnh và 10.400 người chết do bệnh lao. Đáng nói, trong số ca mắc mới này ghi nhận khoảng 13.000 trẻ em mắc lao các thể cần điều trị, nhưng đây là con số thống kê không được đầy đủ, vì theo lý giải từ chuyên gia y tế, bệnh lao ở trẻ em khó phát hiện và chẩn đoán do các triệu chứng lâm sàng thường mờ nhạt, dễ nhầm lẫn với các bệnh lý khác.

PGS. TS Nguyễn Viết Nhung - Chủ nhiệm Chương trình Chống lao quốc gia cho hay, thực tế Chương trình Chống lao quốc gia mới chỉ thống kê được khoảng 10-15% số trẻ mắc lao mới. Có thể còn rất nhiều trẻ mắc lao chưa được phát hiện và điều trị. Hoặc không loại trừ có không ít trẻ mắc lao điều trị tại bệnh viện tư, cơ sở chuyên khoa nhi… mà chưa được báo cáo với Chương trình Chống lao quốc gia.

“Trẻ em đa phần mắc lao ở độ tuổi dưới 5, chiếm khoảng 50% tổng số trẻ mắc bệnh. 80% các ca bệnh lao ở trẻ là lao phổi. Phần lớn các trường hợp này không phát hiện được vi khuẩn do trẻ không ho khạc đờm được, không làm được xét nghiệm vi khuẩn. Trong khi đó, xét nghiệm chẩn đoán lao chủ yếu dựa trên xét nghiệm đờm để tìm vi khuẩn lao. Bên cạnh đó, triệu chứng lao ở trẻ em không đặc hiệu, trẻ không thể nói rõ được các triệu chứng, khó phân biệt với các bệnh hô hấp khác” - ông Nhung nói.

Còn PGS.TS Nguyễn Bình Hòa - Phó Giám đốc Bệnh viện Phổi trung ương lý giải, tương tự như tình hình dịch tễ lao ở người lớn, do ảnh hưởng của dịch Covid-19, bệnh lao ở trẻ em cũng tăng lên. Trẻ em là đối tượng dễ bị tác động bởi các bệnh truyền nhiễm trong đó có bệnh lao vì miễn dịch của trẻ còn yếu. Đặc biệt là trẻ sống trong gia đình có người mắc bệnh lao phổi thì có nguy cơ mắc bệnh lao cao hơn trẻ khác, nhất là trẻ dưới 5 tuổi và trẻ nhiễm HIV.

Thực tế, theo các chuyên gia y tế, lao ở trẻ em không phải là một bệnh hiếm gặp. Trẻ bị bệnh lao có thể có biểu hiện của mọi thể lao tương tự như ở người lớn, tuy nhiên phổ biến nhất là lao sơ nhiễm, lao phổi, lao màng phổi, lao màng não cấp tính và một số thể lao ngoài phổi như lao xương, lao màng bụng, lao hạch, lao ruột... Bệnh lao ở trẻ em nếu không được điều trị sớm có thể dẫn đến nhiều biến chứng nặng nề cho trẻ như biến dạng cột sống, điếc, mù, động kinh, liệt hay thậm chí tử vong, tùy theo từng thể lao và biến chứng của nó.

Mặc dù vậy, triệu chứng lâm sàng thường thấy khi trẻ bị bệnh lao là sốt và ho kéo dài trên 10 ngày, ăn uống kém, sụt cân, dễ quấy khóc ... Vì biểu hiện tương tự như những bệnh lý khác, phụ huynh thường chủ quan, tự ý điều trị tại nhà khiến việc nhận diện và điều trị bệnh lao bị chậm trễ cũng như tăng tỷ lệ lây nhiễm cho cộng đồng.

Đáng nói, một số trẻ đã nhiễm vi khuẩn lao nhưng vì có sức đề kháng tốt nên không tiến triển thành bệnh ngay lúc đó - hay còn gọi là lao tiềm ẩn. Lao tiềm ẩn không lây truyền vi khuẩn lao cho người khác, tuy nhiên trẻ mắc lao tiềm ẩn có nguy cơ mắc bệnh lao, nếu hệ miễn dịch bị suy giảm, do đó trẻ mắc lao tiềm ẩn nên được điều trị dự phòng nhằm phòng tránh nguy cơ mắc bệnh lao.

Mặc dù vậy, các chuyên gia y tế khẳng định, bệnh lao hoàn toàn có thể chữa trị dứt điểm. Hơn thế nữa, phòng bệnh hơn chữa bệnh, các chuyên gia khuyến cáo các bậc phụ huynh nên tiêm vaccine BCG cho trẻ sơ sinh, trẻ dưới 1 tuổi làm giảm nguy cơ mắc lao, bảo vệ trẻ em trước bệnh lao nặng.

Các chuyên gia y tế khuyến cáo, người lớn trong gia đình khi có biểu hiện ho mà chưa thể đi khám ngay thì cũng không nên ho, khạc đờm bừa bãi, tránh ho trước mặt trẻ để dự phòng lây vi khuẩn lao (nếu có) cho trẻ. Gia đình cần giữ môi trường ở thoáng khí, đủ ánh nắng mặt trời và đảm bảo dinh dưỡng, vệ sinh cho trẻ.

Trẻ nhỏ nếu chậm lớn, gầy gò, bú kém cần phải đi khám để xem có lao hay không. Để phòng, chống bệnh lao cần đeo khẩu trang, rửa tay thường xuyên, ăn uống điều độ, không học hành quá mức.

Ở các trẻ có triệu chứng (phần lớn là do không được điều trị thích hợp, tình trạng nhiễm trùng tiến triển), triệu chứng sẽ phụ thuộc vào độ tuổi của trẻ. Với bé ít tuổi, phổ biến là sốt, giảm cân, tăng trưởng kém, ho, sưng hạch, nhiễm lạnh. Với bé lớn tuổi hơn, triệu chứng là ho kéo dài hơn 2 tuần, đau ở ngực, có máu trong đờm, ốm yếu mệt mỏi, sưng hạch, giảm cân, giảm cảm giác thèm ăn, sốt, đổ mồ hôi vào ban đêm, hay bị ớn lạnh. Cha mẹ nên chú ý để có thể theo dõi và đưa con đi khám khi có triệu chứng.

“Vaccine BCG là loại vaccine được tiêm miễn phí tại toàn bộ cơ sở y tế các cấp, từ trung ương tới phường xã, thôn bản… Chỉ cần một mũi tiêm ở trạm y tế đã xây một lá chắn dự phòng cho con khỏi nhiễm lao, và giúp cả gia đình phòng bệnh, tránh được các gánh nặng kinh tế khi con bị nhiễm. Tiêm vaccine là cách đơn giản nhất để ngăn ngừa bệnh” - PGS. TS Nguyễn Viết Nhung, Chủ nhiệm Chương trình Chống lao quốc gia.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Nguy cơ mắc bệnh lao ở trẻ nhỏ

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO