Nguy cơ trầm cảm

Lê Phương 04/04/2021 07:51

Theo ước tính của Tổ chức Y tế thế giới (WHO), đến năm 2020, trầm cảm là căn bệnh thứ hai gây hại đến sức khỏe của con người chỉ sau tim mạch. Trong đó trầm cảm ở Việt Nam hiện nay đang có chiều hướng gia tăng, đặc biệt là trong giới trẻ.

Ai cũng có thể bị trầm cảm

Một thống kê cho thấy có đến 6% dân số tại TPHCM bị bệnh trầm cảm. Nếu trước kia người mắc trầm cảm đa phần nằm trong độ tuổi từ 60 - 65 tuổi, thì hiện nay trầm cảm đang có xu hướng trẻ hóa với độ tuổi từ 15 - 27 tuổi. Nữ giới bị trầm cảm nhiều hơn nam giới. Trung bình cứ 2 bệnh nhân nữ mới có 1 bệnh nhân nam bị trầm cảm. Tại các cơ sở y tế chuyên khoa, số lượng bệnh nhân đến thăm khám các bệnh lý liên quan đến trầm cảm tăng 20 - 30% mỗi năm.

Đặc biệt thời gian gần đây các bệnh viện cũng ghi nhận có sự gia tăng đáng kể của bệnh nhân trầm cảm trẻ tuổi, đa số là học sinh, sinh viên. Việc thường xuyên gặp áp lực học hành thi cử cũng như sự kỳ vọng quá lớn của cha mẹ là 2 nguyên nhân chính dẫn đến tình trạng trẻ hóa bệnh trầm cảm ở Việt Nam hiện nay.

Theo nghiên cứu của Quỹ Nhi đồng Liên hợp quốc (UNICEF), khoảng 8% - 29% trẻ em đang trong độ tuổi vị thành niên ở Việt Nam mắc các bệnh về sức khỏe tâm thần. Ước tính tại Việt Nam có ít nhất 3 triệu thanh, thiếu niên có các vấn đề về sức khỏe tâm lý, tâm thần. Tuy nhiên chỉ có khoảng 20% trong số đó nhận được hỗ trợ y tế và điều trị cần thiết. Đáng nói là một bộ phận thanh thiếu niên thường lạm dụng rượu, thuốc lá, chất kích thích như một cách giải tỏa cho những rối loạn tâm thần. Điều này không những không cải thiện được sức khỏe mà còn khiến tình trạng bệnh ngày càng nặng, thậm chí có những hành vi gây nguy hiểm với xã hội.

Trầm cảm cũng là một trong những nguyên nhân làm gia tăng số người tự tử ở Việt Nam. Ước tính mỗi năm có hàng chục ngàn người tự tử do trầm cảm, gấp 2,5 lần so với số người chết vì tai nạn giao thông.

Theo PGS. TS Trần Văn Cường - Chủ tịch Hội Tâm thần học Việt Nam, trầm cảm là một bệnh lý phức tạp với 13 thể. Nó dễ nhầm lẫn với sự buồn phiền thông thường. Các bằng chứng sinh học về bệnh này có thể được nhìn thấy qua quét não - phương pháp thể hiện các mức độ hoạt động bất thường. Các hóa chất quan trọng trong não cũng thể hiện sự mất cân bằng ở những người trầm cảm. Trong đó có nhiều thể có biểu hiện giống chấn thương, nhiều thể giống bệnh nội khoa… nên nhiều khi rất khó phân biệt và cần phải hội chẩn nhiều lần mới biết rối loạn trầm cảm.

Còn theo WHO, từ năm 2020, trầm cảm là căn bệnh xếp thứ hai sau bệnh tim mạch về mức độ ảnh hưởng tới cuộc sống của loài người. Điều đáng báo động là có tới 48% những người trầm cảm có ý định tự sát và 24% những người có ý định tự sát được báo cáo là không nhận được sự hỗ trợ điều trị trước đó.

Ở Việt Nam, Viện trưởng Viện Sức khỏe tâm thần quốc gia Nguyễn Doãn Phương cho biết, hiện có khoảng 30% dân số có rối loạn tâm thần, trong đó tỷ lệ trầm cảm chiếm 25%. Mỗi năm, số người tự tử do trầm cảm ở nước ta từ 36.000-40.000 người.

Các chuyên gia y tế cảnh báo: Trầm cảm - một căn bệnh không quá mới, cũng không quá cũ và không phân biệt tuổi tác, giới tính, chủng tộc, hay tình trạng kinh tế xã hội, tất cả mọi người đều có thể bị trầm cảm. Trầm cảm là một trong những rối loạn tâm thần phổ biến nhất, dù biểu hiện của các triệu chứng có thể khác nhau. Bệnh trầm cảm có thể xảy ra ở nhiều lứa tuổi, nhưng phổ biến nhất là độ tuổi từ 18-45. Đặc biệt, phụ nữ có nguy cơ mắc trầm cảm nhiều hơn nam giới 2 lần vì sự thay đổi hormon ở lứa tuổi dậy thì, trong chu kỳ kinh nguyệt, giai đoạn mang thai, bị sảy thai, giai đoạn mãn kinh… có thể làm tăng nguy cơ trầm cảm…

Bệnh nhân trầm cảm thường chậm trễ trong việc phát hiện và điều trị

Theo các chuyên gia y tế, trầm cảm là một rối loạn tâm thần có thể chữa được nếu được phát hiện sớm và điều trị kịp thời cùng với sự tuân thủ phác đồ điều trị từ phía người bệnh, gia đình. Tuy nhiên, trên thế giới, hơn 2/3 số người bị trầm cảm không nhận ra mình có bệnh và không được điều trị. Điều này khiến quá trình điều trị gặp rất nhiều khó khăn.

Theo TS Nguyễn Doãn Phương, thực tế nhiều người chưa hiểu về hội chứng này. Nhiều trường hợp điều trị theo bệnh lý khác không khỏi mới đi khám tâm thần. Vì vậy phần lớn bệnh nhân trầm cảm thường chậm trễ trong việc phát hiện và điều trị đúng chuyên khoa. Quá trình điều trị gặp rất nhiều khó khăn do thời gian điều trị cần quá trình lâu dài...

Đa số các trường hợp trầm cảm có khuynh hướng trở thành mạn tính và tái diễn cũng như phục hồi không hoàn toàn giữa các giai đoạn. Nguyên nhân do điều trị trầm cảm cần phải kéo dài, nhưng nhiều bệnh nhân và gia đình người bệnh không tuân thủ phác đồ, bỏ điều trị giữa chừng khi tự thấy bệnh được cải thiện. Thực tế điều trị, hơn 50% bệnh nhân có nguy cơ cơn tái diễn sau cơn thứ nhất, tỷ lệ này tăng dần lên đến 70% sau cơn tái diễn thứ 2 và sau cơn tái diễn thứ 3 là 90%.

Theo các chuyên gia y tế, trầm cảm là một rối loạn tâm thần có thể chữa được, giúp người bệnh ổn định và hòa nhập với xã hội nếu được phát hiện sớm và điều trị kịp thời cùng với sự tuân thủ phác đồ điều trị từ phía người bệnh, gia đình và cộng đồng. Đặc biệt, điều trị bệnh trầm cảm thường liên quan đến sử dụng liệu pháp nói chuyện, vì vậy hãy nói chuyện với những người mà mình tin tưởng, điều đó có thể là bước đầu tiên hướng tới phục hồi sự suy thoái về tinh thần. Việc cân bằng giữa công việc và nghỉ ngơi là vô cùng quan trọng để giảm các nguy cơ phát sinh các rối loạn tâm lý liên quan tới stress, trong đó có trầm cảm. Ngoài ra, cũng có thể áp dụng các biện pháp giảm stress tái tạo sức lao động có thể đơn giản là tập thể dục thể thao, tập yoga, gặp gỡ bạn bè, tập tĩnh tâm hoặc học một môn nghệ thuật mới (vẽ, âm nhạc…).

Theo các chuyên gia y tế: Cảm giác buồn chán, trống rỗng; Khó tập trung suy nghĩ, hay quên; Luôn cảm giác mệt mỏi, không muốn làm việc gì; Cảm giác mình có tội lỗi, vô dụng, không xứng đáng; Mất ngủ, hoặc ngủ quá nhiều; Hay cáu gắt, giận dữ; Giảm thích thú trong các hoạt động hoặc sở thích hàng ngày; Giảm cảm giác ngon miệng, sụt cân hoặc ăn quá nhiều; Nghĩ về cái chết, có ý tưởng hoặc hành vi tự sát;… là những dấu hiệu nhận biết bị trầm cảm. Ngoài ra, nhiều bệnh nhân trầm cảm còn có triệu chứng đau đầu, đau tức ngực, các rối loạn tiêu hóa…

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Nguy cơ trầm cảm

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO