Nguy hiểm chứng bệnh rối loạn phân ly tập thể

PV (Tổng hợp) 30/11/2022 12:00

Sở Y tế Cao Bằng cho biết, thời gian qua có 18 học sinh tiểu học ở Phân trường Nà Rại, xã Cốc Pàng, huyện Bảo Lạc mắc chứng bệnh lạ dẫn đến các triệu chứng ngất, khóc thét, co cứng chân tay, sợ hãi, kích động…

Bác sĩ thăm khám cho trẻ mắc chứng rối loạn phân ly ở Cao Bằng. Ảnh: Sở Y tế Cao Bằng.

Thông tin trên TTXVN, đại diện Sở Y tế Cao Bằng cho biết đang phối hợp với chính quyền địa phương theo dõi, trấn an gia đình bệnh nhân, đồng thời tìm phương pháp điều trị phù hợp cho các bé.

Trước đó, ngày 24/11 vừa qua, Sở Y tế nhận được thông tin về những biểu hiện lạ của các em học sinh tại Phân trường Nà Rại thuộc Trường Tiểu học Cốc Pàng, huyện Bảo Lạc, tỉnh Cao Bằng. Sau đó, Sở Y tế đã tổ chức Đoàn công tác đến kiểm tra, đánh giá tình hình sức khỏe của các em học sinh tại Phân trường Nà Rại.

Theo lời kể của thầy cô giáo, từ khoảng tháng 4/2022 ở Phân trường Nà Rại có một số học sinh có biểu hiện lạ như ngất, khóc lóc vô cớ, co cứng chân tay, đánh người... Ban đầu xuất hiện ở 2 cháu, 3-5 ngày xuất hiện một lần, với thời gian khoảng 3-5 phút sau đó tăng dần lên 10-30 phút, thường xuất hiện vào buổi sáng, lúc đông người.

Đến thời điểm hiện tại có 18 trẻ có biểu hiện như trên (2 nam, 16 nữ), có 5 em mỗi ngày xuất hiện cơn kích động 4 đến 5 lần, mỗi lần kéo dài khoảng từ 20 đến 30 phút; còn lại 11 em khoảng 3-5 ngày mới xuất hiện các biểu hiện này một lần.

Sau cơn các em ngủ lịm khoảng 10-20 phút, tỉnh lại và tiếp xúc bình thường. Một số cháu bị kích động kéo dài trên 30 phút, giáo viên gọi người nhà đến đón về nhà, các cháu lại trở lại bình thường.

Qua những lời kể và quan sát, thăm khám, Đoàn kiểm tra kết luận các em học sinh mắc chứng rối loạn phân ly tập thể (theo bảng phân loại bệnh tật quốc tế lần thứ 10 là F.44). Đoàn công tác Sở Y tế đã hướng dẫn cho các giáo viên xử lý khi xảy ra ca bệnh: Giáo viên cần giữ thái độ bình tĩnh, không trầm trọng hóa vấn đề, giữ trật tự trong lớp học, nhanh chóng đưa học sinh bị bệnh ra ngoài phòng riêng, yên tĩnh để theo dõi; thông báo cho gia đình học sinh biết và phối hợp theo dõi, chăm sóc trẻ.

Phó Giám đốc Sở Y tế Cao Bằng Vương Thị Tuyên chia sẻ trên VOV: Chứng bệnh này được điều trị chủ yếu bằng phương pháp liệu pháp tâm lý và giáo dục. Nếu không được xử trí kịp thời và triệt để sẽ dẫn đến nét tính cách phân ly khó điều trị và gây lây lan trong các môi trường đông người. Tại trường học, cần tăng cường các hoạt động ngoại khóa tập thể dục, chơi các môn thể thao, ca múa… đồng thời cùng gia đình đảm bảo chế độ dinh dưỡng đầy đủ và nghỉ ngơi hợp lý cho học sinh.

Trao đổi với VietNamNet, ThS.BS Nguyễn Mai Hương - Phó Trưởng khoa Tâm thần, Bệnh viện Nhi Trung ương cũng thông tin: Rối loạn phân ly chủ yếu được điều trị bằng các liệu pháp tâm lý, kết hợp với nâng cao thể trạng và bồi dưỡng nhân cách, thiết lập môi trường phù hợp. Quá trình điều trị thường cần nhiều thời gian, đòi hỏi sự kiên trì của cán bộ y tế, gia đình và người bệnh.

Với cá nhân: Tránh thái độ coi đây là bệnh giả vờ, hoặc ngược lại thái độ trầm trọng hóa, quan trọng hóa vấn đề. Nếu theo dõi quá chặt chẽ, quá quan tâm, lo lắng, các triệu chứng bệnh có thể nặng lên.

Dùng những liệu pháp ám thị để làm giảm và mất triệu chứng; Hướng dẫn những bài tập thư giãn, các kỹ năng xã hội, kỹ năng giải quyết vấn đề để nâng đỡ nhân cách người bệnh; Có thể dùng một số loại thuốc, thực phẩm nhằm nâng cao thể trạng. Trong trường hợp có lo âu cần dùng những loại thuốc giải lo âu; Giải thích hợp lý với gia đình, động viên gia đình tham gia tích cực trong quá trình trị liệu.

Với tập thể: Nhanh chóng tách riêng các em bị bệnh, tránh sự lan truyền; Trấn an các trẻ khác trong tập thể; Cải thiện môi trường học tập, giảm áp lực.

Tổ chức các hoạt động vui chơi, tạo không khí sôi nổi, tích cực; Có các hoạt động tham vấn tâm lý học đường. Phát hiện sớm những cá nhân có sang chấn tâm lý nhằm hỗ trợ, trị liệu kịp thời.

ThS.BS Nguyễn Mai Hương cũng đưa ra cách phòng bệnh. Đó là cần rèn luyện tính cách trẻ em ngay từ khi còn nhỏ, hướng dẫn trẻ biết thương yêu, chia sẻ, đương đầu với khó khăn.

Gia đình, nhà trường và xã hội tăng cường các hoạt động ngoại khóa như ca, múa, nhạc, đi dã ngoại, tập thể dục, chơi các môn thể thao và lao động tập thể… Bên cạnh đó, cần đảm bảo chế độ dinh dưỡng đầy đủ và nghỉ ngơi hợp lý, giảm sức ép từ việc học tập cho trẻ.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Nguy hiểm chứng bệnh rối loạn phân ly tập thể

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO