Nguy hiểm Whitmore

Th.Anh 22/11/2020 07:57

Trong tuần, Bệnh viện Trung ương Huế đã đưa ra cảnh báo đối với bệnh Whitmore. Đây là căn bệnh nguy hiểm, với tỷ lệ tử vong trung bình là 40 - 60%.

Ảnh minh họa.

Số ca mắc bệnh tăng đột biến

Thông tin từ Bệnh viện Trung ương Huế cho biết, trong đợt bão lũ tại các tỉnh miền Trung từ đầu tháng 10 đến giữa tháng 11, số lượt bệnh nhân mắc bệnh Whitmore đến bệnh viện tăng đột biến. Chỉ trong hơn một tháng rưỡi kể từ khi các tỉnh miền Trung hứng chịu 5 cơn bão liên tiếp đổ bộ đã có 28 bệnh nhân đến bệnh viện liên quan tới căn bệnh này.

Thống kê của bệnh viện cho thấy, trong các bệnh nhân nhập viện có 50% bệnh nhân đến từ các tỉnh Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị... Trong đó, nhiều bệnh nhân đến từ các huyện Phú Lộc, Phú Vang, Quảng Điền, Phong Điền, Hương Thủy… của tỉnh Thừa Thiên - Huế. Điều đáng lo, không ít bênh nhân đến viện ở giai đoạn muộn của bệnh, khi đã có tình trạng nhiễm khuẩn huyết, sốc nhiễm khuẩn hoặc suy đa tạng..., điều trị khó khăn, chi phí điều trị cao nhưng kết quả không khả quan.

Tại Bệnh viện Trung ương Huế, trong 5 năm từ 2014-2019 có khoảng 83 trường hợp được chẩn đoán Whitmore (cấy bệnh phẩm dương tính với Burkholderia Pseudomallei ). Từ tháng 1/2020 đến tháng 9/2020, bệnh viện đã tiếp nhận 11 bệnh nhân. Từ tháng 10/2020 đến giữa tháng 11/2020 có 28 bệnh nhân.

Bệnh viện Trung ương Huế lý giải: Sự tăng đột biến số lượng ca bệnh trong thời gian tháng 9, 10 và 11 tại Việt Nam là hoàn toàn giống với các nghiên cứu ở các vùng dịch bệnh khác trên thế giới vì số lượng ca bệnh Whitmore có liên quan chặt chẽ và tỷ lệ thuận với lượng mưa hàng năm và đặc bịệt tăng cao sau lũ lụt do sự phát triển mạnh mẽ của vi khuẩn Burkholderia Pseudomallei.

Biến chứng nặng nề

Các chuyên gia y tế cho biết: Vi khuẩn Whitmore từ môi trường bên ngoài xâm nhập cơ thể chủ yếu qua những vị trí da bị xây xước hoặc qua các vết thương do tai nạn (tai nạn lao động, tai nạn giao thông, chơi thể thao...). Hoặc hít phải bụi, hơi nước có nhiễm khuẩn; uống nước có nhiễm khuẩn Whitmore. Tại chỗ xâm nhập chúng gây thành các mụn mủ to hoặc nhỏ tùy theo mức độ, đôi khi là một ổ áp xe lớn.

Ở người có sức đề kháng kém như người đang mắc bệnh nhiễm trùng mạn tính, sử dụng thuốc corticoid kéo dài, bệnh đái tháo đường, bệnh thận hoặc người nghiện rượu, nghiện ma túy... khi vi khuẩn xâm nhập máu sẽ gây nhiễm khuẩn huyết nặng.

ThS.BS Nguyễn Hiền Minh, Giảng viên Đại học Y Dược TP HCM thông tin: Bản chất của vi khuẩn này tuy không tạo thành dịch bệnh nhưng có thể gây ra các biến chứng nặng nề như nhiễm trùng huyết, tổn thương phổi giống bệnh lao phổi, thậm chí người bệnh có thể phải cắt bỏ chi hay tử vong ngay cả khi được chẩn đoán đúng bệnh.

Tình trạng nhiễm vi khuẩn “ăn thịt người” Whitmore tiến triển rất nhanh, hủy hoại phần mô của cơ và da người bệnh. Chẩn đoán bệnh cần dựa vào bệnh sử, cấy vi khuẩn từ máu, dịch hay mủ để xác định. Khi điều trị, bệnh nhân thường phải dùng kháng sinh liều cao liên tục khoảng từ 2 đến 4 tuần, sau đó có thể phải dùng kháng sinh duy trì từ 3 đến 6 tháng nhằm phòng tỷ lệ tái phát. Tuy nhiên, không phải cứ tiếp xúc với vi khuẩn là sẽ mắc bệnh, những người có bệnh mạn tính như đái tháo đường, nghiện rượu bia, bệnh lý gan-thận mạn tính, bệnh ung thư hay các nhóm bệnh lý gây suy giảm miễn dịch là đối tượng có nguy cơ cao.

Hầu hết bệnh Whitmore có biểu hiện lâm sàng rất đa dạng, không rõ ràng, tổn thương đa cơ quan như viêm phổi, nhiễm khuẩn huyết, nhiễm khuẩn tản mạn, nhiễm khuẩn khu trú như áp xe cơ, áp xe phần mềm, áp xe gan,viêm hạch, viêm xương... Chẩn đoán dễ bỏ sót và dễ nhầm với bệnh khác, đặc biệt là lao do tính chất tổn thương giống lao.

Thời gian ủ bệnh từ 1-21 ngày, trung bình 9 ngày. Thời kỳ ủ bệnh ngắn nhất được ghi nhận là 1 ngày, thời gian ủ bệnh dài nhất là 62 năm. Thể cấp tính gồm sốt cao, mạch nhanh, khó thở nhanh, đau cơ, gan lách lớn, sốc nhiễm trùng… Tỷ lệ tử vong giai đoạn này lên 90% nếu không được điều trị và 50% khi được điều trị.

Chủ động phòng bệnh Whitmore

Bác sĩ CKII Hoàng Thị Lan Hương, Phó Giám đốc Bệnh viện Trung ương Huế khuyến cáo, cần cảnh giác bệnh Whitmore khi bệnh nhân nhập viện trong khoảng thời gian từ tháng 6 đến tháng 11; có độ tuổi từ 35 trở lên; nhập viện với tình trạng viêm phổi, sốt, đa áp xe; có tiền sử đái tháo đường hoặc người nghiện rượu, bệnh phổi mạn, bệnh thận mạn, người sử dụng corticoid hoặc ung thư...; làm việc trực tiếp với đất hoặc nước thải.

“Bệnh Whitmore hoàn toàn có thể phòng tránh và điều trị hiệu quả nếu phát hiện sớm, điều trị bằng các loại kháng sinh đặc hiệu. Những trường hợp tử vong thường do bệnh nhân đến viện ở giai đoạn muộn, khi đã có tình trạng nhiễm khuẩn huyết, sốc nhiễm khuẩn hoặc suy đa tạng.

Sau bão lũ sẽ có rất nhiều vi sinh vật, bụi, rác, chất thải… theo dòng nước tràn ra gây ô nhiễm môi trường, người dân phải đối mặt với rất nhiều bệnh lý truyền nhiễm tiềm ẩn; vì vậy xử lý môi trường ô nhiễm, đảm bảo nguồn nước sạch... và chăm sóc sức khỏe người dân sau lũ lụt là hết sức quan trọng và cấp thiết”- BS Hương nói.

Theo ThS.BS Bùi Ngọc An Pha - Hệ thống tiêm chủng VNVC, hiện tại vẫn chưa có vắc xin phòng ngừa bệnh Whitmore nên những người sống ở khu vực có nhiều vi khuẩn gây bệnh hoặc công việc thường xuyên tiếp xúc môi trường ô nhiễm, cần phải tự bảo vệ bản thân bằng cách: Mang giày, ủng và găng tay bảo hộ khi làm việc ở môi trường nước; Tránh tiếp xúc với những nơi có nguồn nước, đất bị ô nhiễm nếu mắc bệnh tiểu đường, viêm thận mãn tính có vết xước, hay vết thương hở trên da; Phải che chắn, băng bó vết thương cẩn thận nếu phải ra ngoài lúc trời mưa bão; Nhân viên y tế nên đeo khẩu trang, găng tay và áo khoác diệt khuẩn khi làm việc; Luôn khử trùng thớt, dao và thường xuyên thay miếng rửa chén trong gia đình; Uống nước đun sôi, nước đóng chai; Nếu nghi ngờ mắc bệnh Whitmore, hãy đến ngay cơ sở y tế để được thăm khám và điều trị kịp thời.

Bệnh vi khuẩn “ăn thịt người” Whitmore (hay còn gọi là melioidosis) là bệnh truyền nhiễm nguy hiểm cấp tính do vi khuẩn gram âm có tên Burkholderia pseudomallei gây nên. Bệnh do bác sĩ Afred Whitmore mô tả năm 1912 tại Myanmar, từ đó lấy tên Whitmore.

Theo các chuyên gia y tế, cách suy nghĩ về bệnh “ăn thịt người” phải được hiểu đúng là do vi khuẩn có thể làm hoại tử và chết các mô trong cơ thể, ở da thì viêm loét hay áp xe, ở phổi thì gây viêm phổi, trong máu thì gây nhiễm trùng máu,… Điều quan trọng là chẩn đoán bệnh Whitmore thường sai và chậm, diễn tiến bệnh khó lường nên nhận thức của người dân về bệnh không được chú trọng.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Nguy hiểm Whitmore

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO