Nguyên Hồng - 'Gorky của Việt Nam'

Bùi Hải Ninh 15/05/2020 18:05

Nguyên Hồng được ví như nhà văn của những người cùng khổ. Những tác phẩm của ông như “Bỉ vỏ”, “Cửa biển”, “Vực thẳm”… cho thấy ông là người dành cả đời văn để viết về những người cần lao, ngòi bút ông luôn bênh vực, đề cao những người yếu thế, bần cùng trong xã hội. Có lẽ thế, Nguyên Hồng được ví là “Gorky của Việt Nam”.

Nguyên Hồng - 'Gorky của Việt Nam'

Nhà văn Nguyên Hồng.

Nguyên Hồng đã viết những tác phẩm đặc sắc về lớp người cùng khổ của xã hội với một văn khí dữ dội nhưng không kém phần trữ tình, tài ba. Chỉ tiếc rằng, khi còn nhiều dự định văn chương, nhà văn Nguyên Hồng đã ra đi vào ngày 2/5/1982 tại ấp Cầu Đen (xã Quang Tiến, huyện Tân Yên, tỉnh Hà Bắc - nay là tỉnh Bắc Giang). Lúc đó, bên cạnh ông chỉ có người vợ hiền một đời tần tảo. Và ông cũng không trăng trối được điều gì, chỉ vỏn vẹn mấy từ: “Hội Nhà văn”, “bác sĩ”.

Vậy là cho tới tháng 5 này, nhà văn Nguyên Hồng đã chia xa người thân, bạn bè văn chương 38 năm. Nhưng trong gần 4 thập niên qua, những tác phẩm của ông vẫn được người đời tìm đọc. Những “Bỉ vỏ”, “Những ngày thơ ấu”, “Bước đường viết văn”… vẫn liên tục được tái bản. Và những câu chuyện về Nguyên Hồng vẫn được các bạn văn nhắc nhớ với nhiều tình cảm.

Nhà văn Nguyên Hồng, tên thật là Nguyễn Nguyên Hồng, sinh ngày 5/11/1918 tại Nam Định. Năm 1935 Nguyên Hồng cùng mẹ ra Hải Phòng kiếm sống. Năm 1937-1939 ông tham gia phong trào Mặt trận dân chủ ở Hải Phòng. Trong thời gian này ông bắt đầu viết văn, viết báo và tham gia các báo của Đoàn thanh niên dân chủ. Sau đó, ông bị giặc Pháp bắt và kết án tủ ở Hải Phòng, Bắc Mê (Hà Giang), ra tù quản thúc ở Nam Định. Trong thời gian này, Nguyên Hồng vẫn không ngừng viết. Hồi ký của mình, Nguyên Hồng viết: “Tôi không thể không viết được. Sau nửa năm tù ở đề lao Hải Phòng ra, viết đối với tôi càng như là sự sống chết. Tập “Tù trẻ con” hơn 300 trang của tôi gởi lại Như Phong giữ thế là hoàn toàn tiêu hủy! Nó đã bị mật thám trên Hà Nội đốt. Tập phóng sự “Bụi đen” dành viết cho báo Mới của Đoàn thanh niên dân chủ xuất bản trong Sài Gòn cũng bị giữ lại ở sở mật thám Hải Phòng”…

Với Nguyên Hồng, những gì đã viết, đã công bố “là những cái cũ”, “những cái đã viết đã đăng”. Những gì ông đang suy nghĩ, nung nấu trong đầu, hay những tập bản thảo chưa được in mới thường khiến ông bận tâm. Ông tâm niệm: “Mười tám, hai mươi tuổi, đã tìm được đến với cách mạng, đã thấy thế nào là sự sống, nhất là đã thấy thế nào là ý nghĩa của sự sống, và là một sự sống có ý thức, thì tôi phải bằng bất cứ cách nào, bất cứ giá nào viết thêm những dòng chữ, có thêm những tác phẩm! Những dòng chữ và những tác phẩm chứng nhận sự sống của tôi, lý do và và nội dung sự tồn tại của tôi”.

Đây cũng có thể nói là một tuyên ngôn nghệ thuật của Nguyên Hồng. Một tuyên ngôn mạnh mẽ và quả quyết. Trong đường văn của mình, Nguyên Hồng cũng còn nhiều lần xác quyết về nghề văn, về nghiệp viết của ông: “Tôi sẽ viết về những cảnh đói khổ, về những sự áp bức, về những nỗi trái ngược bất công. Tôi sẽ đứng về những con người lầm than, bị đày đọa, bị lăng nhục. Tôi sẽ vạch trần ra những vết thương xã hội, những việc làm bạo ngược lộng hành của xã hội thời bấy giờ… Tôi sẽ chỉ có tiến bước, chỉ có đi thẳng…”.

Sinh thời, nhà văn Kim Lân có một nhận xét chính xác và chí lý: “Suốt đời Nguyên Hồng chỉ có viết, suốt đời Nguyên Hồng chỉ có vật lộn với trang giấy. Anh dám sống, dám gạt bỏ, dám nhận những thiệt thòi, dành cho tác phẩm. Tất cả, tất cả cuộc đời Nguyên Hồng dành trọn vẹn, hết mình cho tác phẩm”.

Không chỉ lưu dấu trong thế hệ những nhà văn đi trước, Nguyên Hồng trong con mắt của những nhà văn đương thời hôm nay cũng là một tấm gương đáng học hỏi. Nhà thơ Hữu Thỉnh - Chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam cho rằng, trong sự nghiệp cầm bút của mình, nhà văn Nguyên Hồng đã “cất lên tiếng nói của lương tâm nhà văn. Ông bênh vực, đề cao những người yếu thế, bần cùng trong xã hội. Với trái tim của một nhà văn lớn ông đã làm phát lộ ánh sáng từ những nơi tối tăm nhất, tình thương từ những nơi oan khuất nhất, lẽ phải từ những nơi dã man nhất, lương thiện từ những nơi độc ác nhất. Ông cũng là người yêu nước nồng nhiệt và dũng cảm, cả trong văn, trong thơ, trong cuộc đời hoạt động cách mạng, và trong đời sống”. Còn GS Phong Lê bày tỏ: “Gọi Nguyên Hồng là nhà văn của người cùng khổ tưởng không ai trong số các nhà văn hiện đại của ta thích hợp hơn, xứng đáng hơn. Bởi số phận của họ còn được nhà văn theo đuổi suốt cả một đời, kể từ cuốn sách đầu tay “Bỉ vỏ” đến bộ tiểu thuyết đồ sộ cuối đời là “Cửa biển”, 4 tập, trên 2.000 trang. Bộ sách là tổng hợp toàn bộ kinh nghiệm sống của ông, là sự trải rộng và đúc kết mọi mặt vốn sống của ông về Hải Phòng lầm than và hướng tới cách mạng, trong đó không có nhân vật nào ông không gửi gắm một niềm yêu ghét được đẩy đến độ tận cùng”.

Cũng theo GS Phong Lê, nhà văn Nguyên Hồng nằm trong số cực kỳ ít nhà văn sống với những khổ đau của nhân vật đến có thể luôn luôn, lúc nào cũng có thể rưng rưng mà khóc vì họ, băn khoăn đến hốt hoảng vì họ, không ăn ngủ được vì họ, như một người mẹ mang thai, có lẽ chỉ riêng Nguyên Hồng mới có... So với những tên tuổi cùng thời như Ngô Tất Tố, Nguyễn Công Hoan, Vũ Trọng Phụng, Nguyễn Tuân... thì nhà văn Nguyên Hồng có nhiều khó khăn, vất vả hơn trong đời sống nhưng tác phẩm của ông thì xứng đáng song hành cùng với họ. Nguyên Hồng cũng ám ảnh về việc viết lách da diết hơn họ. Viết đối với ông không chỉ là sự ham mê, mà còn là nỗi đam mê. Ông dốc cạn cuộc đời ra mà viết, vắt kiệt mình ra mà viết.

Trong mắt bạn văn, dù ở thế hệ trước hay sau, nhà văn Nguyên Hồng được nhớ đến với nhiều nét sống giản dị. Nhà văn Hoàng Quốc Hải nhớ lại: “Mùa hè ông thường vận bộ quần áo nâu, đi dép lốp, mùa đông trên người luôn khoác chiếc áo bông màu tím than. Một bên vai đeo trễ túi tài liệu gồm bản thảo và các thứ đang đọc. Bên kia vai là chiếc bi đông màu cỏ úa đựng rượu. Ngồi nói chuyện lâu lâu lại nhấp một ngụm... Tính ông vốn giản dị, chỉ cần chén rượu quê, đĩa lạc rang và bát canh rau tập tàng là ông thích. Ông là một trong số ít người tránh xa được cái danh lợi để thực hiện cho được mục tiêu cao thượng của đời văn. Ông tự trọng, trượng nghĩa, tiêu biểu cho cốt cách của bậc sĩ phu thời hiện đại”.

Chân dung, tính cách và những quan niệm sáng tác của Nguyên Hồng còn được minh định trong những trang nhật ký ông để lại. Là người viết nhật ký khá đều, và nhiều thời điểm, ông viết khá dài, kể tả chi tiết những cuộc gặp gỡ, những đối đáp với bạn văn về nhiều vấn đề của văn chương, đời sống… Những cuốn sổ nhuốm bụi thời gian ấy bây giờ vẫn được các con nhà văn gìn giữ cẩn thận. Ví như ngày ngày 30/10/1954, nhà văn Nguyên Hồng ghi: “Tôi nhận được tạp chí Văn nghệ. Nghĩ lại những ngày sống với cụ Tố (tức nhà văn Ngô Tất Tố). Cái dáng đi vất vả, vai đeo cái cặp quần áo có cả chăn màn, tay chống gậy, đi biền biệt trên đèo Khế và con đường Bắc Giang - Đại Từ, bờ sông Máng, lúc nắng hè, chẳng sợ tàu bay gì cả! Sau đây, khi trở lại những Cao Thượng, Hồng Kiều, Hoàng Hà, lại thêm bao nhiêu kỷ niệm dính tôi vào với đất Bắc Giang. Tôi sẽ viết một loạt bài về những anh em bạn viết đã khuất, giới thiệu đầy đủ hơn, để cố làm nổi lên hình ảnh những trí thức chiến đấu của cách mạng và kháng chiến”.

Qua những trang nhật ký Nguyên Hồng để lại, không chỉ thấy hiện lên chân dung, tính cách của Tô Hoài, Nguyễn Huy Tưởng, Nguyễn Đình Thi, Kim Lân, Thế Lữ… mà còn thấy rất nhiều day dứt của ông với nghề viết. Trong nhật ký ngày 2/3/1948, nhà văn Nguyên Hồng viết: “Sự ồn ào, hèn nhát của một lối sống nông nổi, ích kỷ thật đã cảm thấy hơn bao giờ hết và không thể nào còn được nữa. Cần gì phải viết vào lòng bàn tay một câu “nguyền” - Nhưng không! Cứ phải nguyền đi. Nguyền một cách rứt thịt mình ra, nếu không cắn răng lại mà nhìn sâu vào mình, vào sự thật”.

Nguyên Hồng thường ví sáng tác như là “rứt thịt mình ra”. Điều này, trong nhật ký, có thể gặp ở nhiều đoạn. Ví như ngày 31/3/1948, nhà văn kể: “Xuân Diệu đến chơi. Tôi lại phải bỏ giở viết. Các con bạn tôi và của tôi khóc quấy. Tôi lại phải xuống quán uống rượu”. Rồi nhà văn Nguyên Hồng như muốn kêu thật to trong nhật ký: “Khổ vì viết quá! Sáng tác! Thật là rứt thịt mình ra”.
Cho tới tận những ngày cuối đời, ông vẫn đau đáu với nghề, với người. Cuốn tiểu thuyết "Núi rừng Yên Thế" mãi mãi còn dang dở. Trên báo Văn nghệ số 21 (năm 1982) đã trích đăng tiểu thuyết này.

Được tin Nguyên Hồng nằm xuống, nhà thơ Nguyễn Khoa Điềm khi đó đã viết bài thơ "Kính tặng Nguyên Hồng":

Ông ngã xuống như một người lao lực trên trái đất
Ngã xuống thớ đất mình vừa lật lên
Không có nghĩa bóng ở đây
Bởi vì
Ông là Nguyên Hồng
Nhà văn Nguyên Hồng
Nhà thơ Nguyên Hồng
Và ngoài cái đó
Ông chỉ là con người lao lực Nguyên Hồng

Tôi tin tưởng
Trên mặt đất này
Mọi điều ác, sự giả trá, sự vô tâm sẽ rơi xuống
Cả sự nản lòng sẽ rơi xuống
Bởi vì trên thớ đất mà ông lật lên
Qua ngàn trang viết
Sẽ mọc lên ngọn lửa của hạnh phúc

Ôi giá chi anh có thể băng qua nửa triền đất nước
Đến dưới mây trời tháng Năm của Yên Thế ngàn lau
Được bưng trên tay một tảng đất ông vừa cày cuốc
Phút cuối đời
Còn run rẩy
Ẩm nồng
Cảm nhận hết sức nặng đất đai, cuộc sống…

Bây giờ lòng đất đỏ tươi
Ấp ủ cho ông
Cũng như ông ấp ủ cho mỗi chúng ta
Trên từng trang viết mới…

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Nguyên Hồng - 'Gorky của Việt Nam'

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO