Nhà văn Nguyễn Huy Thiệp - một tên tuổi lừng lẫy trên văn đàn Việt Nam cuối thế kỷ XX đầu thế kỷ XXI - trong những ngày tháng cuối đời, bỏ qua những lúc trí não nhầm lẫn vì bệnh tật, vẫn luôn chứng tỏ là người tinh thông, hóm hỉnh.
Tỉnh dậy sau những ngày bị tai biến, nhà văn được con trai luyện cho đi bộ quanh nhà, quanh sân. Rồi cũng con trai, mua về cho ông những tấm bìa carton để vừa luyện trí óc, vừa luyện cơ tay.
Trên những tấm bìa cứng ấy, nhà văn của những truyện ngắn vang danh như: “Vàng lửa”, “Tướng về hưu”, “Những ngọn gió Hua Tát”… lại gắng gượng tập viết, tập vẽ. Nét khi mờ khi tỏ. Nhưng ý tứ thì vẫn sắc và hóm.
Lúc ấy, nhà văn đã quên nhiều thứ, nhưng điều ông nhớ nhiều nhất vẫn là người thân và bè bạn. Vì thế, hiển hiện trên những tấm bìa carton ấy là chân dung những người thân, bạn bè.
Dù khi đó, bản thân nhà văn cũng nhận ra: “Vẽ không ra vẽ/ Viết không ra viết/ Nhưng vẫn vẽ viết/ Cho yêu một đời/ Nói chỉ nói vậy thôi/ Lòng buồn không tả nổi/ Viết cho khuây cuộc đời/ Thơ không hay cứ viết/ Mình lại tự cười thôi…”
Ông muốn những bức “tranh thơ” này được in vào trong cuốn “Truyện ngắn Nguyễn Huy Thiệp” mà khi ấy chúng tôi đang thực hiện cho ông, như một phần phụ lục, để dành tặng bạn bè, người thân. Nhưng tiếc là khi đó, sách chuẩn bị rời nhà in.
Chứng kiến nhiều hôm nhà văn “tập viết”, chúng tôi động viên ông viết thêm vẽ thêm để in một tập sách riêng. Ông cười, bảo rằng: “Cũng hay đấy, chú sẽ cố”. Chỉ tiếc rằng dự định đó chưa thành thì chiều 20/3/2021 nhà văn Nguyễn Huy Thiệp đã mãi mãi đi xa…
Mùa xuân này, nhớ nhà văn Nguyễn Huy Thiệp, chúng ta cùng xem lại những bút tích cuối cùng của ông.