Nhà báo - Nhạc sĩ Lê Tâm: Âm nhạc hay báo chí đều cần kể chuyện hấp dẫn

Việt Quỳnh (thực hiện) 21/06/2022 08:36

Theo nhạc sĩ Lê Tâm, âm nhạc, báo chí đều giống nhau ở việc kể chuyện sao cho hấp dẫn. Báo chí giúp tư duy câu chuyện chắc chắn, âm nhạc cho sự bay bổng, hài hòa và lược bỏ những chi tiết thừa. Âm nhạc và báo chí đều tương đồng về liều lượng, bố cục, tính toán, sự thăng hoa và độ tin cậy.

Nhà báo - Nhạc sĩ Lê Tâm.

Nhạc sĩ Lê Tâm đến với âm nhạc và nhạc pop tình cờ từ sự may mắn khi từ nhỏ (thập niên 1970) được nghe những đĩa hát mà anh chị mang từ Ba Lan, Đức về.

Anh chia sẻ: “Tôi đã thích những giai điệu của Beatles, ABBA, BoneyM, nhạc Nga, Beegees, Eagles, Capenter… Khi thơ ấu, tôi bị thu hút từ Pop Âu, Mỹ và nghĩ rằng mình sẽ sáng tác kiểu pop nhưng màu sắc Việt Nam. Tôi tự học nhạc chủ yếu từ sách nhạc, tài liệu, băng đĩa và bạn bè. Âm nhạc là niềm say mê, yêu thích. Việc viết ra điều gì đó chỉ là để chính mình thích thú chứ không có mục tiêu gì ghê gớm. Nhờ vậy, tư duy của mình được giải phóng và làm cho đời sống tinh thần thoải mái. Khi qua tuổi 20, tôi lại muốn viết nhạc có âm hưởng dân tộc”.

Khi sáng tác một ca khúc, Lê Tâm bắt đầu viết khi lóe ra một mẩu giai điệu, một ý tưởng nào đó về lời ca, một tứ thơ, hoặc một lời thách đố của bạn bè. Lối viết của anh thường dựa trên một ý tưởng gần với sự đối thoại. Những cảm xúc có thể buồn nhưng không ủy mị, vui nhưng không buông tuồng: “Tôi thích viết thứ âm nhạc mà người nghe muốn nhảy múa hoặc đu đưa. Tôi ít viết những gì nặng nề. Bất kỳ giờ nào trong ngày cũng có thể viết. Bởi viết ca khúc khá giống làm thơ”. Cũng có giai đoạn, nhiều bài hát, anh hoàn thành khi ngồi ở một quán cà phê trên đường Nguyễn Du.

Là một cử nhân trang trí sân khấu, sau tốt nghiệp, nhạc sĩ Lê Tâm giảng dạy tại Trường Đại học Sân khấu Điện ảnh Hà Nội một thời gian nhưng thấy mình không đủ chỉn chu để làm thầy. Khi bạn bè rủ đi làm báo, anh tham gia, và vẽ minh họa. Bắt đầu từ “Thời báo Tài chính” với tờ quảng cáo “Con thoi thị trường” (do Ngô Tự Lập sáng lập), rồi “Văn nghệ trẻ”. Cùng thời gian đó, anh vẽ minh họa cho báo “Nhi đồng”: “Có một phần thưởng mà tôi rất sung sướng là được phóng viên báo Nhi đồng bình chọn là họa sĩ vẽ hay nhất trong năm, được thưởng bộ ấm chén. Thời cuối những năm 1990, khi làm cho Văn nghệ trẻ thì nhà văn Hữu Ước hay sang chơi, anh nói với tôi sang làm cho anh ấy bên “An ninh thế giới” (ANTG) và “Văn nghệ Công an”. Năm 2001 thì tôi về hẳn với báo Công an Nhân dân, khi anh Hữu Ước ra mắt tờ ANTG cuối tháng”.

Nhạc sĩ Lê Tâm biểu diễn trong sự kiện tưởng nhớ nhà thơ Xuân Quỳnh và Lưu Quang Vũ. Ảnh: FBNV.

Có hai môi trường làm việc mà nhạc sĩ Lê Tâm thể hiện được rõ tư duy của mình là tờ “Văn nghệ trẻ” và “ANTG cuối tháng”: “Thời đó, thiết kế đồ họa bắt đầu chuyển từ thủ công sang làm trên máy tính nên nhiều tờ báo lạm dụng máy tính tạo ra các ấn phẩm chắp vá diêm dúa, màu sắc lòe loẹt, phông chữ rườm rà như bích báo. Tôi được anh Nguyễn Quang Thiều và anh Hữu Ước tín nhiệm nhờ cách thiết kế dễ đọc, chữ nghĩa nhất quán tối giản, mảng miếng phân minh không lằng nhằng. Cái đẹp đồ họa đối với tôi là tiếp cận người đọc nhanh nhất”.

Vừa qua, nhạc sĩ Lê Tâm đạt giải thưởng về thiết kế sách. Với anh, triển lãm nghệ thuật bìa sách là sáng kiến hay của Chi hội đồ họa 2 - Hội Mỹ thuật Việt Nam. “Bìa sách không phải chỉ để thỏa mãn thẩm mỹ của người vẽ mà phải mang trách nhiệm bán hàng”, nhạc sĩ Lê Tâm chia sẻ. “Bìa sách nên làm cho độc giả nhìn thoáng đã nhận ra đúng loại sách trong mục tiêu của họ. Vì vậy cái tôi của người vẽ bìa phải “liên thủ” với nội dung để đưa tác phẩm đến người đọc nhanh nhất, không để cho người đọc phải chán nản bỏ cuộc.

Theo nhạc sĩ Lê Tâm, trái tim của một nhạc sĩ khi làm báo chí âm nhạc có thế mạnh là chuỗi cảm xúc. Báo chí hiện nay cuốn hút bạn đọc khi có những điểm nhấn cảm xúc. Đây là cái mà âm nhạc có thể bổ sung rất tốt. Báo chí là công việc có những tiêu chí, thời lượng hoàn thành ổn định, ít thay đổi. Việc đó đòi hỏi kỷ luật: “Thí dụ như “đẻ” ra chuyên mục thì rất dễ, nhưng giữ chuyên mục thì không dễ. Tôi có thói quen luôn đúng hẹn.

Thí dụ có chuyên mục tản văn mà tôi nhận viết bài và giữ chuyên mục trên tờ “Cảnh sát Toàn cầu” (mỗi tuần một bài) và “ANTG cuối tháng”, “ANTG giữa tháng” (nửa tháng một bài) thì suốt khoảng 7 năm nay tôi trả bài chưa một lần sai hẹn. Với những người làm nghệ thuật thì cảm xúc luôn có sẵn như mỏ khoáng sản vậy. Việc viết ra giống như dịp đào bới tài nguyên ra mà thôi. Việc viết nhạc Pop rất giống như làm thơ, cảm xúc đến bất chợt, nhanh nên nếu không hoàn thành nhanh có thể cảm xúc sẽ “trốn” mất. Âm nhạc có thể coi như một khoảng trời riêng mà mình tha hồ bay nhảy”.

Khi ra khỏi công việc, nhạc sĩ Lê Tâm vui chơi với cậu con trai và cô con gái còn nhỏ. Bố con có thể tương tác đủ chuyện trên đời. Nhạc sĩ Lê Tâm thường chép lại những câu nói ngộ nghĩnh của hai con.

Về dự định, những dự án âm nhạc chung như album “Chúc mừng năm mới!” của nhóm M6 mà nhạc sĩ Lê Tâm là thành viên vẫn chưa thực hiện được khi vướng đại dịch Covid-19, năm nay hy vọng có thể là cuối 2022 sẽ hoàn thành. Theo sở thích của bạn bè, nhạc sĩ Lê Tâm đang phối lại và thu âm những ca khúc mà bạn bè đã thích từ lâu như “Cảm ơn thời gian”, “Nhắn tuổi 20”, “Cảm ơn Hà Nội”.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Nhà báo - Nhạc sĩ Lê Tâm: Âm nhạc hay báo chí đều cần kể chuyện hấp dẫn

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO