Nhà báo Đỗ Doãn Hoàng: Tôi ao ước một không khí báo chí sáng tạo

Nguyễn Thanh Bình 18/06/2020 10:45

"Tôi luôn ao ước một không khí báo chí nhiều sáng tạo hơn, “nghĩ mở” để các sáng tạo đích thực được tôn vinh hơn. Và bao năm tôi làm việc vì điều đó. Ví dụ: nhà báo cần đào sâu, cần dành nhiều tâm trí trăn trở hơn cho các vấn đề thiết thân của thân phận con người của đời sống dân sinh", nhà báo Đỗ Doãn Hoàng chia se.

Nhà báo Đỗ Doãn Hoàng. (Ảnh: Dân Việt).

PV:Thưa nhà báo Đỗ Doãn Hoàng, trước Ngày Báo chí Cách mạng năm nay, anh vừa chuyển từ báo Lao Động sau một thời gian công tác sang một cơ quan báo chí mới. Trong câu chuyện nghề nghiệp của người làm báo, điều này nói lên gì?

Nhà báo Đỗ Doãn Hoàng: À, nó cũng vẫn nói lên những điều cũ kĩ mà các nhà báo đều dễ gặp phải và tôi cũng gặp phải rất nhiều năm qua rồi đấy. Đó là không gian để sáng tạo. Có khi ai đó khác đi, có khi mình tự khác đi, có khi mình béo quá hay gầy quá, và phải thay áo mới. Trước tôi làm ở Báo Thanh Niên, rồi sang An ninh Thế giới, Công an Nhân dân, về Lao Động, nay sang Dân Việt/Nông thôn ngày nay. Mỗi lần chuyển cơ quan là mất cả tháng rơi vào hoài niệm và có gì đó lưu luyến ngoài sức tưởng tượng. Nhưng chuyển xong thì lần nào cũng thấy mình đã rất đúng. Tại sao mình không làm điều đó sớm hơn.

Không nói chuyện ở đâu tốt hơn ở đâu. Chỉ nói về cảm xúc thôi. Thấy mình không sáng tạo được ở môi trường cũ nữa thì phải chuyển. Nguyên nhân thì có nhiều. Nhưng nguyên nhân mấu chốt là do mình thôi. Mình cần một sự hào hứng và tự làm mới mình. Khi anh luôn sống hết mình, tận hiến một cách tử tế với những người bạn, thì dù thế nào đi nữa, thì anh cũng không bao giờ phải ân hận.

Dịp 21/6 năm ngoái, nhà báo Vũ Kiều Minh ở Dân Việt phỏng vấn tôi, xem bên đó làm bài vở, rồi con người sống với nhau rất nhân văn, lúc tôi ra bộ sách “Hành trình vạn dặm”, lại được đón Tổng biên tập Lưu Quang Định đến dự và quý mến tác phẩm của tôi, tự dưng trong lòng băn khoăn: Sao mình không về với một môi trường làm việc như thế nhỉ. Thế là nhắn tin, “anh cho em làm việc cùng anh nhé”. Nhà tôi ở gần cả tờ báo cũ lẫn tờ báo mới, các đồng nghiệp bao năm tôi gắn bó chia đều ở cả hai tờ báo, tôi đi bộ từ báo nọ qua báo kia như từ ban/phòng nọ sang ban phòng kia. Có cảm giác mình vẫn chưa hề chuyển. Có sáng đầu tuần, vẫn lái xe đến Lao Động và tìm thẻ thang máy để lên họp (cười).

Vậy còn điều anh đang suy nghĩ, thậm chí bận tâm về nghề báo, nhà báo hiện nay?

- Tôi luôn ao ước một không khí báo chí nhiều sáng tạo hơn, “nghĩ mở” để các sáng tạo đích thực được tôn vinh hơn. Và bao năm tôi làm việc vì điều đó. Ví dụ: nhà báo cần đào sâu, cần dành nhiều tâm trí trăn trở hơn cho các vấn đề thiết thân của thân phận con người của đời sống dân sinh. Bây giờ nhiều tờ báo bị “viu” (view) nó kéo đi sâu quá. Có khi một bài cúng ngày rằm ngày lễ “úp” (đăng) lên, kiếm số người đọc trên mạng bằng cả trăm cả nghìn lần một bài báo công phu, tâm huyết, là mảnh vỡ trí tuệ và xúc cảm của một nhân cách đáng kính. Nếu cứ dùng thước đo là số người đọc để đánh giá một tác phẩm/một phóng viên - nhà báo, nắn mọi thứ theo cái đơn thuần “công nghệ” hay “thủ thuật” đó - thì cũng hợp lý thôi, nhất là khi “viu” là nguồn thu, là uy tín, là quảng cáo, là nồi cơm manh áo của tôi, của anh, của các tòa soạn. Song, nếu chúng ta mải mê quá theo điều đó, thì cái sự sáng tạo tôi nói ở trên chắc chắn sẽ cùn nhụt đi. Sẽ làm cản trở quá trình ra đời tác phẩm hay nhà báo như chúng ta mong muốn ở trên. Và báo chí lúc đó, nó giống mạng xã hội quá…

Tôi đi giảng bao năm qua, gặp rất nhiều phóng viên trẻ mà các trường, mà tôi đào tạo, rất giỏi săn tin “hot” và tăng “viu”. Nhưng không tìm nổi người viết có hồn, có văn, có hình ảnh và có một nội lực câu chữ và số phận nhân vật để nó “đứng” được, nó “lay động” được lòng người.

Vẫn biết là xu thế nó thế. Vẫn biết là nói ra thì đi ngược xu thế và cổ hủ quá đi thôi. Song đó là trăn trở của tôi. Chắc tôi đã già rồi (cười).

Trong thời kỳ của kỷ nguyên số, của cách mạng công nghệ 4.0, theo anh, đạo đức nhà báo có vai trò như thế nào?

- Tôi nghĩ đạo đức nhà báo bao giờ cũng là thứ phải đề cao hơn hết. Tôi chứng kiến nhiều sự tha hóa đến mức, có lần Công đoàn Bộ GD-ĐT mời tôi giao lưu với các nhà giáo cả nước qua livestream facebook, tôi phải thốt lên: bạn nghĩ gì khi một cô hiệu trưởng mầm non một ngày phải tiếp tới 12 phóng viên/nhà báo đến để làm việc về cùng một chủ đề. Chủ đề chẳng “hot” gì cả, kiểm tra thu chi của nhà trường xem đúng sai ra sao. Và dĩ nhiên, cả nửa năm sau chưa có ai viết dòng nào về vấn đề cần “cứu xã hội” mà các “tay viết” kia đặt ra. Có người còn nhắn tin cho cô Hiệu trưởng là nhờ cô sửa bài giúp, có người mời cô về Hà Nội làm việc với ban biên tập về cái sự vụ của nhà trường… Tôi xem tin nhắn qua điện thoại của các thầy cô và có người đã bật khóc vì buồn.

Tất nhiên, có thể nhà trường cũng sai, nhà trường sai trước thì mới sinh ra cái hạch sách theo sau đó. Song, nếu nhà báo làm việc nghiêm túc để viết bài đích thực, thì “dấu hiệu” sẽ không như kiểu trên. Sau này, tôi thử “ngã giá” với vài người về cách mà các hiệu trưởng phải làm, thì mọi sự bắt đầu toạc móng heo ra… Đó chỉ là ví dụ về một hiện tượng mà tôi vừa hay gặp thôi.

Nhà báo điều tra như anh hiện đối mặt với những cạm bẫy mới nào?

- Cạm bẫy về giới hạn của sự án toàn. Chúng tôi đi sâu quá, và thật sự đôi lúc rất sợ. Song, cái sợ hơn là công sức của mình đổ xuống sông xuống biển, khi mà sau khi loạt bài công phu đăng, phát sóng ầm ĩ; tháng sau, năm sau, quay lại nó vẫn thế. Chỉ có một sự thay đổi, là nhà báo sau quá trình điều tra và cực lực tố cáo thì đã training (đào tạo) cho những kẻ đáng lên án kia cách đối phó với báo chí và các nhà điều tra khác một cách tinh vi hơn. Vì sao? Vì chúng ta chưa giải quyết tận gốc vấn đề. Đó là, rất nhiều khi, cơ quan thực thi pháp luật chưa làm đầy đủ trách nhiệm của họ với những dấu hiệu đáng quan ngại. Nhà báo đưa ra một hiện tượng mới, cảnh báo xã hội, lẽ ra sau khi xã hội biết được điều đó, cần thật sự vào cuộc và tiễu trừ điều tai hại kia.

Tiếc thay, chúng ta vẫn thường xuyên chưa có được điều đó.

Câu chuyện của tin giả - fakenews mà các nhà báo, các tòa soạn báo đang phải đối mặt thì sao?

- Tôi xin không trả lời câu này, vì nói hết ra thì bẽ bàng quá!

Xin cảm ơn anh!

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Nhà báo Đỗ Doãn Hoàng: Tôi ao ước một không khí báo chí sáng tạo

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO