Sau tròn một năm khi TPHCM bước vào thời gian giãn cách căng thẳng vì dịch bệnh, nhà báo Huỳnh Dũng Nhân đã âm thầm vượt qua tai biến vì đột quỵ. Lúc này, ông rời được xe lăn, bỏ gậy chống, và có thể đi trên đôi chân của mình. Việc nhà báo Huỳnh Dũng Nhân cầm bút tập vẽ ở tuổi 67 mà lại vẽ vào lúc bị tai biến đã mang lại cho ông nhiều kết quả bất ngờ.
- Nhiều người bảo tôi phải cảm ơn cơn bệnh tật vừa qua vì hai điều. Một là nhờ bệnh phải nằm nhà mà tập vẽ được. Hai là nhờ bệnh mà bỏ được… nhậu. (cười).
Một năm qua, tôi phải chịu đựng hai khó khăn, hai thử thách cùng lúc, đó là phải giam mình trong bốn bức tường vì giãn cách xã hội do Covid-19 và bị tai biến liệt nửa người. Có thể nói tôi chỉ chịu nằm im có một tuần trong 365 ngày đó. Vì ngay một tuần sau khi ra viện tôi đã viết bài.
Tôi móc dây điện thoại vào tay cho nó khỏi rơi và viết trên điện thoại. Ba tháng sau thì tôi đã bắt đầu tập vẽ, đầu tiên vẽ tĩnh vật, sau vẽ áp phích, rồi vẽ chân dung đồng nghiệp, người thân. Tay trái liệt thì còn tay phải. Nửa người yếu thì đầu óc vẫn tỉnh táo. Tôi tự đặt chương trình hành động cho mình là “cách ly dịch nhưng không cách ly bút”. Tôi là tỷ phú thời gian, nên phải biến nguy thành cơ, tôi tận dụng thời gian để viết báo, làm thơ, vẽ vời. Tôi có làm bốn câu thơ thế này: “Cày nát cả facebook/ Vẽ tòe cả bút lông/ Bấm mòn phím điện thoại/ Vẫn còn rảnh, chán không”.
Thời gian phải chống gậy thì cả một năm, khá dài, tôi bỏ gậy mới nửa tháng nay. Khi bỏ gậy, tôi ra bờ biển Long Hải tập đi trên cát để có té cũng đỡ đau. Khi bỏ gậy phải đi tập tễnh như… chim cánh cụt, nhưng tôi rất vui, vì lại được đứng thẳng và đi trên đôi chân của mình.
Ông tập trung vào việc vẽ, bắt đầu là tĩnh vật và chân dung đồng nghiệp, người thân quen như thế nào?
- Tôi vẽ đầu tiên là để giết thời gian, để chống trầm cảm. Sau thấy cũng thú vị, tôi vẽ đầy đam mê, có chút tìm tòi khám phá và thể nghiệm. Bạn bè khen. Tay nghề tăng dần. Từ chỗ khởi điểm là vẽ cho mình, tôi đã có tranh góp mặt trên báo chí, có tranh được triển lãm ở Bảo tàng Báo chí Việt Nam và Bảo tàng Phụ nữ Việt Nam, được nhà thiết kế thời trang nổi tiếng Minh Hạnh đưa vào hai bộ sưu tập thiết kế áo dài nghệ thuật.
Còn những bức tranh ghi lại những câu chuyện cảm động trong thời gian TP HCM giãn cách ra sao?
- Nói về tranh áp phích thì tôi vẽ bằng cái đầu của một nhà báo và cái tay của người cầm cọ. Cái đầu của người làm báo thì luôn quan sát, phản xạ, thu nạp thông tin, nhạy bén trong tình hình thế sự để tìm đề tài vẽ tranh. Còn cái tay thì thực hiện những ý tưởng đó bằng sắc màu. Có lẽ vì thế tranh áp phích của tôi không tuyên truyền khô khan mà có nội dung dễ đi vào lòng người. Đề tài chính của tôi là vẽ về những lực lượng tham gia chống dịch mà trong đó hình ảnh người chiến sĩ là chủ đạo.
Việc vẽ đã mang lại cho ông những gì?
- Vẽ làm tôi tận dụng được thời gian rảnh rỗi, giúp tôi làm việc và sống có mục đích, có ý nghĩa, đem lại niềm vui cho mình và mọi người. Vẽ cũng có tranh được đăng báo, được triển lãm, được sử dụng vào thiết kế thời trang… thì vui lắm chứ. Tôi làm báo 40 năm mà vẽ mới có 4 tháng, song lượng tin bài viết về việc tôi vẽ còn gấp mấy lần viết về tôi làm báo. Cảm giác mình không bị vô dụng cũng là một niềm vui.
Ông luôn sử dụng sắc màu tươi vui trong sáng trong tranh? Và ông vẽ cũng rất nhanh?
- Như tôi đã tâm sự, vẽ cũng là một cách để trị bệnh trầm cảm, là một liều vaccine chống lối sống thụ động nhàm chán, tiêu cực… nên tôi vẽ bằng sắc màu trong trẻo tươi vui có lẽ cũng vì thế. Thời gian này đã có nhiều chuyện đau buồn rồi mà tranh mình cũng nặng nề tăm tối nữa thì vẽ làm gì. Tôi có một đặc tính, tạm gọi là ưu điểm cũng được, là viết báo nhanh mà vẽ cũng nhanh. Một tranh chân dung tôi vẽ chỉ khoảng vài tiếng đồng hồ. Chất lượng, hoặc đạt ở mức nào đó, hoặc là vứt bỏ. Tôi ít khi tỉa tót, nắn nót được. Vừa rồi tôi tập vẽ tốc họa, không vẽ nháp, mỗi tranh chỉ khoảng 30 phút, chỉ để chiều chuộng cái tính tham lam vẽ nhanh, vẽ nhiều của mình.
Phải chăng niềm lạc quan mỗi ngày, cũng như “mượn thêm một ngày để sống” đã đưa ông đến những tích cực trong tinh thần cũng như sức khỏe hôm nay?
- Tôi cảm thấy mình hơi mâu thuẫn. Thơ của tôi thì hơi buồn. Có những suy nghĩ bi quan về cái quỹ thời gian đang cạn dần của mình. Nhưng tranh của tôi thì đầy lạc quan. Có lẽ hai mặt này bổ sung bù qua sớt lại cho tâm trạng sống không cam chịu thụ động của tôi. Mọi người đều bảo nhờ năng lượng sống tích cực và các hành động lạc quan mà sức khỏe tôi được cải thiện nhanh. Phải chống gậy thì trông thê thảm lắm, nhưng tôi luôn tự trào, tự hài hước về chuyện bệnh tật cũng như việc phải chống gậy của mình. Tôi vừa lại đặt ra cho mình một chương trình mới, đó là chương trình “Xin một tuổi”, tức là dành một năm đi thăm lại các nơi mình từng sinh sống làm việc, thăm bạn bè thân thiết. Trong hơn một tháng qua, khi vẫn còn chống gậy, tôi đã đi được 7 tỉnh, thành rồi.
Nhìn lại việc vẽ, ông thấy có gì giống với việc làm báo của mình không?
- Có cái giống, đó là sự đam mê. Tôi có thế mạnh về việc tìm đề tài ý tưởng trong cả việc viết và vẽ. Tôi luôn nghĩ ra cái gì đó để viết để vẽ, ngay cả chơi facebook cũng thế. Tôi viết trên điện thoại không kịp sạc pin. Tôi vẽ tranh này chưa kịp khô màu đã lấy giấy vẽ ngay tranh khác. Sau này vẽ thêm cả trên iPad tôi cũng vẽ liền tay.
Ông chia sẻ về triển lãm tranh của ông vào tháng 6 này?
- Nhân Ngày Báo chí cách mạng Việt Nam (21/6), Bảo tàng Phụ nữ Việt Nam tổ chức triển lãm tranh chân dung “Nhà báo nữ” của tôi. Đây là số tranh mà tôi vừa triển lãm ở Bảo tàng Báo chí Việt Nam, nay tặng lại cho Bảo tàng Phụ nữ Việt Nam. Có một chi tiết rất vui là hai nữ giám đốc cả hai bảo tàng đều cho biết đây là lần đầu tiên tổ chức triển lãm tranh cho một cá nhân, mà cá nhân ấy lại là một cây cọ nghiệp dư hoàn toàn. Và xin tiết lộ một tin vui nữa, nếu không có gì thay đổi, có thể tôi cũng sẽ tổ chức một sự kiện để kỷ niệm chặng đường “40 năm đi và viết” của mình tại TP HCM.
Xin cảm ơn ông!