Nhà báo Phương Vũ, con trai nhà văn Tô Hoài: 'Với các con, cha tôi luôn là thần tượng..."

Hồng Thanh Quang (thực hiện) 18/07/2019 16:55

Hai lăm năm viết báo, viết truyện, ký, tản văn và làm thơ, một đam mê “nghiệp dư” của tôi cũng làm cha tôi vui rồi. Chỉ có điều ân hận nhất là tôi không xây dựng được tờ báo Người Hà Nội như cha tôi mong muốn. Nhưng tôi nghĩ cha tôi sẽ hiểu vì lúc còn sống ông vẫn thường nói với tôi: “Con người con, cá tính và cách sống của con không phù hợp với cơ chế, thể chế này... Con hãy là con thôi.

Nhà báo Phương Vũ, con trai nhà văn Tô Hoài: 'Với các con, cha tôi luôn là thần tượng...

Nhà văn Tô Hoài cùng gia đình.

Hồng Thanh Quang:Tôi biết quê nội anh là làng Cát Động. Anh có thể nói gì về làng quê đó và dòng họ Nguyễn của anh ở làng Cát Động hay không?

Nguyễn Phương Vũ: Mới hôm rồi tôi về Cát Động, mọi thứ đổi thay theo năm tháng như bao làng quê khác. Sáu mươi năm, mọi thứ khác đi rất nhiều. Trong ký ức của tôi mỗi lần về quê là băng qua những ruộng lúa mênh mông bát ngát, vào đến làng là những con đường lát gạch đỏ rêu phong lượn quanh các ao, hồ, những bụi tre khóm trúc rì rào cọ xát âm vang như một bản nhạc. Những vườn cây trái phủ đầy màu xanh và hoa quả trĩu cành. Xa hơn nữa, sau làng là con sông Đáy với bao ký ức tuổi thơ của trẻ con trong làng. Thiên nhiên đơn sơ mộc mạc nhưng gần gũi. Còn bây giờ chỉ thấy đường sá bê tông, nhà cửa xây san sát, mọi thứ “lạnh” và đều kín cổng cao tường.

Quê tôi, dòng họ nhà tôi không có gì nổi bật, không có dấu ấn gì cả. Tất cả trôi theo và hòa nhập theo cái “lạnh” của xã hội. Những phong tục tập quán, nét làng quê, tình họ hàng dòng tộc, bà con lối xóm cũng nhạt nhòa theo năm tháng, gần như còn quá ít nét quê xưa trong ký ức tôi.

Vì sao các cụ nhà anh lại chuyển từ phủ Thanh Oai ra vùng Nghĩa Đô? Cha anh có bao giờ nói chuyện với anh về việc này không?

- Cũng không phải chuyển hẳn từ Thanh Oai ra Nghĩa Đô, mà ngày xưa ông nội tôi ở Thanh Oai không làm ruộng, cụ có vài nghề lẻ nên ngay từ thời thanh niên cụ đã lang thang phiêu dạt đây đó để mưu sinh. Trên bước đường phiêu lãng đó, ông nội tôi dừng chân và nên duyên với bà nội tôi tại Nghĩa Đô. Từ đó ông tôi ở lại Nghĩa Đô luôn và bố tôi ra đời ở đó (bên ngoại). Cứ thế, năm tháng qua đi, ông nội tôi vẫn đi làm ăn xa, bố tôi lớn lên ở đó, hoàn cảnh gia đình và cuộc sống mưu sinh nối tiếp đến khi bố tôi tham gia hoạt động cách mạng (1938-1945) và nối tiếp chín năm kháng chiến nhà tôi đi tản cư. Cuộc sống phong ba bão táp trôi theo năm tháng rồi ông nội tôi cũng mất trên chiến khu. Có lẽ thời gian ông nội tôi “định cư” ở Nghĩa Đô và bố tôi sinh ra lớn lên ở đó là dài nhất nên nó trở thành sự mặc định đấy là quê hương chính của nhà tôi. Nhớ quê chỉ còn đọng lại trong ký ức của bố tôi với bút danh Tô Hoài (phủ Hoài Đức quê nội và sông Tô Lịch quê ngoại).

Anh có thể kể về ông bà nội của anh điều gì không? Và theo anh, tại sao sinh ra trong một gia đình làm nghề thủ công như thế mà cha anh lại chọn con đường sáng tác văn học? Các cô dì chú bác của anh có ai đi theo con đường giống như cha anh không?

- Khi tôi sinh ra ông nội tôi đã mất nên hoài niệm về ông chỉ qua những lời kể của bố tôi. Một người hiền lành, thích bay nhảy, thích uống rượu. Còn bà nội tôi có hai giai đoạn: Bố tôi kể, tôi hình dung ra một người đàn bà ngoại ô nhanh nhẹn tháo vát nhưng lực bất tòng tâm, thương con nhưng chẳng làm được gì cho con ngoài cố gắng lo cho con có bữa ăn và quần áo để mặc. Một người đàn bà cam chịu nhưng yêu thương thì vô bờ, đấy là giai đoạn bố tôi hoạt động cách mạng bí mật. Lo cho con, thương con nhưng vẫn hết lòng ủng hộ con. (Nhà tôi ở Nghĩa Đô đã từng là nơi hội họp bí mật và qua lại của nhiều đồng chí lãnh đạo). Giai đoạn hai là sau này sống với bà cho đến khi lớn thì kỷ niệm của tôi với bà nhiều hơn. Nhớ những năm sáu mấy (cuộc chiến tranh phá hoại lần thứ nhất của Mỹ) khi đó tôi chín, mười tuổi ở với bà mấy năm liền, tôi thấy bà nội là người đàn bà tỉ mẩn, cẩn thận, rất thương yêu con cháu.

Cha tôi có một người chị gái và một em gái. Bác và cô tôi mất đã lâu. Gia đình lớn của cha tôi rất neo người và cũng không ai theo con đường viết lách của cha tôi cả. Cha tôi sinh ra trong một gia đình làm thợ thủ công và không có may mắn được thừa hưởng bất kể một thứ gì từ gia đình. Nhưng chính cuộc sống tự lập, tự bước (đói là phải làm), một chút di truyền về tính cách thích bay nhảy của ông nội, một chút tính tỉ mẩn cẩn thận của bà nội và sự đam mê, cần cù chịu khó (trước cuộc sống), yêu thương (trong xã hội) của cả ông bà nội tôi. Không phủ nhận cha tôi cũng được trời cho một khả năng nhất định. Cha tôi hay nói chỉ là khả năng thôi chứ đừng dùng từ năng khiếu hay thần đồng vì cha tôi cũng viết từ những năm mười sáu mười bảy tuổi. Những yếu tố trên đã tạo nên những điểm xuất phát ban đầu để cha tôi viết lách. Cha tôi thường nói: văn học chọn cha chứ không phải cha chọn văn học. Lao động văn học là khổ nhục thì có ai muốn chọn.

Lần đầu tiên anh đọc “Dế mèn phiêu lưu ký” là khi nào? Do anh tự tìm sách đọc hay cha anh đưa cho anh đọc? Anh có nhớ cảm giác của anh khi đó không?

- Thủa bé tôi không đọc “Dế mèn” mà “Dế mèn” do cha tôi kể trong những dịp được đi nghỉ cùng ông hay những lúc ông tranh thủ về thăm khi còn sơ tán, từ khi tôi năm, sáu tuổi đến khi tôi lên chín, mười tuổi. Ông kể những câu chuyện đồng thoại, chuyện thiếu nhi rất nhiều như: bụi đường phố, mẹ mìn bố mìn, bệnh ghẻ, chuột thành phố, đám cưới chuột, mèo lười… chứ không phải duy nhất chỉ có dế mèn. Lúc đó trong tâm trí tôi với những cảm nhận trẻ thơ tôi thấy ông giỏi quá, giỏi về trí tưởng tượng, giỏi về quan sát, giỏi về cảm quan và cách sắp xếp... Đấy, suy nghĩ tuổi thơ của tôi về ông, về dế mèn chỉ đơn giản là vậy.

Có người bảo “Dế mèn phiêu lưu ký” thực ra là một tác phẩm văn học viết cho người lớn, với những thông điệp sâu sắc hơn tầm hiểu thấu của trẻ nhỏ. Anh nghĩ thế nào về nhận định này?

- Rất chính xác. “Dế mèn phiêu lưu ký” có chỗ đứng đâu phải chỉ trong lòng thiếu nhi mà cả trong lòng người lớn. Tại sao thế, tôi muốn nói lại một chút để các bạn hiểu dế mèn ra đời trong hoàn cảnh nào, tại sao lại có “Con dế mèn” rồi mới đến “Dế mèn phưu lưu ký”. Những năm 1936-1937, sau khi không đi học nữa, cha tôi đã tập tọe viết lách và xin đi làm. Thời điểm đó cha tôi đã có nhiều bài viết đăng trên Tân dân, Thứ bảy... vẫn chỉ là những câu chuyện cóp nhặt, mắt thấy tai nghe trong cuộc sống hàng ngày nơi vùng ngoại ô.

“Con dế mèn” cũng ra đời trong hoàn cảnh như vậy. Ngoài thời gian viết, đi làm hay những lúc thất nghiệp, cha tôi vẫn thường xuyên cùng đám trẻ trong làng ra ruộng Nghĩa Đô hay bờ sông Tô Lịch đi đổ dế, bắt dế, chơi dế, chọi dế... Cha tôi kể: có khi những thú vui đó quên hết cả thời gian, quên cả ăn uống... Nhiều lúc ngồi ngắm con dế trong lọ hàng tiếng đồng hồ, đi ngủ phải để lọ dế đầu giường... Âu cũng chỉ là những trò chơi con nít thủa thiếu thời, nhất là trong bối cảnh cũng chẳng có gì để chơi ngoài những trò dân gian đời thường và tự nghĩ. Với tài quan sát, trí nhớ và nếp nghĩ (quan điểm viết) cha tôi đã cho “Con dế mèn” ra đời và tự gửi đăng báo (phát hành nhiều kỳ).

Năm 1938, phong trào thanh niên phản đế, ái hữu thợ dệt, truyền bá quốc ngữ phát triển rầm rộ, cha tôi cũng là một người thanh niên bị ảnh hưởng hăng hái tham gia với tinh thần làm sao có một xã hội thay đổi, một thế giới khác mà cha tôi đã từng nghe, từng đọc đấy là: Tự do – bình đẳng – bác ái. Xây dựng một thế giới đại đồng, ở đó ai cũng có quyền sống, quyền bình đẳng như nhau. Cùng lúc đó “Con dế mèn” rất cuốn hút người xem nên ông chủ nhà xuất bản đề nghị cha tôi viết tiếp phần hai “Con dế mèn” và ứng trước tiền cho cha tôi, vậy là “Dế mèn phiêu lưu ký” ra đời. Cha tôi nói lúc đó chỉ nghĩ đơn giản không có chủ nghĩa hay tư tưởng cách mạng gì, chỉ là cuộc chơi của con dế phục vụ các bạn thiếu nhi, giờ nhân cách hóa lên (nhiều nhân vật, được phiêu lưu) để thực hiện hoài bão ước mơ, đấy là lý tưởng của người trưởng thành.

Tâm thế người viết một câu chuyện về loài vật để phục vụ các bạn nhỏ kết hợp với tâm trạng của tác giả theo bối cảnh đất nước đã xây dựng nên một “Dế mèn phưu lưu ký” hoàn chỉnh mà trong đó bố tôi muốn gửi gắm nhiều truyền tải, nhiều thông điệp đến trẻ con và cả người lớn: Biết ước mơ và biến ước mơ thành hiện thực. Đấy là những thông điệp mà người lớn thấu hiểu hơn.

Sau này lớn lên đọc lại “Dế mèn phiêu lưu ký”, anh có cảm nhận gì khác so với khi còn nhỏ không?

- Sau này, tôi cũng không có dịp đọc lại “Dế mèn”, có thể tôi không nhớ hết, nhớ từng chi tiết nhỏ, nhưng dế mèn đã nằm sâu trong ký ức tôi từ những lời kể của cha cũng như lời ru của mẹ nếu ai đã trải qua mà chẳng nhớ. Những câu chuyện, những ký ức, những cảm xúc, tâm trạng của tôi về dế mèn vẫn vẹn nguyên như ngày nào, chỉ có khác hơn là mỗi tuổi qua đi, được sống, được nghe cha tâm sự, sự cảm nhận và thấu hiểu của tôi lớn hơn, trưởng thành, sâu sắc hơn: Cảm phục về tài, trân trọng về nhân cách, tôn thờ về ý tưởng của cha tôi từ buổi đầu viết “Dế mèn phiêu lưu ký”.

Nhà báo Phương Vũ, con trai nhà văn Tô Hoài: 'Với các con, cha tôi luôn là thần tượng...

Thư viện Tô Hoài tại Hà Nội.

Con anh bây giờ có đọc sách của ông nội không? Cảm nhận của cháu thế nào?

- Các con tôi và các cháu nhà tôi đều đọc “Dế mèn”, cảm nhận cũng như tôi tuổi thơ ấu thời, đấy là: hay, sinh động, sao ông tả được kỹ thế và ông “bịa” giỏi nhỉ. Văn học có hư cấu, có thông điệp riêng của nó, thậm chí có nhiều cung bậc cảm xúc không thể đòi hỏi các cháu hiểu ngay một lúc được.

Anh có cảm nhận gì về sách của nhà văn Tô Hoài?

- Cảm nhận đầu tiên của tôi là sách của ông bây giờ vẫn phát hành và quan trọng nhất là bán được (vậy sách của ông hay chứ, phù hợp chứ). Tôi nói rất thật vì anh có muốn nói gì đi chăng nữa, nhưng sách không phát hành, không bán được, điều đó đánh giá, khẳng định giá trị thực ngay. Tất nhiên với khối lượng sách đồ sộ như vậy và cung bậc cảm xúc khác nhau khi những đứa con tinh thần ra đời sẽ có quyển hay và không hay. Bản thân tôi cũng có cảm nhận như vậy về sách của ông. Nhân vô thập toàn, văn học cũng như con người hãy để bạn đọc đánh giá và nhận xét. Cảm giác suy nghĩ đánh giá mỗi người mỗi khác, văn học là thế miễn sao và quan trọng nhất là tác giả sống được trong lòng bạn đọc. Tác phẩm vẫn in và bán được là thước đo lớn nhất của một nhà văn nhà thơ.

Mảng sách nào của ông mà anh tâm đắc nhất?

- Có lẽ mảng sách mà tôi (cũng như cha tôi) thích nhất là đề tài hồi ức: từ Cỏ dại, Xóm Giếng ngày xưa, Mười năm, Tự truyện, Mùa hạ đến mùa xuân đi, Những gương mặt, Cát bụi chân ai, Chiều chiều, Ba người khác. Bởi đây là một chủ đề hồi ký mang tính xuyên suốt. Hồi ký dễ bị nhạt, nhưng ông vẫn lồng ghép, đan xen nhiều nhánh văn học mang dáng dấp của nhiều thể loại, thể hiện được nội dung dưới nhiều hình thức. Hơn nữa trong đề tài này cha tôi nói được nhiều điều muốn nói: đời thường, xấu tốt, chân thật... Có thể nhiều đụng chạm va đập, nhưng cái cốt lõi cuối cùng là sự thật: thật trong suy nghĩ tư tưởng, thật trong đời sống hàng ngày và thật đến từng cá tính, bản chất con người. Cha tôi nói nếu để viết hồi ký không thì dễ quá, hồi ký chỉ là xếp đặt thời gian sự việc, mà thường hồi ký thì cái tốt luôn được đề cao còn cái xấu đôi khi “lọ mọ” đọc hết cả tập không thấy đâu, cùng lắm chỉ là tí tẹo của hình bóng.

Có lẽ chính vì suy nghĩ đó cha tôi đã viết nó khác đi, đặt mình trong một nhân vật văn học dám nói và làm những gì mình thích. Tôi tâm đắc mảng đề tài này và cũng chính mảng đề tài này đã làm khó cha tôi: gần mười đầu sách thì quá bán đều bị cấm xuất bản rồi dần dần mới xuất bản được.

Anh có thể nói gì về tác phẩm “Vợ chồng A Phủ”? Cha anh có bao giờ kể điều gì về quá trình ông viết tác phẩm này không? Anh có biết cảm nhận của ông về bộ phim “Vợ chồng A Phủ” không?

- “Vợ chồng A Phủ” ư? Những chuyện đời thường lắm, cũng không có gì cao siêu nhân cách hóa thần tượng gì cả. Phong tục tập quán, luân thường đạo lý, cổ hủ lạc hậu, bất công xã hội, chà đạp nhân phẩm nhưng đau xót uất ức tột cùng, những chủ đề còn nóng đến hôm nay. Đấy, tôi nói bình thường là thế nhưng cái tài của ông là xây dựng hình tượng, lồng ghép hình ảnh rất sát, rất chân thực. Ông đã vẽ một bức tranh về đồng bào dân tộc đầy sống động: Con người, cảnh vật, hình ảnh thấm đẫm nét riêng của đồng bào vùng cao. “Vợ chồng A Phủ” là một bài ca. Cha tôi nói: Chín năm sống với đồng bào vùng cao, cùng ăn ở cùng học (cha tôi nói được nhiều thứ tiếng dân tộc) sau này nhiều lần đi lại, mỗi lần đến đây tôi thả hồn vào đây tôi biến mình thành người Dao, người Tày, người Mường… Tôi lăn lộn với họ, chia sẻ buồn vui, nhịn ăn nhịn uống đồng cam cộng khổ để họ hiểu, họ tâm sự, họ chia sẻ những câu chuyện đã qua và tác phẩm “Vợ chồng A Phủ” cũng ra đời từ đó. Với phim “Vợ chồng A Phủ”, cha tôi không bao giờ nói về nội dung mà chỉ nói về kỷ niệm đoàn làm phim. Cha tôi cùng đạo diễn Mai Lộc và đoàn làm phim đã lên sống với bà con cả năm trời. Cha tôi nói: lúc đó điều kiện kỹ thuật còn kém lắm, kể cả đội ngũ diễn viên, nhưng thực tế sáng tác vẫn làm thăng hoa tác phẩm. Chúng tôi ăn, ở, ngủ cùng bà con, học tiếng, học văn hoá, học phong tục tập quán và học cả lời ăn tiếng nói hành động cử chỉ. Tất cả những cái đó đã xây dựng nên một bộ phim rất thật, tôi cho “Vợ chồng A Phủ” kinh điển chính là nét đó. Một điều tâm đắc nữa của cha tôi đó là chính trong giai đoạn kháng chiến khi ở Bắc Yên (Sơn La), một buổi chiều trước cửa hang đá khi bóng tối bắt đầu nhập nhoạng, xa xa trên vách núi có chàng trai cô gái dân tộc ngồi bên nhau. Cha tôi đã làm bài thơ và bài thơ đó đã được nhạc sĩ Nguyễn Văn Thương phổ nhạc để đưa vào phim “Vợ chồng A Phủ” - “Bài ca hang đá”.

Anh có thể nói gì về những cuốn sách ít nhiều mang tính hồi ức của cha anh, được xuất bản vào những thập niên cuối đời của ông?

- Những cuốn sách mang tính hồi ức của cha tôi được xuất bản vào những thập niên cuối đời của ông như tôi đã nói ở trên. Sóng gió, sóng gió lắm. Nhiều câu chuyện nhiều tình tiết ly kỳ, hấp dẫn dậy sóng lúc đó, chuyện qua rồi tôi cũng không muốn nói lại nữa, nhưng tôi nghĩ chính những chuyện bên lề đã làm tăng thêm độ nóng của những cuốn sách đấy. Quan trọng nhất là cuối cùng tất cả những cuốn sách đó đều được xuất bản. Tôi cho đấy là thành công vì tôi thích mảng đề tài này.

Trong gia đình, nhà văn Tô Hoài được các con của mình cảm nhận như thế nào?

- Với các con, cha tôi luôn luôn là thần tượng của chúng tôi. Cách sống, đaọ đức sống, sự cần cù lao động và chỉnh chu mực thước trong cuộc sống của ông đã đi sâu vào tâm trí của chúng tôi. Ông hiền lắm, thương yêu lắm và “bôn” lắm. Trong quá khứ đôi khi những cái “lắm” ấy cũng là đề tài tranh luận trong gia đình nhưng rồi càng ngày chúng tôi càng hiểu và trân trọng cha.

Ông có phải là một nhà văn với nhiều mâu thuẫn nội tâm không?

- Với cha tôi, cuộc sống nội tâm không có gì mâu thuẫn cả, vì từ khi còn bé đến lớn lên và mất đi, ngoài văn chương chữ nghĩa không còn gì quan trọng. Ông yêu sáng tác, ông cần, cần rất nhiều thời gian dành cho nó, cả cuộc đời ông mọi sức lực tâm huyết trí tuệ ông dành cho con chữ. Chuyện cơm áo gạo tiền, chuyện xã hội, chuyện cơ quan ông có màng đến đâu, mọi thứ như phù hoa không đọng lại gì cả. Một con người như thế sao có nội tâm mâu thuẫn được.

Những năm cuối đời với cha tôi nó không phải cuộc giằng xé hay chiến đấu gì ghê gớm cả, ông chỉ nhìn ở góc độ hết sức bình thường về nhân tình thế thái, sự công bằng xã hội và cả tư duy thăng trầm của một chế độ.

Với cha tôi, như anh biết, một nhà văn giữ rất nhiều cái nhất:

- Cống hiến công tác lâu năm nhất.

- Khối lượng tác phẩm nhiều nhất.

- Các đầu sách dịch ra nhiều thứ tiếng nhất.

- Nhà văn có nhiều huân huy chương nhất, nhiều giải thưởng nhất.

- Nhà văn có nhiều chức danh nhất.

- Và còn nhiều nhất nữa, vậy mà khi cha tôi đi xa gia tài không có gì ngoài sách và 10 triệu đồng tiền mặt.

Theo tôi biết, và ông có chia sẻ với tôi những trăn trở đó trước ngày ông ra đi, cuộc đời cha tôi có lẽ đấy là điều duy nhất ông tự dằn vặt như thế có là nội tâm không anh.

Nhà báo Phương Vũ, con trai nhà văn Tô Hoài: 'Với các con, cha tôi luôn là thần tượng...

Nhà văn Tô Hoài cùng phu nhân.

Cha anh có bao giờ nói nặng với anh không?

- Ồ không, tuyệt đối không, với tôi cũng như anh chị em trong nhà và bên ngoài tôi chưa từng thấy ông buông một lời nặng nề với bất kỳ ai bao giờ. Tôi đã nói cha tôi hiền lắm với góc độ riêng tôi nghĩ ông là phật, là thánh hiền. Tất nhiên trong cuộc sống cũng có lúc cha tôi buồn hay bực, những lúc đó ông thường im lặng - sự im lặng “dọa nạt” đó vô cùng có tác dụng với chúng tôi. Ông luôn luôn muốn các con phải tự hiểu, chưa hiểu phải tự suy nghĩ, nghĩ để hiểu. Cách giáo dục của cha tôi cũng rất đơn giản không theo một hình mẫu khuôn phép nào cả, chỉ có: đọc sách, thích làm gì cũng được nhưng phải sống tốt, hành xử tốt, suy nghĩ tốt, đừng làm gì sai, khuất tất và gian dối, hãy hoàn thiện bản thân thì chẳng sợ gì và ai mình cũng có thể nói được, đấy là chân lý mà cha tôi dạy dỗ.

Có việc gì trong quá khứ mà bây giờ nghĩ lại, anh cảm thấy mình có lỗi với cha mình không?

- Sáu mươi năm sinh ra, lớn lên và trưởng thành trong sự nhận thức cá nhân và tấm lòng yêu thương của ông, những xích mích bất đồng va chạm tất nhiên phải có, nhưng chỉ là những nhỏ nhặt đời thường, tôi không ân hận và cha tôi cũng hoàn toàn bằng lòng.

Hai lăm năm viết báo, viết truyện, ký, tản văn và làm thơ, một đam mê “nghiệp dư” của tôi cũng làm cha tôi vui rồi. Chỉ có điều ân hận nhất là tôi không xây dựng được tờ báo Người Hà Nội như cha tôi mong muốn. Nhưng tôi nghĩ cha tôi sẽ hiểu vì lúc còn sống ông vẫn thường nói với tôi: “Con người con, cá tính và cách sống của con không phù hợp với cơ chế, thể chế này... Con hãy là con thôi. Và hôm nay tôi tự hào không những con là con, mà con là con của bố. Một điều tiếc nữa và cũng có thể là “lỗi” tôi đã không ghi chép hết những điều về cha và những việc ông nói, ông kể. Vì cha tôi là một kho tư liệu phong phú và đồ sộ. Đấy là điều tôi tiếc và ân hận nhất.

Anh có ký ức gì về lao động nhà văn của cha mình không? Công việc văn chương của ông có làm cho đời sống gia đình trở nên phức tạp hơn so với những người xung quanh không?

- Lao động văn chương của cha tôi đã có quá nhiều người, nhiều sách vở bài báo đã nói đến. Với tư cách cũng là người viết, là người con, tôi khâm phục ông, một tấm gương về sự lao động cần cù miệt mài chăm chỉ. Tôi không nói về tài năng mà chỉ nói đến bình diện khó nhọc trong nghề viết. Tôi được chứng kiến về ông và có trong tay kho tư liệu của ông thực sự tôi không tin, không hiểu và cắt nghĩa được về sức lao động, vì với khối lượng tác phẩm đó chỉ cần ngồi chép không thôi tôi đã thấy thật khó rồi. Cuộc sống của một gia đình nhà văn có những cái khó khăn riêng. Ngày xưa cha tôi đi công tác quanh năm suốt tháng, gia đình một tay mẹ tôi chăm lo và sự “tự lớn” bảo ban nhau từ anh chị em chúng tôi. Cũng vất vả thiếu thốn đủ điều nhưng chúng tôi tự hào và hãnh diện vì có bố là nhà văn. Ngày xưa mẹ tôi vẫn thường nói cha tôi là người của xã hội, người của mọi người rồi, chỉ có những lời trách đáng yêu vậy thôi.

Với xung quanh, hàng xóm láng giềng đâu cũng vậy, cha tôi đều hết lòng. Nhớ thời kỳ đó dù bận mà cha tôi 10 năm trời vẫn là Trưởng ban Đại diện Khối phố (tương tự như Trưởng phường bây giờ), rồi khi cha tôi làm Đại biểu Quốc hội, biết bao cuộc tiếp xúc ông với dân (tôi hay đi theo) dân tin yêu lắm. Những thập niên 60,70 thời kỳ bao cấp nhà tôi có đường điện nước, đường điện thoại riêng nhưng cả phố dùng, rồi khi có cái tivi, tủ lạnh cũng cả phố xem, gửi gắm thương yêu, gần gũi lắm, có gì khác biệt đâu. Nếu có chăng chỉ là những lời trách móc đáng yêu của mẹ tôi. Nhưng những điều cha tôi mang tới còn hạnh phúc lớn lao hơn nhiều. Tự hào đó khoả lấp và cân bằng tất cả mọi điều trong cuộc sống gia đình.

Nhà báo Phương Vũ, con trai nhà văn Tô Hoài: 'Với các con, cha tôi luôn là thần tượng...

Quỹ Nhà văn Tô Hoài đang thực hiện theo ước nguyện của ông: nghĩ đến mọi người và hãy nghĩ đến những việc làm tốt đẹp cho xã hội...

Cha anh trong nhiều năm liền từng công tác ở các cơ quan quản lý giới văn chương như Hội Nhà văn Việt Nam hay Hội Nhà văn Hà Nội. Và chắc chắn giao du với nhiều tên tuổi lớn của nền văn học Việt đương đại. Có thể anh cũng vì thế mà có dịp tiếp xúc với nhiều người trong số họ. Anh có thể chia sẻ những ký ức của anh về họ được không?

- 30 năm cha tôi làm lãnh đạo Hội Nhà văn Việt Nam, 40 năm lãnh đạo Hội liên hiệp Văn học nghệ thuật Hà Nội và rất nhiều chức danh khác như Đại biểu Quốc hội, Hội đồng Nhân dân Thành phố, Mặt trận Tổ quốc, Ủy ban Đoàn kết Á - Phi, Hội Nhà văn Á - Phi, Tổng Biên tập báo Người Hà Nội. Cha tôi có quan hệ với tận cả các bác như: Trường Chinh, Phạm Văn Đồng, Lê Duẩn, Lê Đức Thọ, Võ Nguyên Giáp, Văn Tiến Dũng, Nguyễn Duy Trinh, Trần Quốc Hoàn, Tố Hữu, Chu Văn Tấn… quan hệ theo lối họ hiểu và tìm gặp cha tôi chứ ông không bao giờ chủ động tiếp cận gần gũi một ai cả. Tôi được gặp, được đến nhà nên tôi hiểu tính cha tôi, về sau này cũng thế, các thế hệ lãnh đạo vẫn gần gũi và tôn trọng cha tôi nhưng ông vẫn luôn luôn giữ khoảng cách và rất khái tính. Có rất nhiều bác, chú, anh làm lãnh đạo đã đến tận nhà thăm cha tôi và đề cập với cha tôi chuyện muốn giúp đỡ nâng đỡ tôi nhưng chỉ nhận được câu trả lời: Không. Có lẽ tính ông là vậy, không thích chơi với lãnh đạo, không thích nhờ vả và phiền hà người ta. Cha tôi thường nói làm người mà phải quỵ luỵ, bợ đỡ, cầu cạnh nhờ vả người ta mà không tự đứng được với đôi chân của mình thì nhục lắm, hèn lắm, sống làm gì. Với văn nghệ sĩ như bác Nguyễn Công Hoan, Nguyễn Tuân, Nguyễn Bính, Hoàng Trung Thông, Nguyên Hồng, Kim Lân, Văn Cao, Nguyễn Văn Bổng, Dương Bích Liên, Bùi Hiển, Chế Lan Viên, Đỗ Thị Thường, Xuân Diệu, Tế Hanh, Nguyễn Đình Thi, Đỗ Phồn, Trọng Hứa, Nông Quốc Chấn… rồi các chú như Nguyễn Sáng, Đào Vũ, Nguyễn Quang Sáng, Vũ Tú Nam, Vũ Cao, Hồ Phương, Nguyễn Thị Ngọc Tú, Nguyễn Thị Như Trang, Hữu Mai, Nguyên Ngọc… các nhà báo như: Trần Lâm, Hoàng Tùng, Hồng Đăng, Phan Quang... rồi sau này các anh chị như: Hữu Thỉnh, Bằng Việt, Phạm Tiến Duật, Phan Thị Thanh Nhàn... Còn rất nhiều, rất nhiều qua các thế hệ, nhưng dấu ấn lớn nhất của tôi là thời xa xưa, từ lúc Trụ sở Hội Nhà văn mới thành lập, những năm ban đầu không ở 65 Nguyễn Du mà nằm ở căn biệt thự đối diện 65 Nguyễn Du bây giờ. Tuổi thơ tôi gắn bó với hai nơi đó và 51 Trần Hưng Đạo, tôi thuộc từng cái cây, cái ghế, căn phòng trong toà nhà, thuộc từng tính nết các cô các chú trong văn phòng. Tôi gần gũi với các bác nhiều vì tôi hay sang cơ quan, tôi đến nhà các bác, các bác đến nhà tôi, rồi đi sơ tán, đi nghỉ mát, tôi như con cháu trong nhà. Bác Nguyễn Tuân, Nguyễn Công Hoan tếu táo tinh nghịch, bác Nguyên Hồng vui tính suốt ngày bắt tôi trông cái xe đạp “còm” treo bi đông rượu. Bác Hoàng Trung Thông uống rượu nhiều nhưng hay nói chuyện công việc, bác Kim Lân thì tỉ mẩn như một ông già, bác Tố Hữu, bác Trần Độ thì cách biệt, bác Huy Cận như anh nông dân (quần lúc nào cũng xắn), bác Trọng Hứa thì như Trịnh Công Sơn sau này, bác Xuân Diệu lúc nào cũng vội vã, dí dỏm, bác Tế Hanh nghiêm khắc tỏ ra đạo mạo... Nhiều lắm, tôi có thể liệt kê danh sách và kể những câu chuyện về Hội Nhà văn, các bác nhà văn nhà thơ hơn một cuốn kỷ yếu của Hội Nhà văn bây giờ. Thời đó trong ánh mắt của tôi, cơ quan, các bác, các chú đẹp lắm, tất nhiên cũng có người thế này thế nọ nhưng cơ bản họ là những con người đáng trân trọng và kính nể về nhân cách. Cuộc sống lúc đó khó khăn nhưng mấy cốc bia mậu dịch, cút rượu là chuyện văn chương tưng bừng, nào kế hoạch đi đâu viết gì, nào góp ý với nhau từng cuốn sách mới ra và sắp ra, thăm hỏi gia đình nhau xem có giúp nhau được gì không rồi đòi quà của nhau sau mỗi chuyến công tác… Vô tư trong sáng và hồn nhiên, với tôi ký ức ấy là bức tranh đẹp vô cùng.

Anh nhớ gì về những nhận xét của cha mình về các đồng nghiệp?

- Câu này xin phép anh cho tôi không trả lời vì như tôi đã nói cha tôi là một kho tư liệu sống, tính ông lại thích chơi với ai đều tìm hiểu nắm bắt về người đó rất kỹ rất chính xác và đầy đủ. Các văn nghệ sĩ cũng như các nhà lãnh đạo cha tôi đều có những nhận xét không những về tác phẩm mà cả tính cách con người. Trong các tập hồi ký của cha tôi và rất nhiều nhà văn nhà báo đã nói đến chuyện này khi nghe cha tôi kể. Hẵng cứ biết vậy thôi, vì các bác các chú đều mất rồi, mà đã là nhận xét thì bao giờ cũng thật, cả tốt lẫn xấu, hay và dở. Chuyện tế nhị xin phép anh và biết đâu có thể có một dịp nào khác tôi sẽ nói kỹ hơn về con người cha tôi trong đó có cả câu chuyện này.

Anh cùng gia đình đã lập ra Quỹ mang tên nhà văn Tô Hoài. Hoạt động của Quỹ hiện nay ra sao?

- Trong những năm cuối đời cha tôi đã rất muốn đến lại những nơi cha tôi từng sống và làm việc (có lẽ cả 63 tỉnh thành) đặc biệt là các tỉnh vùng cao và đồng bào bà con dân tộc nơi cha tôi có nhiều kỷ niệm và thương cảm với cuộc sống của bà con. Nhưng vì tuổi đã cao, sức khoẻ không cho phép mà cha tôi không thực hiện được mong muốn của mình. Trước khi cha tôi mất ông có nói lại với tôi và cũng như một di nguyện của ông là hãy thay ông làm việc đó. Đến với bà con bằng tinh thần và chút ít vật chất nhỏ bé trong khả năng có được để tri ân, thăm hỏi, động viên, chia sẻ với những hoàn cảnh số phận đau thương, những con người sống trong vất vả nghèo đói. Cha tôi nói nhiều lắm, tôi cảm nhận được những xúc động trong ông khi nói về đồng bào vùng cao nơi ông đã coi như quê hương thứ hai của mình. Ông nói: “… Con hãy đi hãy đến với đồng bào đặc biệt những vùng sâu vùng xa. Nơi con đến và những chuyến đi trải nghiệm sẽ dạy con và hoàn thiện nhân cách của con hơn. Tại sao sau 40-50 năm bà con vẫn khổ vậy, nhiều nơi bố đến còn khổ hơn ngày xưa. Tại sao vậy, có bất công không? Cuộc sống này cái đáng quý nhất là sự yêu thương và chia sẻ không cảm nhận được nỗi đau đồng loại con thấy sao”…

Với tâm nguyện, di nguyện đó khi cha tôi ra đi, tôi cùng với gia đình đã thành lập Quỹ Nhà văn Tô Hoài để thực hiện những ước nguyện của ông. Gọi là quỹ thôi nhưng khó khăn lắm vì khi cha tôi mất cũng không để lại một đồng tiền nào cả và gia đình chúng tôi cũng không khá giả gì, nhưng sao nỡ đành quên lời hứa với cha tôi được. Hơn nữa đấy cũng là sự tri ân với cha tôi, với đồng bào, tôi vẫn cố gắng quyết tâm thực hiện bằng nguồn tài chính in sách và gia đình tôi đóng góp. Đến hôm nay tôi đã làm được 5 năm rồi, mỗi một năm chúng tôi đi được ba tỉnh, có những tỉnh quay lại được hai lần, vậy là mười tám chuyến đi với hơn bốn tỉ đồng quy ra bằng tiền mặt, xây dựng, trang thiết bị trường học, thư viện, lương thực thực phẩm… Anh hãy chia vui cùng tôi và cha tôi ở bên kia thế giới.

Từ nay đến 2020 kỷ niệm 100 năm ngày sinh của cha tôi, tôi vẫn tiếp tục những việc thiện nguyện, cố gắng mở rộng việc kêu gọi ủng hộ của các tấm lòng trong xã hội để Quỹ phát triển hơn đồng thời có thể sẽ liên kết với một cơ quan hay tờ báo nào đó hoặc chính do gia đình chính thức thành lập Quỹ Phát triển Văn hoá Tô Hoài bao gồm: việc thiện nguyện và tiến tới xây dựng một số giải thưởng mang tính chất quốc gia về Văn học, Điện ảnh; xin ra một tờ báo với tiêu chí duy nhất: văn học nghệ thuật. Hiện nay Quỹ đang hoạt động rất tốt và đang là cơ sở để tôi xây dựng phát triển Quỹ đúng với ước nguyện của cha tôi: nghĩ đến mọi người và hãy nghĩ đến những việc làm tốt đẹp cho xã hội...

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Nhà báo Phương Vũ, con trai nhà văn Tô Hoài: 'Với các con, cha tôi luôn là thần tượng..."

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO