Nhà đầu tư đang giữ trái phiếu doanh nghiệp cần làm gì?

H.Hương -Y.Thanh 18/10/2022 06:44

Theo VNDirect, doanh nghiệp (DN) phát hành đang phải đối mặt với áp lực đáo hạn trái phiếu. Tổng giá trị trái phiếu DN riêng lẻ đáo hạn trong quý 4/2022 đạt mức 58.840 tỷ đồng (giảm 9,1% so với quý trước và tăng 87,7% so với cùng kỳ). Trong đó, tỷ lệ  trái phiếu DN đáo hạn của ngành bất động sản và tài chính - ngân hàng lần lượt là 34,1%, 32,9%.

Doanh nghiệp cần bảo đảm quyền lợi nhà đầu tư khi phát hành trái phiếu.

DN bất động sản có giá trị đáo hạn cao nhất trong quý 4 là Công ty cổ phần Bách Hưng Vương gần 3.000 tỷ đồng. Tài chính- ngân hàng tổng giá trị đáo hạn trong quý 4 tương đương 19.365 tỷ đồng (giảm 19,4% so với quý III/2022 và tăng 130% so với cùng kỳ).

Còn theo số liệu của Hiệp hội Thị trường trái phiếu, số lượng DN phát hành mua trái phiếu trước hạn tăng mạnh. Trong tháng 9/2022, tổng giá trị trái phiếu đã được các DN mua lại trước hạn là 28.833 tỷ đồng (tăng gần 20% so với cùng kỳ tháng năm ngoái). Tính từ đầu năm đến nay, tổng giá trị trái phiếu đã được các DN mua lại là 142.209 tỷ đồng (tăng 67% so với cùng kỳ năm 2021).

Tuy nhiên điều đáng bàn là tâm lý nhiều nhà đầu tư hoang mang khi vừa qua thị trường trái phiếu DN có những diễn biến phức tạp, chủ một số DN bị bắt, ảnh hưởng tới quyền lợi của nhà đầu tư.

Theo khẳng định của Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc, để ổn định thị trường, bảo vệ quyền lợi nhà đầu tư và để thị trường trái phiếu DN phát triển lành mạnh, Bộ Tài chính đã tham mưu Chính phủ ban hành Nghị định số 65/2022/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 153/2020/NĐ-CP về chào bán, giao dịch trái phiếu DN phát hành riêng lẻ tại thị trường trong nước và chào bán trái phiếu DN ra thị trường quốc tế.

Vẫn theo ông Phớc, vừa qua có một số DN chứng khoán đã vi phạm pháp luật khi đưa ra thông tin lừa dối khách hàng và bị xử lý hình sự. “Khi các công ty chứng khoán cung cấp dịch vụ tư vấn và phát hành bị xử lý về pháp luật thì chúng tôi đã làm việc với các nhà phát hành để đảm bảo quyền lợi cho các nhà đầu tư. Các công ty phát hành đều đã cam kết sẽ trả đúng hạn những trái phiếu đến hạn trả nợ. Chúng tôi sẽ tích cực giám sát và minh bạch để đảm bảo quyền lợi cho các nhà đầu tư” - Bộ trưởng Hồ Đức Phớc cho biết.

Trong khi đó, theo ông Nguyễn Quang Thuân - Chủ tịch FiinGroup, điều đầu tiên là nhà đầu tư cần xem lại hợp đồng mua trái phiếu về việc có được phép bán lại cho tổ chức phát hành hoặc cho đơn vị trung gian phân phối là công ty chứng khoán hay không. Tuy nhiên, việc muốn tất toán hoặc đáo hạn sớm có thể không khả thi tùy theo tình hình tài chính và khả năng của từng DN. Với công ty chứng khoán, không phải công ty nào cũng có hể mua lại hết số trái phiếu DN đã phân phối bởi nguồn lực vốn có hạn. Hơn nữa, hầu hết điều khoản hợp đồng mua trái phiếu DN hiện nay không bắt buộc công ty chứng khoán có trách nhiệm mua lại.

“Rủi ro đối với hệ thống tài chính tín dụng của Việt Nam chưa ở mức cao. Không may, nhà đầu tư đang sở hữu các trái phiếu mà DN không thể trả lãi, hoặc gốc thì việc chấp nhận “ngồi lại” đàm phán và dàn xếp với DN và các tổ chức trung gian sẽ là giải pháp tốt cho các bên”- ông Thuân nói.

Thực tế trên thị trường nhiều trái phiếu có chất lượng tốt và rủi ro thấp nhưng vì người dân xếp hàng đáo hạn theo trào lưu mà có thể đẩy DN vào tình thế khó khăn.

Với việc ban hành quy định mới về phát hành và giao dịch trái phiếu DN riêng lẻ, Bộ Tài chính tiếp tục khuyến nghị các chủ thể tham gia thị trường cần tuân thủ quy định của pháp luật. Các DN phát hành phải đảm bảo tính trung thực của hồ sơ chào bán trái phiếu, sử dụng vốn đúng mục đích, có trách nhiệm giải thích cho nhà đầu tư các thông tin liên quan đến phương án phát hành, các rủi ro pháp lý, rủi ro đầu tư, rủi ro sử dụng vốn, quyền, lợi ích và trách nhiệm pháp lý của các bên khi phát hành và đầu tư trái phiếu DN.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Nhà đầu tư đang giữ trái phiếu doanh nghiệp cần làm gì?

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO