'Nhà đèn' vô cảm

Lê Quốc Khánh 13/04/2017 10:00

Theo phản ánh của nhiều hộ dân ở ấp Hòa Khanh (xã Thạnh Quới, huyện Mỹ Xuyên, tỉnh Sóc Trăng), hàng chục năm qua, hơn 150 hộ dân chủ yếu là đồng bào Khmer mãi vẫn không có điện để dùng trong đó có 59 hộ từ trước đến giờ vẫn chưa biết điện là gì, dù Chính phủ có Dự án “cung cấp điện cho các hộ dân chưa có điện chủ yếu là đồng bào dân tộc Khmer” qua 3 giai đoạn được triển khai từ tháng 7/2011 đến tháng 8/2016.

Người dân trình bày với báo chí nỗi bức xúc vì không có điện dùng.

Dự án được đánh giá hoàn thành đúng tiến độ, đưa vào vận hành đảm bảo về chất lượng, kỹ thuật, an toàn và cấp điện ổn định với tổng số vốn đầu tư hơn 617,5 tỷ đồng, tổng quy mô thực hiện gồm 478,35 km đường dây trung thế, 1.146,1 km đường dây hạ thế và 823 trạm biến áp có tổng công suất là 18.095 kVA, cấp điện cho trên 45.408 hộ dân, nâng tổng số hộ có điện trên địa bàn tỉnh Sóc Trăng từ 87,7% lên 98,32%, tăng 10,62%, trong đó số hộ đồng bào Khmer có điện tăng từ 67,2% lên 97,05%, tăng 29,85%.

Mục tiêu của Dự án là nhằm tạo điều kiện phát triển kinh tế, xóa đói giảm nghèo, nâng cao đời sống vật chất tinh thần của nhân dân trong vùng dự án, đặc biệt là của đồng bào Khmer. Ấy thế mà hàng chục hộ Khmer ở ấp Hòa Khanh, xã Thạnh Qưới vẫn mãi sống trong cảnh tối mò.

Tìm về xã Thạnh Qưới, ông Đào Khương Chí Cường, Phó Chủ tịch UBND xã cho biết: Từ năm 2011, UBND xã có văn bản đề nghị Điện lực huyện Mỹ Xuyên kéo điện cho bà con ấp Hòa Khanh vì đa số là đồng bào Khmer và hàng năm đều có công văn nhắc lại nhưng rồi ngành điện vẫn chẳng đoái hoài.

Hết giai đoạn 1 đến giai đoạn 2 rồi tới giai đoạn 3, lần nào xã cũng đề nghị nhưng Điện lực huyện Mỹ Xuyên không giải quyết. Thế là hơn 150 hộ không có điện thắp sáng trong đó hơn 100 hộ sống nhờ điện câu đuôi, mỗi tháng trả cho chủ điện kế từ 250.000 đến 300.000 đồng và 59 hộ từ trước đến giờ không biết điện là gì.

Ông Hoa Văn Hớn, Phó Trưởng ban nhân dân ấp Hòa Khanh cho biết: Hàng chục hộ dân ven đường nông thôn vẫn ngóng điện dù cột điện và đường dây hạ thế đã được kéo gần kề cách có hơn 50 mét. Suốt nhiều năm qua, gần như năm nào ông cũng dẫn cán bộ điện lực đi khảo sát nhưng chẳng thấy gì nên vài năm trở lại đây oải lắm, không muốn dẫn đi nữa!

Ông Lâm Chịa, 60 tuổi – hộ Khmer cho biết: Tôi năm nay đã 60 tuổi nhưng cho đến nay vẫn chưa biết ánh sáng điện như thế nào. Các con tôi hàng đêm phải đốt đèn dầu học bài. Thấy Điện lực kéo cột điện và kéo dây gần nhà, mừng quá, hỏi xin hạ thế nhưng không được. Trong khi đó Điện lực lại kéo điện ra vuông tôm gần đó mà dân nghèo không được hưởng!

Ông Võ Tấn Sĩ năm nay đã 67 tuổi bộc bạch: Tôi về đây ở đã 27 năm rồi, cứ chiều đến là sống trong bóng tối, chưa biết ánh điện ra sao.

Hộ ông Sơn Tây – một hộ Khmer may mắn hơn là được một hộ quen biết, cách nhà gần 1.000 mét, cho câu đuôi, phải tự mua dây và dùng cột tre, cột tràm chống làm trụ điện nhưng do kéo xa, dây nhỏ nên điện không đủ công suất, ánh điện sáng hơn đèn dầu chút đỉnh.

Ông Thạch Đô Ga cũng trong tình trạng được kéo điện câu đuôi, mỗi tháng phải trả 250.000 đồng nhưng điện không đủ áp suất.

Chị Kiêm Thị Thanh thêm vào: 20 năm nay, cả nhà tôi chưa khi nào biết đến ánh sáng điện. Tôi có hai con đang học phổ thông, buổi tối các con học bài bằng đèn dầu thấy tội nghiệp quá! Không có điện thì không xem được tivi, không bơm được nước để sử dụng.

Ông Nguyễn Hoàng Trung, nhà cách cột điện 200 m nhưng cũng không được cung cấp điện nên ông phải đi câu đuôi ở một hộ dân khác, trả tiền điện giá 3.000 đồng/Kw.

Điều hết sức lạ khi ra hiện trường, chúng tôi thấy trên các cột điện đều ghi rõ dòng chữ “EVN SPC DỰ ÁN KHMER” tức là Dự án cung cấp điện cho người dân tộc Khmer nhưng Điện lực Mỹ Xuyên cũng như Sóc Trăng lại không kéo điện vào vùng có đồng bào dân tộc Khmer mà lại cho chạy giữa những ao tôm(?)

Làm việc với UBND xã Thạnh Quới và bà con ấp Hòa Khanh, chúng tôi đến làm việc với Điện lực Sóc Trăng. Ông Phạm Nguyễn Minh Châu, Chánh văn phòng và bà Trần Thị Kim Chi, Trưởng phòng thanh tra bảo vệ pháp chế Điện lực Sóc Trăng lại cho rằng xã không có văn bản đề nghị.

Trong khi đó làm việc tại xã, ông Đào Khương Chí Cường, Phó Chủ tịch xã chìa cho chúng tôi tập hồ sơ từ năm 2011 đến nay, năm nào cũng vài lần trình ngành điện giải quyết kéo điện cho bà con.

Câu hỏi xin gửi về UBND tỉnh Sóc Trăng.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    'Nhà đèn' vô cảm

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO