Nhà hàng, khách sạn gắng gượng trong dịch bệnh

Nhóm PV 30/03/2020 08:00

Không chấp nhận “đóng băng”, nhiều nhà hàng, khách sạn tại Hà Nội, TP Hồ Chí Minh đang gắng sức vượt qua đại dịch Covid-19 bằng cách chuyển đổi mô hình kinh doanh online, giao hàng tận nơi nhằm thích ứng với cung cách tiêu dùng trong bối cảnh dịch bệnh diễn biến phức tạp.

Nhà hàng, khách sạn  gắng gượng trong dịch bệnh

Chờ nhận hàng để giao cho khách đặt mua online. Ảnh: Quang Vinh.

Chuyển hình thức kinh doanh

Ngay sau khi UBND thành phố Hà Nội yêu cầu đóng cửa các cơ sở kinh doanh, dịch vụ không thuộc mặt hàng, nhu cầu thiết yếu, trên địa bàn các quận Hoàn Kiếm, Đống Đa, Hai Bà Trưng, Cầu Giấy và các huyện ngoại thành…nhiều cửa hàng trên các tuyến phố hằng ngày kinh doanh sầm uất đã đồng loạt đóng cửa. Tuy vậy, để chống chọi với khó khăn, rất nhiều cửa hàng đã áp dụng hình thức bán hàng online. Như quán An Coffe (quận Đống Đa) đã dựng một tấm biển thông báo: “Theo chủ trương của Chính phủ, quán xin phép đóng cửa từ ngày 27/3 đến 5/4/2020”. Nhiều quán cà phê, bánh mì trên phố Tô Hiến Thành, Tuệ Tĩnh, Hòa Mã (quận Hai Bà Trưng) hay Phạm Ngọc Thạch (Đống Đa) đề biển: “Bán hàng cho khách mang về” hoặc “cửa hàng chỉ bán theo đơn hàng online” chứ không nhận khách trực tiếp.

Hay như hệ thống quán ăn Nhật Nama Japanese Cuisine đăng tải thông tin trên Fanpage cáo lỗi khách hàng, dừng nhận khách trực tiếp tới quán ăn tại 2 cơ sở ở quận Đống Đa và quận Cầu Giấy. Đồng thời cửa hàng thông tin chỉ bán online cho đến khi có thông báo lại. Mặc dù dịch bệnh Covid-19 thời gian qua đã ảnh hưởng rất lớn đến hoạt động kinh doanh, nhưng chị Phương Trinh- chủ quán Nama Japanese Cuisine, vẫn quyết định đóng cửa không nhận khách. Với hình thức kinh doanh mới, chị Trinh cũng cho biết, trong ngày đầu tiên, mỗi cửa hàng nhận được khoảng 50 đơn đặt hàng. Để hỗ trợ khách hàng, trong thời gian dịch bệnh, cửa hàng miễn phí vận chuyển hết mức có thể. Ngoài ra, tất cả khách hàng đều được nhận voucher khi đặt hàng online.

Tương tự, anh Hoàng Văn Huân- chủ một nhà hàng trên phố Thái Hà, quận Đống Đa cho biết: Sau khi có “lệnh” của thành phố, anh chuyển ngay sang mô hình kinh doanh online để “cứu” nhà hàng nhằm duy trì lương cho nhân viên cũng như tiền thuê nhà. Qua ứng dụng giao nhận đồ ăn như Now hoặc Grab Food. Khách hàng chỉ cần chọn nhà hàng, chọn đồ ăn kèm địa chỉ nhận, sẽ có người mang đến tận nhà hoặc cơ quan. Mỗi ngày, nhà hàng của anh Huân chế biến khoảng 30 món để các khách hàng lựa chọn. Và với hình thức bán hàng online, nhà hàng của anh Huân vẫn tồn tại được trong mùa dịch.

Không chỉ quán ăn, nhiều cửa hàng thời trang cũng chuyển sang bán online. Chị Thu Phương- chủ cửa hàng thời trang trên phố Bạch Mai, quận Hai Bà Trưng nói: Trước đây, chúng tôi duy trì bán cả 2 kênh trực tiếp và online. Từ tuần này trở đi, chúng tôi tạm dừng cửa hàng bán trực tiếp trong 2 tuần và tiếp tục bán hàng online trên Facebook và Instagram. Hàng mới sẽ được cập nhật hàng ngày và chúng tôi miễn phí tất cả đơn hàng trên toàn quốc.

Khách sạn 5 sao cũng giao hàng tận nơi

Còn tại TP Hồ Chí Minh, đại dịch Covid-19 đã làm thay đổi cách thức vận hành dịch vụ của nhiều khách sạn, nhà hàng cao cấp. Trong đó, những hình thức giao hàng hay phục vụ tận nơi cho những đơn hàng nhỏ, vốn không phổ biến trước đây thì nay lại được nhiều nơi áp dụng để vượt khó.

Đáng chú ý, những ngày gần đây, nhân viên thuộc bộ phận ẩm thực của Khách sạn 5 sao Rex sang trọng tại trung tâm TP HCM đều cố gắng với phần việc mới nhận thêm để tăng doanh thu cho khách sạn. Đó là, gọi điện thoại thăm hỏi khách hàng thân thiết, giới thiệu các món ăn sáng, trưa mà khách sạn lên thực đơn để nhận đặt hàng và đặt lịch hẹn giao đúng giờ khách cần.

Theo một một nhân viên bộ phận ẩm thực của khách sạn Rex có nhiều khách hàng thân thiết. Nhiều người cũng nhớ các món ăn của các nhà hàng ở đây nhưng lo ngại ra ngoài vì dịch bệnh nên khách sạn quyết định phục vụ tận nơi. Hồi đầu đợt dịch Covid-19, Rex chỉ chào hàng đến khách về bữa sáng, nay đã mời khách đặt thêm bữa trưa. Khách sạn không sử dụng các dịch vụ giao nhận bên ngoài mà cho nhân viên mang đến tận nhà. Tín hiệu vui là số lượng đặt hàng trong tuần qua của khách sạn Rex đang tăng dần.

Cùng với đó, khách sạn 5 sao Park Hyatt Saigon có chương trình khá thú vị là gửi 1 đầu bếp đến nhà khách để chế biến, phục vụ món bò Wellington theo phong cách của Park Hyatt Saigon. Dịch vụ này có giá 4,1 triệu đồng cho 6 người, chưa gồm 10% thuế giá trị gia tăng và dịch vụ đầu bếp là 1 triệu đồng. Khách hàng sẽ được đầu bếp 5 sao chế biến, phục vụ và hướng dẫn cách ăn đúng điệu, đi kèm với món ăn phụ và miễn phí giao hàng.

Đại diện chuỗi đồ ăn nhanh KFC với hàng chục điểm bán tại TP cũng cho biết đã tung ra chương trình ưu đãi cho các đơn hàng giao tận nơi thông qua điện thoại, trang web hay ứng dụng của hãng này, giải quyết nỗi lo lắng, hạn chế người dân đến các cửa hàng hiện hữu. So với giá tại quầy, các đơn hàng online có mức giá giảm sâu hơn đến vài chục ngàn đồng.

Dễ nhận thấy, chỉ sau thời gian ngắn việc thực hiện đóng cửa các cửa hàng dịch vụ kinh doanh những mặt hàng không thiết yếu tại 2 TP lớn đã có những kết quả tích cực. Hầu hết các chủ hàng cho biết, dù chịu nhiều thiệt hại về kinh tế, nhưng trước diễn biến ngày càng nguy hiểm, khó lường của dịch Covid-19, họ sẵn sàng chia sẻ, đồng lòng cùng chủ trương của chính quyền quyết ngăn chặn, không để dịch bệnh lây lan ra cộng đồng.

Giao dịch hàng hoá online tăng mạnh

Theo đánh giá của giới chuyên gia, thời Covid-19 có thể xem là dịp để thị trường bán lẻ hàng hóa chuyển dịch mạnh từ việc bán hàng truyền thống sang nhiều hình thức khác như bán hàng qua sàn thương mại điện tử, dịch vụ chuyển phát nhanh, bán hàng qua điện thoại, bán online…Nhu cầu giao dịch hàng hóa qua các hình thức mới đang có sự tăng trưởng vượt bậc. Đặc biệt, từ khi dịch Covid-19 xuất hiện, khuyến cáo của ngành chức năng “hạn chế tới nơi đông người” đã làm cho quá trình này tăng nhanh hơn bao giờ hết.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Nhà hàng, khách sạn gắng gượng trong dịch bệnh

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO