Nhà hát online: Không bây giờ thì bao giờ?

Thanh Xuân 25/07/2021 08:28

Đại dịch Covid-19 đã đóng băng các hoạt động nghệ thuật - biểu diễn. Điều đó, một mặt, khiến đời sống của nghệ sĩ và các đơn vị nghệ thuật gặp nhiều khó khăn, mặt khác cũng khiến khán giả cảm thấy thiếu hụt. Đưa nhà hát online vào thực hiện ở thời điểm này được cho là lựa chọn đúng đắn. Bởi không bây giờ thì đợi đến bao giờ?

Đẩy mạnh biểu diễn trực tuyến

Thực tế, ngay từ năm ngoái, ở nhiều thời điểm các ca sĩ, nghệ sĩ đã chủ động thực hiện những buổi biểu diễn trực tuyến (online) để đáp ứng nhu cầu giải trí, tương tác với nghệ sĩ của khán giả. Có thể kể tới các ca sĩ: Mỹ Linh, Thanh Lam, Cẩm Vân, Đức Tuấn… Gần đây, chúng ta cũng thấy có những chương trình nghệ thuật được thực hiện tại Hà Nội, TP HCM theo hình thức không có khán giả trực tiếp, chỉ phát trên các nền tảng kỹ thuật số, từ YouTube, Fanpage đến truyền hình.

Đặc biệt, chuỗi chương trình Music Home xuất hiện khá đều đặn cũng mang tới cho khán giả theo dõi truyền hình, mạng xã hội những “bữa tiệc” giải trí âm nhạc tại nhà. Trong bối cảnh đại dịch Covid-19 bủa vây, biểu diễn online là cách thức rất tốt mang các chương trình nghệ thuật đến tận nhà, khi khán giả không thể đến rạp hát.

Cục Nghệ thuật biểu diễn cũng đã xây dựng kênh Nghệ thuật biểu diễn Việt Nam trên YouTube và Facebook để phát trực tuyến một số cuộc thi, liên hoan nghệ thuật chuyên nghiệp toàn quốc vào năm 2020. Hình thức phát trực tuyến này đã giúp nghệ sĩ và khán giả cùng cập nhật thông tin về các cuộc thi, liên hoan nghệ thuật chuyên nghiệp mà không cần phải tới xem trực tiếp.

Tuy nhiên, trước diễn biến phức tạp của đại dịch, việc được đến rạp thưởng thức các món ăn tinh thần sẽ rất khó và để duy trì hoạt động biểu diễn, Bộ Văn hóa -Thể thao và Du lịch (VHTTDL), trực tiếp là Thứ trưởng Bộ VHTTDL Tạ Quang Đông đã chỉ đạo Cục Nghệ thuật biểu diễn đẩy mạnh hơn nữa, cụ thể là thực hiện hình thức phát trực tuyến các sự kiện nghệ thuật trong điều kiện dịch bệnh. Đây là nỗ lực nhằm tạo cơ hội cho người làm nghệ thuật nói riêng và khán giả khắp mọi miền đất nước có thể thưởng thức những tác phẩm và chương trình đặc sắc, cập nhật thông tin về các cuộc thi, liên hoan nghệ thuật chuyên nghiệp.

Ông Trần Hướng Dương, Phó Cục trưởng Cục Nghệ thuật biểu diễn cho biết, Cục đã làm việc với 12 nhà hát, đơn vị nghệ thuật trực thuộc Bộ và chọn ra những tác phẩm - chương trình đạt chất lượng để ghi hình, phát sóng trên các kênh của Đài Truyền hình Việt Nam (VTV), Đài Tiếng nói Việt Nam (VOV) và một số đài phát thanh - truyền hình địa phương từ tháng 7.

“Với lợi thế có lực lượng nghệ sĩ tài năng và đội ngũ diễn viên, ca sĩ, nhạc sĩ trẻ đầy sáng tạo, các vở diễn - chương trình được kỳ vọng sẽ mang tới những tiết mục tiêu biểu từ nhiều loại hình nghệ thuật khác nhau như: kịch nói, tuồng, chèo, cải lương, múa rối, xiếc cho tới các thể loại ca múa nhạc dân gian và âm nhạc đương đại” - ông Trần Hướng Dương nhấn mạnh.

Mở đầu cho chương trình Nhà hát online, tối 27/7, Nhà hát Tuồng Việt Nam sẽ diễn vở “Trung thần” trong chuyên đề Nhà hát Truyền hình trên VTV1 và Nhà hát Ca múa nhạc dân gian Việt Bắc trình diễn chương trình nghệ thuật mang tên “Những ngôi sao bất tử” tại Nhà hát Lớn Hà Nội do VTV2 trực tiếp. Cả hai chương trình đều diễn ra nhân dịp kỷ niệm 74 năm ngày Thương binh - Liệt sĩ.

Chương trình nghệ thuật “Những ngôi sao bất tử” tái hiện bức tranh về sự hy sinh của những bà mẹ Việt Nam anh hùng, các liệt sĩ và thương binh trong kháng chiến cứu nước. “Những ngôi sao bất tử” mang đậm chất trữ tình, lắng đọng, âm nhạc được phối khí hoàn toàn mới, với sự tham gia của nhạc sĩ, NSƯT Mạnh Tiến, các biên đạo múa: NSƯT Thanh Hằng, Hải Trường, Trần Thảo Nhi, Lê Hoàng Phương Linh...

Còn vở “Trung thần” (đạo diễn - NSND Hoàng Quỳnh Mai, tác giả kịch bản - NSƯT Hoa Hạ) từng giành huy chương Bạc tại Liên hoan Tuồng và dân ca kịch toàn quốc 2019. Khán giả sẽ được xem tài nghệ của những “ngôi sao” sáng nhất sân khấu tuồng như NSƯT Lộc Huyền thể hiện vai bà Phận, vợ Tả quân Lê Văn Duyệt; nghệ sĩ Mạnh Linh vai Tả quân Lê Văn Duyệt; nghệ sĩ Tuấn Hiệp vai vua Minh Mạng; Ngọc Cường vai Nguyễn Văn Thành...

“Thực đơn” cần phong phú

Thích ứng với điều kiện và hoàn cảnh mới là xu thế chung của nghệ thuật biểu diễn trên toàn thế giới sau hơn một năm chịu ảnh hưởng của dịch Covid-19. Ở Việt Nam, việc xoay trở sang hình thức online tuy đã xuất hiện từ năm ngoái, xong chỉ là những hoạt động mang tính cá nhân của từng nghệ sĩ, chứ chưa thấy xuất hiện “thủ lĩnh”.

Ngay cả từng đơn vị nghệ thuật cũng chưa tính tới bài toán biểu diễn online, vì nhiều lý do, và trong thực tế, họ vẫn âm thầm chuẩn bị các kịch mục mới để khi dịch bệnh lắng xuống, thì sẽ “sáng đèn” trở lại. Tất nhiên, điều này có thể hiểu được. Nhưng, về lâu dài, về mặt Nhà nước, cần phải có chiến lược cho hình thức biểu diễn online. Việc Bộ VHTTDL đôn đốc thực hiện Nhà hát online vào thời điểm này được cho là cần thiết.

Là đơn vị mở màn cho Nhà hát online vào tối 27/7, NSƯT Lê Khánh Toàn, Quyền Giám đốc Nhà hát Ca múa nhạc dân gian Việt Bắc chia sẻ, quan điểm của nhà hát là muốn đưa những biên đạo trẻ tham gia để mang tới ngôn ngữ múa hiện đại và tươi vui. Tuy nhiên, hiện đại nhưng vẫn phải giữ được phong cách nghệ thuật folklore (dân gian) của Nhà hát Ca múa nhạc dân gian Việt Bắc.

Trong khi đó, NSND Hoàng Quỳnh Mai - đạo diễn vở “Trung thần” tin rằng, “biểu diễn theo mô hình online sẽ đưa khán giả trở lại với thói quen thưởng thức nghệ thuật trực tiếp ở sân khấu khi dịch bệnh được đẩy lùi”. Bà Mai hy vọng đời sống nghệ thuật biểu diễn sẽ lại hoạt động trở lại để nghệ sĩ thỏa sức sáng tạo.

Cũng đáng mừng, gần đây, một số nhà hát cũng chuyển hướng áp dụng hình thức sân khấu truyền hình, phục vụ nhu cầu thưởng thức nghệ thuật của đông đảo công chúng. NSƯT Xuân Bắc, Giám đốc Nhà hát Kịch Việt Nam cho rằng, sân khấu truyền hình hiện nay cũng là một giải pháp cho các đơn vị nghệ thuật. Tuy nhiên, để vượt qua khó khăn do Covid-19, cần đẩy mạnh các hoạt động phối hợp hoạt động biểu diễn với công nghệ nhiều hơn, rộng hơn nữa.

Như riêng với công tác truyền thông, quảng bá, Nhà hát Kịch Việt Nam đang khởi động tổ chức 2 ê kíp. Trong đó, một nhóm chuyên về làm trên YouTube, một nhóm làm trên TikTok. Mỗi nhóm đưa ra kế hoạch, nội dung, trong đó có cả nội dung hình ảnh, nội dung giải trí, nội dung về luyện tập, hoạt động và xây dựng hình ảnh cá nhân của các diễn viên nhà hát. Đích thân lãnh đạo nhà hát kết hợp với các đơn vị hàng đầu về công nghệ hỗ trợ các nhóm này.

Gỡ khó với các nhà hát trong thời điểm này, ông Trần Hướng Dương - Phó Cục trưởng Cục Nghệ thuật biểu diễn cho biết, Bộ VHTTDL đã có nhiều cuộc trao đổi, làm việc, đề nghị VTV, VOV và một số đài phát thanh - truyền hình tỉnh, thành phố phối hợp phát sóng chương trình biểu diễn của các nhà hát để đưa sân khấu về tới mỗi gia đình. Cơ quan quản lý ngành sẽ lựa chọn cung cấp những chương trình, tác phẩm nghệ thuật có chất lượng, phía các đài truyền hình sẽ biên tập, dàn dựng các chương trình nghệ thuật này để phát sóng.

Cục Nghệ thuật biểu diễn cũng kỳ vọng, kể cả khi điều kiện cho phép, các hoạt động biểu diễn trực tiếp trở lại, việc tổ chức phát sóng chương trình trên truyền hình vẫn được duy trì. Nhà hát truyền hình, nhà hát online sẽ hoạt động song hành cùng nhà hát truyền thống, phục vụ đồng thời cả hai đối tượng khán giả trực tiếp đến sân khấu và khán giả qua màn ảnh nhỏ.

Muốn vậy, danh sách các vở diễn, chương trình nghệ thuật cần phong phú, hấp dẫn. Bên cạnh đó, cần thêm những tác phẩm - chương trình nghệ thuật của các đơn vị xã hội hóa trong cả nước, để có thể đáp ứng và thu hút khán giả mọi miền ngồi lại theo dõi chương trình Nhà hát online.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Nhà hát online: Không bây giờ thì bao giờ?

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO