Nhà hát online: Vẫn chỉ là ý tưởng trên giấy

Minh Quân 27/08/2020 08:20

Trước diễn biến phức tạp của dịch Covid-19, ý tưởng về mô hình nhà hát online đang trở thành cứu cánh cho các đơn vị sân khấu. Tuy nhiên, để mô hình này hoạt động được hiệu quả không chỉ đòi hỏi ở sức người, công nghệ... mà còn là sự thay đổi về thói quen thưởng thức của khán giả.

Những vở diễn truyền thống chưa thể đưa lên nhà hát online.

Loay hoay thích nghi

Trong thời đại công nghiệp 4.0, mô hình nhà hát online đã và đang được dụng tại nhiều quốc gia phát triển trên thế giới, thậm chí có chương trình đã thu hút đến hàng triệu khán giả tham gia thưởng thức trực tiếp. Nhưng ở Việt Nam, nhà hát online đến thời điểm này vẫn là một cách làm hoàn toàn mới lạ.

Mới đây, Bộ VHTTDL đã giao Cục Nghệ thuật Biểu diễn xây dựng ý tưởng mô hình nhà hát online trong hoàn cảnh nhiều sân khấu đang phải điêu đứng vì ảnh hưởng của dịch Covid-19. Tuy nhiên, dù ý tưởng này đã được khởi động ngay sau đợt bùng phát dịch Covid-19 nhưng đến nay vẫn nằm…trên giấy. Lý giải nguyên nhân chậm trễ này, đại diện các đơn vị nghệ thuật biểu diễn (NTBD) đều cho rằng, để triển khai được mô hình nhà hát online đòi hỏi về công nghệ rất cao, trong khi nguồn kinh phí thực hiện là khá eo hẹp. Bên cạnh đó, có một thực tế cơ sở hạ tầng nhiều nhà hát hiện nay chưa đáp ứng được các đòi hỏi cho mô hình hình nhà hát online.

Đơn cử như Nhà hát Kịch Việt Nam, Nhà hát Tuổi trẻ đều đã có kênh YouTube. Tuy nhiên, trên các kênh này chỉ có những đoạn giới thiệu vở diễn rất ngắn, dài lắm là khoảng 3 phút. Các cỡ cảnh của cảnh quay trong clip của Nhà hát Kịch Việt Nam khá đơn điệu với góc máy không đổi. Vì thế, chưa rõ việc đưa các vở diễn lên mạng sẽ được thực hiện cụ thể ra sao nếu như chất lượng âm thanh hình ảnh không tốt.

Về vấn đề này, NSƯT Sĩ Tiến, Phó Giám đốc Nhà hát Tuổi trẻ thừa nhận, chúng tôi có nhiều băng ghi hình ở dạng tư liệu lưu trữ, nhưng không thể dùng để phát online được. Nếu muốn phát triển nhà hát online phải đầu tư kỹ lưỡng, bằng không sẽ phản tác dụng.

Không chỉ về vấn đề công nghệ, kỹ thuật, sau một thời gian được một số đơn vị thử nghiệm thì thực tế hiệu quả của các chương trình nhà hát online đến nay mới chỉ dừng lại ở các chương trình âm nhạc khi có sự quy tụ của các nghệ sĩ nổi tiếng. Còn với các chương trình sân khấu truyền thống như kịch nói, chèo, tuồng, cải lương... lượng khán giả vốn đã eo hẹp đang đặt ra câu hỏi nếu triển khai theo mô hình online liệu sẽ thu hút được bao nhiêu người xem?

Đầu tư đồng bộ

Nhìn nhận về thực trạng này, NSND Tống Toàn Thắng - Phó Giám đốc Liên đoàn Xiếc Việt Nam cho rằng, điều quan trọng nhất là nguồn kinh phí duy trì cho hình thức nhà hát online. Từ muôn đời nay, nghệ sỹ biểu diễn sống nhờ sân khấu, nhờ khán giả để có cảm xúc thăng hoa. Nhà hát online có thể là giải pháp tình thế trong thời đại dịch, về lâu dài muốn phát triển cần phải tính được nguồn thu để nghệ sĩ đủ trang trải cuộc sống. “Với một tác phẩm sân khấu, tiết mục xiếc nghệ sĩ có thể biểu diễn cả trăm suất, nhưng nếu phát online chỉ cần diễn một lần sẽ ảnh hưởng lớn tới thu nhập” - NSND Tống Toàn Thắng bày tỏ.

Đồng quan điểm, NSƯT Sỹ Tiến nhìn nhận, câu chuyện nhà hát online chẳng khác xem đá bóng qua tivi cảm xúc sẽ khác hẳn tới sân vận động. Tôi nghĩ cần tính toán thật kỹ chuyện nhà hát online, vì nó ảnh hưởng lớn tới cảm xúc biểu diễn của nghệ sĩ và cả khán giả. Về lâu dài nếu phải sống chung với dịch hoặc ở những hoàn cảnh tương tự, chúng ta phải tính tới hình thức biểu diễn giãn cách. Thay vì khán phòng đầy ắp, giờ phải làm loãng ra. Khán giả tới rạp tự có ý thức đeo khẩu trang, sát khuẩn và một số biện pháp sát khuẩn khác.

Trao đổi với báo chí, ông Trần Hướng Dương, Phó Cục trưởng Cục NTBD cho biết: Trước mắt Cục sẽ đưa các chương trình nghệ thuật có sẵn của 12 nhà hát thuộc Bộ VHTTDL để phát trên nền tảng kỹ thuật số, sau đó sẽ mở rộng ra tất cả các nhà hát trên toàn quốc. Khán giả có thể truy cập vào kênh này để xem một số tiết mục, chương trình hoặc vở diễn của một số nhà hát. Chúng tôi sẽ hướng tới việc làm sao để các chương trình được phát trên nền tảng kỹ thuật số này hấp dẫn nhất để thu hút đông đảo khán giả.

Nhưng về lâu, về dài Phó Cục trưởng cũng bày tỏ, khi triển khai đề án thì cũng phải tính tới việc mang lại lợi nhuận cho các nhà hát để họ còn có kinh phí duy trì và tái sản xuất hoạt động nghệ thuật biểu diễn về lâu, về dài. Cơ quan quản lý nhà nước sẽ không thể đảm đương được việc này mà phải có một đơn vị trung gian đứng ra làm việc đó. Họ sẽ kết nối với các doanh nghiệp để đưa ra các hình thức xã hội hoá phù hợp hoặc kết nối với nhà mạng để tạo ra các giá trị như thế nào đó nhằm mang lại nguồn thu cho nhà hát.

Trong bối cảnh dịch Covid-19, Đề án nhà hát online được nêu ra như giải pháp cứu cánh để đưa nghệ thuật đến với đông đảo khán giả. Cục Nghệ thuật Biểu diễn sau đó cũng trình kế hoạch lên Bộ nhằm phối hợp với các kênh truyền thông, tìm kiếm nguồn xã hội hóa, lựa chọn địa điểm thu phát, có phương án hỗ trợ kỹ thuật... Tuy nhiên ý tưởng đó vẫn chưa đi vào hiện thực

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Nhà hát online: Vẫn chỉ là ý tưởng trên giấy

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO