Nhà máy giấy bị tố: Lợi dụng mưa để xả thải

Hoàng Sa 20/09/2021 06:30

Nhà máy giấy - Chi nhánh Công ty TNHH Sản xuất và Thương mại Thuận Phát (Nhà máy giấy Thuận Phát) bị tố thường xuyên xả thải ra môi trường, gây ô nhiễm nguồn nước, dù bị xử phạt nhiều lần nhưng vẫn tái diễn vi phạm.

Một số người dân thuộc xã Yên Lương, huyện Thanh Sơn, tỉnh Phú Thọ phản ánh, Nhà máy giấy Thuận Phát hoạt động và thường xuyên xả thải, gây ô nhiễm môi trường và nguồn nước. Việc xả thải đã khiến ao cá và đồng ruộng của bà con nơi đây thường xuyên bị ô nhiễm nghiêm trọng. Sau mỗi trận mưa, nước thải bẩn từ phía huyện Đà Bắc lại ào ạt chảy sang. Người dân cho rằng, chính Nhà máy giấy Thuận Phát đã “lợi dụng” nước mưa để xả thải.

Anh B.V.T. (xã Yên Lương) nhận định: Bình thường thì tình trạng nước ô nhiễm ít hơn, nhưng vào những ngày trời mưa thì nước thải càng nồng nặc mùi ô nhiễm. Có thể nhận định do công ty của họ đã lợi dụng trời mưa xả nước thải không qua xử lý ra theo suối nên người dân chúng tôi phải chặn hết các đường nước từ suối đổ vào ao cá. Nếu để nước đó chảy vào ao thì cá chết hết. Dọc theo dòng suối Cái xuôi theo các cánh đồng của các xã bằng mắt thường quan sát cũng thấy rõ thực tế về tình trạng ô nhiễm nghiêm trọng. Mùi hôi thối của tre nứa ngâm, cây cỏ úa vàng do ô nhiễm.

Theo tìm hiểu, Nhà máy giấy Thuận Phát có trụ sở sản xuất đặt tại xã Tu Lý, huyện Đà Bắc, tỉnh Hòa Bình. Sở dĩ nhà máy có trụ sở đặt trên địa bàn thuộc tỉnh Hòa Bình nhưng lại bị người dân thuộc địa phận huyện Thanh Sơn (tỉnh Phú Thọ) phản ánh là vì có dòng suối Cái bắt nguồn từ địa phận của huyện Đà Bắc (tỉnh Hòa Bình) chảy xuôi sang huyện Thanh Sơn (tỉnh Phú Thọ) rồi đổ ra Sông Đà. Nhà máy này chuyên sản xuất các loại bột giấy với nguồn nguyên liệu chính là tre, nứa… Các loại nguyên vật liệu này được mua gom về gia công và dùng hóa chất để ngâm tẩm, xử lý. Theo phản ánh, từ khi Nhà máy giấy này hoạt động thì dòng suối Cái luôn trong tình trạng bị ô nhiễm, bốc mùi thối và nước chuyển màu vàng đục, ngầu bọt.

Những người dân sinh sống gần khu vực nhà máy thì phản ánh về việc ô nhiễm không khí vô cùng khó chịu bởi mùi của tre, nứa ngâm tẩm và mùi hóa chất. Mỗi khi nhà máy này vào giai đoạn cao điểm, tình trạng ô nhiễm vô cùng nghiêm trọng.

Vấn đề của người dân phản ánh về ô nhiễm môi trường nước, không khí được xử lý và xác định nguồn ô nhiễm ra sao? Vấn đề xử lý thải của Nhà máy giấy Thuận Phát được thực hiện như thế nào, có đúng quy chuẩn và quy định hay không? Thông tin về những vấn đề này, Trưởng phòng Tài nguyên và Môi trường huyện Đà Bắc - ông Vũ Tiến Tấn cho biết: Nhà máy giấy Thuận Phát nằm trên địa bàn xã Tu Lý của huyện Đà Bắc đã nhiều lần bị UBND tỉnh và các cơ quan chức năng lập biên bản xử lý về vấn đề môi trường. Trước những thông tin phản ánh và thực trạng hoạt động của công ty này, Phòng Tài nguyên và Môi trường huyện Đà Bắc đang theo dõi, xem xét, báo cáo vấn đề xử lý theo thẩm quyền.

Theo đại diện lãnh đạo Phòng Tài nguyên và Môi trường huyện Thanh Sơn (tỉnh Phú Thọ): Việc xả thải của Nhà máy giấy đã làm ảnh hưởng đến nguồn nước suối Cái. Suối Cái được coi là nguồn nước chính, phục vụ cho sinh hoạt, tưới tiêu của các hộ dân tại xã Yên Lương và xã Yên Sơn của huyện Thanh Sơn. Hiện nay, chất lượng nguồn nước bị ô nhiễm nặng nề đã ảnh hưởng đến đời sống, sinh hoạt và sản xuất của nhân dân. Vấn đề này đã được người dân phản ánh từ rất lâu. Khi có ý kiến phản ánh của người dân, các cơ quan chuyên môn của tỉnh Phú Thọ cũng đã vào cuộc. Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Phú Thọ đã tham mưu để UBND tỉnh Phú Thọ phối hợp với các cơ quan của chức năng của tỉnh Hòa Bình kiểm tra, xác định. Nguyên nhân gây ô nhiễm chính từ hoạt động xả nước thải vượt quy chuẩn của Nhà máy Giấy - Chi nhánh Công ty TNHH Sản xuất và Thương mại Thuận Phát. Trước thực trạng hiện nay, tới đây, huyện sẽ tiếp tục có ý kiến đề nghị xử lý.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Nhà máy giấy bị tố: Lợi dụng mưa để xả thải

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO