Tiến sĩ Thiền Phong - Phạm Văn Tuấn hiện đang công tác tại Viện Nghiên cứu Hán Nôm, thuộc Viện Hàn lâm Khoa học Xã hội Việt Nam. Anh là nhà nghiên cứu lịch sử và văn hóa Phật giáo, đồng thời đã nhiều năm sống trong các tự viện trong nước cũng như đi đến nhiều nước để tìm hiểu văn hóa tín ngưỡng bản địa.
Xin anh chia sẻ suy nghĩ của anh về việc người dân mình thường hay quan tâm đến những câu chuyện tâm linh kì bí?
- Dân mình vẫn thích những li kì, bí hiểm, tính chất lạ. Liên quan đến tâm linh kỳ bí càng được người ta truyền miệng nhau ở đình, chùa, chợ, hay dưới gốc cây ngồi nghỉ, bãi cỏ, trên đê, ngoài đồng. Toàn chuyện ma gốc đa, ma cây gạo hay ma lưỡi dài. Họ cứ tưởng tượng rồi nghĩ ra nhằm gây sợ hãi. Tất nhiên đó là những thứ khoa học thì không giải thích được. Vì giải thích được thì đã chẳng gọi là kỳ bí. Hoặc có người nói chỗ đất gốc cây đền này thiêng lắm. Đến đó xin được gì thì lại càng đông người tới cầu cúng. Các yếu tố tâm linh được đẩy lên rất ngẫu nhiên mà không hiểu vì sao. Có chỗ ngã tư phố Quốc Tử Giám (Hà Nội), người ta nói bờ tường ấy thiêng, thế là người dân lập bát hương, linh vị rồi cúng bái đến giờ. Thậm chí đi qua gốc cây thấy có ai đó cắm que nhang, mấy ngày sau thấy cả chục bát hương để đấy, ai ngang qua thì quỳ sụp lễ lạy. Chưa kể có con rắn đi qua gò thì bảo đấy là con rắn thiêng, gò chúa… Tất cả đều biểu hiện văn hóa tín ngưỡng làng xã, cũng như tâm lý chung người Việt. Giờ đây thì thêm các hiệu ứng truyền thông trên mạng xã hội. Thậm chí có cả đến “20 nhà ngoại cảm nổi tiếng nhất” hay là “15 nhà tâm linh giỏi nhất”. Và họ cũng lấy yếu tố truyền miệng của văn hóa bản địa vào để gây thêm sự tò mò và tạo hiệu ứng quảng bá hiệu quả.
Xã hội càng hiện đại nhưng con người lại càng nương tựa vào thế lực tâm linh siêu hình, anh chia sẻ suy nghĩ ra sao?
- Vòng luân chuyển kiếp người cứ chừng bảy mươi năm. Thêm một số tuổi thì sang giai đoạn khác. Mỗi giai đoạn con người ta đều trải qua một biến động tâm lý khác nhau cũng như quy trình nhận thức. Sinh - lão - bệnh - tử cứ thế xoay vòng. Xã hội hiện đại lên thì con người ta vẫn trải qua tâm lý như vậy. Nhất là khi gặp những biến cố không hay về làm ăn, về hạnh phúc gia đình, sức khỏe thì người ta càng dựa vào thế giới tâm linh. Họ tin tưởng rằng thế lực đó có thể giải thoát, cứu cánh, giúp đỡ được cho họ, làm cho họ cân bằng được trong đời sống. Con người thời kỳ nào cũng tin tưởng hay dựa vào thế lực siêu nhiên. Kể cả nhà khoa học thì vẫn là một tín đồ trong niềm tin tôn giáo. Họ có thể là thanh đồng theo Đạo Mẫu, hay tín ngưỡng Phật giáo, Thiên chúa giáo… và vẫn tin vào thế lực siêu nhiên đó. Đó là chuyện bình thường của tất cả mọi người trên thế giới này!
Việc tới các nơi thờ tự chiêm bái hay gặp các nhà ngoại cảm để tìm mộ, giải quyết các vấn đề riêng, thậm chí để chữa các bệnh nan y thể hiện những vấn đề gì đang tồn tại trong xã hội mình?
- Trường hợp đi tìm mộ, cầu hồn, cúng vong.v.v.. có thể thấy được nhờ nhà ngoại cảm, đồng, cốt… rất khó lý giải, và chưa thấy khoa học nào giải thích được. Tuy nhiên không phải ai cũng được “lộc Thánh”, lộc cúng, bói để có khả năng đặc biệt, và cái “lộc” cũng chẳng tồn tại lâu nên nhiều người cũng mất dần năng lực. Chuyện đấy mang màu sắc tâm linh không chỉ Việt Nam mà còn trên toàn thế giới và rất khó lý giải. Việc rất nhiều người thích đi xem bói cũng thế. Còn thầy bói nói chính xác hay không, có khả năng hay không hoặc chỉ nói chung chung, nói dựa thôi nhưng người dân cũng đã nói người đó giỏi lắm, kéo theo nhiều người khác đi theo. Nhiều nhà ngoại cảm, thầy cúng, thầy bói lợi dụng sự thiếu hiểu biết từ người dân để trục lợi và dẫn đến người tin, người không tin, người chê, người khen… với đa chiều ngôn ngữ và quan niệm.
Những chùa, miếu, phủ càng “linh” thì người dân đến đông nghịt, thậm chí còn trải nilon, chiếu ngủ đêm la liệt từ sân đến cửa… để xin sự phù hộ?
- Ngày xưa mỗi làng đều có đình, chùa, đền, miếu, các cơ sở thờ tự thần - linh. Do chiến tranh, thiên tai, nhân họa thì hiện trạng nơi thờ tự tín ngưỡng ngày càng mai một. Đến đời sống hiện đại, khi con người gặp khủng hoảng trong đời sống thường nhật thì họ phải dựa vào thế giới tâm linh, nên những nơi linh thiêng hoặc được tin đồn là linh thiêng thì họ càng đến đông vì hi vọng các cầu mong của họ linh nghiệm. Có người đến nơi thờ tự tôn giáo chỉ mong một lời cầu chúc và gửi gắm một mong cầu, may mắn thì lời cầu chúc và sự mong cầu đó được ứng nghiệm và người đó đã gửi tịnh tài tùy tâm đến nơi đó để tạ ơn. Đồng thời, sự linh nghiệm được lan tỏa, được kể, được thành thứ tin đồn. Ở đây, có thể thật, và cũng có thể giả, có thể ngẫu nhiên. Nhưng khi thành chuyện thì sẽ có người tin. Tùy theo nhận thức, lứa tuổi, giới tính, địa vị… thì sự tin tưởng tâm linh cũng khác nhau. Tuy nhiên cũng do dân trí thấp, nhận thức sai lầm, hiểu biết lệch lạc nên người dân đã làm những điều sai ở chốn thờ tự như đồ lễ bộn tạp, thái quá vào trong chùa, xoa tiền tượng Phật, ăn mặc thiếu lịch sự, nói năng bậy bạ, phản cảm….
Theo anh mê tín và sùng mộ Đạo, Pháp khác nhau ra sao?
- Chánh tín, chánh niệm trong Bát Chánh Đạo của Đức Phật dạy rất rõ. Người ta hiểu thấu đạo Phật thì sẽ không làm những thứ sai lầm mà luôn có hành xử đúng mực và hiểu cách thờ tự sao cho đúng. Từ “mê tín” nghĩa là tin tưởng một cách mê lầm, sai lầm. Còn tin đúng là “chánh tín”. Phật giáo, Nho giáo hay Đạo giáo đều dạy về tin đúng, đều loại bỏ mê tín. Nên thời nào, xã hội nào cũng luôn có người mê tín và người chánh tín. Có người thì cúng lớn đốt vàng mã to. Có người chỉ cần chút lễ như hương hoa quả thực. Cũng như mỗi gia đình vẫn giữ gìn những truyền thống văn hóa lễ tín thờ tự trong nhà để duy trì cho thế hệ con cháu thời sau.
Theo anh, làm thế nào để giảm bớt sự mê tín đối với người dân?
- Vẫn cần sự tác động của chính sách chính quyền địa phương và việc giáo dục, định hướng từ nhà trường, gia đình hoặc truyền thông tích cực từ báo chí. Ngay chính giáo hội ra các công văn, quy định cụ thể, như nhiều chùa chiền, các cơ sở thờ tự hạn chế đốt hương, vàng mã…
Cảm ơn những chia sẻ của anh.