Nhà sàn của người Raglai

Mai Quyên (tổng hợp) 25/07/2015 10:37

Trong số các dân tộc trên đất nước Việt Nam, Raglai là tộc người chiếm tỷ lệ thấp. Tuy vậy, có thể nói Raglai là dân tộc có nền văn hóa đặc sắc gắn với điều kiện môi sinh của cư dân nông nghiệp nương rẫy Nam Trung Bộ. Đặc biệt, khác với nhà ở, nhà sàn, nhà dài của người Raglai là nơi quây quần của ba, bốn thế hệ.

Nhà sàn của người Raglai

Người Raglai sống thành từng pa-lây (buôn làng) trên khu đất cao, nơi gần nguồn nước. Mỗi pa-lây thường gồm vài chục nóc nhà, mà các thành viên trong buôn làng đều cùng chung dòng họ. Mỗi khi lập làng mới, công việc đầu tiên là dựng nhà sàn. Nhà sàn của người Raglai có một số nét kiến trúc riêng và ẩn chứa trong kiến trúc ấy còn là những phong tục tập quán độc đáo, mang đậm bản sắc văn hoá của dân tộc Raglai.
Khác vời nhà sàn Tây Bắc, nhà sàn của người Raglai kết cấu vững chắc, quanh khu nhà ở có hàng rào chắc chắn, có một hoặc hai cửa ra vào và luôn có máng nước bằng tre nứa dẫn từ suối về bảo đảm sinh hoạt hàng ngày và có chỗ tắm giặt cho đàn bà, con gái, trẻ em. Ngoài ra, trên đám rẫy đang canh tác, người Raglai còn có nhà rẫy để ăn uống nghỉ ngơi trong những ngày lao động mùa vụ, có kho tạm chứa hoa lợi trước khi mang về nhà.
Thông thường sàn nhà cao khoảng 1,4m - 1,6m. Mái dốc khoảng 60%. Trước nhà là một sàn thang thấp hơn sàn nhà khoảng 40cm. Thang được làm rời khỏi sàn thang, việc lắp dựng vị trí tùy ý chủ nhà. Ngoài ra, có thể bố trí các thang phụ ở hai đầu hồi. Chái nhà bên trái là không gian thoáng (không có vách) làm nơi đan lát, hóng gió, chuyện trò. Chái nhà bên phải là để dành cho phụ nữ thêu thùa, may vá, một góc chái được ngăn thành một phòng riêng dành cho con gái đến tuổi lấy chồng. Bếp được đặt ở một góc nhà, gần cầu thang.

Nhiều hoạt động cộng đồng diễn ra bên trong ngôi nhà sàn

Thông thường các cột chính có đường kính hơn ba gang tay, cao hơn 4m. Nét độc đáo trong nhà sàn của người Raglai là nhà sàn dù lớn hay nhỏ, nhưng không thể thiếu cột cái ở giữa nhà, xuyên từ mái qua sàn xuống đất. Đối với người Raglai đây là cây cột tâm linh rất hệ trọng linh thiêng, bởi mọi nghị lễ cúng của gia đình đều diễn ra xung quanh cột chính của ngôi nhà. Theo quan niệm xưa của đồng bào Raglai, cột cái trong nhà chính là đường lên xuống của ông bà tổ tiên mỗi khi về với con cháu trong các lễ cúng của gia tộc. Trong nhà sàn truyền thống của người Raglai luôn có bếp lửa. Có thể có nhiều bếp lửa trong một nhà sàn, nhưng trong bếp chính của chủ nhà thì luôn có lửa cháy. Bên bếp lửa, ông bà thường hát kể cho con cháu nhưng bài sử thi, truyện cổ tích và các làn điệu dân ca Raglai.
Người Raglai quan niệm rằng, việc truyền dạy sử thi có thể thực hiện ở nhiều nơi, nhưng không ở đâu thể hiện hay hơn là bên bếp lửa nhà sàn. Những đêm nghe hát kể sử như thế dường như mọi người cảm nhận sâu sắc hơn cái thần, cái hồn của sử thi, nét tinh hoa văn hoá của dân tộc Raglai. Người Raglai có nhiều lễ hội trong năm và hầu hết các lễ hội đều diễn ra xung quanh ngôi nhà sàn. Những nghi lễ cũng là dịp để các bậc ông bà, cha mẹ dạy bảo con cháu biết giữ phép tắc, giữ gìn nét văn hoá truyền thống của dân tộc.

Người Raglai sinh sống lâu đời trên vùng đất Nam Trung Bộ, tại triền Đông cuối dãy Trường Sơn từ phía bắc Khánh Hòa đến Bình Thuận; tập trung đông nhất nơi miền núi Khánh Hòa, Ninh Thuận.
Công cụ lao động chủ yếu của người Raglai là: rìu, rựa, chà gạc, gậy chọc lỗ, nạo cỏ, khi thu hoạch lúa thì tuốt bằng tay. Người Raglai chăn nuôi trâu, lợn, gà, vịt. Trước đây chủ yếu sử dụng vào việc cúng lễ. Hiện nay trâu, bò dùng làm sức kéo. Lợn, gà, vịt trở thành hàng hóa để trao đổi hoặc cải thiện bữa ăn. Người Raglai có nghề đan lát mây tre làm những đồ đựng, đồ sàng gạo, gùi. Nghề thủ công chủ yếu do đàn ông đảm nhiệm…


Riêng phần thềm - phần sàn từ sân đất lên hết cầu thang trước khi bước vào các gian nhà chính bên trong - rộng hơn 3m chạy suốt hiên mặt trước nhà đủ để dàn mã la diễn tấu cùng các sinh hoạt khác mỗi khi gia đình có lễ hội (việc cưới, việc tang, lễ bỏ ma, lễ đền ơn đáp nghĩa mẹ cha…) và cả khi phân xử sự việc theo luật tục. Thềm trước nhà còn là nơi nghỉ ngơi thư giãn, ăn trầu hút thuốc.
Mái nhà sàn thường được làm riêng và khi làm xong mới được đặt lên khung nhà. Hình mái nhà có dáng dấp như một con thuyền úp ngược, theo các nhà nghiên cứu, điều này cho thấy dấu ấn giao thoa văn hoá của nhóm dân tộc có nguồn gốc Nam đảo. Vách bên trong nhà sàn, phía bên trái là nơi treo nhạc cụ, vách nhà bên phải để những chiếc giáo, hay những con dao là lễ hồi môn của các chàng rể khi về nhà vợ.
Chính vì tầm quan trọng của nhà dài, mà theo truyền thống từ xa xưa, việc làm nhà mới của người Raglai thường là việc rất quan trọng. Công việc này bắt đầu bằng nghi thức bói tìm đất. Theo các nghiên cứu dân gian, bà chủ nhà đem 7 hạt gạo đặt trên đất rồi lấy cái bát úp lên để bói tìm sự linh ứng của thần đất. Sau 3 ngày, 3 đêm lật bát lên xem, nếu hạt gạo còn nguyên là thuận. Ngược lại, mất hạt nào thì phải đi bói, tìm dựng nhà chỗ khác.
Nhà sàn truyền thống của người Raglai được xếp vào loại kiến trúc dân gian, một kiểu kiến trúc phổ biến trong cộng đồng các dân tộc anh em ở vùng núi cao. Với kiểu nhà dân gian truyền thống này, vật liệu làm nhà sàn chủ yếu vẫn là tre, nứa, gỗ, lá cây rừng… Đây là những vật dụng có sẵn trong rừng, do vậy mọi người trong gia đình đều có thể tham gia dựng nhà sàn mà không cần thợ hướng dẫn.

“Nếu những ngôi nhà Rông của các dân tộc Tây Nguyên thể hiện sự dũng mãnh, thì ngôi nhà sàn của người Raglai lại nhỏ nhắn hơn, thường nằm dưới chân núi, được bao bọc bởi núi rừng hùng vĩ. Phải chăng chính điều này làm cho ngôi nhà sàn của người Raglai giữ được vẻ nguyên sơ vốn có của nó và cũng chính điều này mà người Raglai đã hình thành những luật tục bảo vệ được những giá trị văn hoá riêng biệt mà cho đến nay vẫn lưu giữ và phát huy trong cộng đồng”.
(TS Thành Phần - nhà nghiên cứu văn hóa dân tộc Raglai)

Những ngôi nhà sàn của người Raglai trông vẻ bên ngoài tưởng chừng mong manh, nhưng lại rất chắc chắn. Giữa rừng núi cao nguyên, những ngôi nhà sàn đơn sơ, nhưng vững chãi như chính bản tính của người Raglai hiền hoà chân chất gắn bó cuộc sống của họ với thiên nhiên núi rừng và dưới những mái nhà sàn ấy, cộng đồng người Raglai vẫn giữ được nền văn hoá mang đậm bản sắc, niềm tự hào của dân tộc mình.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Nhà sàn của người Raglai

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO