Nhà soạn kịch người Đức Bertolt Brecht: Một mình với hai phụ nữ

22/04/2017 10:05

Brecht qua đời ngày 14/8/1956, ở tuổi 58. Sau khi ông mất, Helene Waigle mới hay biết rằng, ông đã định di chúc một phần thu nhập của mình cho những cô nhân tình mới – nữ thư ký, nữ diễn viên, nữ trợ lý đạo diễn. Waigel không trách cứ gì các cô gái nhưng cũng không chia cho họ xu nào. Chị cho rằng, tất cả những gì mà Brecht để lại, theo đúng luật pháp, phải thuộc về chị, về những người con và một phần là thuộc về Margarete Steffin, đồng tác giả của ông.

Từ trái qua: Margarete Steffin, Bertolt Brecht và Helene Weigel.

Bốn bức tường trắng toát, cửa sổ khổ lớn, nhìn ra ngoài lấp ló những cành cây già nua. Đó chính là bệnh viện lao nằm bên sông Yauza, được coi là tốt nhất tại Moskva ở thời điểm năm 1941. Trên giường là một phụ nữ trẻ: gương mặt thanh tú với đôi lông mày đen rậm, cắp mắt màu xám mệt mỏi. Chị vẫy tay chào ông và ông, đóng cửa lại, rời đi với cảm giác như mình là kẻ phản bội. Sau hai giờ nữa đoàn tầu của ông khởi hành và ông sẽ ngồi trên tầu tới 8 tiếng. Kịch tác gia lừng danh người Đức phải sang Mỹ, còn chị trợ lý và cũng là bạn gái thân thiết của ông, Margarete Steffin, thì ở lại Moskva.

Brecht bước dọc cầu thang đá hoa cương – có vẻ như bệnh viện được đặt trong một tòa biệt thự quý tộc cổ. Ông ngồi lên xe và nói với người phiên dịch:

- Chúng ta ra ga thôi…

Và bỗng nhiên vang lên tiếng sắt thép đập vào nhau, đột ngột như thể ai đó xô đẩy. Brecht giật thột và mở mắt ra: dưới đầu ông là cái gối mỏng, vang bên tai tiếng đoàn tầu đều đặn. Ông đang nằm ở giường trên của đoàn tầu đường xa, phía bên kia là vợ ông đang ngon giấc, ở phía giường dưới là hai đứa trẻ, Barbara và Stefan, con của ông bà. Thật lạ, ông đã nằm mơ thấy rõ từng chi tiết những gì đã xảy ra ngày hôm trước – bệnh viện, cuộc chia tay với Margarete, những lời nói cuối cùng của chị... Margarete đã đúng: không cần phải lo lắng. Trước đây chị cũng đã từng không chỉ một lần phải vào viện, kiểu gì thì họ cũng sẽ tái ngộ ở Mỹ…

Brecht leo xuống khỏi giường, đeo kính lên, đi đôi dép lê vào và đi ra phía khoảng trống giữa hai toa tầu – ông cảm thấy thèm hút thuốc. Trong hành lang sáng ánh đèn, còn ngoài cửa sổ là bóng đêm mênh mông, những cánh đồng trải rộng, những ngồi nhà tối om… Ở khu vực giữa hai toa tầu đang có người đứng hút thuốc Belomor, ông cất giọng trọ trẹ bằng tiếng Nga xin lửa - câu này ông đã học thuộc ngay từ lần đầu tới Liên Xô năm 1935. Và Brecht khoan khoái rít từng hơi. Ở Moskva, trong một lần tới thăm trong bệnh viện, Margarete đã buộc ông phải hứa là sẽ bỏ thuốc. Thế nhưng, ông chỉ kiêng được hai tuần và đó đã là kỷ lục đối với ông. Lên tầu thì ông lại hút. Thật nặng nề khi phải đi về phía mù khơi, bỏ lại sau lưng trong thành phố lạ người phụ nữ yêu quý mà đã mấy năm rồi khiến ông trăn trở vì không biết phải chọn ai, người yêu hay vợ. Làm sao được bây giờ? Ông yêu quý cả hai người, ông cần cả hai người. Brecht rít một hơi thuốc nữa và hiểu rằng, ông cư xử không lịch sự vì người bạn đồng hành trò chuyện với ông mà ông cứ lặng thinh mãi. Nhưng người phiên dịch thì lại đang ngủ trong khoang bên cạnh, còn ông thì chỉ biết vài ba câu tiếng Nga thôi. Anh bạn đồng hành người Nga cũng chỉ biết dăm ba chữ tiếng Đức:

- Anh ở Quốc tế Cộng sản à?

- Không phải, đồng chí ạ. Tôi là nhà văn, tôi đi sang Mỹ…

Anh bạn đồng hành bắt tay Brecht rất chặt, nói vài ba câu gì đó, có lẽ là lời chúc thượng lộ bình an, rồi về khoang của mình ngủ tiếp.

Còn Brecht vẫn đứng nguyên tại chỗ, rít thêm một hơi thuốc rồi cứ cấm lấy nó nguyên trên tay, mắt đờ đẫn nhìn vào cánh cửa phòng vệ sinh.

Có lẽ ông không nên rời đi như thế. Họ còn vài ba ngày có thể ở bên nhau, mọi sự có thể đổi khác… Nếu Margarete mệnh hệ thế nào thì ông sẽ không bao giờ tha thứ cho mình cả.

Sáng ra, cả gia đình trở dậy dưới những thanh âm từ đài truyền thanh trên tầu với những giai điệu nhạc Xôviết đầy hứng khởi. Rồi họ tới toa ăn để ăn sáng. Đến ga tầu dừng lại, Brecht nhận được bức điện tín: “Mọi sự đều ổn. Em đang bình phục. Em yêu anh.”

Ông mỉm cười, tháo kính ra lau rồi lại đeo lên, đọc lại bức điện và giấu vào túi áo. Vợ ông ngước mắt nhìn, ông buông một câu hững hời:

- Margarete gửi. Cô ấy đã khá hơn…

Helene Weigel, nữ diễn viên, đã làm vợ Bertold Brecht 11 năm và vẫn giữ được ông bất chấp những lời tiên đoán của bạn bè ông cũng như vô số những trò giăng hoa của nhà viết kịch. Chị rất giỏi trong những vai tính cách. Các nhà phê bình sân khấu từng dự báo rằng dần dà chị sẽ trở thành một ngôi sao tầm cỡ Greta Garbo và Marlene Dietrich, và chị diễn tình huống này rất đạt.

- Anh yêu, em hạnh phúc quá? Vậy có nghĩa là chúng ta với cô ấy sẽ còn được ở bên nhau…

Giọng Weigel cười lảnh lót như chuông. Hai người con của họ nhìn nhau – hơn ai hết, chúng hiểu rõ mẹ mình. Chúng hiểu rằng mẹ chúng đang lên cơn tức, vậy có nghĩa là sẽ không có kẹo ăn lúc uống trà. Helene Weigel không mong điều ác cho Margarete, nhưng những gì đang diễn ra trong gia đình bà có thể làm điên đầu cả nữ thánh. Bertolt làm quen với Steffin một năm trước khi họ trở thành vợ chồng, ở thời điểm đó hai người được coi như một cặp tình nhân. Ông đã không muốn cắt đứt quan hệ với Margarete – sao lại làm thế được, cô ấy vỡ tim ra mà chết thì sao! – và ông dành thời gian ở bên cô hơn là ở với gia đình. Họ đã ở bên nhau hết ngày này sang ngày khác bên cạnh bàn viết, cùng nhau viết các kịch bản, đánh máy, trò chuyện với nhau bằng thứ ngôn ngữ văn chương rít rít như chim mà chỉ hai người mới hiểu được – cốt truyện, kết cấu, đặc tính nhân vật… Thỉnh thoảng từ phòng làm việc của Brecht lại vẳng ra tiếng cười hào sảng khiến cho Helene cảm thấy như mình là người thừa. Cặp đôi ấy hiểu nhau bằng nửa lời nói và nửa ánh mắt, công việc chung đã kết nối họ vô cùng chặt chẽ, hơn cả tình dục – dẫu rằng giữa họ hiển nhiên là có quan hệ tình dục, điều này thì không ai hoài nghi cả…

Weigel nói rằng bà không tin vào chúa nhưng sẽ cầu nguyện cho Margarete Steffin. Stefan và Barbara hôm đó không được mẹ cho kẹo.

Đoàn tầu tốc hành đi về hướng đông, những người phục vụ trên tầu mang trà đi phát các khoang, những hành khách mặc áo may ô ra ngoài hành lang tán gẫu và đi đi lại lại cho đỡ mỏi chân. Brecht nằm nguyên ở giường trên và cố gắng làm việc nhưng kịch bản không trôi, những ngôn từ cần thiết không làm sao kết nối lại với nhau được trong đầu. Ông bỏ bản thảo xuống và cáu kỉnh xoa trán: Thực kỳ cục nhưng không có Margarete thì ông chẳng thể làm được việc gì cả… Bertolt Brecht có vầng trán cao và cái mũi to, cặp mắt nheo xếch ngược cả lên, lấp lánh trí thông minh và óc hài hước. Một gương mặt lạ lùng, dễ nhớ - không ngẫu nhiên mà Helene Weigel, người nữ nghệ sĩ nổi tiếng có vô số những đấng tu mi hâm mộ, lại làm tất cả mọi việc để buộc Brecht phải cưới chị.

Ông trăn trở trên giường của mình, mãi không ngủ tiếp được nên lại dậy làm việc, còn vợ ông hé mắt theo dõi chồng. Brecht gặm bút chì, viết, xóa rồi lại viết, còn Waigel thì cố không bật cười: cứ mặc cho chồng nghĩ rằng chị đã ngủ. Chị thích quan sát chồng một cách lặng lẽ, khi ông nghĩ rằng không ai nhìn thấy ông cả.

Helene Waygel giờ vẫn yêu ông như 18 năm trước, và sẵn sàng chiến đấu với cả thế giới để giữ ý trung nhân. Cứ mặc ông vật vã, điều đó có lợi cho ông. Margarete Steffin sẽ không quay lại với ông nữa, giờ ông sẽ phải làm việc một mình.

Waigel bắt đầu làm quen với Brecht từ lâu lắm rồi, vào năm 1923, và đã phải lòng ông ngay lập tức. Khi ấy, Brecht được coi là một nhà văn giàu triển vọng, nhưng công việc thực tế của cây bút trẻ này thì lại chưa đâu vào đâu: các nhà hát không chịu dựng kịch bản của ông nên ông đành kiếm kế sinh nhai bằng công việc trên đài phát thanh và cộng tác với các hãng quảng cáo. Những điều ông đã viết cho sân khấu không giống bất cứ thứ gì cả: hành động đan xen với ca khúc, nghệ sĩ lysc thì pải hóa thân thành nhân vật của mình, lúc lại diễn tả nhân vật đó và nhìn vào đấy như thể là người ngoài cuộc. Bertold nói rằng, cách tiếp cận như thế cho phép truyền tải tới khán giả quan điểm của nhà soạn kịch. Nhưng làm thế để làm gì, chuyện này thì ngay chính các giám đốc nhà hát cũng không thể hiểu nổi. Trong khi đó thì chính bản thân ông cũng thường xuyên bị thiếu đói và Waigel đã nấu cho ông ăn.

Một lần Brecht ở lại ăn tối và chính khi đó giữa hai người đã xảy ra mọi chuyện để rồi 9 tháng sau, họ có một đứa con trai, đặt tên là Stefan. Cậu bé dần lớn, Brecht yêu quý cậu và quan hệ tình cảm giữa cha mẹ cậu đã trở thành một tình bạn bền chắc. Helene làm ra vẻ như chị hài lòng với tình cảnh đó. Yêu một người đàn ông tự do tuyệt đối, sớm nắng chiều mưa như thế thực là khó khăn - Brecht có thể cùng một lúc bắt cá nhiều tay, ông bảo như thế rất hữu ích cho sáng tạo. Nhưng kiểu gì thì chị cũng vẫn buộc được ông lại với mình vì lý do “cậu con trai bé nhỏ rất cần có bố” và nếu hai người không đăng ký kết hôn thì chị sẽ phải gửi con sang Áo để ông ngoại dạy dỗ. Và có được chồng rồi thì Helene Waigel lại phải nhận thêm “của hồi môn” là Margarete Steffin, bạn gái, nhân tình, nữ trợ lý không thể ai thay thế được của Brecht. Chị chưa một lần buông một lời không hay về Steffin nhưng thực tâm mà nói chị rất căm thù người phụ nữ ấy…

… Đoàn tầu tiếp tục lăn bánh, Moskva mỗi lúc một lùi lại xa thêm. Tại bệnh viện ở bên sông Yauza, các bác sĩ xem xét rất kỹ lưỡng những tấm phim chụp X-quang của Steffin và rất bối rối vì không sao hiểu nổi: mọi sự có vẻ không tồi nhưng tình trạng sức khỏe của nữ bệnh nhân cứ ngày một trầm trọng hơn. Cô luôn luôn bị dày vò đau đớn bởi một điều gì đó nên cứ yếu dần đi – không thể nào tìm ra được một lý giải hợp lý nào cho việc này. Bác sĩ thần kinh tới khám cho Margarete, ông giải thích cho bác sĩ đang chuyên trách bệnh nhân nữ này rằng, mọi phản ứng của cô đều bình thường và nguyên do khiến cô héo úa dần đi không nằm trong phần kiến giải của ông. Nếu trường hợp này diễn ra ở Mỹ thì chắc hẳn đã có bác sĩ tâm lý tới khám cho Steffin… Tuy nhiên, ở thời điểm đó, nghiên cứu tâm lý học là bộ môn bị cấm ở Liên Xô.

Một tối, tới giờ đi ngủ, Margarete bỗng nhiên tâm sự với một nữ bệnh nhân người Gruzia nằm kế bên, một nữ kỹ sư địa chất to béo và rất hồn hậu, mắc bệnh lao ở vùng Cực Bắc trong một chuyến đi thám hiểm. Sau khi nghe nữ kỹ sư địa chất kể bằng thứ tiếng Đức lộn xộn về quầng sáng phương Bắc, những đàn cá trùng điệp và các cuộc đấu của hươu, Margarete bỗng nhiên cất tiếng tâm sự về tình yêu của cô. Về việc cô vĩnh viễn bị gắn bó với một người đàn ông tài năng, vô cùng hấp dẫn nhưng rất yếu đuối. Anh ấy đang bị vật vã phân thân giữa cô với vợ và không thể nào đưa ra được một quyết định dứt khoát. Anh ấy làm cả hai người phụ nữ đau khổ và lẽ ra cô phải rời bỏ anh ấy từ lâu nhưng rốt cuộc là mãi vẫn không thể làm việc đó…

Nữ kỹ sư người Gruzia thơ vắn thở dài và bảo, có lẽ Margarete đã bị bỏ bùa rồi. Ở Gruzia, những việc như thế thường do các thầy phù thủy gây nên. Margarete bật cười và lắc đầu nói:

- Không, không phải thế đâu.

- Thế thì tại sao?

- Chúng tôi làm việc cùng nhau. Anh ấy gần như là một thiên tài, năng lực của tôi kém hơn nhiều nhưng trong những gì anh ấy viết ra có một phần của tôi. Tôi không thể sinh con nhưng những kịch bản của Brecht đối với tôi cũng như thể là những đứa con dứt ruột đẻ ra. Anh ấy viết, tôi hiệu đính, mách nước, đôi khi cũng viết thêm vào. Mỗi một kịch bản của anh ấy đối với tôi là một đứa con dứt ruột đẻ ra…

Nữ kỹ sư cạnh giường lắc đầu và với vẻ đầy thương cảm nhìn Margarete như nhìn một người mất trí…

... Tới ga tiếp theo, Brecht lại nhận được thêm một bức điện tín: “Em cảm thấy mình khỏe hẳn lại rồi, chả bao lâu nữa ta sẽ gặp lại nhau…” Ông đọc thành tiếng nội dung bức điện. Helene Waigel bật cười vui vẻ nhưng cảm thấy trái tim mình đang lồn lộn cả lên.

Sao lại thế được? Chị đã hỏi chuyện các bác sĩ chữa cho Margerete. Họ bảo, phải mất nhiều thời gian và nhiều công sức, nhưng vẫn không loại trừ kết cục xấu nhất có thể tới. Nếu đúng như bức điện vừa rồi thì có lẽ đã có một điều kỳ diệu xảy ra và không bao giờ chị thoát ra được khỏi Margarete Steffin. Và kế hoạch đã được chị dày công xếp đặt có nguy cơ bị vỡ… Chị nhớ lại gương mặt của Margarete khi nghe chị tới bệnh viện và năn nỉ cô ấy không giữ Bertold lại gần mãi để gia đình chị có thể khởi hành đến bờ bến mới.

- Tôi rất tôn trọng tình yêu của cô với anh ấy nhưng tôi với Brecht có hai con và chị nên nghĩ về tương lai của chúng! Chúng tôi đã phải nán lại ở Moskva quá nhiều thời gian rồi. Giờ người Nga đã ký hòa ước với Berlin mà Hitler đang săn đuổi Bertold. Hôm nay anh ấy vẫn là khách ở đây nhưng ngày mai có thể sẽ khác…

Margarete lắng nghe Helene với vẻ mặt lạnh như kem và hứa sẽ làm mọi việc phụ thuộc vào cô…

Hai ngày sau đó gia đình Brecht lên đường nhưng giờ đây, Helene Waigel lại phải nghĩ rằng, số phận sẽ thêm một lần chơi xỏ chị: Margarete hóa ra là sẽ không bị mất tích ở thành phố xa lạ, khó hiểu và nguy hiểm bất cứ lúc nào cũng có thể trở thành “cấm địa” đối với các công dân nước ngoài; hơn thế nữa, Margarete còn có thể rời khỏi bệnh viện Moskva sang Mỹ. Và cô ấy sẽ gặp gia đình chị để mọi sự trở nên oái oăm và khó chịu như xưa…

Brecht rủ vợ đi uống bia và hai người cùng tới toa nhà hàng. Người phục vụ mang tới cái khay với hai chai bia Zhiguli lạnh toát. Waigel vuốt ve tay chồng và bảo, anh là một thiên tài, anh đâu có cần đồng tác giả… Chị nói điều này với tất cả sự chân thành vì thực sự chị cho rằng, với tư cách nhà văn, Brecht từ lâu đã phải trưởng thành và từ bỏ thói quen mượn cốt truyện của người khác, ông có thể làm việc một mình…

Tình yêu có con mắt tinh: chính Waigel đã nhìn ra tài năng kịch tác giả khổng lồ ở Brecht sớm hơn các giám đốc nhà hát, các đạo diễn và các nhà phê bình sân khấu. Chị tin rằng người đàn ông gày gò có ria mép này, hiện vẫn chưa biết các bộc lộ năng lực của mình nhưng sẽ đủ sức để làm đảo lộn nền sân khấu hiện đại. Những gì mà ông viết ra đều chan chứa tinh thần cách tân quyết liệt. Tuy nhiên, thành công lớn đầu tiên của Brecht, “Vở opera ba xu”, sự kiện bất ngờ của năm 1928, được dàn dựng tại nhà hát Berlin, lại khiến cho Helene Waigel thất vọng. Cốt truyện kịch bản này vay mượn từ kịch bản “Vở opera của những kẻ ăn xin” mà John Gay viết từ thế kỷ XVIII. Những bài hát trong kịch bản được Brecht dịch từ các khúc ballade của thi sĩ Pháp Francois Willon…

Đó là một kịch bản náo nhiệt, vững chãi. Bertold biết cần thu hút khán giả bằng cách gì. Nhưng đối với Waigel thì thành công đó vẫn còn là nhỏ: Bertold cần phải tự mình thoát ra khỏi cốt truyện và những nhân vật của các tác giả khác và chỉ khi ấy thì thiên tài của ông mới bộc lộ được. Chị vẫn chưa rõ liệu chị có thể tạo ra từ ông điều mà chị muốn hay không. Margarete hiện đang cạnh tranh với chị trong công việc này và với tư cách người vợ hợp pháp, hiển nhiên là Helene đang tức điên lên vì thế.

Vừa nhâm nhi bia vừa tung ra ánh mắt quan sát chồng từ đôi hàng mi dài, Helene nghĩ về việc, hiện công việc của họ chưa được thuận buồm xuôi gió lắm nhưng họ vẫn phải ở cùng nhau – không còn cách nào khác nữa. Một nhà soạn kịch tả khuynh, luôn miệng lớn tiếng tuyên bố rằng ông đang lập ra mô hình nhà hát hành động xã hội và một nữ diễn viên người Do Thái dĩ nhiên là không thể ở lại trong nước Đức phát xít. Cùng với cả đất nước, họ đã bị mất nhà hát và công chúng của mình: Helnene không thể bước ra sân khấu, còn Bertold dù thỉnh thoảng vẫn được in nhưng chủ yếu là ông phải viết rồi bỏ vào ngăn bàn. Đâu đó ở châu Âu người ta vẫn dựng các kịch bản của ông, ông đã viết xong cuốn tiểu thuyết dựa trên kịch bản “Vở opera ba xu”, ông cũng thử sức trong điện ảnh nhưng một khi họ còn chưa quay lại được nước Đức thì đỉnh cao thành công mới chưa thể nào xuất hiện. Có giời mới biết bao giờ họ quay về được nhưng khi Bertold hồi hương thì phải với kèn trống và nhiều kịch bản mới. Ông sẽ trở thành nhà soạn kịch số một của một nước Đức mới, còn chị sẽ là nữ hoàng hứng khởi của ông… Chị nghĩ đến đây thì bỗng dưng đoàn tầu chao đảo, cốc bia của Helene va phải chai bia và chị giật mình quay trở lại với thực tại. Họ đang sống trong cảnh lưu vong và chưa biết sẽ bao giờ mới kết thúc, hơn thế nữa, có lẽ sắp tới họ sẽ phải đón cả người đàn bà đối thủ đang muốn cạnh tranh vai trò nữ hoàng cảm hứng đối với Bertold Brecht. Chính ở khoảnh khắc này Helene cảm nhận rõ hơn bao giờ hết chuyện, thực chất đó là việc ai trong hai người sẽ ghi danh vào lịch sử.

Ngày hôm đó đoàn tầu chạy chậm chạp: hành khách trong toa có khoang riêng làm quen được hết với nhau, hai đứa trẻ Stefan và Barbara chạy đùa dọc hành lang và chơi trò đuổi bắt với cậu con trai phi công, vừa tới thăm bà nội ở Moskva trở về quê… Brecht cũng bắt đầu trơn tay viết, ông có cảm giác rằng những gì ông viết ra một mình không tồi hơn so với khi cùng viết với Margarete… Ông xoay xoay cái bút chì trên tay khi ngẫm ngợi vần điệu, mũi ông như vểnh hơn lên và Waigel chợt có cảm giác như chồng mình trông giống như một con chim săn mồi… Chị tin tưởng chắc chắn rằng thế giới rốt cuộc cũng sẽ công nhận thiên tài ở trong ông, còn những người vẫn quen sống theo các quy tắc cũ mèm sẽ không thể làm gì ông được.

Chồng chị ngay từ bé đã muốn trở thành nhà văn, từng thử sức mình trong nhiều thể loại khác nhau, làm thơ, đóng kịch, tham gia các tiết mục tạp kỹ, nhưng lại dứt khoát không chịu tới trường học đến nơi đến chốn, và chính vì thế bị người nhà coi là kẻ tuyệt đối vô trách nhiệm. Bertold không thể trở thành bác sĩ, ông học dở dang khoa triết, lại còn sớm có con ngoài giá thú. Bertold đã li dị người vợ đầu ngay sau khi chị ấy sinh cho ông cô con gái đầu lòng – đơn giản vì thiên tài tương lai không chịu nổi bó buộc của cuộc sống gia đình… Ông phải là “dân chơi không sợ mưa rơi”, phụ nữ nào cũng phải mê…

Sau này, khi Helene dọa rằng nếu không cưới chị thì ông sẽ không bao giờ được nhìn thấy cậu con trai Stefan nữa thì ông mới gật đầu, nhưng với một điều kiện: quyền tự do của ông vẫn vẹn nguyên như cũ! Chị không thích thú với chuyện đó nhưng đã tin tưởng rằng, kiểu gì thì chị vẫn nắm được quyền quyết định: người đàn ông nào mà chẳng cần tổ ấm, bữa ăn ngon và người phụ nữ có thể giúp đưa ra những lời khuyên tốt. Ông có nhiều cuộc tình, nhiều người tình nhưng rốt cuộc vẫn ở lại cùng chị. … Và cùng cả Margarete Steffin!

Còn tại bệnh viên bên sông Yauza, Margarete đang cố tập trung tư tưởng để viết cho Brecht một lá thư dài: cô muốn nói với ông hết những điều mà cô vẫn giấu kín trong lòng. Cô đang trong tình trạng nóng lạnh thất thường, đầu đau như búa bổ, những cơn ho chốc chốc lại dội lên nhưng cô vẫn không chịu bỏ dở cuộc. Chưa bao giờ trước đó Marfgarete nói với Bertold về việc cô yêu ông đến chừng nào. Mà đây lại là điều quan trọng nhất của cuộc đời cô…

“Anh đã dạy em không sợ hãi dục vọng, chỉ với anh mà em lần đầu tiên trong đời mới cảm thấy mình là người đàn bà được yêu quý. Nhiều năm trước, thời em còn nhỏ, khi cha em ở ngoài chiến trường, em đã từng nghe thấy ở bên kia tường mẹ em ríu ra ríu rít với những người đàn ông khác. Từ đó em cảm thấy tình yêu là cái gì đó không sạch sẽ. Nhưng anh đã mở mắt cho em thấy điều khác thế…”

Trang thư viết dở bị ném vào sọt rác. Bertold tàn khốc và mỉa mai, anh ấy có thể sẽ diễu cợt những điều cô vừa viết…

“Em chỉ là một cây viết bé nhỏ nghiệp dư, sáng tác những vở kịch trẻ con và chuyện cổ tích. Anh đã cho em vào thế giới của anh và giúp em trở thành đồng tác giả. Em biết ơn anh…”

Trang thư thứ hai cũng bị vứt đi. Việc gì phải kể lại những gì mà Brecht đã biết rõ rồi…

“Suốt những năm qua em cứ hy vọng rồi anh sẽ nói với em về việc em rất có ý nghĩa đối với anh. Đôi khi công việc của chúng ta cùng làm đã trở thành trò khổ sai đối với em: vì bệnh tật nên em mau mệt mỏi, tay em đau nhức – em bị đau khớp, em không thể đánh máy nhiều. Nhưng em lo lắng lại về việc khác: đôi khi em có cảm giác là anh cần em như cần một cô đánh máy chữ, anh hoàn toàn không yêu em…”

Cô lại xé bỏ trang thư thứ ba: ông cần phải tự cảm thấy thế từ lâu. Việc gì phải mở lòng ra trước người mà có lẽ không cần tới việc đó…

Nằm trên giường bệnh và nhìn lên trần nhà trắng toát, Margarete nhớ lại những cuộc gặp cuối cùng với Brecht. Có phải ông quá dễ dàng tin vào những lời nói dối rằng cô đang hồi phục không? Người yêu thực sự sẽ cảm nhận được đúng sự thật của người mình yêu. Đàng này ông lại quá mau mắn tin vào lời cô nói dối. Phải vì ông cũng rất muốn nghĩ đó là sự thật để bỏ cô ở lại một mình và ra đi một cách nhẹ nhàng cùng gia đình? Vậy thì những năm qua cô sống để làm gì?

Margarete hiểu, nỗi thất vọng lớn lao này sẽ cướp nốt chút sức lực còn lại trong cô…

... Đoàn tàu tốc hành chạy suốt cả đêm và cả buổi sáng. Tới trưa nó mới dừng lại ở một ga xép. Một bức điện tín đã đợi ông ở đó từ sáng: “Moskva hôm nay trời tuyệt nắng đẹp. Em sẽ ra vườn hóng nắng…” Khi đoàn tầu hú còi chuẩn bị lên đường thì một nhân viên bưu điện chạy vội tới trao cho Brecht một bức điện khẩn vừa nhận được từ Hội Nhà văn Liên Xô. Chủ tịch Ban Quan hệ Quốc tế thông báo vê việc Margarete vừa trút hơi thở cuối cùng và hỏi ông xem cần phải làm gì với đồ đạc và di cảo của cô… Đoàn tầu lăn bánh. Brecht đứng sững mãi ở cửa toa tầu, tay cầm cả hai bức điện và cứ lẩm bẩm như bị lên cơn loạn trí: “Hôm nay em sẽ ra vườn hóng nắng…” và “Đồng chí Steffin đã mất, hãy nhắn lại tin về việc xử lý giấy tờ và đồ đạc của đồng chí ấy…”

Thế là hết diễn, Margarete không còn nữa. Họ đã không nói được với nhau lời yêu, điều quan trọng nhất trong quan hệ của họ. Và sẽ chẳng còn cơ hội để tỏ tình…. Cô đã có nhiều ý tưởng hay về nhà hát sử thi, hình thức sân khấu thừa kế kịch nghệ cổ đại. Ông đã không kịp ghi lại – giờ thì biết phải làm sao?!

Đêm ấy Brecht nằm cắn gối để khỏi nức nở thành tiếng: làm thế thì ông sẽ đánh thức hai đứa trẻ mất. Helene Waigel ghe thấy tiếng khóc thầm của ông, muốn trở dậy để vỗ vai an ủi nhưng chị hiểu rằng, không được làm như thế. Bertold tự coi mình là người hùng, mạnh mẽ, ông sẽ không tha thứ cho những ai chứng kiến phút ông yếu lòng…

Suốt đoạn đường còn lại, Brecht hầu như chỉ im lặng. Ông gày đi trông thấy hàng ngày, mắt quầng thâm. Waigel cố gắng không làm ông kinh động. Nỗi lương tâm cắn dứt và niềm tuyệt vọng là trọng bệnh, không thuốc nào chữa nổi. Chỉ có thời gian mới giúp làm dịu được. Họ còn thời gian vì đường tới Vladivostok còn dài và ở đó, họ sẽ xuống tầu biển…

Năm lắc lư trên giường, ra đứng cạnh cửa sổ, lúc nào Brecht cũng hồi tưởng lại quá khứ. Ông nhớ tới người bạn gái thời trẻ Paula Banholzer mà ông đã từ chối cưới làm vợ khi cô đang có mang. Cậu con trai Frank của họ rốt cuộc phải lớn lên trong gia đình người khác. Frank giờ đã lớn và sắp phải gia nhập quân đội. Liệu nó có sống sót được trong cuộc chiến tranh này? Người bạn gái khác của ông, Marieluise Fleiber, sau khi nghe ông báo tin là sẽ cưới Helene, đã bỏ việc và đi về Berlin. Còn nữ diễn viên Elisabeth Hauptmann, sau khi bị ông bỏ rơi, đã uống thuốc độc định tự vẫn, may mà cứu được. Khi đó ông cảm thấy mọi sự không quá bi thảm. Chỉ bây giờ, sau khi Margarete qua đời, ông mới thấy quá khứ ấy cực kỳ khủng khiếp. Cho tới trước thời điểm này, ông đã sống mà không hề nghĩ tới việc những người đàn bà từng được ông yêu quý cảm thấy thế nào sau khi bị ông bỏ rơi. Hóa ra là ông đã gây nên bao nhiêu đổ vỡ và phá hủy bao nhiêu số phận…

Brecht cảm thấy như mỗi ngày trôi qua trên đoàn tầu đang chạy khiến ông già đi thêm ít nhất là một tuổi. Helene không hề làm phiền ông bằng những hỏi han hay bày tỏ tình cảm nhưng luôn ở cạnh bên ông. Và hành trình đó đã khiến hai người lại gần nhau hơn cả mười một năm chung sống trước đó trong hôn nhân…

Những ngày ở Vladivostok trôi qua thật nhanh. Họ được nhận tiền – đó là tiền nhuận bút do Hội Nhà văn Liên Xô chuyển tới một ngân hàng địa phương, theo chỉ thị từ Moskva đã được chuyển đổi thành USD. Với số tiền đo họ có thể đủ sống vài ba tháng bên Mỹ, những người bạn Mỹ đã tìm giúp cho gia đình Brecht một căn hộ giá thuê phải chăng. Tiếp theo đó thì sẽ chờ vào vận hội, nếu không có đặt hàng từ nhà hát thì cũng có thể có công việc ở Hollywood…

Thực ra tại thời điểm đó, sân khấu ở Mỹ hoạt động yếu ớt. Hollywood hầu như không quan tâm tới Brecht. Trong những năm thế chiến, ông phải kiếm kế sinh nhai bằng những phi vụ lẻ tẻ và viết chủ yếu để vào ngăn bàn, chứ không hy vọng gì về việc được dàn dựng. Nhà phê bình và cố vấn cho sáng tác của ông là Helene Waigel, người luôn luôn tin vào thiên tài của chồng. Sau chiến tranh, Brecht được mời về CHDC Đức.

Và ông được giao cho nhà hát Berlin, nơi trước kia đã dựng kịch bản “Vở opera ba xu”. Brecht mang về một số kịch bản mới, tạo dựng nên vinh quang cho ông. Tiếp theo Đông Đức là hàng loạt nước khác đã dựng “Cuộc đời của Galilee”, “Vòng phấn Cápcadơ” và “Bà mẹ dũng cảm và những đứa con”. Brecht trở thành nhà soạn kịch lừng danh nhất, còn Helene Waigel là “nữ hoàng cảm hứng” của ông, nữ diễn viên số một của Nhà hát Berlin. Brecht được bầu làm Phó Chủ tịch Viện Hàn lâm Nghệ thuật, đứng đầu Pen Club, được trao giải thưởng Quốc tế Stlain. Các tác phẩm của ông được in tại Tây Đức với những khoản nhuận bút hậu hĩnh bằng mark CHLB Đức. Bên cạnh quốc tịch CHDC Đức, ông vẫn giữ lại cho mình quốc tịch Áo…

Brecht qua đời ngày 14/8/1956, ở tuổi 58. Sau khi ông mất, Helene Waigle mới hay biết rằng, ông đã định di chúc một phần thu nhập của mình cho những cô nhân tình mới – nữ thư ký, nữ diễn viên, nữ trợ lý đạo diễn. Waigel không trách cứ gì các cô gái nhưng cũng không chia cho họ xu nào. Chị cho rằng, tất cả những gì mà Brecht để lại, theo đúng luật pháp, phải thuộc về chị, về những người con và một phần là thuộc về Margarete Steffin, đồng tác giả của ông.

Becht đã giữ tấm ảnh chân dung Margarete trên bàn làm việc. Tấm ảnh đó được giữ ở nguyên đấy ngay cả khi ông đã mất…

Hoàng Oanh – Trần Thắng

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Nhà soạn kịch người Đức Bertolt Brecht: Một mình với hai phụ nữ

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO