Nhà thiết kế Phạm Hồng: Tự hào chất liệu Việt

Việt Quỳnh 25/01/2022 21:18

Trong suốt 14 năm làm thiết kế thời trang, nhà thiết kế Phạm Hồng luôn suy nghĩ về việc làm sao khai thác được các chất liệu của Việt Nam và làm thế nào để đưa các sản phẩm thủ công của bà con các dân tộc trở thành những thiết kế mang tính ứng dụng cao hơn.

Nhà thiết kế Phạm Hồng.

Vừa qua, những thiết kế của Phạm Hồng được giới thiệu trên tạp chí Poste của Nhật Bản.

Hay xem các sản phẩm thủ công của Nhật Bản, được sử dụng chất liệu vải lanh, vải cotton và nhuộm chàm, vẽ sáp ong mà những sản phẩm này rất được ưa chuộng, ứng dụng tốt và được đề cao trong đời sống văn hóa, Phạm Hồng nhận ra cũng tương đồng như cách bà con dân tộc miền núi phía Bắc nước ta, sử dụng vải chàm, vẽ hoặc thêu các hoa văn rất tinh xảo nhưng hầu như chỉ dừng ở việc bán cho khách nước ngoài làm đồ lưu niệm, còn đối với tính ứng dụng ở đời thường lại ít được đón nhận.

Bởi trăn trở về vấn đề này, Phạm Hồng đã đi nhiều chuyến xe, lang thang từ các tỉnh Cao Bằng, Lạng Sơn, Sơn La, Hà Giang, Lào Cai, Hòa Bình... Cứ nơi nào có nghề làm vải và nhuộm vải của bà con dân tộc là chị tìm đến để trao đổi và học hỏi.

Khoảng năm 2009, Hồng lên Hà Giang, nhờ bà con chỉ dẫn cách nhuộm vải rồi tự mày mò mua nguyên liệu về để tự nhuộm tại nhà. Những lần đầu chị làm không thành công dù vẫn thực hiện theo các cách được chỉ bảo. Bởi, việc nhuộm lạnh thì cần xử lý ra sao, nhuộm nóng cần xử lý thế nào rồi các chất xúc tác từ vôi, từ tro đun... Phạm Hồng vẫn còn lóng ngóng.

Tuy nhiên, cũng nhờ những lần nhuộm hỏng ấy, Hồng tự ghi chép và rút ra cho mình những kinh nghiệm. Đôi lúc làm đi làm lại mà không được như ý muốn, cũng có lúc chị thấy nản lòng và thừa nhận dệt nhuộm vải thủ công là một việc rất kì công và cần sự kiên trì, và cũng nhờ thế, chị càng thấy được giá trị của những tấm vải mà bà con dân tộc miền núi làm ra.

“Sau nhiều năm tìm tòi, tôi quyết định chọn hai màu nhuộm vải là màu chàm và màu củ nâu vì tôi nhận thấy chỉ với hai màu sắc xanh và nâu này với nhiều sắc độ khác nhau là đã quá đủ để làm nên những tấm vải đẹp và nguyên liệu lại khá phổ biến, dễ tìm nên linh hoạt hơn trong vấn đề mua nguyên liệu. Mãi tới năm 2017, tôi được một người bạn giới thiệu tới bản Pà Cò, thuộc huyện Mộc Châu, Sơn La để tìm nguyên liệu nhuộm vải vì địa điểm này cách không xa Hà Nội, là một bản của người Mông đen và ở đây, bà con vẫn giữ được nghề truyền thống trồng lanh dệt vải, trồng chàm nhuộm vải và vẽ sáp ong”.

Với Phạm Hồng, đó là cơ duyên khiến chị quyết định mạnh mẽ hơn trong việc thiết kế các sản phẩm vải chàm và vẽ sáp ong mang tính ứng dụng cao, được các khách hàng rất yêu thích, không chỉ khách hàng Việt Nam mà cả khách nước ngoài và khách hàng Nhật Bản khen ngợi. Được làm việc trực tiếp với sự giúp đỡ và chỉ dẫn nhiệt tình, sự chân tình mến khách cũng như sự gần gũi của bà con nơi đây khiến Hồng rất cảm động.

“Tôi nhớ như in ngày mới đặt chân lên đây, một ngày mưa phùn, gió bấc, đường vào bản trơn trượt, lúc đó là mùa đông, trời lạnh 1 độ C, tôi chỉ biết hỏi thăm tìm lên bản, cũng không quen biết ai”, Phạm Hồng nhớ lại và chia sẻ: “Duyên cớ sao tôi lại đi vào nhà của một bà cụ mà sau này tôi mới biết bà là một trong những nghệ nhân nhuộm vải và vẽ sáp ong lâu năm và có kinh nghiệm nhất ở đây, tôi chỉ biết đó là bà Song, người sau này đã chỉ dẫn tôi từng bước làm sao để nhuộm ra một tấm vải đẹp. Cầm cái bút vẽ sáp ong sao cho khéo để vẽ được đẹp. Rồi cứ thế, năm nào tôi cũng đi lên thăm bà, ngồi cùng bà bên bếp lửa, rủ rỉ tâm sự đủ thứ chuyện và cứ tủm tìm cười vì giọng tiếng Kinh pha tiếng Mông của bà, nhìn bàn tay nứt nẻ lúc nào cũng thâm đen vì màu chàm của bà mà xúc động”.

Đến lúc này, Phạm Hồng cũng không nhớ nổi có bao nhiêu khách hàng của chị đã mua những đồ mà chị thiết kế khách hàng giới thiệu cho bạn bè, người quen. Chị nhớ năm xưa ở Hà Nội, có những nhà may “chuồng chim chuồng cò”, ý chỉ những nhà may ngụ tại các khu tập thể hoặc trong ngõ ngách nhưng vẫn nườm nượp khách đến may đo, là bởi vì họ may đẹp, ưng ý nên khách vẫn chẳng ngại ngần mà leo mấy tầng thang bộ, có khi còn phải xếp hàng chờ đợi tới lượt vào may đo mà vẫn kiên nhẫn.

Trong bài viết trên tờ báo của Nhật, kể về quá trình Phạm Hồng xây dựng thương hiệu riêng của mình cũng như sự quan tâm tới việc tôi chọn những chất liệu tự nhiên, mộc mạc và mang đậm bản sắc của Việt Nam. Bài báo viết về Phạm Hồng, là một trong những người hiểu về giá trị của việc gìn giữ áo dài truyền thống cũng như việc sử dụng các chất liệu vải của Việt Nam từ vải cotton Nam Định cho tới vải bông của người Mông và cách nhuộm vải thủ công. Đồng thời, đề cập những gì mà Hồng trăn trở trong những năm qua.

Ngoài công việc là một người làm thiết kế thời trang, Phạm Hồng cũng hoạt động trong lĩnh vực sáng tác các tác phẩm nghệ thuật đương đại. Với bất kỳ hình thức nào, thì Phạm Hồng vẫn tâm niệm bám sát vào bản sắc, văn hóa và tính địa phương bởi vì nếu như không có tính địa phương hay văn hóa bản địa, thì các tác phẩm sáng tác sẽ như thiếu đi linh hồn. Đối với Hồng, điều thuận lợi khi sáng tác đó chính là văn hóa của Việt Nam rất phong phú, các chất liệu địa phương của chúng ta rất dồi dào.

“Nếu được đi khắp Việt Nam, tôi dám chắc rằng mỗi một vùng miền đã cho ta những chất liệu đa dạng và thực sự tuyệt vời, chỉ cần chúng ta trải nghiệm cuộc sống với người dân địa phương, chúng ta sẽ học được rất nhiều kiến thức từ dân gian.

Tôi luôn có một tâm nguyện sẽ càng có thêm nhiều người hiểu, trân quý và gìn giữ những giá trị văn hóa và bản sắc của người Việt Nam để chúng ta luôn luôn có quyền tự hào về những gì chúng ta có được. Tôi cũng rất hạnh phúc khi có những người bạn mặc những thiết kế của tôi đi ra nước ngoài và giới thiệu với bạn bè các nước như một sự kiêu hãnh khi một sản phẩm được làm hoàn toàn từ bàn tay của người Việt Nam chứ không phải từ những nguyên liệu nhập ngoại”.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Nhà thiết kế Phạm Hồng: Tự hào chất liệu Việt

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO