Nhà thơ Hoàng Nhuận Cầm: Thơ như là sống

Cẩm Thuý 05/05/2021 09:00

Vào cái buổi chiều định mệnh ấy - buổi chiều 20/4/2021, nửa tiếng sau khi những thông tin đầu tiên được đăng lên, rằng có một người thơ đã đột ngột qua đời, tôi nhìn thấy ngập tràn thơ được đăng trên mạng xã hội.

“Em thấy không tất cả đã xa rồi...”. Để khiến mạng xã hội, vốn ngày thường dửng dưng, lại có thể lên đồng post thơ trong một buổi chiều buồn, chỉ có thể là con người ấy - một thi sĩ sống và chết cho thơ - thi sĩ Hoàng Nhuận Cầm.

Có một ký ức chung, vốn bấy lâu ngủ quên, chợt hiện về sống động trong buổi chiều nhà thơ Hoàng Nhuận Cầm trút hơi thở cuối cùng. “Em thấy không tất cả đã xa rồi/ Trong tiếng thở của thời gian rất khẽ...”. Thực là kỳ lạ, thật là vi diệu, 2 câu thơ như chùm chìa khoá mở toang ký ức của hàng triệu sinh viên nhiều thế hệ. Ký ức về những tháng năm tuổi trẻ, nắn nót chép những dòng thơ trong nhật ký. Ký ức về những đêm, hàng nghìn sinh viên chết lặng nghe Cầm đọc thơ và nhiều người trong số họ, mang theo những câu thơ ấy trong hành trang ra trận và còn đi theo suốt cuộc đời: “Nỗi nhớ đầu xin nhớ về em/ Nỗi nhớ trong tim xin nhớ về với mẹ/ Nỗi nhớ chẳng bao giờ nhớ thế/ Bạn có nhớ trường nhớ lớp nhớ tên tôi..." Chỉ cần chạm nhẹ, vào buổi chiều người thơ ấy ra đi, ký ức lại ùa về... Để có một buổi chiều, thơ giăng giăng trên facebook. Chỉ có Hoàng Nhuận Cầm mới làm được điều ấy, bằng thơ. Hoàng Nhuận Cầm làm cho thi ca vừa thánh thiện vừa đại chúng. Chỉ có Cầm mới khiến nổi những đêm thơ Đại học Tổng hợp lừng danh một thuở có đầy đủ tín đồ như một đêm nhạc rock, suốt thời tuổi trẻ của anh và đến khi nằm xuống, anh vẫn khiến được thơ giăng kín mạng xã hội. Cả một nền thi ca đương đại, người làm được việc ấy chỉ có thể là Hoàng Nhuận Cầm!

Tôi ngồi xem lại những clip anh đọc thơ được lan truyền trên mạng những ngày qua. Tiếc là không còn một hình ảnh nào của đêm thơ Hoàng Nhuận Cầm thời tuổi trẻ. Nhưng trong những đoạn clip ngắn ngủi bạn bè còn giữ được gần đây, vẫn hình dung ra một giọng đọc thơ có một không hai, đầy nhiệt thành và tha thiết với thơ, trong một hình hài đã hầu như cạn kiệt mà nội lực ở đâu để những câu thơ vẫn cất lên được. Thơ như là sống!

Thời sinh viên chúng tôi đã được nghe nhiều giai thoại về anh. Đến khi đi thực tập ở các toà soạn báo thì hình ảnh quen thuộc thường thấy là thần tượng thơ Hoàng Nhuận Cầm gầy gò tong teo, lao như mũi tên vào một toà soạn nào đó, nói như bắn súng liên thanh với cô trả nhuận bút, hoặc với một người quen, bạn bè rồi lại rất nhanh lao đi.

Còn khi tôi về làm việc ở báo Đại Đoàn Kết thì Hoàng Nhuận Cầm là một cái tên quen thuộc, chả phải chỉ với tư cách một thi nhân, mà còn vì một trong những mối tình nổi tiếng nhất của anh thời sinh viên có gắn với người của toà soạn báo. Hoàng Nhuận Cầm yêu nhiều, trải qua nhiều đời vợ, nhưng những người biết chuyện đều kể lại đó là mối tình rất đẹp đẽ thời tuổi trẻ của họ. Một mối tình đã xuất hiện trong những câu thơ thuở ấy, dù với số đông công chúng yêu thơ, không phải ai cũng biết có những câu thơ đã vì sao mà ra đời như thế. Vào buổi chiều nghe tin Hoàng Nhuận Cầm qua đời, đột nhiên tôi đã rất nhớ chị, nàng thơ một thuở của anh Cầm. Giờ này chắc họ đã được gặp lại nhau ở cõi xa xôi nào đó rồi!

Hoàng Nhuận Cầm suốt đời là một nhà thơ sinh viên như lời tiên đoán của một giáo sư thuở đầu đời thơ anh hay đó là nhà thơ lớn hơn những bài thơ sinh viên? Phân định ra thế cũng chả để làm gì khi sự thật là thơ sinh viên hay thơ chiến tranh, thế sự thì cũng chỉ có ý nghĩa khi đó là thi ca đích thực, làm rung động hàng triệu trái tim người. Ở tiêu chí này, Hoàng Nhuận Cầm là ông hoàng của thơ tình sinh viên. Mà đâu phải chỉ dừng lại trong tư cách một ông hoàng, đời thơ Hoàng Nhuận Cầm đã lớn hơn thuở thơ tình sinh viên ấy, trong những mảng thơ khác. Chưa kể những bài thơ đau đớn, xót xa sau này thì chỉ riêng thơ anh viết về cái chết cũng đã thật đặc biệt rồi. Hoàng Nhuận Cầm luôn luôn có những giả định “nếu tôi chết” và viết về cái chết giả định đầy nhẹ nhõm, yêu thương, tha thiết với cuộc đời. “Nếu tôi chết - Hãy tìm tôi nhé/ Nghĩa trang mang tên xóm bụi đời/ Giấu mẹ nhé không thì mẹ mắng/ Nếu còn tiền mua rượu cho tôi...”

Hay thơ viết về bi kịch Mỵ Châu - Trọng Thuỷ mà hay đến thế này: “Lông ngỗng bay như số phận giữa trời/ Trọng Thuỷ đứng suốt đời không hết lạ/ Vệt lông ngỗng con đường tình trắng xoá/ Có ai hay thăm thẳm giếng không cùng...” thì ông hoàng thơ tình sinh viên đã làm nên một đời thơ không phải chỉ có thơ sinh viên dù ở mảng ấy anh đã ngồi ở ngai vàng.

Hoàng Nhuận Cầm không phải chỉ có thơ, mà ông hoạt động ở nhiều lĩnh vực trong đó đặc biệt là điện ảnh, viết kịch bản và cả đóng phim. Nhưng trên hết, thăm thẳm một đời người nhiều náo động của ông, vẫn là một người thơ đích thực, một tâm hồn cực kỳ thi sĩ, sống và chết dâng hiến trọn vẹn cho thơ.

Ngay cả cái chết, cũng được ông chọn cách rất nhẹ nhàng!

Người thơ ấy mang hình hài gầy gò nhỏ bé với những bước thở khó nhọc bay vào cõi nào đó xa xôi, để lại trần gian những câu thơ như chìa khoá vạn năng, chỉ cần chạm khẽ, cả một bầu trời ký ức lại hiện ra. “Có lẽ một người đã bắt đầu yêu…”.

Tốt hơn, đừng chết

Nếu tôi chết - Hãy tìm tôi nhé
Trời xanh như tất cả còn xanh
Xin đa tạ rất nhiều em gái
Cho mấy lần tôi được làm anh.

Nếu tôi chết - Hãy tìm tôi nhé
Một trưa nào như trưa mùa Thu
Chiến hào năm thằng lăn ra ngủ
Tôi giật mình - tiếng đại bác ru.

Nếu tôi chết - Hãy tìm tôi nhé
Một tối nào như tối mùa Đông
Chiều thứ bảy quán cà phê vắng
Chủ quán buồn, hỏi: Có buồn không?

Nếu tôi chết - Hãy tìm tôi nhé
Ái ân gì dưới đất phong phanh
Thuỷ, Lan, Hương, rồi Dương rồi Điệp
Những chuyện tình như súng liên thanh.

Nếu tôi chết - Hãy tìm tôi nhé
Nghĩa trang mang tên xóm bụi đời
Giấu mẹ nhé không thì mẹ mắng
Nếu còn tiền mua rượu cho tôi.

Nếu tôi chết
Tốt hơn, đừng chết!
Ai sẽ phục sinh Em... trong những tối không chồng.

Phương ấy

Đêm trong suốt áp ngực vào phương ấy
Gặp lại mùi cỏ cháy suốt thời trai
Ngôi sao rơi trên dãy kẽm gai dài
Cái vùng đất không tiếng gà cất gáy
Bao hăng nồng cỏ cháy rát hoàng hôn.

Là cái phương sao quá bồn chồn
Đón thư mẹ qua bảy vòng lửa khói
Vết thương đỏ, viên đạn thì sáng chói
Chiếc lá xanh kỳ lạ trút trong đời.

Tiếng mùa mưa hồn hậu đến bên tôi
Tiếng thương nhớ không lời trên tóc mẹ
Tiếng Tổ quốc trên môi khi đạn xé
Tiếng cuối cùng khi khẩu súng nắm trên tay.

Chỗ Hiến nằm - giờ trời trắng heo may
Chỗ Thi ngủ - bình minh rơi tím đất
Mặt trận xưa, đồng trưa đưa cỏ mật
Ơi chiến hào tha thiết tuổi hai mươi.

Cái chiến hào tha thiết ở trong tôi
Xanh thăm thẳm lưng đèo giao thừa tới
Người con gái cõng mình qua đạn xối
Tình yêu thầm, kín lại lối giao liên.

Là cái phương chưa rõ cả mặt em
Chưa khóc kịp bao bạn bè nhắm mắt
Là cái phương nấm mộ người giữ đất
Chớp bên đường như một ánh sao nâu.

Phương ấy dài ngút ngút Cà Mau
Nơi trắng sóng, lá rừng xanh ngắt ngắt
Ôi phương ấy ở đâu tôi cũng gặp
Hát vô bờ chữ Đất, lá cây ơi!

Phương ấy còn ở mãi trong tôi
Ngỡ nâng lấy tay mình, ngỡ như người biết nói
Phương ấy ơi! Suốt đời như dấu hỏi
Trên hai vai tuổi trẻ - trước chân trời.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Nhà thơ Hoàng Nhuận Cầm: Thơ như là sống

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO