Nghe tin nhà thơ Ngô Văn Phú rời cõi tạm, lục tìm cuốn băng thu âm gần chục năm trước, tôi bồi hồi nghe lại giọng kể nhỏ nhẹ của ông. Những đoạn băng ngày ấy, tôi vẫn còn lắng thấy tiếng xe cộ, tiếng người nói, cả tiếng trẻ con lẫn vào giọng kể như vọng về từ ký ức xa xăm.
Một lần gặp gỡ
Trong ý nghĩ của tôi khi bước vào nghề báo Văn nghệ là khi nhận đảm trách một nhiệm vụ mới, trước tiên tôi sẽ chọn tiếp xúc, làm việc với những nhà văn, nhà thơ có tác phẩm mà mình yêu mến, ngưỡng mộ. Vốn thích thú với những bài thơ như: “Mây và bông”, “Tí xíu”, “Chim ngói”, “Cỏ bùa mê”, “Trâu đồi”, một trong những cái tên thôi thúc bản thân tôi khai thác để viết thành câu chuyện là nhà thơ Ngô Văn Phú.
Biết tiếng khu tập thể Giảng Võ, Hà Nội báo động xuống cấp, không hiểu sao tôi cứ thầm nghĩ rằng những người sống ở đó thật là hiu quạnh, xưa cũ. Một nhà thơ có tuổi, sống đơn chiếc ở khu tập thể cũ kỹ, chưa gặp lần nào, trong tôi lúc đó tự dưng dậy lên chút niềm thương cảm. Với đồng lương eo hẹp ngày đó, tôi mua một gói trà búp loại thường tìm đến gặp ông.
Nhà thơ Ngô Văn Phú sinh năm 1937 tại xã Nam Viêm, huyện Mê Linh, tỉnh Vĩnh Phúc, ngoài tên thật ông còn lấy bút danh Ngô Bằng Vũ, Đào Bích Nguyên. Ngô Văn Phú tốt nghiệp Khoa Ngữ văn - Đại học Tổng hợp Hà Nội, là hội viên hội Nhà văn Việt Nam từ năm 1970. Ngoài 15 tập sách văn xuôi viết về lịch sử và danh nhân, các tập thơ tiêu biểu của Ngô Văn Phú có thể kể đến “Tháng năm mùa gặt”, “Đi ngang đồi cọ”, “Cỏ bùa mê”, “Âm thầm”, “Mắt mùa thu”, “Hoa trắng tình yêu”... Trong sự nghiệp sáng tác, ông đạt nhiều giải thưởng giá trị. Nhà thơ Ngô Văn Phú được trao Giải thưởng Nhà nước về văn học nghệ thuật năm 2012. Ông qua đời ở tuổi 85 vào ngày 24/10/2022 tại nhà riêng ở TP Phúc Yên (Vĩnh Phúc).
Mọi thứ, cả con người nhà thơ và căn hộ, có phần còn xưa cũ hơn những gì tôi đã hình dung. Nhà thơ Ngô Văn Phú gương mặt đầy đặn, đôi mắt hiền, khó đoán tuổi. Đó là một buổi chiều, nắng nhạt, trên bộ bàn ghế cũ, thấp, ông thuật lại cho tôi ghi âm câu chuyện ngọn nguồn đến với sáng tác.
Ban đầu nhà thơ nói một cách dè dặt, công thức nhưng rồi sau đó khi tôi hỏi đến cụ thể những sáng tác như “Chim ngói”, “Làng cọ”, “Cỏ bùa mê”, như sống lại trong ông những mảnh ký ức đã lâu không có người nhắc tới, tiếng cười dí dỏm, những biểu cảm khi thích thú, khi tiếc nhớ bắt đầu thi thoảng chen vào những lời kể chuyện.
Giữa phố phường ồn ã, ai còn biết tới một nhà thơ có tuổi đang ngồi tả về vẻ đẹp của cây cọ trung du, tả về mùa thu chim ngói bay về, nghe như truyện cổ tích. Khi tôi đóng máy ra về cũng là lúc nhà thơ Ngô Văn Phú bắt đầu sửa soạn bữa cơm chiều của một người sống đơn chiếc.
Chân dung một người thầy
Kể từ lần đó, tôi chỉ còn gặp lại nhà thơ Ngô Văn Phú trên tác phẩm. Là người phụ trách mảng nghiên cứu văn học cổ, tôi tình cờ đọc được những truyện ngắn lịch sử của ông. Truyện viết dung dị, dễ hiểu, đôi lúc có chất thơ nhưng bám chắc vào sự kiện, không “vung bút” như nhiều tác giả bây giờ.
Nghe tin nhà thơ Ngô Văn Phú qua đời, lục tìm cuốn băng thu âm gần chục năm trước, tôi bồi hồi nghe lại giọng kể nhỏ nhẹ của ông. Khi nghe lại những đoạn băng ngày ấy, tôi vẫn còn lắng thấy tiếng xe cộ, tiếng người nói, cả tiếng trẻ con lẫn vào giọng kể như vọng về từ ký ức xa xăm.
Tôi tìm đọc lại những bài viết về ông và đặc biệt chú ý tới những chi tiết trong bài của nhà thơ, nhà báo Trần Hoàng Thiên Kim, một bài báo chị viết đã gần 15 năm rồi. Sau này Thiên Kim còn có những bài viết khác về nhà thơ khi có dịp quay trở lại căn hộ tập thể Giảng Võ thăm hỏi ông. Tôi liên lạc với Trần Hoàng Thiên Kim và được chị kể lại những ấn tượng về nhà thơ, người mà chị vẫn gọi là “thầy”, người đã đứng lớp những bài giảng về công việc viết văn, làm thơ thuở Kim còn là sinh viên trường Viết văn Nguyễn Du.
Thiên Kim kể cho tôi về những bữa cơm chỉ một mình một bóng của nhà thơ “Mây và bông” với bìa đậu phụ luộc, vài con cá, mớ rau được nấu trong chiếc xoong cũ kỹ. Nhưng lao động sáng tạo của ông thì ngược lại, tinh tế, kỳ công, liên tục, ngay cả trong thời kỳ đảm trách những nhiệm vụ lãnh đạo các cơ quan văn nghệ chủ chốt.
Gần chục tập thơ, 15 tập truyện danh nhân và lịch sử, trong những năm tháng đẹp nhất, sung sức nhất của đời người, Ngô Văn Phú chưa bao giờ nhãng quên việc viết. Ông tiếp thu được cái uyên thâm trong truyền thống Nho học của gia đình, và sống hòa mình với quê hương trung du Bắc bộ. Ở trong con người ông vừa tồn tại cái phần tinh túy, sâu sắc vừa có cái tình mến thương, thuần hậu.
Cũng ngay sau khi có tin nhà thơ Ngô Văn Phú tạ thế, cây bút văn xuôi từ Sơn La - Kiều Duy Khánh đã đăng một dòng trạng thái trên Facebook kèm theo ảnh chụp hai bức thư viết tay của nhà thơ gửi cho anh từ năm 1999. Đã hơn 20 năm rồi, Kiều Duy Khánh giữ lại được những lá thư ố màu thời gian chứng tỏ một niềm trân trọng có thực.
Đó là thư phúc đáp của nhà thơ, lúc bấy giờ là người đứng đầu NXB Hội Nhà văn lừng lẫy gửi cho một cậu học trò vùng cao Tây Bắc heo hút, một người đã tìm thấy trong thư viện huyện, trót đọc và mê tập phê bình “Đến với thơ” của ông. Lời lẽ trong thư mộc mạc, chân tình, không khoảng cách. Kiều Duy Khánh đã khắc ghi những lời khuyên dạy đó và gắn bó với đam mê viết văn, gặt hái được những trái ngọt và anh gọi nhà thơ Ngô Văn Phú là người thầy đáng kính đầu tiên trên con đường sáng tác.
Những người bạn khác của tôi, tác giả Vi Văn Chôồng (bút danh Hữu Vi), người Thái ở Con Cuông (Nghệ An) hay cây bút văn xuôi Phạm Thanh Thúy cũng dẫn lại những bài thơ của nhà thơ Ngô Văn Phú, những “Trâu đồi” hay “Cỏ bùa mê” như một cách để tưởng nhớ một tác giả có những tác phẩm mà họ yêu mến, một chuẩn mực của thơ ca đích thực.
"Chất sống" luôn động cựa trong thơ
Nhắc đến nhà thơ Ngô Văn Phú, nhiều người hay nghĩ ngay tới bài thơ “Mây và bông”, một sáng tác với những câu như thể ca dao: “Trên trời mây trắng như bông/ Ở giữa cánh đồng bông trắng như mây/ Mấy cô má đỏ hây hây/ Đội bông như thể đội mây về làng”.
Bài “Trâu đồi” hay bài “Tí xíu” cũng được nhiều người thuộc vì xuất hiện trong sách giáo khoa Tập đọc thuở trước. Một đồng nghiệp của tôi hay nhắc bài “Cỏ bùa mê”. Cô từng có thời gian là biên tập viên ở Nhà xuất bản Tác phẩm mới, hàng ngày tiếp xúc với nhà thơ Ngô Văn Phú và biết ít nhiều về câu chuyện tình âm thầm cay đắng của ông.
Thì chính nhà thơ, trong cuộc trò chuyện ở khu tập thể Giảng Võ ngày ấy đã thừa nhận thời trẻ ông cũng yêu đắm đuối và sống chết vì yêu đó thôi. Cho nên mới ra “Cỏ bùa mê”: “Hẳn có bao người lên đến nơi/ Trăng non, cỏ ngát một phương trời/ Mỗi người chỉ được hái một lá/ Và bỏ riêng cho mỗi một người”, mới ra “Phố buồn”: “Yêu đến đỗi. Lòng cũng buồn đến đỗi/ Nói hoài rồi. Cần lắm phút lặng im/ Hơi thở nhẹ lẫn mùi hoa bối rối/ Dáng em đi, tóc xõa phủ vai mềm…”.
Riêng tôi, cứ mãi ám ảnh với hình ảnh: “những đàn chim ngói/ mặc áo mầu nâu/ Đeo cườm ở cổ/ Chân đất hồng hồng/ như nung qua lửa/ mang theo ngọn gió mùa đông bắc đầu tiên…” trong thơ Ngô Văn Phú. “Chim ngói” có thể nói là bài thơ hòa quyện được cả chất Đông và Tây trong thơ ông, một bài thơ được “tráng” qua cách diễn đạt hiện đại nhưng sâu thẳm cội nguồn thi tứ vẫn là “hương đồng”, “những cô gái làng tôi”, “những vụ mùa phong thu bát ngát”. Thử hỏi bài thơ sẽ đọng lại gì nếu thiếu đi những điều ấy, những hình ảnh ấy. Đọc lại Ngô Văn Phú, tôi nhận ra “chất sống” luôn động cựa trong thơ ông. “Chất sống” đã nhân lên từ đất đai, phong thổ dồi dào trong chính tâm hồn của một nhà thơ sống vô cùng lặng lẽ.
Nghĩ về nhà thơ Ngô Văn Phú, trong ký ức tôi bỗng hiện ra khung cảnh buổi chiều nhạt nắng, cảm giác về “ngọn gió mùa Đông Bắc đầu tiên”. Đọc lại bài thơ “Chim ngói”, cảm giác như ông đã gửi tâm sự của chính mình trong đó, tâm sự của người “đem tinh chất xa xôi từ những khoảng trời/ Về hòa với sức mỡ màu của đất”. Tâm sự kết thành tâm niệm mà người đã ra đi nhưng thơ vẫn còn đó giữa đời như “những vụ mùa phong thu bát ngát”.