Biết nhà thơ Nguyễn Quang Thiều khi đang là sinh viên khoa Văn, từng về quê nhà anh chơi, cùng dự Ngày hội thơ làng Chùa, sau khi ra trường, lại từng có thời gian được làm việc cùng anh, vậy mà gần 20 năm qua, tôi chưa từng trò chuyện, phỏng vấn để viết bài báo nào về anh. Cho đến ngày hôm nay…
PV:Tôi đọc tập thơ “Sự mất ngủ của lửa” của anh khi mới chập chững là cô sinh viên năm thứ nhất. Lúc ấy tôi chỉ có thể cảm giác, thơ anh mang vẻ mông lung huyễn hoặc kỳ lạ, và người đàn ông này, liệu đang có những bất ổn bên trong?
Nhà thơ Nguyễn Quang Thiều: Ai cũng mang trong mình một điều gì đó bất ổn, hay rộng hơn là sự bất trắc. Đó cũng chính là bản chất đời sống này. Sau mấy chục năm sáng tác, tôi nhận ra tôi đang đi trên một con đường đơn độc trong thế giới của ngôn từ, hình ảnh, suy tưởng. Sau khi cưới vợ được mấy năm, một đêm vợ tôi tỉnh giấc, khóc và nói rằng: “Nếu suy nghĩ của anh là một con đường thì em chỉ theo anh được một đoạn của con đường đó, còn sau đấy em không hiểu những gì đang diễn ra trong con người anh, hãy tha thứ cho em’’. Ngày ấy, tôi hay tỉnh giấc và đứng trên ban công đến gần sáng. Chị biết tôi đợi cái gì không? Tôi đợi một UFO từ đâu đó thẳm xa trong vũ trụ đến đón tôi đi. Tôi muốn biết trong vụ trụ mênh mông kia là cái gì. Tôi cảm thấy cuộc sống tôi đang sống lúc đó thật tù túng và hạn hẹp. Trí tưởng tượng của một nhà thơ thật kỳ lạ và cũng thật nguy hiểm. Đôi lúc trí tưởng tượng ấy đưa họ đi ra khỏi đời sống xã hội của mình. Và họ thường trở nên khác biệt một cách đầy hoài nghi với xã hội của chính họ.
Từ khi nào anh biết chắc rằng cuộc đời anh gắn liền với món nợ chữ nghĩa?
- Tôi là người bắt đầu viết rất muộn. Tôi viết trong các sổ tay thường có ghi là “sổ công tác’’ của cơ quan phát cho. “Tác phẩm đầu tiên” là một văn bản rất lạ: điếu văn. Năm 1980, cha tôi thay mặt cơ quan bay vào TP.HCM để làm lễ truy điệu một người đồng đội hy sinh tại chiến trường Campuchia. Một đêm ông thao thức không ngủ được. Cuối cùng ông hỏi tôi có thể viết cho ông bài điếu văn được không. Cha tôi cũng như nhiều cán bộ theo cách mạng trước năm 1945 chỉ được học bổ túc hết cấp 2. Chính vậy mà một điếu văn về một đồng đội hy sinh quả là khó khăn với ông. Tôi chưa bao giờ biết viết một bài điếu văn nhưng đã ngồi suốt đêm viết giúp cha mình. Bài điếu văn làm nhiều người dự tang lễ sau đó mấy ngày đã khóc. Nhưng chuyện đó chỉ thế thôi vì nó chẳng liên quan gì đến sự sáng tạo văn chương sau này của tôi. Cho đến khi tôi viết những câu thơ đầu tiên về một cô gái làng tôi mà tôi yêu mê đắm nhưng không thể đi tới hôn nhân. Rồi từ đó tôi cứ viết và viết lặng lẽ trong các cuốn “sổ tay công tác”. Một ngày, một người bạn mang về cho tôi tờ báo Sài Gòn Giải phóng. Trong đó có in một bài thơ thiếu nhi của tôi. Bạn tôi đã đọc các cuốn “sổ tay công tác” và đã lấy thơ tôi bí mật gửi cho tờ báo này. Và từ đó, tôi bắt đầu viết nhiều hơn và gửi thơ mình tới một số tờ báo.
Phải chăng mọi sự cũng bắt đầu ngấm vào máu thịt, từng tế bào, con tim và trí não anh, khi anh được sinh ra từ miền quê, đi một bước, người con làng Chùa cũng nghĩ ra được một câu thơ?
- Những người nông dân làng tôi có truyền thống làm thơ từ nhiều đời. Họ làm thơ về mọi điều trong cuộc sống. Hàng năm vào ngày hội làng là những người nông dân tổ chức thi thơ. Hương ước của làng tôi mở đầu: “Làng ta không phải làng trạng nguyên, bảng nhãn nhưng là làng hiếu học tự ngàn xưa. Làng ta lấy đức làm gốc và lấy thơ để truyền đức. Vào ngày hội làng, người làng ta đốt trầm đọc thơ. Mừng thay, mừng thay đất này sinh ra các thi sỹ’’. Một ngôi làng như thế thì làm sao tôi lại không yêu thơ và làm thơ. Đấy chính là con đường dẫn tôi đến với văn chương. Nếu tôi không có khả năng sáng tác văn học thì sinh ra trong một môi trường ngập tràn tinh thần thi ca như vậy tôi cũng sẽ trở thành người yêu văn chương.
Từ làng Chùa tinh thần đẹp đẽ ấy, tuổi thơ của anh với những ký ức muốn nhắc nhớ về, là những gì?
- Ký ức của tôi ngập tràn thiên nhiên và những số phận đặc biệt. Hồi tôi còn nhỏ, quanh tôi là một thế giới hoang dã cây cỏ, hoa lá, chim nuông. Chính thiên nhiên đã truyền vào tôi những âm thanh vang động của nó, những vẻ đẹp rộng lớn của nó và những bí ẩn kỳ diệu như cánh đồng, dòng sông, hồ nước, dãy núi, những cây cổ thụ, những ổ trứng chim treo trong các lùm cây, những con đường của lũ cầy hương, dái cá, chuột đồng, những cơn mưa, những mùa nước lên... Và thời đó, lũ trẻ sống trong một trí tưởng tượng vô tận thông qua thiên nhiên ấy và những câu chuyện đầy tính hoang đường của bà, của mẹ. Tôi có dự định viết một bộ sách gồm 3 cuốn về làng tôi hay nói đúng hơn viết về những gì còn đọng trong ký ức tuổi thơ của tôi. Tôi đã hoàn thành 2 cuốn và được NXB Trẻ ấn hành cách đây mấy năm: cuốn “Mùi ký ức” viết về những món ăn mà bà và mẹ cũng như người làng nấu cho tôi ăn thuở nhỏ. Cuốn thứ hai là “Cô gái áo xanh” viết những câu chuyện ma mà bà và mẹ đã kể cho anh em tôi nghe hồi nhỏ. Cuốn thứ ba sẽ là cuốn viết về những người làng đặc biệt. Tôi nghĩ đó là ba thứ cơ bản làm nên đời sống tinh thần của một ngôi làng Bắc bộ.
Cuộc đời anh xoay vần quanh những con chữ, từ thơ ca, đến văn xuôi, báo chí, anh có khi nào bị chính những con chữ ấy, cuốn anh vào những đam mê và cả hệ lụy của nó?
- Hệ lụy nhiều hay ít ai cầm bút cũng có nhất là khi ta viết về xã hội như một nhà báo tự do, trung thực và quả cảm. Ở Việt Nam, hầu hết các nhà văn đều viết báo hoặc làm báo. Tôi làm nhiều tờ báo và viết cho đủ loại báo. Sau này tôi lại quản lý một nhà xuất bản mỗi năm cấp phép khoảng 1.500 đầu sách. Chính thế mà sự hệ lụy không làm sao tránh khỏi. Nhưng niềm đam mê đã cho tôi sức mạnh đi qua mọi hệ lụy. Đối với những người sáng tạo, niềm đam mê thực sự là một sức mạnh phi thường. Không có đam mê không thể đi tới được bất cứ điều gì cả việc nấu một món ăn đơn giản. Thơ ca nói riêng và ngôn từ trong sáng tạo nói chung mê hoặc tôi và cuốn tôi đi. Ngôn từ của văn chương đặc biệt của thi ca là thứ mang tôi tới tận cùng tự do. Viết gì tôi cũng đam mê và tôi nhận thấy khi tôi ngoài 60 tuổi tôi vẫn sáng tạo đam mê như một chàng trai 18 tuổi. Đấy là hạnh phúc lớn của tôi.
Thơ của anh trước đây, kéo người đọc vào thế giới tâm tưởng cá nhân anh, những uẩn khúc chỉ có thể cảm được, nhưng cứ níu người ta vào sự hủy diệt từ vô minh nhưng lại tô điểm bằng sự tượng hình của thứ ngôn ngữ ma mị đẹp?
- Tôi viết báo, viết tiểu thuyết, truyện ngắn, phê bình, tạp văn, kịch bản phim, kịch bản sân khấu, dịch thuật… nhưng chỉ thơ ca mới tạo ra một thế giới riêng biệt nhất của tôi và chỉ của tôi mà thôi. Trong thế giới thi ca, tôi là tất cả. Và cũng từ đó con người tôi hiện ra tất cả.
Thực sự đằng sau mỗi tác phẩm, anh đang cảm thấy gì?
- Tôi đã từng đề cập đến điều này. Tôi luôn khuyên một số người viết sau tôi là hãy in những cuốn sách của mình. Vì sau khi một tác phẩm của chúng ta được in ra, chúng ta sẽ nhìn thấy nhiều điều cần điều chính ở tác phẩm tiếp theo và tôi cảm thấy một cuốn sách khác đang mở ra lớn lao hơn, quyến rũ hơn cuốn sách trước. Đối với một nhà văn, sẽ không có cuốn sách cuối cùng trong tâm tưởng họ. Chính thế mà viết là một chuyển động không bao giờ ngưng nghỉ. Một điều thực sự rằng: sau mỗi tác phẩm, tôi lại thấy mình nhỏ bé đi một chút. Khi một nhà văn càng dấn thân vào trang viết của mình thì anh ta càng thấy sự mệnh mông vô tận hiện ra và nhiều lúc nó làm cho anh ta hoảng sợ vì bất lực.
Ngôn ngữ của anh tuôn ra một cách tự nhiên từ cảm giác trái tim, hay bắt đầu từ ý thức xác lập tỉnh táo?
- Tôi nghĩ các nhà văn luôn bắt đầu tác phẩm của mình bằng cả hai con đường: cảm giác từ trái tim và ý thức tỉnh táo từ cái đầu. Cảm giác hay cảm xúc từ trái tim thúc đấy anh viết, còn ý thức là sự triển khai một cách khoa học sau đó. Nhưng cho dù chúng ta có một đề cương chi tiết đến từng trang cho một tác phẩm đang viết thì chúng ta luôn cần được chìm đắm trong cảm xúc khi viết. Văn chương là sự biến ảo kỳ lạ của cảm xúc. Vì thế, chẳng mấy khi chúng ta biết trước cái kết cuối cùng của một tác phẩm sẽ như thế nào, đặc biệt đối với các nhà thơ.
Khi đọc tác phẩm anh rồi, và khi gặp anh ngoài đời, một người lý trí, luôn tỉnh giác và khéo léo dẫn dắt tinh thần người khác…?
- Tôi không để ý đến điều này và cũng không xác định được rõ điều này lắm. Tôi cũng không hiểu rằng như thế sẽ tốt cho sự sáng tác hay là mối nguy hiểm cho sáng tác. Vì sự “tỉnh giác” quá như chị nói sẽ có nguy cơ giết chết tác phẩm. Cũng như khi đang yêu, sự tỉnh táo quá mức sẽ giết chết mọi thi vị của tình yêu. Nhưng nếu để ý, chị sẽ thấy tôi trình bày bất cứ một điều gì hay lĩnh vực gì cũng ngập tràn sự đắm mê. Tôi viết một cuốn sách về ẩm thực một làng Bắc bộ thông qua ẩm thực của làng tôi. Nhiều người thích cuốn sách này cho dù họ ít nghe đến những món ăn đó và cũng sẽ không bao giờ học nấu món ăn đó. Họ thích cuốn sách bởi ở đó toàn bộ tinh thần sống và các số phận được hiện lên run rẩy và đắm đuối qua từng món ăn. Tôi thực sự không có các kỹ thuật hùng biện, tôi chỉ là kẻ đắm mê đời sống và cất tiếng. Có lẽ đó chính là yếu tố rất quan trọng để kéo người khác vào cùng cảm xúc với mình chăng.
Làm thế nào để anh cân bằng được thế giới nội tâm trong anh bày tỏ từ tác phẩm, đến việc làm chủ được các diễn tiến của mọi sự xảy đến ngoài đời?
- Sự chân thành và nguyên lý sống của tôi. Những gì tôi viết trong tác phẩm không bất đồng với những gì tôi đối xử trong cuộc sống. Có lúc tôi đã hủy bỏ một tác phẩm nào đó khi nhận thấy đó không phải là những điều tôi nghĩ, tôi làm trong đời sống. Sống là trải nghiệm, viết là suy tưởng. Khi viết là lúc người ta suy tưởng về những gì họ đã sống. Điều này rất quan trọng vì nó dẫn đến sự thống nhất giữa trang viết và cuộc đời. Có người nhận xét về nhà thơ này hay nhà văn học rằng: giữa trang viết và cuộc sống của tác giả không như nhau. Nói vậy là một cách nói lười biếng. Nhưng nguy hiểm hơn cả sự lường biếng là cách xác lập bản chất của tác phẩm và bản chất đời sống của tác giả. Bản chất của tác giả là tư tưởng của anh ta chứ không phải là lối sống của anh ta.
Việc làm báo của anh, cũng thực sự tách biệt với các sáng tác của anh? Rất thông thái, rất tức thời và nắm bắt được tâm lý của người khác với thái độ sẵn lòng phục vụ những ham muốn bên trong ẩn kín hay hiển lộ của họ. Đó có phải lý do cho những thành công nghề báo?
- Hầu hết những điều gì tôi thích thì những người khác cũng sẽ thích. Nếu anh nói hay viết cái điều anh cảm thấy dửng dưng thì người khác cũng sẽ thấy dửng dưng. Đấy là một trong những bí quyết quan trọng nhất của nghề làm báo và viết báo. Một điều nữa là: ai cũng muốn biết sự thật, ai cũng muốn sự công bằng…Vậy thì hãy viết đúng sự thật đến mức có thể nhất và hãy công bằng với sự thật ấy. Lẽ công bằng là thứ thuyết phục xã hội nhất. Tất nhiên còn có những điều kiện phụ khác, nhưng điều cơ bản là vậy. Và một bí mật khác là một bài báo không phải là một thông tin đơn giản như cái gì, ở đâu, khi nào, ai, thế nào… mà trong bài báo ấy phải chứa đựng một trữ lượng văn hóa cần thiết. Trữ lượng văn hóa này sẽ đánh thức lòng trắc ẩn, lương tâm và gợi mở những suy nghĩ nghiêm túc với bạn đọc từ những sự kiện, vụ việc của đời sống mà nó dễ dàng trôi qua khi sang một ngày mới.
Dường như cuộc đời của anh, những gì anh làm đều có thành quả, đều đến đích của sự thành công và cả sự ngưỡng mộ từ bao người khác?
- Một bài thơ của tôi đã được dịch và in ở nhiều tạp chí thơ thế giới, được chọn vào những tuyển tập thơ hay của những nhà xuất bản lớn trên thế giới mà có lần báo chí Việt Nam đã đưa tin. Đó là bài thơ viết về những con bò. Bài thơ nói về những con bò đã cày những đường cày trên cánh đồng thế gian suốt cuộc đời của chúng. Chúng không quay lại để thỏa mãn những gì chúng làm được, chúng không than vãn hay đòi hỏi gì từ đời sống. Và đến một ngày, khi chúng cày xong đường cày cuối cùng thì những chiếc ách khoác trên cổ chúng tự tan biến và những con bò ấy hòa vào ánh sáng, thành ánh sáng và bay lên. Bài thơ nói về những con bò nhưng là để nói về một chân lý trong đời sống. Chúng ta hãy sống hết mình, đừng than thở, đừng trách móc, đừng đòi hỏi…và chúng ta sẽ tới được bến bờ của chúng ta. Nếu tôi có được chút gì đó thì nghĩa là tôi đã và đang sống trong nguyên lý đó. Tôi làm tất cả những gì tôi muốn làm, còn sự phán xét kết quả cuối cùng không phụ thuộc vào tôi. Xã hội sẽ nhận ra tất cả. Chúng ta không thể đánh lừa được đời sống này dù sớm hay muộn.
Sau tất cả những điều đó, cảm giác của tôi anh vẫn là một người đàn ông hạnh phúc trong gia đình, được sự yêu thương kính trọng từ bạn bè, một sự vẹn toàn được số phận vô cùng ưu đãi? Có lúc nào anh thấy cô đơn không? Và làm thế nào để thoát ra trạng thái lúc nào đó bỗng dưng trống rỗng?
- Gia đình và bạn bè là tài sản vô giá và có thực trong cuộc đời của tôi và tôi nghĩ của tất cả mọi con người. Nhưng không có gì vẹn toàn đối với một thi sỹ. Bởi thi sỹ là người luôn hướng tới một thế giới toàn hảo. Trong thơ tôi vẫn ngập tràn nỗi cô đơn khi tôi được sống trong sự yêu thương và chia sẻ của gia đình và bè bạn. Như vậy có phải nỗi cô đơn của tôi chỉ là nỗi cô đơn giả hay không? Không. Nỗi cô đơn ấy là có thật. Bởi thi sỹ là kẻ được/ bị chứa đựng nhiều kiếp người trong thế giới của anh ta. Nỗi cô đơn chỉ là một chỉ số về một giấc mơ lớn của con người thi sỹ chứ không phải là một sự thiếu hụt trong một cuộc sống thông thường. Làm thế nào thoát khỏi trạng thái cô đơn là một câu hỏi đã được rất nhiều người trên thế gian này trả lời và không có câu trả lời nào có đáp án cuối cùng. Nhà thơ Phạm Tiến Duật khi còn sống đã nói với tôi: “Để chống lại cô đơn là viết, nhưng khi viết xong một bài thơ, một đoạn văn, anh ta lại rơi vào cô đơn và cứ thế, cứ thế’’. Tôi thấy điều đó vô cùng đúng.
Làm thơ như vậy, rồi đến vẽ tranh. Tranh của anh đẹp từ màu sắc, bố cục đến ý tưởng… Tôi vẫn ngạc nhiên mãi vì sao anh lại có thể vẽ được như thế?
- Tôi không được học hội họa một ngày nào. Tôi vẽ cũng giống như làm thơ. Vẻ đẹp kỳ diệu của thiên nhiên, của đời sống đã cuốn tôi vào nhịp điệu khổng lồ của nó. Tôi trôi trong nó. Tôi để nó tự do cuốn tôi đi. Tôi chẳng bao giờ nghĩ tới trường phái, khuynh hướng, thể loại… Tôi không để mọi giới hạn của các lý thuyết giam cầm tôi. Cái tôi cần là tự do của cảm xúc và trí tưởng tượng chứ không phải là một bức tranh cụ thể.
Anh đến với hội họa như thế nào?
- Một người bạn tôi từ Cuba về và đã gửi toan và màu ở nhà tôi vì lúc đó anh ấy chưa có nhà. Một buổi trưa, tôi bước vào cái kho để toan và màu của bạn. Tôi quét một lớp màu vàng lên toan và tôi lặng người đi vì cái màu vàng ấy. Thế là tôi vẽ. Nhưng rồi tôi bỏ vẽ trong 8 năm liền vì nghĩ vẽ phải học mà tôi không học gì thì không nên bước vào. Nhưng rồi màu sắc, đặc biệt cái màu vàng tôi quét lên toan lần đầu như mối tình đầu đã không rời khỏi tôi. Và thế là tôi lại vẽ cho tới bây giờ.
Mỗi bức tranh, anh thực hiện ra sao?
- Lại giống như làm một bài thơ. Trang giấy trắng và chiếc toan trắng giống nhau. Hầu như trước toan, tôi chẳng biết mình vẽ cái gì, vẽ như thế nào. Nhưng tôi cứ chọn một màu nào đó mà tôi muốn và vẽ lên toan. Lúc đó, bức tranh bắt đầu xuất hiện và tôi vẽ. Nhiều lúc, trước khi định vẽ, tôi mang thơ mình ra đọc. Tôi phát hiện trong bài thơ ấy đã chứa đựng sẵn một bản nhạc, một bức tranh….và tôi vẽ trong cảm xúc của bài thơ, trong hình ảnh của bài thơ. Tôi vẽ hoàn toàn ngẫu hứng và đầy bản năng. Nếu còn trẻ tôi sẽ theo học vẽ.
Dường như với tranh, có thể giúp anh an hòa trong nội tại?
- Vẽ là một cách thiền, tôi thấy vậy. Viết vô cùng nhọc nhằn bởi người ta đọc chữ là hiểu ngay nghĩa của nó. Còn màu sắc thì không đơn giản. Có lúc dừng vẽ tôi thấy thời gian cả buổi sáng đã trôi đi lúc nào không biết. Khi vẽ chẳng có gì lọt vào con người mình. Chỉ có màu sắc, màu sắc và màu sắc. Hơn nữa hầu hết các bức tranh tôi vẽ đều dựng lên một thế giới thanh bình và lãng mạn. Và đúng như chị nói: tôi an hòa trong nội tại bởi khi vẽ những bức tranh.
Thời gian này, tâm tình của anh đang dồn vào thế hệ cháu qua sách trẻ thơ anh viết?
- Hai đứa cháu lúc này đang là “vua” và “nữ hoàng” của tôi. Và tôi hạnh phúc tột cùng được phục vụ “vua” và “nữ hoàng”. Tôi bị hai đứa cháu dẫn đi theo con đường của chúng. Và tôi biết về chúng như một niềm hân hoan không bờ bến. Tôi đã in cuốn sách đầu tiên cho hai cháu tôi. Tôi đã bắt đầu cuốn thứ hai. Nếu sức khỏe cho phép, tôi dự định viết bộ sách 5 cuốn cho hai cháu và về chúng. Nhưng tôi vẫn phải làm cùng một lúc nhiều dự án khác: triển lãm cá nhân cuối năm nay, ra mắt trường ca song ngữ (tôi tự dịch và một nhà thơ Mỹ hiệu đính), in tập ghi chép về những chuyến đi của tôi trên thế giới, xuất bản một cuốn tiểu luận… Tất cả những việc đó tôi phải hoàn thành trước tháng 10/2020.
Xin cảm ơn anh!