Tháng 4, nhà báo - nhà thơ Huỳnh Dũng Nhân từ TPHCM ra Hà Nội làm khách mời chương trình “Quán Thanh Xuân” của VTV và tranh thủ đi thăm Cột cờ Lũng Cú tại Hà Giang.
Trong chuyến đi, ông bị tai biến đột ngột, phải về Hà Nội cấp cứu tại Bệnh viện Bạch Mai hai tuần. Ông chia sẻ:
- Các bác sĩ bảo tôi bị phù não do biến chứng từ tiểu đường, may mà còn nhẹ. Nhờ các bác sĩ chữa trị tích cực tôi đã hồi phục khá tốt. Mọi người bảo bị đột quỵ thì nên đi cấp cứu ngay trong vòng 3 tiếng đồng hồ, nhưng tôi nghĩ ở Hà Giang không quen biết ai, nên cố theo xe về Hà Nội, mất cả ngày sau mới đến bệnh viên cấp cứu, ai nấy kêu trời kêu đất.
Sau khi ra viện, tôi về TPHCM, điều trị tại nhà. Sức khỏe đã tạm ổn, nhưng tay trái và chân trái vẫn yếu, hay bị co cơ đau cứng cả người. May mà còn tay phải cử động bình thường.
Trước khi bị bệnh, ông đang rất sung sức và nhiều việc làm còn dang dở?
- Trước khi bị bệnh mỗi tháng tôi vẫn có mấy chuyến đi tỉnh, vẫn làm việc ăn lương cho một đơn vị truyền thông. Vẫn in xong một tập thơ. Sau khi bị bệnh tôi phải bỏ dở một số bản thảo đang hoàn thành, phải hủy một số lịch giảng dạy. Và tất nhiên cũng phải ngưng việc hợp đồng làm việc bán thời gian. Coi như về hưu lần hai, về hưu tuyệt đối. Lần đầu tiên sau 40 năm công tác tôi không còn đứng chân ở bất cứ cơ quan đơn vị nào, không còn đảm đương bất cứ công việc gì nhiệm vụ gì, cảm giác ấy thật trống rỗng. Mỗi sáng ra tôi vẫn ngẩn ngơ ngồi một lúc vì không biết phải làm gì. Nhưng chính nhờ cái lúc “ngẩn ngơ” ấy, tôi xếp lịch làm việc trong ngày hiệu quả hơn.
Vào thời điểm dịch bệnh này thì sao, thưa ông?
- Tính tôi không thể ngồi im không làm gì được. Cái chân quen đi, cái đầu quen tìm tòi mọi thứ thông tin để nạp năng lượng. Trong thời gian giãn cách xã hội để chống dịch, điều tôi sợ nhất là buồn. Không ra khỏi bốn bức tường, không gặp ai, không trò chuyện giao lưu với ai, rồi cùng một lúc mất đi hàng loạt thói quen mỗi ngày. Bốn tháng liền không sờ đến cái mũ bảo hiểm, không cần đeo đồng hồ…
Khi bị đột quỵ, giữa lằn ranh sống chết, cảm giác, suy nghĩ của ông khi ấy là gì?
- Lúc đi cấp cứu tôi không nghĩ gì nhiều, chỉ nghĩ là phải cố chữa bệnh thôi. Sau nghe các bác sĩ nói về nguyên nhân bệnh tật, tôi mới biết mình vừa đứng cách Thần chết có mấy bước chân. Các bác sĩ khuyên “hãy lắng nghe cơ thể mình”. Chỉ sau này tôi mới nghĩ nhiều. Và tôi cảm thấy nếu phải chết khi còn sống, còn yêu, còn thích hoạt động viết lách thế này thật là uổng phí và cái sự biến mất của mình sau 66 năm cuộc đời này thật là vô lý. Nên bây giờ tôi luôn tận dụng từng phút từng giờ của cuộc đời để được sống cho đúng nghĩa.
Khi trở về TP HCM sau thời gian điều trị, ông lại trải qua 4 tháng giãn cách như thế nào?
- Khi về nhà điều trị, tôi lại trải qua một trận thử thách mới mà chưa bao giờ trong đời mình biết đến. Đó là bị cách ly trong nhà. Một ngày trôi qua như mọi ngày, đều như cỗ máy. Ăn, ngủ, uống thuốc. Làm thơ, tôi viết về những cảm xúc bất chợt xuất hiện trong đầu. Vẽ những gương mặt tôi thân thiết, ơn nghĩa, có ấn tượng, hoặc nhân dịp gì đó. Đôi khi cũng vẽ theo đơn đặt hàng của ai muốn tôi vẽ để
kỷ niệm. Chơi Facebook. Tập thể dục. Rồi lại ăn, ngủ. Vèo cái cũng hết 24 tiếng!
Viết thì tôi quen viết nhanh xưa nay rồi. Cũng tùy bài. Chừng mấy chục phút. Vẽ thì lâu hơn, chừng một giờ đồng hồ một tấm, tùy độ khó và tuỳ cảm hứng, tuỳ vẽ màu hay bút sắt bút chì… tuỳ lúc vẽ chờ cơm hay tuỳ lúc có thời gian dư dả. Trung bình mỗi tuần tôi có một, hai bài đăng trên báo. 17 ngày xem Olympic Tokyo tôi có 5 bài đăng báo. Mỗi ngày vẽ được 3 đến 4 chân dung tặng bạn bè. Vẽ chân dung ai cũng khá giống, trừ vẽ… vợ.
Ông đã làm những gì để tinh thần vẫn giữ thăng bằng?
- Tôi bị tai biến chủ yếu là bị yếu nửa người bên trái, đứng ngồi, đi lại khó khăn, chứ cái đầu thì tỉnh táo hoàn toàn. Ngay vài ba hôm sau tôi đã viết trên điện thoại, viết phóng sự hẳn hoi. Không viết bài thì viết Facebook. Tranh thủ lúc các bác sĩ không thăm bệnh mà viết. Rồi quen dần. Ngày nào các cô điều dưỡng cũng thích thú vào Facebook xem hôm nay tôi viết gì? Rồi các cô kháo nhau có ông bệnh nhân là nhà báo - nhà văn ở TPHCM suốt ngày viết với vẽ. Cứ thế nằm viện cũng đỡ buồn. Có tinh thần tích cực sẽ lấy lại được thăng bằng nhanh hơn. Giống như đi cầu thăng bằng. Không sợ té thì ít bị té hơn.
Chấp nhận với thử thách thực tế để vượt qua nó là lựa chọn của ông?
- Tôi vừa mới gượng dậy chống gậy tập đi trong nhà được thì lại gặp ngay đợt cách ly giãn cách xã hội. Muốn hay không tôi cũng phải chấp nhận thử thách của thực tế chứ. Một kẻ bị coi là mắc bệnh “thiếu không gian” kiểu nhà văn Nguyễn Tuân, thích xê dịch xưa nay mà giờ phải ngồi im quả là điều không chịu nổi. Nhưng chấp nhận mà không thụ động. Phải biến nguy thành cơ. Trong cái rủi có cái may, trong cái dở có cái lợi của nó, thí dụ như mình bỗng nhiên biến thành tỉ phú thời gian chẳng hạn. Tôi phải triệt để sử dụng thời gian rảnh rỗi ấy một cách hữu ích, thay vì ngồi than vãn. Tôi nghĩ cũng bị cách ly nhưng mình chưa khổ bằng nhiều người khác. Phải làm được điều gì đó bằng ngòi bút để có đóng góp với mọi người.
Đợt dịch này kéo dài và vẫn chưa biết ngày kết thúc, ông đang làm gì để đi qua những ngày tháng khó khăn này?
- Tôi có ý định tập tành để vẽ tốt hơn, và có một việc nữa là số hóa các tư liệu của tôi, tức là chụp lại toàn bộ ảnh cũ gửi tặng cho mọi người có liên quan. Tôi cũng đang soạn 2 tập bản thảo và một giáo trình để khi hết dịch là tung ra. Nếu không bị ở nhà do giãn cách, chắc gì tôi đã làm được những như thế?
Tôi có làm mấy câu thơ thế này:
“Mai hết dịch, trở lại nhịp sống thôi
Vẫn nhớ mãi những thiên thần áo trắng
Không nhận hoa tặng mình, mà tặng hoa cho người ra viện
Cô phóng viên khóc đọc bản tin vui.
Mai hết dịch, nhưng còn mãi tình người
Biết sát vai cùng vượt qua thử thách
Chưa hết nghèo lại vướng vào đại dịch.
Thắng trận này. Ta cười mà mắt cay”.
Hết dịch bệnh. Vui có vui mà buồn cũng còn nhiều. Dịch bệnh chắc còn dài nhưng cũng sẽ bị ngăn chặn thôi. Tôi tin như thế và vẫn lạc quan để cùng bạn bè tiếp tục viết, vẽ, và sẽ tiếp tục chăm sóc bản thân và gia đình cẩn thận hơn.
Liệu những ngày chưa từng trải qua trong cuộc đời này, sẽ là tư liệu viết cho ông?
- Ngay trong đợt cách ly do dại dịch, tôi đã viết cả văn, cả báo, cả thơ, có vài bài thơ được phổ nhạc… về đề tài chống dịch. Tôi không viết kiểu “đu trend” mà viết bằng tất cả những hiểu biết và trách nhiệm của tôi về cơn dịch kinh khủng này. Nếu sau này còn có dịp viết và còn sức viết chắc tôi sẽ không bao giờ quên những tư liệu ngồn ngộn tính chất lịch sử này. Thời đại tôi sống không ngừng có những chuyện lớn. Thời nhỏ tôi ở Hà Nội phải đi sơ tán tránh máy bay Mỹ ném bom thì sợ máy bay F105, giờ đại dịch Covid-19 thì… sợ bị F0
Xin cảm ơn ông!