Nhà thơ Thu Nguyệt: Ước mơ được sống thong dong

Việt Quỳnh 18/10/2021 10:00

Với các giải thưởng từ Báo Văn nghệ (Hội Nhà văn Việt Nam) năm 1998 - 2000; Giải thưởng Văn học của Hội Nhà văn Việt Nam năm 2000; Giải thưởng Văn học Nghệ thuật TP HCM năm 2000 - 2002… Thu Nguyệt, gương mặt thơ nữ có tiếng lại chọn lối sống rời xa huyên náo thị thành. Thời gian này, ở Bảo Lộc (Lâm Đồng), từ đôi bàn tay tưởng chỉ cầm bút, gõ phím, chị đang bổ từng nhát cuốc, xẻng, nhặt mỗi viên đá, xới đất trồng cây trên đồi cao, với nền đất cao lanh khô cằn để tự tạo “Vườn thiền Thong dong” riêng mình.

Thích núi rừng thiên nhiên, từ nhỏ nhà thơ Thu Nguyệt đã mơ ước được sống nơi núi rừng có nhiều cây to, suối mát, trảng cỏ bao la… với tay là khều được mây. Về Bảo Lộc, mua được mảnh đất, với chị là một cơ duyên khi đi tìm địa danh “Phương Bối am” của thiền sư Thích Nhất Hạnh và nhà thơ Nguyễn Đức Sơn.

Nhà thơ Thu Nguyệt theo đạo Phật và pháp môn thiền. Chị muốn có một nơi ở thuận tiện cho việc tập tu. “Trước là cho bản thân, sau nữa là chia sẻ cho mọi người cũng có được một góc không gian thanh tịnh, thích hợp cho việc tập thiền và thư giãn. Thong dong là mơ ước của tôi”, chị trải lòng.

Sinh ra và lớn lên ở Đồng Tháp, tuổi thơ của nhà thơ Thu Nguyệt gắn liền với đồng ruộng, mùa nước nổi và những ngày làm lụng trên đồng. “Tuy rất vất vả nhưng trong tôi không hề có khái niệm cực nhọc, tôi luôn thấy rất thích khi làm lụng với ba tôi”, Thu Nguyệt nhớ lại. Chị kể, thích nhất là những ngày kéo rơm phủ đất đốt đồng, những lúc chống xuồng như bay lướt trên cánh đồng mùa nước nổi…

Thiên đường tuổi thơ tôi là quê ngoại miệt vườn với những con đường rợp bóng cây xanh mướt, là khu vườn nhà ngoại sạch sẽ thơm mát đủ mùi hương cây trái trĩu cành…

Thu Nguyệt ảnh hưởng nhiều nhất từ ba. Tuổi thơ của chị không thân nhiều với bạn bè, mà bạn với sách. Văn chương, sách vở là nguồn ảnh hưởng chính đến tinh thần của Thu Nguyệt. Thời đó, chị không có nhiều sách để đọc. Lâu lâu được đi chợ, Nguyệt lượm từng mẩu giấy báo người ta gói ổ bánh mì, góp lại kết thành tập như những cuốn sách, đọc đi đọc lại rồi cất để dành ngắm nghía. Thích nhìn những con chữ, từ đó, chị biết tinh thần mình thuộc về văn chương.

Má của Thu Nguyệt là người yêu thơ. Tuổi thơ của chị được má ru bằng những truyện thơ dài còn hơn giấc ngủ. “Thấm đẫm tâm hồn như vậy, nên những gì tôi viết ra đầu tiên đương nhiên là dưới hình thức những câu thơ - kể chuyện”, chị chia sẻ.

Nhà thơ Thu Nguyệt cho hay: Thơ không phải là cái gì đó tách rời với cuộc sống trần trụi, mà nó là cách nhìn cuộc sống với thái độ và trí tưởng tượng, sự liên hệ và phát hiện tinh tế. Không có “thơ hàn lâm” hay “thơ bình dân”, thơ là sự lãng mạn tinh tế không dựa trên hay ảnh hưởng bởi đối tượng cảm xúc. Tôi yêu thơ và cảm thấy may mắn thú vị khi mình viết được những câu thơ.

Khi có đối tượng gợi những cảm xúc và sự suy nghĩ, cũng có lúc ấp ủ ý tưởng, tìm được cách thể hiện phù hợp thì nhà thơ Thu Nguyệt bắt đầu viết. “Sau này nếu tôi viết tiểu thuyết hay truyện dài… gì đó thì cách làm việc của tôi sẽ phải thay đổi, chớ giờ với thơ và những tản văn, tôi thường gác mọi việc lại để viết khi muốn viết. Khi được viết, cảm giác của tôi luôn thích thú và hài lòng”, chị nói.

Trước đây, khi sáng tác, Thu Nguyệt ghi lại những suy nghĩ, cảm xúc một cách trau chuốt, thể hiện cách nhìn sự việc bằng sự lãng mạn, tinh tế, chủ quan. Về sau, chị viết theo cách khách quan hơn, khi biết quan sát cảm xúc, nhìn nhận nó theo lẽ vô thường. “Cái mà người ta gọi là “tìm được” thật ra chẳng cần tìm, nó là sự thật hiển nhiên nhưng mình cứ lấp nó lại bằng sự vô minh. Cái “cõi tưởng” của mình làm cho thế giới rắc rối náo loạn thêm lên thôi, chớ hiểu qui luật tự nhiên rồi thì chẳng có cõi nào lạ hết. Tự mình tậu cho mình một cõi rồi vùng vẫy hỉ nộ ái ố trong đó thôi. Bởi vậy hồi đó tôi viết bài thơ “Cõi lạ”:

Trút tình vào chốn hư không
Ta như sợi chỉ đèo bòng treo chuông
Loay hoay giữa một con đường
Chuông không ai gióng mà buồn cứ ngân...”

Thu Nguyệt tâm đắc với lời bài hát của nhạc sĩ Trịnh Công Sơn: “Đi đâu loanh quanh cho đời mỏi mệt”. Chúng ta cứ đi loanh quanh mà hí hửng tưởng mình đang chinh phục dặm dài... Là người biết đủ với những thành quả nhỏ bé khiêm tốn đã đạt được, giải thưởng, hay người khác có đánh giá tác phẩm của Thu Nguyệt thế nào thì cũng không vì thế mà chị cảm thấy cao hay thấp hơn bởi thực chất khả năng ở đâu thì là ở đó. Giải thưởng cũng chỉ là sự đánh giá của một giai đoạn.

Thu Nguyệt tâm sự: Tác phẩm đi vào lòng người, sống mãi với thời gian mới là sự đánh giá tốt nhất cho một tác giả. Người ta cứ hay tranh cãi nhau thơ là “nghề” hay “nghiệp”. Thật ra, nghề nằm trong nghiệp và vì nghiệp mà có nghề. Ai xem thơ là “nghề” thì phải tự mình trau dồi cho giỏi để sống được với nghề, đừng đổ thừa hay đòi hỏi sự chiếu cố của xã hội. Đừng bắt thiên hạ sống theo quan điểm, nhu cầu của mình. Ai xem thơ là “nghiệp” thì hoan hỉ với chính mình trước, bởi những gì ta theo đuổi là do ở ta chớ chẳng ai bắt ép. Mỗi người phải tự dùng trí tuệ và sự cố gắng của mình để tồn tại và phát triển theo cách mình muốn, chứ không thể bắt xã hội phải theo cách của mình. Gieo gì thì gặt nấy, mình trồng một cây hoa hồng để ngắm mà đòi nó ra trái sầu riêng để ăn thì đâu có được. Và càng vô duyên hơn khi bắt mọi người phải yêu hoa, có nhu cầu thưởng hoa như mình. Làm người, có nhiều cách để sống và nhiều tầng mức sống. Sự lựa chọn và khả năng mỗi người khác nhau, không thể đổ thừa hay bắt xã hội phải có trách nhiệm với sự lựa chọn và khả năng của mình.

Với nhà thơ Thu Nguyệt, văn chương mang lại một tâm hồn đẹp và lấy đi của chị sự biếng lười suy nghĩ.

Năm 2006, mua được mảnh đất, nhà thơ Thu Nguyệt chuẩn bị nhiều thứ trong 12 năm cho đến ngày chị về hưu (năm 2018). Một tháng sau, chị Thu Nguyệt rời Thành phố về Bảo Lộc (Lâm Đồng). Là dân đồng bằng, đang sống ở thành phố, giờ một mình về nơi núi đồi xa lạ, nên đối mặt với nhiều khó khăn là đương nhiên rồi. Chị biết trước điều đó và xác định phải cố vượt qua.

Chị cho hay: Thật thú vị khi mình được sống trong khu vườn do chính mình gây tạo. Tự do và hợp ý. Việc sáng tác thì tùy duyên và cảm xúc thôi. Tôi chưa bao giờ có ý nghĩ là mình sẽ không viết nữa. Còn có viết được hay không thì thoải mái thôi, chẳng có kế hoạch dự định gì gay gắt. Tích cực và tri túc – tôi luôn phấn đấu sống như vậy.

Đặt tên “Vườn thiền Thong Dong” là nói lên mơ ước của nhà thơ Thu Nguyệt: được sống thong dong. Sau ba năm lập vườn thiền, chị chia sẻ, vẫn chưa được thong dong trọn vẹn. Việc vườn quá nhiều, chị lại không có khả năng tài chính để thuê nhiều người làm, công việc phải tự tay chăm sóc là chính. Nhưng may là chị đã được rèn luyện lao động, chịu cực từ nhỏ và khả năng quản việc chu đáo được thừa hưởng từ ba, nên chị đã có được những ngày tháng thật tuyệt vời ở đây. Những buổi sáng sương mù ôm lấy cỏ cây đồi núi, sau khi thắp mấy nén nhang cúi đầu ngưỡng Phật, tôi ra vườn, đi trong hoa cỏ vườn thiền, trong tiếng chim hót… nghe mùi thơm của sương, của hoa, nhìn đàn cá tung tăng giữa hồ…

“Đó là những giây phút tuyệt vời nhất mà tôi có được. Tôi mong luôn giữ được khu vườn thanh tịnh, xanh tươi, ngập tràn năng lượng tích cực. Tôi sẽ được sống bình yên, thong dong. Tôi cũng mong vườn thiền sẽ là một địa chỉ yêu thương. Tôi nghĩ điều đó mang lại lợi ích cho mọi người. Và đó cũng là chút đóng góp của tôi cho cuộc đời này”, nhà thơ Thu Nguyệt mong muốn.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Nhà thơ Thu Nguyệt: Ước mơ được sống thong dong

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO