Sinh thời nhà thơ Võ Văn Trực (1936-2019) luôn trầm lặng và sống với nỗi cô đơn bất tận. Ông ém tâm hồn mình vào những trang thơ. Trong cuộc sống chuyện của ông đau đáu hình ảnh quê hương và những người thân trong gia đình. Chính vì thế trái tim nhà thơ luôn dịu dàng ấm áp với nhịp điệu thân thương.
Những ký ức khắc khoải
Tôi nhớ có lần đi cùng ông về Bình Đà (Hà Đông cũ). Nói là về quê làm pháo và thêu ren làm ông mừng lắm. Ngoài hỏi han các cụ về những câu ca dao tục ngữ để ghi chép lại nhà thơ hay sục vào những ngôi đình chùa và đền thờ của làng. Thậm chí ông còn ra cả những miếu hoang gần bãi tha ma của làng. Nhưng rồi lát sau ông đứng lại thở dài và chép miệng dưới một cây đa bên quán đồng. Nhà thơ ngồi phệt xuống thềm quán rồi đọc mấy câu thơ: “Hỏi cây đa cũ đâu rồi/ Hỏi ngôi miếu cũ với lời thề xưa?/ Hỏi câu hát ví đò đưa?/Hỏi người áo trắng bây giờ nơi nao?”. Thì ra ông nhớ đến cây đa quê mình. Ở nơi đó đã mất đi những cây đa, cổng làng và cả mồ mả ông cha bị cày xới di chuyển để nhường đất cho những công trình xây dựng mới. Nỗi bàng hoàng đó hiện diện trong thơ ông như: “Một làng vui bỗng lạnh tựa tha ma/ Khi tiên tổ, ông bà không còn mộ/ Mồ côi đất đai và ngọn cỏ/ Lũ chim non khản giọng lạc bài ca”. Hơn thế, nỗi đau xé lòng khi ngôi mộ mẹ của nhà thơ cũng lưu lạc đến đâu cũng không rõ nữa. Thơ ông đã cất tiếng khóc than trong tâm trạng bất hạnh đắng cay: “Trên trần thế mười năm con phiêu dạt/ Đất nơi đâu cũng thấy mẹ đang chờ/ Hài cốt mẹ suốt mười năm lưu lạc/ Con đốt trầm lạy bốn hướng vu vơ” (Lưu lạc giữa quê hương).
Vậy là nhà thơ cứ đi tới mọi miền quê để viết bài cho báo và làm thơ vì nỗi nhớ quê hương da diết. Nhất là sau khi nhà thơ chuyển sang làm báo Văn nghệ từ năm 1978. Ông đi nhiều viết khỏe. Đặc biệt ngoài sáng tác nhà thơ Võ Văn Trực còn viết tới 12 cuốn sách về làng quê mình. Đó là những chân dung làng Hậu Luật (Diễn Châu-Nghệ An) của ông với nhiều góc cạnh văn hóa và lịch sử. Nào là “Truyện ma làng Hậu Luật”, “Truyền thuyết núi Hai Vai”, “Cố Bợ” hay như “Chuyện làng ngày ấy”, “Huyền thoại làng quê”...
Nhịp đập trái tim nhà thơ luôn thổn thức và yêu thương cánh đồng làng, bến nước sông quê. Vậy nên mỗi khi nghĩ đến những điều mất mát vì miếng cơm manh áo mà người ta phá làng nhà thơ lại bần thần trầm lắng: “Một khoảng trời bỗng hoang vắng cô đơn/ Khi cây muỗm đầu làng không còn nữa/ Lòng tôi bơ vơ cùng tiếng gió/ Thổi về đâu? Mây trắng dạt trời xa...” (Lưu lạc giữa quê nhà).
Mong manh số phận
Cuộc đời nhà thơ luôn gặp những bất trắc trong số phận. Do đó ông càng trầm lặng với nỗi cô đơn của mình. Nhiều mất mát chồng chất theo năm tháng. Ngoài những ẩn khuất xót xa về mẹ về quê hương nhà thơ còn gặp những điều cay đắng từ gia đình thân yêu của mình. Đầu tiên là người vợ tần tảo của nhà thơ đã sớm ra đi trong cơn bệnh hiểm nghèo. Đó là nỗi cay đắng của một người chồng khi nhìn vợ mình đang chết dần từng phần. Thật buồn đau cho hình ảnh nhà thơ luôn tự ví mình “Hồn tôi như thể trái cây”. Những câu thơ “mùa thu cứ lượn vòng quanh nỗi buồn” như vận vào đời ông. Nhà thơ đã đi tìm mẹ trong cõi lòng tan vỡ: “Con đi tìm dẫm nát cỏ đồng quê/ Nén hương thầm khấn mười năm không tắt lửa/ Mẹ nơi đâu? Xin hãy gọi con về” (Tìm mộ mẹ).
Vậy mà chừng sau dăm năm khóc vợ nhà thơ đã phải khóc con cũng theo mẹ về cõi vĩnh hằng. Cô con gái tài hoa mà ông thương quý cũng lâm trọng bệnh bỏ ông mà đi. Ông và con trai còn lại sống trong nỗi cô đơn thật khắc nghiệt. Khi ấy nhà thơ đã về hưu và đơn lẻ một mình một bóng với những câu thơ khắc khoải về nỗi nhân sinh cùng quê hương. Nỗi cô đơn của mùa thu bên kia dốc cuộc đời lại càng đem lại cho ông nặng trĩu tâm can. Ông đã viết: “Đêm lạnh tựa mồ hoang/ Thịt da chừng rách xé/ Nghe im lặng thét gào/ Cùng trái tim đập khẽ” (Với trái tim mình). Nhà thơ cũng đã bao lần vượt qua khỏi bóng tối đè nặng tâm can. Nhưng thời gian khắc nghiệt và những sự vấn vương còn lưu giữ trong tâm hồn. Nhà thơ mơ: “Biết tìm đâu biết tìm đâu/ Hồn ta nghìn trận gió gào đơn côi/ Nhỏ nhoi một mảnh vườn thôi/ Mà giông bão thổi một đời chưa tan” (Vườn bão). Ông gắng gỏi tìm niềm an ủi từ thiên nhiên và những nguồn thơ còn lấp ló trong số phận mơ hồ. Từ đó những câu thơ bừng lên: “Đêm qua mưa bão tơi bời/ Vườn còn sót một trái vui trên cành/ Quả vàng như một giọt trăng/ Thực đây mà cứ bàng hoàng như mơ!”. Nỗi cô đơn trong tâm hồn thi ca của ông càng ẩn sâu trong những nếp nhăn trên vầng trán và gương mặt gồ ghề đau khổ.
Gương mặt thi ca
Dường như thơ Võ Văn Trực được chắt lọc cùng với hình ảnh mùa thu. Một sắc thu đầy ẩn ức và trăn trở. Ông đã tâm sự: “Có mùa thu thôn dã đến cầm tay/ Dìu tôi bước ven bờ sông yên tĩnh” (Triền sông sau mùa lũ). Có thể nói nhà thơ Võ Văn Trực đã dồn nén tâm trạng bấn loạn của mình ẩn sâu trong những cánh thơ mùa thu. Khi thì là sự mất mát: “Hương vườn quả chín mong manh/ Mùa thu cứ lượn vòng quanh nỗi buồn” (Hồn tôi như thể trái cây). Có khi lại là niềm trăn trở về nhân tình thế thái. Hoặc sự giày vò của lương tâm. Mùa thu đã làm thăng hoa tinh thần ngỡ như ngập lụt trong những nỗi đau mà ông phải gánh chịu. Bài thơ “Thu về một nửa” là bức điêu khắc đậm nét về chân dung thơ trữ tình của Võ Văn Trực. Bạn bè thơ chúng tôi lúc đó ai cũng thuộc ít nhất một khổ thơ trong thi phẩm này. Nhất là câu: “Anh cầm trên tay tiếng hót chim khuyên/ Đang đọng lại ngọt lừ trong quả chín/ Một nửa quả mùa thu chưa kịp đến/ Còn mịn xanh trong sắc vỏ bồi hồi”. Quả là hồn thơ tươi trẻ lãng mạn tạo nên nét ảo mộng trong hình ảnh của dòng thơ thập niên 90. Bài thơ còn có khổ kết đắc địa và tạo ấn tượng kỳ thú khi nhà thơ viết: “Anh vội vàng đi hết lòng anh/ Mà thu đến cứ ngập ngừng trước cửa/ Anh muốn hóa chim ngàn bạt gió/ Gọi thu về trọn vẹn giữa chiều nay”.
Đâu đó người đọc luôn bắt gặp những thi ảnh mùa thu xuất hiện trong những thi phẩm của nhà thơ. Chúng bao giờ cũng đem lại cảm giác cân bằng và an ủi cho những hiện thực đầy cam go mà nhà thơ đề cập đến. Đó là những “Chiếc lá nhuộm bóng chiều vàng chút nắng/ Bay vào đêm. Thu rộng đến vô cùng” (Triền sông sau mùa lũ). Hay hình ảnh thu đã ẩn sâu trong một khu vườn cây xanh mát: “Sau lưng em trĩu vườn thu quả ngọt/ Lá rải vàng như những dấu môi hôn” (Vườn thu). Và còn đâu đó nỗi thu vương vấn trong bài thơ “Trăng Tây Hồ” với những câu thơ tràn ngập không gian vàng ánh trăng: “Trái tim tôi như hồ rộng trong veo/ Êm ái bọc màn sương thu dịu mát”. Vâng cứ thế vầng trăng, mây thu và lá vàng luôn bay vào thơ ông.
Đặc biệt sáu câu thơ trong thi phẩm “Đêm cuối thu”, cho dù nhà thơ viết trước đó nhưng nó lại hiện lên như tiếng than cuối cùng của nỗi cô đơn trong những ngày cuối đời, khi ông nằm trên giường bệnh. Những câu thơ sống động theo thời gian và đem lại dấu ấn thi ca Võ Văn Trực. Người đọc đón nhận nó với nỗi niềm chia sẻ thật đẹp về một đêm thu với “Tiếng mèo kêu xé ngang đêm” để vượt qua “Chuyện đời bao nỗi đục trong/ Câu thơ cháy đến tận cùng buồn vui”. Và, cuối cùng thật khó quên hình ảnh: “Mảnh trăng rụng xuống bên trời/ Mùa thu đã chết tuyệt vời trong tôi”. Ông đã ra đi trong nỗi cô đơn tuyệt vời với mùa thu. Những câu thơ ấy sẽ sống mãi với thời gian.
Nhà thơ Võ Văn Trực sinh năm 1936, tại làng Hậu Luật, xã Diễn Bình, huyện Diễn Châu, tỉnh Nghệ An. Ông tốt nghiệp Trường Đại học Tổng hợp (1961) sau đó về làm ở Bộ Ngoại giao. Một thời gian sau, ông xin chuyển về NXB Thanh Niên; đến năm 1977 nhà thơ Võ Văn Trực chuyển về báo Văn nghệ, sau đó được đề bạt Phó Tổng biên tập. Ông về hưu năm 1999.
Nhà thơ Võ Văn Trực đã xuất bản 14 tập thơ và trường ca; 16 tập truyện ngắn và tiểu thuyết; 12 cuốn sách về văn hóa văn nghệ dân gian, về quê hương Nghệ An.
Ông đã được nhận 6 giải thưởng văn học do Hội Nhà văn Việt Nam, Hội Văn nghệ Hà Nội và Bộ Giao thông Vận tải trao tặng.